Ký ức về bộ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh đầu tiên

Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu văn hoá nhân loại. Từ Đại hội VII (1991), cùng với chủ nghĩa Mác – Lênin Trung ương Đảng quyết định lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho mọi hành động. Trung ương Đảng xác định hai nhiệm vụ cần triển khai: giao cho Học viện Khoa học xã hội Nguyễn Ái Quốc[1] (gọi tắt là Học viện Nguyễn Ái Quốc) thành lập bộ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh và Viện Mác – Lênin thực hiện đề tài khoa học về tư tưởng Hồ Chí Minh. Khi đó, tôi được Giám đốc học viện Nguyễn Đức Bình và Phó giám đốc Đỗ Nguyễn Phương gọi lên: Ông quen nhiều giảng viên bên trường Đại học Tổng hợp Hà Nội thì giới thiệu một số thầy có thể làm trưởng bộ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh cho Học viện. Tôi liền giới thiệu PGS Lê Mậu Hãn – nguyên Chủ nhiệm khoa Lịch sử, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và GS Vũ Dương Ninh[2] – Phó chủ nhiệm khoa Lịch sử trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và cả ông Đàm Đức Vượng – Viện phó Viện Hồ Chí Minh thuộc Viện Mác – Lênin – Hồ Chí Minh. Đến tháng 4-1993, ông Bình và ông Phương lại gọi tôi lên và nói rằng: Học viện không mời ai về làm trưởng bộ môn cả, anh phải sang phụ trách!. Thấy vậy, tôi rất lo lắng và tỏ ý khước từ, bởi tôi mới được anh em tin tưởng bầu làm Trưởng khoa Lịch sử Đảng, dù chưa có quyết định chính thức nhưng tôi sang khoa khác sẽ mang tiếng là bỏ học trò. Dù vậy, trước sự kiên quyết của Ban Giám đốc, tôi đành phải nhận làm trưởng bộ môn với điều kiện để tôi tự lựa chọn cán bộ.

PGS.TS Nguyễn Bá Linh

Ngày 2-6-1993, Phó giám đốc Đỗ Nguyên Phương ký quyết định số 341/QĐ giao cho tôi phụ trách bộ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh. Ngay sau đó, tôi bắt đầu tập hợp đội ngũ cán bộ giảng dạy và biên soạn giáo trình cho bộ môn. Tôi mời một số cán bộ trẻ ở các khoa khác của Học viện về bộ môn: Nguyễn Khánh Bật[3] ở khoa Quốc tế và 4 cán bộ của khoa Lịch sử Đảng là Hoàng Trang[4], Phạm Văn Bính, Nguyễn Văn Hữu cùng một người khác. Ngoài ra, tôi mời thêm hai giảng viên là Bùi Đình Phong[5] và PGS Ngô Đăng Tri[6] ở khoa Lịch sử, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nhưng vì lý do sức khỏe nên ông Tri từ chối.

Bộ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh của Học viện Nguyễn Ái Quốc chính thức được thành lập. Tôi giao cho các cán bộ trong bộ môn nhiệm vụ chuẩn bị văn phòng, cơ sở vật chất cho việc giảng dạy, còn tôi tập trung biên soạn giáo trình. Tôi lên gặp Giám đốc Nguyễn Đức Bình và ông Đào Duy Tùng – Chủ tịch Hội đồng trung ương biên soạn sách giáo khoa quốc gia, để xin phép biên soạn giáo trình. Tôi trình bày rằng: Các khoa khác có thể sử dụng tài liệu của Liên Xô và Trung Quốc để giảng dạy, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ có ở Việt Nam nên chúng ta cần tự biên soạn tài liệu giảng dạy. Ông Đào Duy Tùng rất ủng hộ ý kiến này và đồng ý gửi bản thảo cuốn sách “Tư tưởng Hồ Chí Minh: Một số nội dung cơ bản” do tôi biên soạn lên Hội đồng để duyệt và in ấn. Đến năm 1994, cuốn sách được xuất bản, gồm 9 chương. Khi đó, ông Phạm Thành là thư ký Hội đồng biên soạn sách giáo khoa quốc gia đã phê bình tôi: Ông là thành viên của ban biên tập sách giáo khoa quốc gia, sao anh lại viết giáo trình riêng? Tôi trả lời rằng: Học viện giao cho tôi làm trưởng bộ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh, không có giáo trình thì tôi không giảng được nên tôi phải viết. Hơn nữa, bây giờ tôi viết giáo trình thì sau góp ý cho giáo trình chung càng dễ hơn, sau đó ông Thành không phản đối nữa. Tôi đã dành toàn bộ sự nhiệt huyết, kính trọng của mình với Bác để biên soạn cuốn giáo trình đầu tiên này về tư tưởng Hồ Chí Minh. Tuy cuốn sách có thể chưa hay lắm nhưng nội dung không sai, thậm chí có những vấn đề dám nói đúng sự thật hơn bây giờ, đặc biệt là vấn đề xây dựng Đảng. Sau này cuốn sách được sử dụng làm giáo trình chính để giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh cho cán bộ cao cấp ở nhiều tỉnh khác nhau.

Bản quyết định giao nhiệm vụ cho PGS.TS Nguyễn Bá Linh

 phụ trách bộ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh

Trong buổi dạy đầu tiên tại phân hiệu II của Học viện ở miền Nam, tôi mời Đại tướng Võ Nguyên Giáp vốn là người rất thân thiết với Bác đến nghe giảng và góp ý. Lúc đó không chỉ Đại tướng mà cả vợ và thư ký của Đại tướng đều cùng đến nghe. Tôi phụ trách giảng 6 chương, còn lại 3 chương do các giảng viên Bùi Đình Phong, Nguyễn Khánh Bật và Hoàng Trang giảng.

