Sau 9 năm (1946-1954) ở chiến trường Liên Khu V trong Kháng chiến chống Pháp, Bác sĩ Nguyễn Thúc Tùng tập kết ra Bắc công tác tại Viện 108 với cương vị Phó Viện trưởng. Ở tuổi 40, BS Tùng mới tìm được người sánh duyên với mình, đó là cô Tạ Xuân Tuyết khi đó là giáo viên trường Hàng Cót. Họ đến với nhau thật bất ngờ.Trong thời gian ở chiến trường Liên khu V, BS Nguyễn Thúc Tùng phụ trách về mổ xẻ, trong số rất nhiều thương bệnh binh được ông cứu chữa có thương binh Đào Đức Tú là em họ của bà Tạ Xuân Tuyết. Hòa bình lập lại, thương binh Đào Đức Tú trở ra Bắc và kể cho gia đình câu chuyện được BS Thúc Tùng cứu sống và gọi BS Tùng là ân nhân của mình. Bà Tuyết được biết đến BS Thúc Tùng từ đây.
Tình yêu giữa họ bắt đầu từ khi cô Sáng hiệu trưởng trường Hàng Cót đến nhà GS Võ Văn Vinh chơi (GS Võ Văn Vinh nguyên Cục trưởng Cục Quân Y trong thời gian BS Nguyễn Thúc Tùng công tác tại Quân khu V) và gặp BS Thúc Tùng ở đó. Qua câu chuyện bà Sáng cũng giới thiệu cho BS Thúc Tùng về cô giáo Tạ Xuân Tuyết. Sau cuộc trò chuyện với BS Nguyễn Thúc Tùng bà Sáng về có kể lại với cô giáo Tạ Xuân Tuyết về con người BS Nguyễn Thúc Tùng, không chỉ vậy bà Sáng còn dẫn vợ GS Võ Văn Vinh là cô Tính « đóng giả vai phụ huynh học sinh » đến gặp cô giáo Tuyết để xin học cho con. Bà Tuyết kể lại : «Một hôm chị Sáng dẫn chị Tính đến lớp tôi đang dạy học ở trường Hàng Cót và chị Tính nói muốn xin cho con vào học, mãi sau này kể lại tôi mới biết mục đích là chị Tính vợ anh Vinh muốn đến xem mặt tôi, vì anh Tùng và gia đình anh Vinh quen biết nhau».
Những ngày sau đó BS Thúc Tùng thường đạp xe đến cổng trường Hàng Cót để xem mặt cô giáo Tuyết. Bà Tạ Xuân Tuyết nhớ lại : «Trường Hàng cót có cái hành lang cứ giờ ra chơi là giáo viên ra hành lang đứng và ông Tùng đi xe đạp đến đứng ở ngoài và xem mặt tôi, mãi sau này ông Tùng nói lại tôi mới biết.Sau đó ông Tùng nhờ bà Sáng hiệu trưởng và chị Tính vợ anh Võ Văn Vinh gặp tôi nói chuyện và dẫn ông Tùng đến trường gặp tôi. Khi gặp ông, tôi thấy ông sống rất giản dị lại học cao thì tôi lại càng quý».
Sau 2 năm tìm hiểu, lễ cưới của họ được tổ chức tại Câu lạc bộ Thống Nhất, Hà Nội, vào ngày 4 tháng Giêng năm 1957, với sự có mặt vui vẻ của hai bên gia đình. Khi đó chú rể Nguyễn Thúc Tùng 41 tuổi, cô dâu Tạ Xuân Tuyết 32 tuổi. Chiếc cà vạt do cô dâu Tạ Xuân Tuyết mua tặng chú rể Nguyễn Thúc Tùng để đeo trong ngày cưới. Giữ gìn vật kỷ niệm quý giá từ năm 1957, và đến ngày 13 tháng 11 năm 2011 GS.TS Nguyễn Thúc Tùng tặng lại cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam lưu giữ cùng một số những kỷ vật và tư liệu của cá nhân ông.
Trải qua 54 năm, sắc màu của chiếc cà vạt vẫn thắm đậm như tình yêu của hai ông bà.
Chiếc cà vạt được chú rể Nguyễn Thúc Tùng đeo trong ngày cưới, Hà Nội 1957 và…
…tình yêu sau 54 năm, Hà Nội 2011.
Trần Quang Huy