Ký ức về ngành Ôtô Việt Nam

Đề tài "Tăng tải xe Ben Zil-555"

Từ năm 1969 – 1970, xuất phát từ nhu cầu sử dụng xe Ben cho việc chuyên chở khối lượng lớn phục vụ trong sản xuất, công trình xây dựng, một xí nghiệp của Bộ Giao thông vận tải đã đặt vấn đề làm thế nào để thiết kế làm tăng khối lượng tải trọng của xe mà bộ phận nâng hạ vẫn có thể sử dụng được. Với loại xe Ben này, ở Liên Xô có rất nhiều nhưng do điều kiện chiến tranh nên thời điểm này nước ta chỉ có thể nhập được một số xe nhất định. Để khắc phục những điều đó, Nguyễn Hữu Cẩn đăng ký với Bộ Giao thông và tiến hành nghiên cứu. Ông nghiên cứu thiết kế của Liên Xô và thay đổi lại các cấu kiện tăng tải xe Ben từ 4,5 tấn lên 6 tấn, góp phần giải quyết được nhu cầu cấp bách của thời chiến lúc đó.

Đề tài: "Nghiên cứu thiết kế bệ thử phanh cho Xí nghiệp sửa chữa ô tô Z-157, Bộ Quốc phòng"

Những năm 1973 – 1975 Nguyễn Hữu Cẩn là Chủ nhiệm Khoa Cơ khí năng lượng dệt và Chủ nhiệm Khoa Động cơ Ôtô máy kéo, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Trong thời gian này ông đã chủ trì thiết kế bệ thử phanh ô tô cho Xí nghiệp Z-157 chuyên sửa chữa ô tô thuộc Bộ Quốc phòng. Ở đây, khi thử phanh, xe được đưa ra đường chạy rồi phanh và đo vết lết do bánh xe để lại trên đường. Nếu vết lết để lại dài thì được gọi là phanh ăn cháy đường. Phương pháp này hoàn toàn không đúng về mặt lý thuyết ô tô và gây tổn hại cho bánh xe. Các nhà khoa học trên thế giới đã làm nhiều thí nghiệm về phanh ô tô và đã kết luận là vết lết của bánh xe để lại trên đường không đánh giá được hiệu quả phanh của ô tô, cần thiết phải chế tạo các bệ thử phanh để xác định hiệu quả phanh (tức mômen phanh) của ô tô. Ở nước ta lúc đó chưa có bệ thử phanh vì các cơ sở sửa chữa xe chưa có điều kiện mua ở nước ngoài. Trước tình hình đó Nguyễn Hữu Cẩn đã suy nghĩ dùng các bộ phận sẵn có của ô tô và thiết kế một bệ thử đo được mômen phanh của ô tô trong nhà máy mà không phải đưa xe ra đường thử phanh. Bệ thử gồm có động cơ điện, hộp giảm tốc và các con lăn. Khi các bánh xe ô tô đặt trên con lăn và cho động cơ điện hoạt động ta sẽ đo được mômen phanh của bánh xe nhờ một hệ thống đòn bẩy. Biết được mômen phanh ta xác định được hiệu quả phanh của ô tô. Từ những nghiên cứu của ông mà bệ thử được thiết kế và được Xí nghiệp Z-157 chế tạo và đưa vào sử dụng.

Nghiên cứu góp phần làm giảm độ nguy hiểm khi đưa xe ra ngoài thử nghiệm và giảm chi phí khi phải nhập ở nước ngoài về.

Đề tài "Nghiên cứu xác định hiệu quả phanh ở Việt Nam"

Phanh ô tô là một trong những bộ phận rất quan trọng, nó ảnh hưởng đến độ an toàn chạy xe. Phanh cần được kiểm tra thường xuyên. Nhưng vào những năm 1986, nước ta chưa có nơi nào có thể làm những việc này. Việc thiết kế thành công bệ thử phanh ô tô cho Z-157, Bộ Quốc phòng đã là bước đầu quan trọng, nhưng cần thiết phải xác định hiệu quả của phanh.

Thấy được tầm quan trọng đó, Bộ Giao thông vận tải đã đặt hàng trường Đại học Bách Khoa để làm ra những thiết bị có thể đo được một cách chính xác hiệu quả của phanh ô tô. Đề tài được GS Nguyễn Hữu Cẩn thực hiện vào năm 1986.

Tiến hành nghiên cứu cùng đồng nghiệp tại trường Đại học Bách Khoa, ông chế tạo thành công hai thiết bị là Giảm tốc kế và súng phun. Hiệu quả phanh của ô tô được xác định dựa vào một trong hai thiết bị trên. Giảm tốc kế đo được khi ô tô phanh thì đồng thời một cái kim được treo bởi một cái chốt sẽ lắc qua và chỉ vào bảng số. Khi phanh càng gấp thì kim càng lắc mạnh và cho chỉ số càng cao. Và khi muốn xác định hiệu quả phanh thì dựa vào chỉ số đó.

