Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Trí sinh ra và lớn lên tại Lệ Thủy, Quảng Bình, miền đất có nhiều nắng gió, trong thời kỳ chiến tranh còn phải gánh chịu những ảnh hưởng nặng nề bởi bom đạn ác liệt của Đế quốc Mỹ. Cái thời đoạn cực kỳ gian khổ ấy (1964-1975) cũng chính là thời cắp sách của Nguyễn Anh Trí. Ông vẫn nhớ, khái niệm đủ Sách giáo khoa của học sinh Khu IV lúc bấy giờ thật là xa vời. Muốn có tài liệu để học, thường phải mượn sách để chép lại, ông cũng thế. GS Nguyễn Anh Trí chia sẻ: “Do không có sách nên chúng tôi phải chuyền tay nhau những cuốn sách mượn được để chép làm tài liệu, chép liên tục, thức suốt đêm để chép…”. Ngay cả giấy viết cũng thiếu thốn: “Đã có nhiều lần Ba tôi ngâm báo vào trong vôi, khi nào chữ trên tờ báo mờ đi, thì đóng thành quyển để viết, khi viết thì vôi dính cả vào tay, bút thường xuyên bị tắc mực do vôi đóng thành cục ở ngòi”.
Sau những năm tháng gian khó của thời học phổ thông, năm 1976 Nguyễn Anh Trí thi đỗ vào trường Đại học Y Hà Nội. Những khó khăn khi bước vào giảng đường đại học lại bắt đầu đến với tân sinh viên Nguyễn Anh Trí. Ngay trong năm học thứ nhất, ông vất vả hơn các bạn cùng khóa vì khi học phổ thông chưa được học ngoại ngữ. Ngoại ngữ luôn là một môn khó, nhưng trong ngành Y, nếu không giỏi ngoại ngữ thì không thể tiến bộ. Do đó, để học tốt môn ngoại ngữ thì ngoài việc học trên giảng đường, Nguyễn Anh Trí phải nỗ lực tự học, học từ các bạn, từ sách vở và dần dần có thể tra cứu được tài liệu tham khảo tiếng nước ngoài.
Khi đó, các thầy giáo ở Trường Đại học Y Hà Nội đều yêu cầu sinh viên tự học bằng cách sau mỗi giờ giảng trên lớp mỗi sinh viên phải ‘xào bài” ngay, và phải tìm tài liệu liên quan đến bài giảng để đọc và bổ sung vào bài giảng, hoặc tốt hơn nữa là tự soạn lại bài cho mình. Thói quen đọc sách để soạn bài làm tài liệu học tập, cộng với thói quen viết nhật ký từ thời còn học phổ thông được sinh viên Nguyễn Anh Trí duy trì khi học đại học, vì vậy việc thực hiện yêu cầu của các thầy cũng không mấy khó khăn. Để chuẩn bị cho việc soạn bài như vậy ông đọc từng ý trong mỗi bài giảng, chỗ nào chưa hiểu phải đọc lại tài liệu đến khi nào thật hiểu rồi mới bắt tay vào soạn lại bài, có những chỗ phải mở rộng thì ghi chú nhiều, bổ sung nhiều để dễ hiểu; Còn nguồn tài liệu tham khảo chủ yếu từ thư viện của trường, thư viện Khoa học kỹ thuật và Thư viện Quốc gia… Giáo sư Nguyễn Anh Trí chia sẻ: “Hầu hết sinh viên trường Đại học Y rất cần đến thư viện, có nhiều bạn ngồi học cả ngày ở thư viện. Tôi và các bạn đến thư viện nhiều đến mức coi thư viện giống như nhà của mình và coi các chị thủ thư như người nhà.Tham khảo, nghiên cứu các tài liệu có trong thư viện là cách học có hiệu quả, vì nhờ đó mà các bài tự soạn ngày càng kỹ và hoàn thiện hơn”. Bằng cách học như vậy, nên kết quả học tập của Nguyễn Anh Trí luôn đạt loại tốt và đủ điều kiện để đăng ký dự thi bác sĩ nội trú vào cuối năm thứ 4 đầu năm thứ 5.
Theo yêu cầu của Đại học Y Hà Nội, thời ấy, muốn thi Bác sĩ nội trú phải có đạo đức tốt, điểm tổng kết tất cả các môn phải đạt khá trở lên, đủ sức khỏe, phải được tập thể lớp nhận xét tốt về mọi mặt. Hội đủ tất cả các điều kiện đó mới được làm đơn để nhà trường xét duyệt. Người được dự thi phải thi 5 môn, trong đó 3 môn cố định bắt buộc là Nội, Ngoại khoa và Ngoại ngữ. Các môn còn lại là Sản khoa, Nhi khoa, Sinh lý và Sinh hóa thì một đại diện bắt thăm ngay tại phòng thi để chọn 2 trong số 4 môn đó. Kỳ thi năm 1981, môn thi không cố định cho các thí sinh thi Nội trú là môn Sản khoa và Sinh hóa. Sinh viên Nguyễn Anh Trí đã trở thành một trong số 31 sinh viên của khóa Y năm 1976-1982 thi đỗ Bác sĩ nội trú. Thế là, bắt đầu từ năm học thứ 6 (1981), Nguyễn Anh Trí đã trở thành sinh viên nội trú của Bộ môn Huyết học-Truyền máu, trường Đại học Y Hà Nội.
Bằng những kinh nghiệm thực tế của bản thân, ông nhận thấy rằng: “Có cách học đúng là rất cần thiết, muốn học đại học phải có phương pháp học cho tốt trong đó việc tự soạn lại bài là một trong những cách học tích cực và có hiệu quả…” . Chính nhờ cách thường xuyên soạn lại bài đó, đã giúp ích để cho đến nay GS Nguyễn Anh Trí đã có thể viết và tham gia viết tất cả khoảng 18 cuốn sách chuyên môn.
