Ký ức xứ Lạng





Sơ tán về xứ Lạng

Năm 1966, do chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, theo chủ trương của Nhà nước, nhiều cơ sở đào tạo phải rời khỏi Thủ đô Hà Nội. Trường Đại học Bách khoa sơ tán lên Tràng Định, Lạng Sơn. Thời điểm đó, tôi vừa tốt nghiệp khoa Toán, trường Đại học Tổng hợp quốc gia Khacov, Liên Xô về nước và được phân công tác về bộ môn Toán, khoa Cơ bản[1], trường Đại học Bách khoa. Còn nhớ, hơn 7.000 cán bộ và sinh viên trường đã tiến hành cuộc hành quân lịch sử, đưa hàng trăm tấn thiết bị, đồ dùng giảng dạy và học tập sơ tán lên Lạng Sơn để tiếp tục sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Thầy và trò chúng tôi đi tàu hỏa từ ga Hàng Cỏ lên ga Đồng Đăng (Lạng Sơn). Hành trang của mỗi người là đôi sọt tre hoặc balô đựng trong đó chủ yếu là sách, vở và dụng cụ thí nghiệm. Từ ga Đồng Đăng, chúng tôi đi thêm 20 km theo con đường hẹp dài, len lỏi giữa các cánh rừng, một bên là sườn núi, một bên là vực sâu, qua dốc Bố Củng, tới Lũng Vài, đi tiếp vào tới làng Bình Độ, xã Quốc Việt, huyện Tràng Định. Giữa núi rừng xanh ngát xứ Lạng xuất hiện một cửa hàng của cô thôn nữ tên là Bắc. Gian hàng ăn của cô tuy nhỏ nhưng có đủ mùi vị của các món bún phở tàu bay. Thầy trò chúng tôi liền hát

Anh vẫn hành quân

Trên đường qua Lũng Vài

Ghé vào quán cô Bắc

Anh xơi mấy bát liền…

Khi đến Tràng Định, trường Đại học Bách khoa đổi tên là trường Văn hóa Hà Huy Tập để giữ bí mật. Các đơn vị nghiệp vụ hành chính, các khoa của trường được phân ở rải rác kéo dài khoảng 30km hai bên bờ sông Kỳ Cùng và được đổi tên sang ký hiệu: Hiệu bộ là ký hiệu của Ban Giám hiệu trường. H bộ là ký hiệu cơ quan đầu não của nhà trường, trạm xá trường – nơi ở của các cán bộ. Còn lại, H1 là khoa Hóa, H2 là khoa Điện, H3 là khoa Luyện kim, H4 là khoa Động Lực, H5 là khoa Cơ khí, H6 là khoa Kỹ sư Kinh tế, H7 là xưởng Thực tập, H8 là khoa Đại học tại chức. Riêng khoa Cơ bản thì chia thành các nhóm tỏa đi các H (mỗi một H sẽ có ít nhất 6 cán bộ của 6 bộ môn thuộc khoa Cơ bản và thành lập nhóm Khoa học cơ bản). Mỗi  H – khoa sẽ được phân ở tập trung tại một khu vực. Khi đó, tôi được phân về H3 (khoa Luyện kim).

PGS.TS Bùi Minh Trí

H3 nằm trải dài 3km ở bên sông Kỳ Cùng kéo dài từ xóm Pắc Nậm đến suối Nà Pò qua xóm Pò Lạn. Ở bên này sông Kỳ Cùng, đối diện H3 là H bộ và các H còn lại. Gần H bộ có chợ Phặc Phùa, xa một chút có bưu điện Bình Độ. Lớp học và nơi ở của sinh viên, giảng viên là những ngôi nhà tranh vách đất do chính chúng tôi xây dựng.

Tôi được tín nhiệm cử là trưởng nhóm Khoa học Cơ bản tại H3, kiêm Trưởng ban cán sự Đoàn ban Khoa học cơ bản và Thường vụ Liên chi đoàn khoa Luyện Kim. Cán bộ giảng dạy Toán của hai khoa Luyện Kim và khoa Điện làm thành một tổ, tôi thường phải đi bè mảng[2] qua sông Kỳ Cùng sang bên đó họp.

Tôi được giao nhiệm vụ phụ trách môn toán cao cấp cho sinh viên bao gồm: giải tích, hình học giải tích, đại số, bỏ qua thời kỳ tập sự. Tôi hiểu rõ muốn có một bài giảng tốt, đầy đủ phải có giáo án tốt với nhiều tài liệu tham khảo. Giảng dạy toán cho các trường đại học kỹ thuật, nên tôi tìm đọc các cuốn sách toán chuyên dạy cho các trường đại học kỹ thuật của các tác giả Liên Xô như cuốn Toán cao cấp dùng cho các trường đại học của Piskunov và sách Bài tập toán cao cấp của tác giả Liasko, Giải tích toán học của Boiartruc, sách Toán học cao cấpBài tập Toán học cao cấp do thầy Nguyễn Đình Trí chủ biên. Sách của tác giả Fichtengon giúp tôi có kiến thức nâng cao. Tôi nghĩ rằng: Việc kết hợp giữa nghiên cứu khoa học và giảng dạy là rất quan trọng. Điều đó giúp cho tôi có những kiến thức sâu rộng, cập nhật trong các bài giảng truyền đạt cho sinh viên, đồng thời gợi mở cho sinh viên những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu.

