Kỷ vật lịch sử

Người chiến sĩ áo trắng đó là sinh viên Y khoa Phạm Văn Phúc cùng con dao mổ là hiện vật gắn với sự kiện này đã được GS.TS Phạm Văn Phúc lưu giữ cẩn thận suốt hơn 60 năm qua và mới đây đã trao tặng cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

Tháng 8 năm 1950 sinh viên Phạm Văn Phúc được Cục Quân Y cử đi tham gia phục vụ Chiến dịch Thu Đông tại Đường số 4. Ông đi bộ từ Thái Nguyên qua Đèo Giàng, Đèo Gió (Bắc Cạn) để lên đến Cao Bằng. Trong khi nghỉ chân ở nhà một người dân ở huyện Trà Lĩnh, Cao Bằng, máy bay Sprit fine của Pháp đã bắn đúng vào ngôi nhà. May mà lúc đó ông và người y tá tên Xừ đã kịp ra nơi trú ẩn cách nhà 20m. Quần thảo ở khu vực này khoảng 15 phút chúng bỏ đi. Khi đến huyện Quảng Uyên, sinh viên Phạm Văn Phúc gặp Bác sĩ Nguyễn Thúc Mậu – Trưởng ban Quân y chiến dịch Biên giới đang chỉ huy Quân y mặt trận tại Đường số 4. Tại đây ông được Quân y giao nhiệm vụ phụ trách 10 nhân viên y tế được tách từ Đội phẫu thuật Trung đoàn 174 tham gia chiến dịch Biên giới. Phạm Văn Phúc được Bác sĩ Mậu giao 1 bộ dụng cụ mổ gồm: dao mổ, panh cầm máu, panh dài, panh ngắn, van kéo…Đây là bộ đồ mổ đầy đủ dụng cụ đầu tiên mà ông có, bởi"Thời kỳ này rất thiếu dụng cụ mổ"[1].

GS.TS Phạm Văn Phúc mô tả kỹ thuật khi mổ cho thương binh La Văn Cầu năm 1950

Kíp mổ do bác sỹ Phạm Văn Phúc phụ trách chính cùng với bác sỹ Kỳ và các y tá được bố trí tại Bố Giường cách cứ điểm Đông Khê 2km, đã kịp thời tiếp nhận và cứu chữa cho thương binh từ đêm ngày 16-9-1950 khi chiến dịch Biên giới bắt đầu nổ ra. Ông đã trực tiếp phân loại vết thương và chỉ huy phân công mọi người, nhóm xử lý những vết thương nhẹ, nhóm tiến hành phẫu thuật. Ông đã trực tiếp mổ những ca phức tạp suốt đêm hôm đó. Phòng mổ đơn sơ dựng trên khu đất trống bên vách núi, những tấm vải dù được căng làm mái che, bàn mổ bằng tre được đóng cố định bằng bốn cọc xuống đất.

Đến trưa ngày 17-9-1950, bác sỹ Phúc tiếp nhận một thương binh nằm trên cáng với cánh tay phải bị dập nát, lồi xương và tình trạng rất nguy kịch: máu chảy nhiều ướt đẫm quần, áo, tấm chăn trấn thủ, hơi thở rất yếu, sốc nặng. Lúc này Bác sĩ Phúc không biết người thương binh này là ai mà chỉ biết "Đi cùng đoàn cáng thương có một phóng viên mặt trận đeo máy ảnh, và nói rõ hoàn cảnh bị thương của chiến sĩ này, cũng như về ý nghĩa chiến công của anh "[2].

Trước tình hình cấp bách, Bác sĩ Phúc nghĩ rằng phải cố gắng dành lại sự sống cho người thương binh đó. "Về nguyên tắc mổ, khi cánh tay bị dập nát thì phải cắt lìa chỗ bị nát vì đó là nguồn gốc dẫn đến bệnh nhân bị sốc"[3].

Sau khi được bác sỹ Lộc gây mê, ông đã truyền dịch và mổ cắt 1/3 dưới cánh tay phải. Nhớ lời thầy Tôn Thất Tùng dạy, ông đã đặt ra mục tiêu mổ làm sao để vết mổ không bị nhiễm trùng, không phải mổ lại; giữ được mỏm cụt để có thể lắp tay giả sau này; không gây đau nhức gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt. Với bộ đồ mổ do bác sĩ Thúc Mậu giao cho, bác sỹ Phạm Văn Phúc đã hoàn thành ca mổ một cách tốt đẹp chỉ trong vòng 10 phút.

Tất cả thương binh sau khi mổ, sẽ được chuyển về trạm dã chiến cách đó khoảng 5km để tiếp tục chăm sóc. Trước khi rời đi, người phóng viên mặt trận đã gửi tặng ông tấm ảnh ông đang cùng đồng nghiệp thực hiện ca mổ cho thương binh La Văn Cầu. Tấm ảnh được bác sỹ Phạm Văn Phúc lưu giữ cẩn thận, là kỷ niệm ông không bao giờ quên.

                                                                        

Ca mổ cho thương binh La Văn Cầu năm 1950. Bác sỹ Phạm Văn Phúc (bên trái)

Sau 2 tuần, ông được trạm dã chiến báo lại là ca mổ cánh tay của thương binh La Văn Cầu đã thành công, sức khỏe đang dần bình phục. Trở về với công việc là bác sỹ chiến trường, Phạm Văn Phúc tiếp tục mổ cho nhiều trường hợp nhưng có lẽ trường hợp mổ cho Anh hùng La Văn Cầu trong thời kỳ này để lại trong ông nhiều ấn tượng sâu sắc. Sau chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, khi đi công tác tại Viện Quân y 108 đóng ở Phố Ngữ (Việt Bắc), Bác sĩ Phạm Văn Phúc đã gặp lại anh thương binh La Văn Cầu, nay đã trở thành Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ông vui mừng vì biết rằng sau ca mổ do mình thực hiện, người thương binh đã sinh hoạt bình thường, vết thương không cản trở đến sinh hoạt hàng ngày.

Cuộc gặp gỡ đầy ý nghĩa, Việt Bắc năm 1954.

Bác sỹ Phạm Văn Phúc (bên phải), Anh hùng La Văn Cầu (giữa)

Bộ dụng cụ mổ này đã đồng hành cùng bác sĩ Phạm Văn Phúc trong suốt chiến dịch Đông Khê đến chiến dịch Điện Biên Phủ. Theo thời gian một số dụng cụ trong bộ đồ mổ đã bị thất lạc và đến nay ông chỉ còn giữ được con dao mổ và những bức ảnh chứa đầy kỷ niệm. Thời gian đã lùi xa hơn 60 năm nhưng những ký ức về ca mổ cho thương binh La Văn Cầu không bao giờ phai nhòa trong tâm trí GS.TS Phạm Văn Phúc.

Nguyễn Thị Phương Thúy

______________________

[1] Phỏng vấn, ghi hình GS.TS Phạm Văn Phúc, 18-6-2013.

[2] Như trên.

[3] Như trên.