Lá đơn xin thi tốt nghiệp tiểu học

Trong số tài liệu cá nhân của PGS Ngô Thu Thanh, lá đơn này lâu năm nhất và ông đã trao tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam ngày 20-5-2020. Sau 68 năm, đến nay tờ giấy đã ố vàng, quăn các góc và rách một chút ở mép. Ông giữ gìn nó vì sở thích lưu trữ tài liệu, đặc biệt trong cuộc đời đi học của ông thì đây là bằng chứng chân thực về kỳ thi đầu tiên, sau 6 năm từ Lào về nước sinh sống và học tập.

Ngô Thu Thanh sinh ra tại Savannakhet, một thị trấn nằm sát bờ phía Tây sông Mê Công bên nước Lào. Thời Pháp thuộc, bậc tiểu học ở Lào cũng lần lượt trải qua 5 lớp như ở Việt Nam: đồng ấu, lớp tư, lớp ba, lớp nhì và lớp nhất. Năm 1946, khi đang học dở lớp ba thì Ngô Thu Thanh theo gia đình về nước. Tại quê ngoại ở tổng Lật Sài (phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây), trường làng Đa Phúc chỉ có một lớp với khoảng 30 học sinh từ lớp đồng ấu đến lớp ba, nên ông ngoại xin cho cậu vào học lớp ba.

Ít lâu sau, quân Pháp tái chiếm Hà Nội và đánh mở rộng ra các địa phương lân cận. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Lật Sài nằm trong vùng tạm bị chiếm, Ngô Thu Thanh phải bỏ học, theo gia đình đi tản cư. Năm 1949, khi cả nhà trở về quê, cậu lại tiếp tục học lớp ba tại trường làng Đa Phúc. Một hôm, chuẩn bị kết thúc năm học, thầy giáo gặp riêng đưa cho cậu cuốn sách toán lớp nhì bằng tiếng Pháp và bảo: Thày thấy em có thể học lên, nên thày tặng em cuốn sách này, mong em gắng tìm hiểu và học tập. Trước đây thày mới học hết lớp 3 và cũng chưa học qua sách này nên không thể chỉ bảo gì thêm cho em[1]. Ngô Thu Thanh xúc động, ôm chầm lấy thầy và hứa sẽ cố gắng học tập để không phụ lòng thầy…

Sau khi ông ngoại mất, năm 1950 mấy anh em Ngô Thu Thanh theo cậu Ngọc và dì Tám ra Hà Nội sinh sống, bởi như sau này ông giải thích: Tản cư mãi vẫn không an toàn, ở lại vùng kháng chiến thì phải có công ăn việc làm hoặc phải là cán bộ của chính phủ kháng chiến. Hơn nữa bên nhà chồng của dì Độ tôi (dì ruột, trên dì Tám) ở Hà Nội lại là cơ sở của Việt Minh ở vùng địch hậu, rất cần có gia đình ở vùng tạm chiếm để che giấu mật thám Pháp[2].

Mấy dì cháu đến ở nhờ nhà dì Độ, gần bến xe Kim Mã. Để Ngô Thu Thanh được đi học ở Hà Nội, chồng dì Độ là chú Châu – thư ký ở nhà máy bia Hommel[3], phải lên tòa án thành phố xin cấp giấy khai sinh cho cháu, vì lúc ở Lào về vội nên không chú ý gì đến giấy tờ phải mang theo. Xong xuôi thủ tục này thì đã muộn, không kịp xin học trường công để khỏi phải đóng học phí, Ngô Thu Thanh đành vào lớp nhì trường tư thục Phan Đình Phùng trên phố Nguyễn Thái Học. Cuốn sách toán mà thầy giáo tặng hồi cuối lớp ba vừa rồi được cậu nghiền ngẫm suốt năm học.

Một năm sau, do chuyển chỗ ở, Ngô Thu Thanh học lớp nhất tại trường công Đỗ Hữu Vị ở gần ngã tư Cửa Bắc – Quán Thánh. Lớp nhất học nhiều môn: tập đọc, tập làm văn, toán, sử, địa lý, vạn vật, vệ sinh, vẽ, nhạc, thủ công. Hai môn vạn vật và vệ sinh yêu cầu học sinh phải phân biệt được các loài cây, các loại bệnh tật, nhất là bệnh đậu mùa, bệnh lao, bệnh dại do chó cắn, bệnh đau mắt hột và bệnh răng miệng. Trường còn mời thầy thuốc đến khám và chữa trị các bệnh răng miệng, đau mắt, tổ chức cho học sinh uống thuốc tẩy giun.

Học xong lớp nhất, học sinh thi tốt nghiệp tiểu học. Thời ấy, tại Hà Nội cũng như các nơi khác chịu sự quản lý của người Pháp và của chính quyền Bảo Đại, học sinh phải làm đơn xin thi. Trước khi kết thúc học kỳ II niên khóa 1951-1952, mỗi học sinh lớp nhất được nhà trường phát cho 2 lá đơn in sẵn, để phòng khi viết sai thì có tờ khác thay thế. Ngày ấy, học sinh thường sử dụng bút máy và mực tím để viết. Chỉ cần điền vào những chỗ để trống, cho biết các thông tin cá nhân cần thiết. Khi ký tên vào cuối đơn, Ngô Thu Thanh loay hoay mãi vì chưa biết ký thế nào, rồi cậu bắt chước kiểu chữ ký của thầy Trường hiệu trưởng. Cậu làm đồng thời cả hai tờ đơn, không sai sót gì cả, sau đó nộp một tờ, còn một tờ giữ lại làm kỷ niệm.