Ở nơi sơ tán, nhưng Nhà trường luôn chú trọng công tác nghiên cứu khoa học, tôi từng tham gia seminar Giải tích hàm do thầy Phan Đức Chính chủ trì. Để học hỏi kinh nghiệm giảng dạy, tôi thường xuyên tham dự các buổi giảng bài của những giảng viên kỳ cựu như: Nguyễn Đình Trí ở H2, Hồ Quỳnh ở H4, Tạ văn Đĩnh ở H5, dù địa điểm cách H3 khoảng 15km.

Là cán bộ trẻ, tôi xác định rõ cần phải cố gắng nhiều, nên dù sống trong hoàn cảnh sơ tán, điều kiện vật chất thiếu thốn, bên ngọn đèn dầu lập lòe, tôi vẫn miệt mài đọc sách, chuẩn bị giáo án kỹ lưỡng.

Thầy và trò phải làm quen dần với điều kiện, thời tiết khắc nghiệt của vùng núi Lạng Sơn. Đường đất, đá trơn trượt vào những ngày trời mưa, thầy trò chúng tôi vẫn đảm bảo lên lớp đều đặn. Từ nơi ở của giáo viên đến lớp học gần 1km, tôi men theo con đường nhỏ một bên là vách núi, bên còn lại là sườn dốc để đến lớp. Vào mùa đông, để xua tan cái lạnh băng giá nơi vùng núi sơn cước, thầy và trò chúng tôi đốt lửa giữa lớp để sưởi ấm.  

Cây cầu nối đôi bờ sông Kỳ Cùng

Thuở đó, giảng viên chúng tôi được phát 13kg gạo/tháng, ăn không đủ no, thỉnh thoảng lại rủ nhau ra chợ Phặc Phùa mua ngô, khoai, sắn về luộc ăn. Mỗi khi đi chợ Phặc Phùa, hay ra Bưu điện Bình Độ hoặc qua Hiệu bộ họp, giảng viên H3 dùng bè mảng để di chuyển. Gian khổ và nguy hiểm nhất là mùa nước lũ, nước sông Kỳ Cùng chảy mạnh như có một thác nước cuồn cuộn chảy. Nhớ lại mỗi lần qua sông, tôi rất sợ và phải nhờ giảng viên khác chèo bè giúp. Một thầy giáo của khoa Luyện Kim (H3) tên là Nguyễn Đức Trường đã sáng tác bài hát Dòng sông Kỳ Cùng, trong đó có đoạn:

Dòng sông Kỳ Cùng cuộn nước băng băng

Qua bao rừng núi qua bao đồi nương…

Trên miền biên giới anh em trìu thương

Hò ơ  ớ ơ…

Hôm nay ta về đây xây dựng căn cứ kháng chiến dài lâu

Bút với súng cầm tay, theo Đảng dìu dắt

vững bước trên dường thống nhất Tổ quốc

Hòa vang bao tiếng ca, lời hát

Bút với súng sẵn sàng,

quyết chiếm lấy lâu đài khoa học về ta

Đây con người mới, xây xã hội mới…

Ngày nao trở về trường cũ thân yêu

Trong lòng không quên sông núi mến yêu

Nuôi ta ngày tháng gian lao rừng xanh

Trường kỳ kháng chiến bao năm bền gan…

Và sau này, nhớ về cảnh sống giảng dạy, học tập và đi mảng tròng trành qua sông Kỳ Cùng ấy, tôi đã sáng tác bài thơ:                                                             

         

Kỳ Cùng mây nước chơi vơi
Để cho xao xuyến một thời trẻ trung
Đêm khuya ngọn lửa bập bùng
Rừng khuya xào xạc một vùng đồi quê

Lán sinh viên lán thầy cô

Bè qua sông nước lững lờ mong manh

Chung tay chèo lái cùng anh

Cảnh trời mây nước đã thành câu thơ
Thầy trò đèn sách mải mê
Suối reo, lớp mới đi về dốc xa
Bản nghèo tình nghĩa bao la
Trăng treo, gió hát ngân nga lay cành
Về thăm chốn ấy ngày xanh
Còn đâu đò cũ lượn quanh Kỳ Cùng

