Kỷ vật ở lại

Nguyễn Đức Thừa là một trong 21 cán bộ đầu tiên của Việt Nam được cử sang Liên Xô đào tạo năm 1951 và đã tốt nghiệp ngành Luyện kim loại ưu vào năm 1956.Sau khi về nước, kỹ sư Nguyễn Đức Thừa là một trong số các cán bộ khoa học kỹ thuật được giao nhiệm vụ thành lập trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ngày 15-10-1956 trường chính thức làm Lễ khai giảng khóa học chính quy đầu tiên cho gần 1000 sinh viên thuộc 14 chuyên ngành của 4 Liên khoa Cơ – Điện, Mỏ – Luyện kim, Hóa – Thực phẩm và Xây dựng. Kỹ sư Nguyễn Đức Thừa đã đảm nhiệm vai trò Chủ nhiệm Khoa Mỏ – Luyện kim đầu tiên của trường Đại học Bách khoa Hà Nội và là người đặt nền móng xây dựng chương trình đào tạo kỹ sư ngành Luyện kim Việt Nam. Nhận nhiệm vụ mới, kỹ sư Nguyễn Đức Thừa cùng đồng nghiệp tập trung xây dựng nội dung chuyên môn và tổ chức hoạt động của Khoa. Để thực hiện tốt trọng trách này, kỹ sư Nguyễn Đức Thừa và đồng nghiệp phải tìm hiểu, nghiên cứu nhiều tư liệu, đi thực tế tại các đơn vị sản xuất, luôn suy nghĩ tìm cách áp dụng các kiến thức được đào tạo tại Liên Xô vào tình hình thực tế ở Việt Nam và đưa ra phương pháp giảng dạy thích hợp cho sinh viên. Bà Nguyễn Thị Kim Dung – vợ PGS Nguyễn Đức Thừa chia sẻ: “Thời gian đầu, nhà tôi thường xuyên phải đi thực nghiệm tại các đơn vị sản xuất và vùi đầu vào đọc sách kỹ thuật”[1].

Theo như lời bà Nguyễn Thị Kim Dung kể lại:Lúc đó, tại Việt Nam chưa áp dụng được kỹ thuật đo độ nóng chảy của thép, vì vậy kỹ sư cũng như công nhân phải quan sát phôi thép bằng mắt thường. Việc theo dõi sự nóng chảy của kim loại trong quá trình luyện kim có độ nóng lên đến nhiều ngàn độ ảnh hưởng không tốt đến mắt. Khi thực hành sẽ không hiệu quả bởi không thể quan sát lâu, kỹ lưỡng quá trình nung chảy phôi thép bằng mắt thường, nên khoảng cuối những năm 50 trường Đại học Bách khoa đã cấp cho kỹ sư Nguyễn Đức Thừa một chiếc kính soi lò chuyên dụng để kiểm tra độ nóng chảy của phôi thép trong các lò luyện kim.

Ông Nguyễn Đức Thừa và kỷ vật gắn bó với ông trong suốt 30 năm

Mỗi lần dẫn sinh viên đi thực tập ở các nhà máy luyện thép, khu gang thép Thái Nguyên, chiếc kính luôn là bạn đồng hành cùng kỹ sư Nguyễn Đức Thừa trong hướng dẫn học trò quan sát phôi thép nóng chảy, giảng giải về quy trình luyện thép…. Rồi thời kỳ thực hiện công trình Nhiệt luyện than antraxit thay thế than cốc dùng vào lò đúc, lò cao nhỏ cho vùng giải phóng miền Nam, chiếc kính luôn là vật bất ly thân trong quá trình ông theo dõi quy trình sản xuất, luyện kim tại các công xưởng.

Đối với PGS Nguyễn Đức Thừa chiếc kính là công cụ rất quý giá phục vụ cho giảng dạy thực tế chuyên ngành luyện kim, bởi vậy ông thường nhờ vợ cất giữ cẩn thận mỗi khi về nhà. Chính điều này đã tạo cho bà một thói quen luôn bảo quản chiếc kính như một báu vật trong nhà. Vì thế, mặc dù gia đình PGS Nguyễn Đức Thừa đã chuyển chỗ không biết bao nhiêu lần nhưng chiếc kính vẫn được bà bảo quản và gìn giữ nguyên vẹn. Năm 1990 khi sức khỏe yếu, ông không tham gia công tác nữa, chiếc kính được bà gói cẩn thận và cất kỹ trong tủ.

Hơn 50 năm sử dụng và lưu giữ, chiếc kính soi lò màu đen cũng có một vài vết xước ở mắt kính, nhiều chỗ bị bụi bẩn bám chặt. Cầm chiếc kính trên tay, bà Nguyễn Thị Kim Dung tâm sự “ngày ông nhà tôi mất, tôi định sẽ đặt chiếc kính bên cạnh ông, tuy nhiên tìm mãi không thấy nên tôi đành chỉ để chiếc kính lão và cuốn truyện Kiều theo ông, sau đó một thời gian thì tôi tìm lại được kỷ vật này”[2]

Chiếc kính soi lò không chỉ là người bạn đồng hành cùng PGS Nguyễn Đức Thừa trong suốt quá trình công tác mà đó còn là kỷ vật gợi lại sự quan tâm, chia sẻ phần việc nho nhỏ mà người vợ hiền dành cho ông trong mỗi lần đi làm việc, giảng dạy thực hành. Kỷ vật này, ngày 22-9-2011 bà Nguyễn Thị Kim Dung đã trao tặng cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

Nguyễn Thị Thành

_______________________

[1] Theo băng ghi âm, phỏng vấn, ngày 22-9-2011.

[2] Theo băng ghi âm, phỏng vấn, ngày 27-11-2012.