Cầm trên tay tấm Mề đay danh dự, biết bao kỷ niệm về một thời lại ùa về trong tâm trí GS.TS Ngô Ngọc Liễn, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Tai mũi họng, trường Đại học Y Hà Nội.
Từ định hướng của thầy
Năm 1966, GS Trần Hữu Tước đã thành lập chuyên ngành Tai mũi họng công nghiệp bởi theo GS Tước, Tai mũi họng tuy không xếp là bệnh xã hội như chuyên ngành như Mắt, Lao… thời đó, nhưng khi nước ta thực hiện đô thị hóa, công nghiệp hóa… công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp sẽ dễ mắc các bệnh về xoang do hít phải bụi, khí độc và điếc do tiếng ồn của các máy móc, nên sẽ là những bệnh xã hội.
Khi chuyên ngành Tai mũi họng công nghiệp thành lập được một tháng, thì có đoàn chuyên gia y tế của Liên Xô sang nghiên cứu, trao đổi về bệnh nghề nghiệp. Đoàn đến khảo sát các mỏ than, điều tra nghiên cứu bệnh trong ngành khai thác than ở Quảng Ninh. BS Ngô Ngọc Liễn được GS Tước cử đi cùng và trong một tháng theo đoàn chuyên gia, ông đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm, trực tiếp thấy được bệnh điếc khá phổ biến do tiếng ồn từ máy khoan, nổ mìn… Cùng với việc tham khảo một số tài liệu của GS Tước được gửi từ Pháp về, Ngô Ngọc Liễn dần nhận thức được những ảnh hưởng của bệnh xã hội đối với cộng đồng. Là người có thời gian 15 năm ở Paris với tầm nhìn xa và rộng, GS Trần Hữu Tước đã hướng Ngô Ngọc Liễn tìm hiểu và học hỏi về vấn đề Điếc nghề nghiệp bởi theo GS Tước, Ngô Ngọc Liễn là cán bộ trẻ, cần đi sâu nghiên cứu những chuyên ngành mới, trong đó có chuyên ngành về bệnh Tai mũi họng công nghiệp.
Dịp đi thực tế cùng đoàn chuyên gia y tế, Ngô Ngọc Liễn nhận thấy bệnh điếc nghề nghiệp đa phần do môi trường lao động gây nên, do tiếp xúc thường xuyên, kéo dài với tiếng ồn từ búa máy, máy xúc, máy gặt đập…, nên khả năng nghe bị giảm đi. Trước đó, Ngô Ngọc Liễn thích được trực tiếp thực hiện công việc mổ, chữa bệnh, chưa thấy hết tầm quan trọng của vấn đề bệnh nghề nghiệp, việc đi sâu, tìm hiểu, nghiên cứu bệnh Tai mũi họng trong môi trường công nghiệp là điều ông chưa bao giờ nghĩ tới. Vì thời kỳ đó đây là vấn đề rất phức tạp và Việt Nam không có máy đo điếc, không có máy đo bụi và mọi thứ dường như đang rất “mới”. Được sự động viên của GS Tước và qua thời gian làm việc với chuyên gia y tế của Liên Xô, Ngô Ngọc Liễn đã bị “chinh phục” và đồng ý chuyển sang lĩnh vực hoàn toàn mới: Nghiên cứu về điếc nghề nghiệp.
Năm 1973, trường Đại học Y Hà Nội có chủ trương cử cán bộ trẻ đi Thực tập sinh ở nước ngoài. BS Ngô Ngọc Liễn khi đó là giảng viên Bộ môn Tai mũi họng, ông là một trong số người được cử sang Đức học tập. GS Liễn nhớ Đoàn ông đi trên chuyến bay sang Đức đúng ngày mở đường bay Việt Nam – CHDC Đức.
Nhớ về những ngày mới sang Đức, Ngô Ngọc Liễn tâm sự: Các thành viên trong đoàn đã được phân công hết về các trường nhưng duy chỉ có mình tôi là chưa có nơi nào nhận. Gần một tháng sau cũng chưa có nơi nào nhận, lúc đó tôi cũng không biết Jena, không biết GS Dearoff là ai. Đại sứ quán giục tôi rất nhiều, vì theo quy chế, quá hai tháng không có nơi nào nhận, thì tôi phải đi tìm nước khác để học tập.
Thực tập sinh Ngô Ngọc Liễn tại CHDC Đức, năm 1973
Ngô Ngọc Liễn cảm thấy may mắn vì được học trường Đại học Friedrich Schiller đóng tại Jena, đây là một thành phố công nghiệp nhỏ, có cả núi, đồng bằng, nơi có một trong 3 trường đại học cổ nhất của nước Đức. Ở Jena khi đó có một Trung tâm nghiên cứu nguyên tử và để bảo đảm bí mật, đã từng có thời gian không nhận các lưu học sinh và du học sinh. Sau này Ngô Ngọc Liễn mới biết lý do vì sao sau một thời gian rất dài ông mới được nhận về Jena thực tập.
