Kỷ vật quý của Giáo sư Nguyễn Thúc Tùng.

Ông Phạm Vũ Toản- nguyên Vụ trưởng Vụ Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế, tình cờ gặp lại người thầy giáo đã dạy cho mình những kiến thức Phẫu thuật Ngoại khoa đầu tiên khi ông tham gia lớp Y tá phẫu thuật tại Phú Yên năm 1949. Ông tặng lại thầy giáo mình hai cuốn vở ghi chép bài giảng mà ông đã lưu giữ cẩn thận trong suốt 60 năm qua như lời tri ân của một học trò đối với thầy giáo của mình, với kỷ niệm không thể quên về những năm tháng gian khổ của cuộc Kháng chiến chống Pháp. Chúng tôi vô cùng may mắn khi được nghe câu chuyện về Lớp đào tạo Y tá chiến trường đầu tiên trong Kháng chiến chống Pháp và được tiếp nhận hai cuốn vở như một minh chứng cho một giai đoạn lịch sử và cũng là minh chứng cho một tình thầy trò qua hơn nửa thế kỷ.


Cuối năm 2009, ông Phạm Vũ Toản đã tặng kỷ vật này cho thầy giáo của mình là GS Nguyễn Thúc Tùng.

Nay Giáo sư đã tặng hai cuốn vở ghi chép cho Trung tâm Di sản các nhà Khoa học Việt Nam (CPD).

Năm 1949, bác sĩ Nguyễn Thúc Tùng được điều vào làm Quân y trưởng Liên Trung đoàn 80-83 ở hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa. Ông kể: Thời kỳ đầu kháng chiến, chiến trường Trung Nam bộ rất thiếu cán bộ Quân y. Từ tháng 9 – 1946 đến 12 – 1946 Quân y TW đưa vào miền Nam Trung bộ 30 y tá và một số y tá dân y nhập ngũ. Đến giữa năm 1947, sau khi mất liên lạc với miền Bắc, các Khu phải tự lo đào tạo y tá. Các lớp đào tạo thường do các y, bác sĩ tự viết bài giảng để giảng cho anh em. Năm 1949, ông được phân công mở Lớp đào tạo Y tá cho các Trung đoàn. Đây là Khóa đào tạo Y tá tại chỗ đầu tiên để lấy lực lượng phục vụ cho các đơn vị chiến đấu. Nhận nhiệm vụ, bác sĩ Nguyễn Thúc Tùng rất lo lắng. Dạy gì đây để anh em sau một thời gian ngắn có thể phục vụ ngay được, mà phải phục vụ có hiệu quả. Với 3 năm kinh nghiệm cứu chữa thương binh, ông thấy rằng với tính chất chiến đấu du kích, hoạt động phân tán lẻ tẻ, vận chuyển rất khó khăn, phương tiện, thuốc men hầu như không có, nếu thương binh không được cấp cứu kịp thời mà phải chuyển ra tuyến sau thì nguy cơ tử vong rất cao. Các vết thương chủ yếu là vết thương ở tay, chân, chỉ cần thực hiện các phẫu thuật đơn giản. Nếu giải quyết được các vết thương này thì đã giải quyết được tới 85% thương binh. Ví dụ cắt lọc kịp thời các vết thương phần mềm để tránh nhiễm trùng. Sau đó nếu cần phải cưa, thì cưa kịp thời các chi bị nát để cứu tính mạng thương binh. Còn những ca nặng thì vận chuyển về bệnh viện. Muốn thế, trang bị không cần nhiều, trình độ kỹ thuật không cần cao, chỉ cần một y tá có trình độ văn hoá nhất định, được bồi dưỡng về cơ thể học và thao tác kỹ thuật mổ là có thể giải quyết được. Vì thế, ông chủ trương đào tạo y tá đủ khả năng giải quyết các vết thương nói trên, phục vụ kịp thời cho những thương binh, ở những địa điểm quá xa bệnh viện. Từ chủ trương đó, ông đã viết một loạt bài hướng dẫn cụ thể về cơ thể học, tính chất vết thương chiến tranh, kỹ thuật và chỉ định xử lý, đồng thời giới thiệu cho anh em về tổ chức các trạm mổ. Đi đôi với lý thuyết, từ giữa năm 1949 đến giữa năm 1950, bác sĩ Nguyễn Thúc Tùng đã mở hai Lớp Y tá phẫu thuật, chương trình học về sơ phẫu, đào tạo tất cả được 17 y tá. Lớp đầu phục vụ cho Quân y Liên Trung đoàn, lớp sau phục vụ cho toàn Liên khu. Lớp học của ông Phạm Vũ Toản gồm có 7 học viên là y tá của các Quân y viện Liên khu V và cũng là Lớp đào tạo y tá Trung đoàn đầu tiên của Liên khu. Ông Phạm Vũ Toản khi đó là Y tá Quân y viện Nam 108. Các học viên còn lại gồm:
1. Nguyễn Đình Hằng, Y tá trưởng Quân y viện Bắc 120
2. Trần Quốc Thưởng, Y tá Quân y viện Bắc 126
3. Đồng Quang Trung, Y tá Quân y viện Nam 126
4. Võ Xuân Thành,Y tá Quân y viện Bắc 108
5. Phạm Công Trạch, Y tá Quân y vụ Liên khu
6. Nguyễn Thế Liễu, Ytá Quân y vụ Nam 120

