Sự đặc biệt là ở chỗ, đã ở tuổi nghỉ hưu, tôi mới bước “vào nghề”; và đặc biệt vô cùng, đó là được tiếp xúc, trực tiếp phỏng vấn nhiều nhân vật nổi tiếng trong giới khoa học nước nhà; được làm việc cùng các bạn trẻ trong một môi trường nhân văn, nền nếp – đổi mới, qua đó tôi cảm nhận, thấu hiểu sâu sắc được những đóng góp đặc biệt mà nhà khoa học đã cống hiến cho đất nước, cho cộng đồng. Và đặc biệt đến ngỡ ngàng về ý tưởng xây dựng lên Trung tâm văn hóa này lại là những thầy thuốc đang hết lòng vì người bệnh.
Bỡ ngỡ “vào nghề” khi trở thành cộng tác viên của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam năm 2009, nhưng rồi tôi bị cuốn hút, say mê qua từng khái niệm về di sản, điền giã, phỏng vấn, giới thiệu, trưng bày, phát huy di sản… Những buổi giao ban, sinh hoạt chuyên môn dưới sự chủ trì của Giám đốc chuyên môn – PGS Nguyễn Văn Huy, với tôi là những buổi lên lớp đầy hứng khởi, bổ ích bởi thu hoạch biết bao kiến thức mới về bảo tàng, về di sản… Rồi những buổi cùng các nghiên cứu viên trẻ của Trung tâm gặp gỡ, phỏng vấn nhà khoa học, như GS Vũ Khiêu, gia đình GS Đặng Văn Chung, GS Lê Thi, GS Nguyễn Văn Hiệu, GS Hà Minh Đức, PGS Nguyễn Thị Trâm… Và đặc biệt là những buổi được làm việc cùng chị Võ Ngọc Lan – người đã đồng hành trên từng bước đi của Trung tâm, những buổi phỏng vấn PGS Nguyễn Văn Huy và GS Nguyễn Anh Trí – hai cây đại thụ, trụ đỡ vô giá của Trung tâm Di sản từ ngày mới thành lập, tất cả đã để lại trong tôi ấn tượng vô cùng sâu sắc, đầy trân trọng và ngưỡng mộ.
* * *
Tôi không thể quên sự chỉ dẫn, những quan điểm của PGS Nguyễn Văn Huy trong một buổi phỏng vấn ông về “Nghệ thuật trưng bày bảo tàng”. Phân tích, minh chứng rất phong phú về vấn đề Trưng bày bảo tàng trong nước và quốc tế, ông kết luận: Bảo tàng phải là tổng hòa của các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, khoa học, đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao từ những chi tiết nhỏ…, đồng thời nhấn mạnh: Nghệ thuật trưng bày bảo tàng chính là sự kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa Khoa học, Nghệ thuật và Công nghệ.
Có thể nói, PGS Nguyễn Văn Huy là con người của những ý tưởng, đồng thời ông là nhà thiết kế, tổ chức thực hiện tài ba, có sức hút và sức lan tỏa. Bằng tư duy sáng tạo và những trải nghiệm khoa học, tinh tế, ông đã đóng góp hiệu quả trong hoạt động của nhiều Bảo tàng trong cả nước nói chung, và chỉ đạo chuyên môn, Trưng bày của Trung tâm Di sản nói riêng.
Là người nổi tiếng trong lĩnh vực Bảo tàng học, song ở ông toát lên sự thân thiện, cởi mở. Đặc biệt, ông là người luôn xắn tay làm việc, với một triết lý rất giản dị: “Làm để còn học”. Ông là tấm gương “học suốt đời”.
Thầy Nguyễn Văn Huy trực tiếp gỡ băng Phỏng vấn cư dân một khu Tập thể,
được xây dựng từ những năm 60 tại Hà Nội
Có lẽ tôi là người may mắn đã cùng nghiên cứu viên Trần Bích Hạnh (nay là GĐ Trung tâm Di sản) thực hiện buổi phỏng vấn đầu tiên GS Nguyễn Anh Trí. Xoay quanh chủ đề niềm đam mê, nhiệt huyết với nghề, và những ý tưởng độc đáo của ông, chúng tôi rất ấn tượng khi được ông chia sẻ, bộc bạch: “Với tôi, được rèn luyện trong gian khó là một điều may mắn”. Từ sự rèn luyện, ham học hỏi của một sinh viên Y khoa đến khát vọng cống hiến và tấm chân tình của một nhà y học đã làm lên tên tuổi GS Nguyễn Anh Trí.
Thương hiệu MEDLATEC mà GS Nguyễn Anh Trí khai sinh, mở lối, đã trải qua 25 năm xây dựng và phát triển vượt bậc. Từ một Phòng xét nghiệm khiêm tốn, nay đã trở thành một Tập đoàn về Y tế với nhiều ngành nghề liên quan. Và với cơ sở vật chất, trang thiết bị và công nghệ xét nghiệm ngày càng tiên tiến, hiện đại, cùng đội ngũ y bác sĩ chuyên sâu, MEDLATEC đã trở thành địa chỉ tin cậy của nhân dân nhiều địa phương trên cả nước.
Đồng thời, cũng rất giản dị với cả tấm lòng biết ơn, tri ân thầy cô, những bậc tiền bối, GS Nguyễn Anh Trí đã có ý tưởng xây dựng một Trung tâm văn hóa – lưu giữ di sản của các thế hệ nhà khoa học. Theo sáng kiến đó, Trung tâm Di sản và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam (MEDDOM) đã ra đời và phát triển mạnh mẽ. Trên chặng đường hơn một thập kỷ, MEDDOM đã gặt hái nhiều thành công, được xã hội, giới khoa học ủng hộ và ghi nhận.
GS.TS Nguyễn Anh Trí trao đổi về các hoạt động tại Trung tâm Di sản, ngày 9-9-2020
Bằng nhiệt huyết, tất cả vì nghề, trách nhiệm với nghề và với bản lĩnh, tầm nhìn của một nhà quản lý, GS Nguyễn Anh Trí đã trở thành vị thuyền trưởng tài năng, chèo lái con tàu – Tập đoàn MEDLATEC vượt qua sóng gió, đạt được những mục tiêu kỳ vọng. Đặc biệt, trên cương vị Đại biểu Quốc hội, ông đã hết lòng phụng sự đất nước, vì hạnh phúc con người.
Khi hỏi bí quyết của những thành công, GS Nguyễn Anh Trí chia sẻ: “Đơn giản vì tôi yêu nghề, yêu cuộc sống, yêu đất nước này; bên tôi có những người thầy giỏi, những người bạn tốt, và rất quan trọng – tôi có một gia đình hạnh phúc, đó là nguồn động viên vô giá”.
* * *
Những kỷ niệm trên chặng đường đã qua thật đáng trân trọng, tự hào. Chặng đường phía trước, với nhiều cơ hội và thách thức đang chờ đón chúng ta. Song trong mọi hoàn cảnh, với năng lực quyết sách của Ban lãnh đạo, sự đồng lòng của cả hệ thống, chúng ta tin tưởng rằng Tập đoàn MEDLATEC nói chung, MEDDOM nói riêng sẽ vượt qua mọi trở ngại khó khăn, nắm bắt thời cơ tiếp tục gặt hái những thành công đích thực, góp phần xây dựng đất nước, vì cộng đồng xã hội.
Mai Phi Nga