Cuốn vở ghi chép môn Sản khoa của sinh viên Nguyễn Anh Trí
Nói về cuốn vở ghi bài giảng về Sản khoa đã giúp sinh viên Y khoa Nguyễn Anh Trí thi đỗ Bác sĩ nội trú, GS Trí cho biết, quyển vở này chép các bài giảng vào cuối năm thứ 4. Những trang vở đến nay còn nguyên màu mực, nét chữ cẩn thận, ngay ngắn dễ đọc, trình bày bài giảng một cách khoa học ghi từ ý chính, đến các ý nhỏ; và ký hiệu dấu sao là những vấn đề ghi chú đặc biệt cần lưu ý trong mỗi bài giảng. Trong cuốn vở ghi bài giảng về Sản khoa có ghi rõ tên các giáo viên giảng bài. Ví dụ, Bác sĩ Huế giảng bài “Các yếu tố tiên lượng cuộc đẻ”, 25-1-1980; Bài giảng “Sẩy thai” của bác sĩ Dương Tử Kỳ, 8-2-1980… Phần đầu của mỗi một bài giảng đều ghi rõ ngày tháng; Tiêu đề của bài giảng được viết theo kiểu chữ in hoa hoặc chữ to đậm, trình bày rất đẹp.
Cuốn vở ghi bài giảng này khổ giấy 18×26.5 cm, giấy kẻ ngang, đóng bằng chỉ. Trang bìa có ghi “Kiến Hà, Y4D, trường Đại học Y khoa Hà Nội”, qua thời gian màu giấy của quyển vở đã ố vàng, các góc đã quăn và sờn, gáy trang bìa bị rách. Có một thông tin thú vị, là ở trang gần cuối của cuốn vở Nguyễn Anh Trí có ghi “16h25’, ngày 8-2-1980, buổi học cuối cùng của năm 1979. Tết Nguyên đán 1980”, ký tên Kiến Hà.
Cuốn vở các bài giảng về Sản khoa, có thể đã nhiều năm chu du qua tay của các thế hệ sinh viên Y khoa sau 1980. Một hôm, vào mùa Thu năm 2012 khi đang trên ô-tô đi công tác, GS Nguyễn Anh Trí nhận được một cuộc điện thoại của một nữ đồng nghiệp công tác tại Vụ Bảo vệ Bà mẹ trẻ em, Bộ Y tế, cô cho biết đang lưu giữ cuốn sổ ghi bài giảng môn Sản khoa trên trang bìa có ký chữ Kiến Hà [1] và muốn gửi lại cho chủ nhân cuốn vở đó. Tiếc rằng cuộc nói chuyện điện thoại đó diễn ra quá nhanh nên Giáo sư Trí chưa kịp hỏi tên người đồng nghiệp đó, chỉ biết rằng nữ đồng nghiệp học sau ông khoảng 5 đến 7 khóa gì đó và quyển vở ghi bài giảng là một trong những tài liệu tham khảo hữu ích trong quá trình học tập của cô. Vài ngày sau đó khi đến cơ quan, ông thấy có một bưu phẩm gửi cho mình, bên trong là cuốn vở ghi bài giảng về Sản khoa, Giáo sư Nguyễn Anh Trí không khỏi bất ngờ và xúc động, cuốn vở gợi lại trong giáo sư đầy ắp những kỷ niệm về một thời sinh viên đã xa.
Là một người sống tình cảm, trách nhiệm và luôn luôn quan tâm đến việc học tập của các em trong gia đình, mặc dù thời gian học tập của một sinh viên trong những năm cuối khá bận rộn nhưng Nguyễn Anh Trí vẫn dành thời gian sưu tầm và chép lại cuốn “Những bài toán sinh học” dùng cho học sinh lớp 10 phổ thông, gửi tặng em gái Nguyễn Thị Lệ Thuận để sử dụng làm tài liệu tham khảo khi học ở quê. Ngay trang đầu tiên của cuốn vở có ghi “Kỷ niệm mùa xuân năm 1980. Tặng Thuận- em thương nhất. Ký tên Kiến Hà”. Cuốn vở được em gái GS Nguyễn Anh Trí lưu giữ cẩn thận cho mãi đến năm 2012 trong một lần ông về thăm quê, cô em gái đã tặng lại người anh mà cô rất kính phục quyển vở đó làm kỷ niệm. GS Trí đã rất xúc động, khi nghe em gái giờ đây đã gần 50 tuổi nói với anh khi trao lại quyển vở đó: “Anh biết không, em đã dùng và sau đó cất giữ nó như một báu vật để ghi nhớ tình cảm và trách nhiệm của anh trai mình đối với em!
GS.TS Nguyễn Anh Trí tìm về những ký ức năm xưa qua những kỷ vật một thời
Trải qua hơn ba thập kỷ, hai kỷ vật của thời sinh viên đã gợi cho Giáo sư Nguyễn Anh Trí nhớ về một thời học tập miệt mài, nghiêm túc với ý trí vươn lên mạnh mẽ. Đó chính là tiền đề cơ bản cho sự thành công tiếp nối của ông.
Cuốn vở ghi bài giảng môn Sản khoa với những hàng chữ cẩn thận của ông, nay GS Nguyễn Anh Trí đã tin tưởng trao tặng cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam lưu giữ và bảo quản.
Giang Thị Nhung
_______________________
[1]: Kiến Hà là tên “bút danh” của GS.TS Nguyễn Anh Trí.