Lớp học kéo dài trong 6 tháng tại Bệnh viện Bắc của Liên Trung đoàn 80-83 ở xã Nam Tường, Phú Yên. Các bài giảng của GS Nguyễn Thúc Tùng đều bằng tiếng Pháp vì khi đó chưa có các tên chuyên ngành phẫu thuật bằng tiếng Việt. Lớp chủ yếu học về phẫu thuật cơ bản. Các học viên sau khi tốt nghiệp sẽ được đưa về các Tiểu đoàn để tổ chức các Đội phẫu thuật dã chiến của Tiểu đoàn. Đội phẫu thuật này sẽ theo các Tiểu đoàn trong các trận đánh và cứu chữa thương binh tại chỗ. Giáo án giảng dạy ông viết lại theo trí nhớ những kiến thức đã được học tại trường Y, phần lớn thời gian dành cho việc thực hành, bởi lớp học được tổ chức ngay tại Bệnh viện của Liên Trung đoàn.
Ông Phạm Vũ Toản cho biết thêm: học viên của lớp học được lựa chọn ở Trung đoàn, mỗi Trung đoàn một người. Người được chọn phải biết tiếng Pháp, có trình độ. Tuy nhiên, tiêu chuẩn này cũng khó với các Trung đoàn, vì vậy trong lớp học học viên cũng phải tự kèm cặp lẫn nhau, người biết tiếng Pháp nhiều phải giảng giải lại cho người biết tiếng Pháp ít. Tài liệu để học cũng không có gì nên các ông phải ghi chép hết sức cẩn thận. Trong lớp, ông là người biết tiếng Pháp tốt nhất vì đã học xong tú tài Pháp nên vở ghi của ông thường được các bạn mượn để chép lại bài. Sau khi kết thúc lớp học, ông được cấp một bộ dụng cụ phẫu thuật do ta tự sản xuất và được điều về về Đoàn 803 chủ lực làm Y tá trưởng, là Đội trưởng Đội phẫu thuật dã chiến thuộc Tiểu đoàn 39, tham gia nhiều chiến dịch ở Tây Nguyên. Trong suốt Kháng chiến chống Pháp, hai cuốn vở ghi chép những bài giảng của GS Nguyễn Thúc Tùng được ông Toản sử dụng như những cẩm nang phẫu thuật, để thực hành và hướng dẫn cho đồng nghiệp. Năm 1955, ông được về Hà Nội, công tác tại Bộ Y tế. Hai cuốn vở được ông cất giữ cẩn thận như những báu vật chiến trường.Tình cờ gặp lại thầy giáo cũ, ông Toản rất vui mừng, sợ thầy đã quên mình, ông Toản mang hai quyển vở ghi chép đến để cùng thầy ôn lại những kỷ niệm từ 60 năm trước.

GS Nguyễn Thúc Tùng (trái) và người học trò năm xưa: ông Phạm Vũ Toản

Hai thầy trò ngày nào giờ đã ở vào tuổi thượng thọ, cùng lãng tai. Chúng tôi vừa ngồi nghe hai thầy trò nói chuyện vừa kiêm người phiên dịch bởi cả hai nhiều khi không nghe rõ người kia nói gì. Cuối buổi, khi được biết người học trò năm xưa của mình trước khi nghỉ hưu đã giữ chức Vụ trưởng, GS Nguyễn Thúc Tùng trách móc: “ Tôi đào tạo anh để trở thành bác sĩ Ngoại khoa, bác sĩ Phẫu thuật. Vậy mà anh lại bỏ nghề làm lãnh đạo sao?” Ông Phạm Vũ Toản phân bua: “Tôi cũng đâu muốn thế, nhưng khi đó cấp trên phân công thì mình phải phục tùng thôi. Chẳng phải trước khi nghỉ hưu cụ cũng đã có bao nhiêu năm làm quản lý sao?” Cả hai cùng cười xòa. Nhưng chúng tôi hiểu rằng, cho dù ở vị trí công tác nào, hai thầy trò cũng đã cống hiến cả cuộc đời phục vụ cho nhân dân, cho đất nước. Ngay giờ đây, hai ông vẫn đang là tấm gương, dạy cho chúng ta – thế hệ trẻ ngày nay về tình nghĩa thày trò không hề phai nhạt, cho dù đã qua hơn nửa thế kỷ, cho dù thầy trò chỉ dạy và học cùng nhau 6 tháng trong hoàn cảnh khốc liệt của chiến tranh.

Phạm Kim Ngân