Khi đó, bà Albrecht với cương vị là Viện trưởng Viện Tai mũi họng, thuộc trường Đại học Jena và là Ủy viên Hội đồng hòa bình thế giới… có trách nhiệm kiểm tra xem Ngô Ngọc Liễn có thực sự là một bác sĩ xin về Jena thực tập chuyên về Tai mũi họng không, vì Jena đang có công trình nghiên cứu quốc phòng bí mật. Và sau này cũng chính bà Albrecht đã giúp đỡ Ngô Ngọc Liễn rất nhiều trong việc nghiên cứu và học tập tại trường Đại học Friedrich Schiller, cũng như nhận thức về nước Đức, văn hóa châu Âu.
Ngô Ngọc Liễn đến Viện Tai mũi họng, thuộc trường Đại học Jena hôm trước thì hôm sau bà Albrecht mời ông đến làm việc và đưa bệnh nhân tới để ông chẩn đoán bệnh. Với vốn kiến thức tích lũy được sau 10 năm ra trường, cộng với những kinh nghiệm từ những lần được cùng Giáo sư Tước khám cho các bệnh nhân trong công trình nghiên cứu Ung thư Vòm mũi họng (được báo cáo ở Hội nghị Quốc tế ở Lêningrat), giúp Ngô Ngọc Liễn chẩn đoán bệnh nhanh và chuẩn xác căn bệnh mà bệnh nhân đang mắc phải: Ung thư vòm mũi họng – một bệnh có tỷ lệ ở Việt Nam cao hơn ở châu Âu nhiều lần.
Sau "bài kiểm tra", bà Albrecht đã nói rằng: “Ở bên này các bác sĩ chuyên khoa khám và phát hiện ra ung thư nghề nghiệp hay ung thư vòm họng cũng không hề dễ, vậy mà anh xem nhanh, chẩn đoán đúng bệnh là tôi biết anh là bác sĩ Tai mũi họng. Anh đã được nhận!” – GS Liễn kể lại.
Năm 1973 ở Đức, điếc nghề nghiệp cũng là vấn đề mới được đặt ra và chỉ có GS Dearoff công tác tại trường Đại học Friedrich Schiller – một chuyên gia về thính học và là thành viên của Hội đồng điếc nghề nghiệp thế giới sớm nhận ra điếc nghề nghiệp là vấn đề nghiêm trọng, nên đã viết một cuốn sách với chủ đề về điếc do tiếng ồn lao động. Khi đến trường Đại học Friedrich Schiller đăng ký đề tài về Điếc nghề nghiệp, BS Ngô Ngọc Liễn đã thẳng thắn trình bày với GS Dearoff – thầy hướng dẫn rằng: Em chưa biết gì về thính học và em cũng chưa nhìn thấy máy đo thính lực bao giờ.
Tới Bảng thính lực lời
Giáo sư Dearoff làm việc rất nghiêm túc và là người thầy có kiến thức rất sâu về chuyên môn nên khi nhận hướng dẫn Ngô Ngọc Liễn, Giáo sư đã gửi Ngô Ngọc Liễn đến Khoa Vật lý, trường Đại học Humboldt để học thêm 3 tuần về âm học[1]. Vì theo Giáo sư, BS Liễn cần phải có kiến thức tốt nhất về âm học để có cơ sở học và nghiên cứu về thính học. Trong thời gian này Ngô Ngọc Liễn được thầy hướng dẫn riêng những vấn đề cần thiết, cơ bản về âm học và thính học.
Không những thế, sau này khi Ngô Ngọc Liễn bắt tay vào việc xây dựng bảng thính lực tiếng Việt thì chính GS Dearoff đã đích thân đưa Ngô Ngọc Liễn đến trường Humboldt để bồi dưỡng thêm ba tháng về ngữ âm và ngôn ngữ. Vì gần lễ Noel nên nhà khách của trường Humboldt hết chỗ, các khách sạn cũng không còn chỗ, để đảm bảo việc học của Ngô Ngọc Liễn không bị gián đoạn, GS Dearoff đã đề nghị bà Albrecht cho cậu học viên người Việt được "đặc cách" thuê khách sạn Kodapest làm nơi lưu trú mặc dù chi phí ở đây rất đắt.
Trong thời gian học âm học và thính học, Ngô Ngọc Liễn cảm thấy không khó khăn khi học lý thuyết nhưng lại cảm thấy rất khó chịu khi phải ngồi thực nghiệm đo tiếng ồn trong ca bin, trong tình trạng cách âm nên thiếu không khí. GS Ngô Ngọc Liễn cho biết nếu chỉ học thính học, trong 2 tháng cũng có thể đo được nhưng nếu để xử lý được tất cả các hình thái thì phải học 5-7 tháng và phải tới các cơ sở để đo độ ồn từ đó biết mức độ điếc của mỗi ngành nghề.