Mảng buồn nay chẳng người chung

Câu thơ thờ thẫn, nhớ nhung vơi đầy…

Trong hoàn cảnh ấy, Liên chi đoàn H3 đã có ý tưởng bắc cầu qua sông và được Chi ủy và Lãnh đạo khoa tán thành. Ý tưởng đó được dân bản mà đại diện là các cụ: Quốc Tâm, Tập, Nghiệp, mế Lùng, anh Lùng… hoan nghênh. Các cuộc họp liên tịch (Liên chi đoàn và đại diện người dân ở Bình Độ) mau chóng đi tới thống nhất và phân công trách nhiệm: Ban chấp hành Liên chi đoàn H3 tổ chức, chỉ huy chung. Theo thiết kế, cầu có 5 trụ, phân công cho các chi đoàn. Chi đoàn khóa 10 mạnh nhất xung phong làm 2 trụ. Tre nứa do dân bản cung cấp. Người dân hỗ trợ làm mảng để chở đá làm trụ cầu. Về kỹ thuật làm cầu, Liên chi đoàn xin ý kiến tham mưu của chi đoàn cán bộ giảng dạy và dân bản. Kỹ thuật ấy gồm các bước: Để làm trụ cầu thì trước hết đóng cọc tre cứng (gốc tre) xuống lòng sông thành hình trụ rồi chẻ tre thành nan, đan vòng xung quanh hình trụ và chở đá đổ đầy các hình trụ. Sau đó ở trên mặt đan liếp bằng tre vít chặt lại, mỗi trụ nhô lên hai cọc to ở hai phía để làm giá đỡ của tay vịn.

Các công việc theo thứ tự được tiến hành vào 3 ngày chủ nhật. Ngày chủ nhật thứ ba là ngày toàn Liên chi đoàn tập trung bắc cầu qua sông Kỳ Cùng. Ngày hôm đó như một ngày hội. Mở đầu buổi sáng, Liên chi đoàn tổ chức bơi vượt sông Kỳ Cùng. Hàng trăm dân bản xung quanh tới cổ vũ, reo hò vang dậy cả núi rừng. Sau đó, công trình bắc cầu bắt đầu. Mọi đơn vị, mọi cá nhân đều có công việc theo sự phân công. Quang cảnh hoàn thiện cây cầu diễn ra nhộn nhịp: Cảnh lấy đá dưới sông, chở đá, cảnh chuyền tay nhau khuân đá đổ trụ… Nhìn từ hai bên bờ sông Kỳ Cùng có thể thấy các trụ cầu được đổ đầy đá, liếp đan vít chặt xuống, thân cầu bằng 5 cây tre bương to và dài ghép lại như những chiếc mảng đặt nối các trụ, tay vịn được buộc chặt vào các cọc giá đỡ. Buổi chiều chủ nhật thứ 3, chiếc cầu tre bắc xong trong tiếng hoan hô và vỗ tay reo hò phấn khởi của thầy trò chúng tôi và dân bản. Đó là chiếc cầu bắc qua sông nổi tiếng đầu tiên của trường Hà Huy Tập – Đại học Bách khoa. Từ đó việc đi lại của thầy trò và dân bản được thuận lợi, đời sống được cải thiện.

Ở nơi núi rừng ấy, để xua tan sự cô quạnh xa gia đình, xa người thân, thầy và trò chúng tôi thường tổ chức giao lưu văn nghệ. Có những bài hát về miền núi xứ Lạng do chính cán bộ, sinh viên của trường sáng tác đã ra đời trong hoàn cảnh này:

Ngàn lá reo hoa cười trong nắng

Rừng vút cao cây rừng đón chào

Cầu bắc ngang hình soi bóng nước

Làn khói lam càng thêm ấm lòng

Lớp mới dựng lên…

Những cây cầu dài theo kháng chiến

Những con đường đội nắng chói chang

Những bước dài dọc theo tiếng hú

Ta vượt núi dốc đường xa

Dòng suối êm trôi về đâu

Tựa lòng ta niềm tin thiết tha

Quê hương kháng chiến, ấm êm bao tình yêu

núi rừng thiết tha, hoa cười trong nắng…[3]

Năm 1970, tôi sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh. Đã 50 năm không trở lại vùng đất này nhưng trong tâm trí tôi Lạng Sơn là vùng đất in dấu chân của tuổi trẻ, là nơi chứa đựng nhiều kỷ niệm tươi đẹp với làn khói lam tỏa trên bếp nhà sàn của đồng bào Tày trong ánh chiều xuyên qua cành lá đôi bờ.

Nghe heo may nhớ về thu cũ

Vượt núi đồi gieo chữ cấy niềm tin

Bụi phấn trắng bay bay trước bảng đen

Bao cặp mắt say sưa nghe giảng

Ôi nhớ sao những năm dài sơ tán

Kỳ Cùng reo ôm quyện lấy rừng xanh

Lớp học đơn sơ, tre liếp mái tranh

Thầy trò bên nhau chia bát cơm củ sắn…[4]

 

Hoàng Thị Kim Phượng (ghi)

 

 


[1] Khoa Khoa học cơ bản gồm các bộ môn sau: Toán, Lý, Cơ lý thuyết, Hình họa vẽ kỹ thuật, Ngoại ngữ, Thể dục.

[2] Bè được làm từ những thân cây nứa to ghép lại do trường Đại học Bách khoa làm sẵn để ở hai bên bờ sông Kỳ Cùng làm phương tiện đi lại cho giảng viên và sinh viên của trường

[3] Theo tài liệu ghi âm PGS.TS Bùi Minh Trí, 4-8-2020, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam

[4] Theo tài liệu ghi âm PGS.TS Bùi Minh Trí, 4-8-2020, đã dẫn.