Súng phun là một thiết bị cũng do ông chế tạo rất thành công, súng được gắn trên ô tô khi xe chạy và phanh thì súng đánh dấu một vết trên đường, ta đo quãng đường được súng bắt đầu đánh dấu đến khi xe dừng hẳn thì xác định được hiệu quả phanh. Để xác định được chất lượng phanh như thế nào, người ta phải dựa vào bảng tiêu chuẩn cho từng loại xe: xe con, xe tải, xe khách. Mỗi loại xe có một chỉ số tiêu chuẩn xác định hiệu quả phanh khác nhau.

Trong điều kiện đất nước còn khó khăn, để có điều kiện nghiên cứu không phải là điều dễ. Thời gian này GS Nguyễn Hữu Cẩn phụ trách Bộ môn Ôtô máy kéo của trường Đại học Bách Khoa nên đã đề xuất một dự án đề nghị Liên Xô trang bị cho một phòng thí nghiệm và đã được Liên Xô cung cấp đầy đủ từ phòng thí nghiệm cho đến ô tô và máy kéo. Điều này đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho ông trong việc nghiên cứu thành công. Đây là một trong những sáng tạo mà ông được Tổng Công Đoàn Việt Nam trao tặng Bằng khen và đánh giá cao.

                                                                                       

Nguyễn Hữu Cẩn (người cầm lái) đang làm thí nghiệm đo hiệu quả phanh tại Phòng thí nghiệm ô tô Trường Mađi,
Mátxcơva, Liên Xô (1972)

Đề tài: "Cải tiến hệ thống phanh xe REO-7"

Từ năm 1975 bộ phận Hậu cần, Bộ Quốc phòng thu được chiếc xe của quân Mỹ, nhưng hệ thống dẫn động phanh đã bị hỏng. Xe không sử dụng rất lãng phí nên họ đã giao cho trường Đại học Bách Khoa cải tạo và sửa chữa. Sau khi quan sát và nghiên cứu, GS.TSKH Nguyễn Hữu Cẩn đã quyết định cải tiến hệ thống phanh của xe. Đề tài được ông thực hiện khoảng năm 1983 – 1984.

Ở hệ thống phanh cũ của xe, xi lanh chính bị hỏng. Đề tài đã nghiên cứu thiết kế xi lanh chính đảm bảo độ kín khít của xi lanh và pít tông tạo được áp suất dầu cần thiết khi phanh. Nhờ thế mà hệ thống phanh hoạt động bình thường.

Đề tài được ông cùng một số sinh viên thực hiện thành công trong vòng 6 tháng và đưa vào ứng dụng thành công. Một số xe sử dụng lại bình thường và đảm bảo được chất lượng về kỹ thuật.

Là một trong những người đầu tiên được đào tạo và nghiên cứu về ô tô, GS.TSKH Nguyễn Hữu Cẩn đã có những nghiên cứu thể hiện sự sáng tạo và góp phần đem lại lợi ích kinh tế phục vụ cho sản xuất và cho chiến đấu. Bằng chứng cho những thành quả xuất sắc đó ông được Tổng Công đoàn Việt Nam trao tặng Bằng Lao động sáng tạo.

Bốn Bằng khen Lao động Sáng tạo

Ông cũng chia sẻ những trăn trở của mình về ngành Ôtô hiện nay: Từ sau ngày đất nước giải phóng, nhiều thế hệ đã được cử đi học ở nước ngoài về công nghệ chế tạo ô tô. Tuy nhiên, cho đến nay, chúng ta vẫn chưa sản xuất, chế tạo được các bộ phận cần độ chính xác cao nên việc sản xuất ô tô vẫn chỉ là lắp ráp các phụ tùng nhập khẩu. Đây cũng là một bài toán đặt ra cho nền công nghiệp ô tô nước nhà.

 

 

GS.TSKH Nguyễn Hữu Cẩn sinh 1937 tại Thanh Hóa.

1955 – 1960: Học Đại học Bách khoa Khắc-cốp, Liên Xô.

1960 – 1962: Tổ Trưởng tổ Nghiên cứu sử dụng máy kéo Khoa Cơ khí và Trạm nghiên cứu Cơ khí nông nghiệp thuộc Học viện Nông – Lâm Hà Nội.

1962 – 2003: Chủ nhiệm Bộ môn Ôtô máy kéo; Chủ nhiệm Khoa Cơ khí năng lượng dệt; Chủ nhiệm Khoa Động cơ và Ôtô máy kéo trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Nghiên cứu sinh Trường Ôtô và Đường bộ, Mátxcơva, Liên Xô (1970-1973). Bảo vệ luận án Tiến sĩ khoa học (1982) tại Liên Xô.

Giáo sư, Trưởng đơn vị Đoàn chuyên gia Việt Nam tại trường Đại học Bouaghi, Angiêri (1989-1991).

Chuyên gia giáo dục tại trường Đại học Tlemcen, Angiêri (1992-1994).

2003: Nghỉ hưu.

 

Nguyễn Thị Phương Thúy