Lá đơn của PGS.TS Ngô Thu Thanh, 1952

Gần 2 tháng sau ngày nộp đơn, kỳ thi tốt nghiệp tiểu học diễn ra trong hai ngày mồng 4 và 5 tháng 6. Học sinh trường Đỗ Hữu Vị thi tại hội đồng IV ở trường Nguyễn Công Trứ trên phố Hàng Than. Thí sinh phải mang theo thẻ học sinh hoặc giấy dự thi có dán ảnh. Số báo danh xếp thứ tự theo bảng chữ cái tiếng Việt. Trong hai ngày thi đó, các thí sinh phải hoàn thành hai phần: thi viết và thi vấn đáp.

Hôm đầu tiên thi viết, gồm viết chính tả, làm văn và làm toán. Bài thi chính tả hôm ấy là đoạn trích trong một tác phẩm của nhà văn Nguyễn Bá Học, người có câu danh ngôn nổi tiếng: “Đường đi không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông”[4]. Thầy giáo đọc mỗi câu 3 lần, đọc chậm và chú ý phân biệt tr với ch, s với x… Còn bài tập làm văn thì yêu cầu phân tích câu tục ngữ “Ăn vóc học hay” và giải thích sức khỏe quan trọng như thế nào cho việc học tập. Với đề bài này, thí sinh phải giải thích được cả nghĩa đen, nghĩa bóng của câu tục ngữ và lấy ví dụ minh họa. Môn toán thi buổi chiều, với dạng đề tính vận tốc, chẳng hạn cho biết xe đạp và ô tô đi cùng chiều, xe đạp đi trước ô tô 1 giờ, cho biết độ dài quãng đường, vận tốc của ô tô và xe đạp, thí sinh cần tính thời gian để ô tô đuổi kịp xe đạp. Kiểu đề này học sinh đã được ôn luyện trên lớp và có cả bài thơ về tính toán thời gian, đến nay ông vẫn thuộc:

Trên đàng kẻ chậm với người mau

Hai kẻ đồng chiều đuổi gấp nhau

Vận tốc đôi bên tìm hiệu số

Đường dài chia với khó chi đâu.

Ngày hôm sau thi vấn đáp, gồm tập đọc, trả lời câu hỏi và đọc thuộc lòng một bài thơ hoặc hát một bài. Ngô Thu Thanh bốc thăm trúng bài “Vỡ đê” của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Cậu đọc dõng dạc, rõ chữ, chú ý từ ngữ điệu cho tới dấu phẩy, dấu chấm… Đọc xong, một thầy chấm thi hỏi: "Trống đánh ngũ liên là đánh thế nào và để làm gì?”. Cậu trả lời suôn sẻ rằng trống đánh ngũ liên là đánh từng hồi 5 tiếng một, báo động đê bị vỡ, cho mọi người biết để đi tránh nạn và để đàn ông, trai tráng ra cứu đê. Tiếp đến, một thầy yêu cầu đọc bài thơ bất kỳ và cậu chọn bài “Trần Bình Trọng” của nhà thơ Trần Tuấn Khải, đọc trơn tru cả 20 câu, từ câu đầu “Trần Bình Trọng anh hùng ngàn thu trước” cho tới câu kết “Soi gương trong sách sử để ngàn thu”. Ngô Thu Thanh được khen đọc truyền cảm, nhất là thể hiện được chí khí của tướng quân Trần Bình Trọng. Hai thầy nhìn nhau định cho điểm thì một thầy lại muốn cậu hát một bài tự chọn. Cậu liền hát bài “Anh thương binh về làng” của nhạc sĩ Phạm Duy. Kết quả, cả ba bài vấn đáp, chính tả và toán, cậu đều được điểm 10 – điểm cao nhất, còn bài tập làm văn được điểm 8.

Một tháng sau, các học sinh thi đỗ được cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp và chờ khoảng 2 tháng nữa thì có bằng Tiểu học. Nếu không đỗ kỳ thi này, sẽ không thể học tiếp lên trung học. PGS Ngô Thu Thanh cho biết thêm, thi tốt nghiệp tiểu học thời ấy rất nghiêm túc, có cảnh sát canh gác tại địa điểm thi. Hàng năm đều có nhiều người trượt và phải thi lại, thậm chí ngoài 30 tuổi mới có bằng Tiểu học cũng là chuyện bình thường. Sau khi lấy bằng Tiểu học, người ta có thể đi làm thư ký cho một số cơ quan hoặc đi dạy học tại các trường làng.

Câu chuyện về lá đơn xin thi lấy bằng Tiểu học và kỳ thi tốt nghiệp tiểu học năm 1952 của PGS.TS Ngô Thu Thanh chẳng khác nào một chuyện “cổ tích” đối với học sinh thời nay. Ông đã trải qua thời tiểu học và thi tốt nghiệp tiểu học như thế, để rồi học tập không ngừng và về sau trở thành một nhà khoa học trong lĩnh vực kiến trúc.

Nguyễn Điệp

________________

*PGS.TS Ngô Thu Thanh là nhà khoa học ngành Kiến trúc, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu quy hoạch và thiết kế đô thị nông thôn, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam.

[1] Hồi ký của PGS.TS Ngô Thu Thanh về giai đoạn 1946-1950, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[2] PGS.TS Ngô Thu Thanh kể qua email, 5-8-2020.

[3] Sau này gọi là Nhà máy bia Hà Nội.

[4] Nhà văn Nguyễn Bá Học (1857-1921) được coi là một trong những cây bút đầu tiên viết truyện ngắn hiện đại bằng chữ quốc ngữ trong văn học Việt Nam.