GS.TSKH Nguyễn Thiện Phúc sinh năm 1939 tại xã Văn Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, là con thứ năm của một gia đình gồm bảy anh em, bố là thầy giáo dạy cấp một. Tuy gia đình đông con nhưng ông được học hành đến nơi đến chốn, lại học rất giỏi nên là một trong số ít những người ở quê đã thi đỗ vào trường cấp 3 quốc lập duy nhất của tỉnh Thanh Hóa lúc bấy giờ, và sau ông còn được chọn vào đội tuyển dự thi học sinh giỏi của trường cấp 3 Lam Sơn.
Năm 1959, ông tốt nghiệp khóa đầu tiên của Khoa Cơ khí, trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Với thành tích học tập xuất sắc, ông được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy. Năm 1968 ông được trường cử đi nghiên cứu sinh tại Liên Xô và bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ vào năm 1972, luận án Tiến sĩ năm 1978 tại trường Đại học Tổng hợp Kỹ thuật Saint Peterburg về chuyên ngành Máy và Dây chuyền tự động. Đó là những bước khởi đầu vững chắc trong sự nghiệp khoa học của GS.TSKH Nguyễn Thiện Phúc.
Năm 1952, khi ông vào học trường cấp 3 Lam Sơn thì cũng là lúc gia đình ông tản cư mỗi người mỗi nơi. Trong thời gian này cha ông chuyển sang xã Hoằng Đạt, huyện Hoằng Hóa để dạy học, còn ông theo học trường Lam Sơn, lúc bấy giờ sơ tán về huyện Thọ Xuân. Những ngày học xa nhà, không ngại đường sá xa xôi, Nguyễn Thiện Phúc thường về nhà để lấy gạo và thăm mẹ, ghé Hoằng Đạt để thăm cha. Cuộc sống khó khăn và vất vả, sống xa bố mẹ, gia đình nhưng ông vẫn kiên trì học tập, và đạt được kết quả rất tốt. Ông được cha khen ngợi về đức tính cần cù chịu khó. Trong hồi ký của mình, ông kể rằng, lần đầu tiên ông mượn được một cái xe đạp của người bạn học cùng lớp và dắt lên một cái dốc để tập, dăm ba lần thì ông biết đi, và cứ thế ông đạp về tận Hoằng Đạt để thăm cha, cha nhìn ông trong sự ngỡ ngàng[1]. Nguyễn Thiện Phúc cảm thấy rất tự hào và phấn khởi trước sự hài lòng của cha.
Tuy được cha ưu ái nhất trong tất cả các anh em, nhưng ông cụ cũng rất nghiêm khắc đối với ông. Ngoài việc giúp con học tập, cụ còn rèn luyện cho ông tính tự lập để phòng khi gặp khó khăn. Có cha là thầy giáo rất mẫu mực được nhiều người kính trọng, do vậy khi được cha xin cho làm gia sư ở gần chợ Bút, ông được chủ nhà đối đãi tử tế, “… Chắc do người ta kính trọng thầy tôi nên đã áp dụng chế độ rất ưu đãi đối với tôi, cơm bưng, nước rót…. tôi được xếp ở nhà trên, có bàn làm việc riêng…”[2]. Tuy xã bên cách Hoằng Đạt ba đến bốn cây số nhưng ông cụ bắt ông ở lại đó để đi dạy thêm bổ túc văn hóa cho một số người lớn tuổi là cán bộ của thôn xóm. Đồng thời cũng dặn dò ông các phép đối nhân xử thế, thỉnh thoảng cụ lại khen con trai là “chững chạc” để động viên tinh thần. Tình cảm, thái độ của cha đã làm cho ông bắt đầu dám bàn luận với cha về các vấn đề xã hội lúc bấy giờ.
Năm 1955 ông xin thôi gia sư để trở lại học năm cuối của trường cấp 3 Lam Sơn, lúc này trường ông đã chuyển về thị xã Thanh Hóa, và ông lên ở với cha tại Hoằng Đạt. Nhưng tình hình lúc này rất khó khăn, đói khổ vẫn hoành hành ở Thanh Hóa, “…nhiều người đi xin ăn ở đường phố, các cửa hàng không có chỗ nào bán gạo, thỉnh thoảng cửa hàng mậu dịch mới mở cửa bán gạo, học sinh chỉ luộc su hào ăn với muối vừng trừ bữa…”[3]. Thêm vào đó là tình hình cải cách ruộng đất rất nặng nề, căng thẳng. Ruộng đất nhà ông bị tịch thu. Lúc bấy giờ cả gia đình ông sống nhờ vào đồng lương của người cha và gánh hàng xén của mẹ. Trước tình hình đó, cha ông đã quyết định đưa thêm hai người em của ông lên Hoằng Đạt,“Thế là một suất lương giáo viên cấp 1 phải nuôi 4 miệng ăn”[4]. Những ngày tháng ông cùng cha ở Hoằng Đạt là những ngày tháng gian nan, đói khổ, gia đình ông phải chia làm hai, mẹ và các chị ông ở quê nhà, bốn cha con ông thì ở Hoằng Đạt.