Ngoài việc học thính học, Ngô Ngọc Liễn cũng rất muốn được tham gia phẫu thuật, khám chữa bệnh, tuy nhiên bà Albrecht đã trao đổi với ông: Có thể cử một bác sĩ khác sang học mổ vá nhĩ, thay thế xương bàn đạp, 5 – 6 tháng là được. Anh đã được đào tạo cơ bản thì nên định hướng và nghiên cứu sâu để phát triển được kiến thức nghề nghiệp của mình. Chính vì gợi ý từ bà Albrecht, Ngô Ngọc Liễn đã đề xuất ý tưởng xây dựng bản thính lực lời tiếng Việt để làm cơ sở cho chẩn đoán điếc nghề nghiệp ở nước nhà và được GS Dearoff chấp nhận.
Để phát hiện điếc nghề nghiệp người ta phải đo thính lực âm, từ đó đánh giá chính xác tai bị tổn thương bao nhiêu phần trăm. Như vậy, để đề tài có tính ứng dụng cao ở Việt Nam thì không thể dùng bản thính lực lời của Đức hay của Pháp để áp dụng vào đề tài nghiên cứu nên Ngô Ngọc Liễn đã phải xây dựng bảng thính lực lời tiếng Việt trong suốt nửa thời gian cuối thực tập sinh.
GS.TS Ngô Ngọc Liễn nhớ lại: “Chủ yếu tôi theo dõi hai bảng thính lực của Đức và của Pháp để so sánh và phải biết được một loạt các vấn đề tiếng Việt. Việc khó khăn nhất là phải tìm ra 200 từ đặc trưng nhất và cần thiết nhất để lập bảng thính lực lời cho ngôn ngữ tiếng Việt”. Thời điểm đó không có máy tính nên Ngô Ngọc Liễn phải điện về Việt Nam nhờ vợ đến gặp ông Đoàn Thiện Thuật – người tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ – trước là bạn học với ông để nhờ giúp đỡ và chép tay 2000 từ thường được sử dụng nhiều nhất ở Việt Nam để gửi sang Đức. Trong số 2000 từ đó, Ngô Ngọc Liễn lại chọn ra 200 từ thường gặp nhất, mang tính đặc trưng của ngữ âm để đưa vào bảng thính lực.
GS Ngô Ngọc Liễn tâm sự: Tôi rất hăng hái thực hiện đề tài vì thời điểm đó Châu Á chưa có bảng thính lực lời nào. Phần nữa GS Dearoff và bà Albrecht khuyến khích, động viên và hứa sẽ dùng nghiên cứu này đề xuất cho tôi bảo vệ Đốc tờ Habil[2] ".
Món quà kỷ niệm dành cho Thực tập sinh Ngô Ngọc Liễn
Năm 1977, sau khi đề tài nghiên cứu Bảng thính lực lời của Ngô Ngọc Liễn hoàn thiện, bà Albrecht đã trình Hội đồng khoa học kỹ thuật của trường Đại học Friedrich Schiller thông qua và được Hội đồng đánh giá "đạt tiêu chuẩn". Ngô Ngọc Liễn được tặng một tấm Mề đay danh dự – biểu tượng của nhà trường và Huy hiệu để gài áo, 500 Mác cùng một Giấy chứng nhận, trong đó có đề nghị Việt Nam cho Ngô Ngọc Liễn được bảo vệ Đốc tờ Habil từ đề tài này. Tuy nhiên, lời đề nghị được bảo vệ Đốc tờ Habil từ Bảng thính lực lời dùng để xác định điếc nghề nghiệp của BS Liễn không được chấp nhận vì theo quy định những cán bộ được cử đi thực tập sinh thời gian ngắn không được bảo vệ theo chương trình nghiên cứu sinh. Tuy nhiên, đây là cơ sở để BS Ngô Ngọc Liễn tiếp tục xây dựng Bảng thính lực lời để đưa vào ứng dụng trong giám định Điếc nghề nghiệp ở trong nước. Và đó cũng là đề tài luận án Phó Tiến sĩ được BS Ngô Ngọc Liễn bảo vệ thành công năm 1989 tại trường Đại học Y Hà Nội.
Tấm Mề đay danh dự hình tròn, màu nâu đỏ và Huy hiệu được đặt trang trọng trong một hộp nhỏ màu đỏ sẫm, tuy đã bạc màu theo thời gian nhưng vẫn được GS.TS Ngô Ngọc Liễn lưu giữ làm kỷ niệm. Món quà nhỏ nhưng đầy ý nghĩa đó đã được GS.TS Ngô Ngọc Liễn trao tặng cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam lưu giữ và đó cũng là một trong những câu chuyện trong cuộc hành trình tìm đến khoa học…
Hoàng Liêm – Khánh Phương
__________________
[1] Âm học là một nhánh của vật lý học, nghiên cứu về sự lan truyền của sóng âm thanh trong các loại môi trường và sự tác động qua lại của nó với vật chất.
[2] Dr. Habil – Học vị ở CHDC Đức, tương đương với Tiến sĩ Khoa học.