Sau khi nhận công tác một thời gian tôi mới biết lý do có thể khiến Ban Giám đốc chọn mình làm trưởng bộ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh. Thứ nhất, vào khoảng tháng 10 – 1990, Liên Xô tổ chức hội thảo khoa học kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Giám đốc Nguyễn Đức Bình được cử làm trưởng đoàn, ông Đặng Kim Thành (Trưởng khoa Lịch sử Đảng) làm phó đoàn sang tham dự hội thảo. Ông Bình gọi tôi lên và giao nhiệm vụ viết một bài về Chủ tịch Hồ Chí Minh để ông trình bày tại hội thảo quốc tế đó. Tôi chưa từng viết bài tham gia hội thảo quốc tế nên cảm thấy rất lo lắng. Hôm đó là thứ 7, tôi về nhà nói với con gái rằng: Bác Bình giao cho ba nhiệm vụ viết một bài tham gia hội thảo quốc tế, con đi mua cho ba hai quả trứng vịt lộn để bồi dưỡng. Sau đó, tôi đã thức trắng đêm để viết, đến sáng hôm sau thì hoàn thành bài “Sự thống nhất giữa giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp trong đường lối cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh” và gửi cho ông Nguyễn Đức Bình. Sau đó, phía Liên Xô cử một đồng chí Ủy viên Bộ chính trị Liên Xô thay trưởng đoàn cũ, nên Việt Nam cũng cử Ủy viên Bộ Chính trị Đào Duy Tùng làm trưởng đoàn, ông Nguyễn Đức Bình là phó đoàn. Trong một cuộc họp tại Học viện trước khi đi tham dự hội thảo, ông Bình khen tôi có một bài tham luận rất hay, nên ông Tùng đề nghị tôi đi cùng. Đoàn sang Liên Xô bằng chuyên cơ và ở lại đó khoảng 4 ngày. Tại hội thảo, tôi đã trình bày bài tham luận của mình và được một số cán bộ chủ chốt cấp tỉnh của Việt Nam đang tham quan ở Liên Xô đến dự hội thảo khen hay. Họ mời tôi ăn cơm và tặng 16 cây thuốc lá động viên. Qua chuyến công tác đó, tôi đã tạo được thiện cảm với Giám đốc Nguyễn Đức Bình. Thứ hai, tôi được nghe ông Đỗ Nguyễn Phương kể lại rằng: mùng 2 Tết năm 1991, Ban giám đốc đến chúc tết Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã hỏi ý kiến về việc tìm người làm trưởng bộ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh. Tôi từng làm việc với Đại tướng nên được Đại tướng tin tưởng và gợi ý rằng: Tại sao lại không giao cho cậu Linh làm? Tôi nghĩ rằng có lẽ nhờ hai lý do đó mà mình được Ban giám đốc giao nhiệm vụ quan trọng như vậy.

PGS.TS Nguyễn Bá Linh (trái) đến thăm và tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

một cuốn sách về Tư tưởng Hồ Chí Minh, năm 2000

Ngày 27-3-2003, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 23/CT-TW về việc đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới. Bản chỉ thị xác định đối tượng cần được tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh là tất cả cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt coi trọng việc tuyên truyền, giáo dục đối với cán bộ lãnh đạo các cấp, đội ngũ đảng viên và thanh, thiếu niên. Từ đó, môn Tư tưởng Hồ Chí Minh được đưa vào giảng dạy cho cán bộ, sinh viên, học viên. Tôi và các cán bộ trong khoa đã đi về nhiều tỉnh như Thái Bình, Hưng Yên, Hải Phòng, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Nam, Đà Lạt… và đến một số cơ quan Trung ương Đảng để giảng về tư tưởng Hồ Chí Minh. Cũng từ đó, tôi được mời thỉnh giảng môn Tư tưởng Hồ Chí Minh cho sinh viên của một số cơ sở đào tạo: Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Học viện Tài chính, Học viện Ngân hàng, Đại học Giao thông vận tải. Năm 1995, bộ môn trở thành khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, tôi được đề cử làm Chủ tịch Hội đồng khoa học của khoa.

Qua quá trình nghiên cứu, giảng dạy, tôi thấy được rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lênin tại Việt Nam, đặc biệt là các vấn đề dân tộc và giải phóng dân tộc, con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng Đảng. Tôi cảm thấy vô cùng vinh dự và tự hào khi có cơ hội nghiên cứu sâu về Tư tưởng Hồ Chí Minh và truyền giảng kiến thức đó cho thế hệ mai sau.

Lợi Lê (ghi)

 

 

 


* PGS.TS Nguyễn Bá Linh là nhà khoa học chuyên ngành Sử học, từng làm Trưởng bộ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

[1] Nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

[2] PGS.PTS Vũ Dương Ninh sau là Giáo sư, Chủ nhiệm khoa Quốc tế học, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

[3] Ông Nguyễn Khánh Bật sau là tiến sĩ, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

[4] Ông Hoàng Trang sau là Phó giáo sư – tiến sĩ, Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

[5] Ông Bùi Đình Phong sau là Phó giáo sư – tiến sĩ, Cán bộ giảng dạy Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

[6] Ông Ngô Đăng Tri sau là Phó giáo sư – tiến sĩ, trưởng bộ môn Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam, khoa Lịch sử, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.