Được lên sống bên cha, tuy kham khổ nhưng ông rất vui, đây là thời gian ghi dấu ấn đậm nhất trong tâm trí ông, “Tôi là người được gần gũi thầy trong những năm tháng có thể nói là gian khổ nhất”. Trong ký ức của ông, người cha vừa là mẹ, vừa là thầy chăm sóc dạy dỗ ba anh em ông. Và cũng chính trong hoàn cảnh này ông đã học được đức tính cần cù, chịu khó, tiết kiệm từ cha. Ông trở thành người bạn để cha chia sẻ những nỗi niềm.Tuy nhà cách Hoằng Đạt không xa lắm nhưng vì lúc này gia đình ông đang trong diện bị bao vây, quản thúc nên không ai dám về thăm nhà vì sợ bị giữ lại. Nhiều lần hai bố con nhớ nhà mà chỉ dám lên bờ sông nhìn về quê nhà xa xa và mường tượng thấy nóc Nhà thờ xóm Đền, rồi cây đa Chùa Chung của làng,… “Bầu trời u ám như trong lòng hai bố con vậy”. Sau này bài thơ “Về làng xưa” do ông sáng tác chính là những ký ức về giai đoạn đó:
“…Nhớ về bên sông, cố nhìn về xa vắng
Sau bóng Nhà thờ những rặng tre xanh
Một cành đa giữa cánh đồng vắng lặng
Nỗi niềm riêng sâu lắng của Chùa Chung."
Những nét chữ của GS.TSKH Nguyễn Thiện Phúc trong tập hồi ký
Là một người rất nghiêm nghị, nhưng cha ông sống rất tình cảm đối với gia đình, rộng lượng với mọi người chung quanh, “…khi nhắc tới chuyện đấu tố cải cách ruộng đất, thầy tôi đều tìm cách lý giải như cốt để con cái trong bối cảnh đó nên thông cảm với họ, đừng nghĩ đến hận thù…” [5]. Với bản thân, cha là người liêm khiết, tự lập: “bốn bố con chỉ có một nhúm gạo độn đủ thứ, kể cả rau muống khô” nhưng ông cụ từ chối sự giúp đỡ của mọi người.
Trong hoàn cảnh khó khăn đó, những tháng cuối năm 1955, Nguyễn Thiện Phúc lại phải vừa học, đồng thời tìm việc làm, thoạt đầu ông được người quen giới thiệu để làm thư ký cho một ông chủ ở Lò Chum. Sau một thời gian ông nghỉ việc để đi thi sơ tuyển vào trường Trung cấp Kiến trúc nhưng cha ông không đồng ý . Cuối cùng cha quyết định “đầu tư” cho ông một bộ đồ cắt tóc để gia nhập nhóm cắt tóc của lớp 12 nơi ông đang học . Giáo sư Phúc nhớ lại: “Tôi không bao giờ quên thầy là người ngồi để tôi thử nghiệm cắt tóc, thấy tóc bị đứt ghê quá, nhưng thầy vẫn nghiến răng chịu đựng và động viên tôi, còn tôi thì hết sức lúng túng…” [6]. Những ngày hành nghề cắt tóc ấy tuy không đưa lại hiệu quả về kinh tế, và lắm khó khăn gian khổ vì ông là người gia nhập nhóm muộn nhất nên phải làm phụ việc, nhưng được sự đầu tư và động viên của cha đã tạo cho người thanh niên mới lớn Nguyễn Thiện Phúc một ý chí vươn lên. Ông đã sáng tác bài thơ “Đi” để tự thúc giục mình:
“Ngược dòng sông đi tới
Ngược dòng người đi lên
Vết mực dính đồng tiền
Đồng tiền vương sợi tóc
Phải làm và phải học… "
Sau đó ông chuyển đến thị xã Thanh Hóa vừa đi học vừa hành nghề cắt tóc cùng các bạn trong lớp, chủ nhật nào ông cũng đi bộ gần hai mươi cây số về thăm cha và hai em, mỗi lần về thăm cha, ông được cha chu cấp tiền ăn học và dặn dò nhắc nhở việc học hành.
Ông ghi lại,“ thầy tôi là người rất lo xa và rất có trách nhiệm với gia đình, thầy rất thương mẹ và các chị ở quê, mỗi lần có chuyện phải trao đổi, hai bố con thường ra chỗ vắng để bàn luận, không cho chủ nhà và các em tôi biết”[7].
Đó là những kỷ niệm của Giáo sư Nguyễn Thiện Phúc về người cha dấu yêu trước khi ra Hà Nội thi đại học. Mặc dù khi đi ông không kịp quay lại Hoằng Đạt chào cha. Với kết quả thi vào đại học của ông rất tốt, ông coi đó là một món quà mà ông gửi tới người cha kính yêu của mình. Mùa hè năm đó ông được cha ra thăm, đến bây giờ Giáo sư Nguyễn Thiện Phúc vẫn nhớ mãi câu nói đầy cảm động chen lẫn tự hào của cha lúc đó: “Bao nhiêu cố gắng ở Hoằng Đạt, thầy chỉ mong được điều này”.
Lê Thị Trinh
_______________________
[1]. Hồi ký “Những ngày thầy ở Hoằng Đạt” của GS.TSKH Nguyễn Thiện Phúc
[2]; [3]; [4]; [5]; [6]; [7]. Như trên.