Đến với nghiên cứu văn xuôi trước tiên và đạt được khá nhiều những thành công khi viết về các tác gia như Nam Cao, Nguyễn Tuân,… nhưng Hà Minh Đức cũng rất có duyên với “thế hệ vàng” của thơ ca Việt Nam. Những câu chuyện bên lề của ông trong quá trình tiếp cận với những nhà thơ cũng thật thú vị.
“Theo tôi là không nên chọn một thứ để nghiên cứu vì nó làm cảm hứng của mình hẹp lại… cho nên cũng không hẳn là ý thức, nhưng tôi cảm thấy mình thích cái gì, thích tác giả nào thì mình cứ nghiên cứu thôi”. Và không biết có phải một phần vì lẽ đó không, hay bị chính tài thơ của Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên cuốn hút,… bị sức hấp dẫn của cái hay của thơ, cái hay trong văn hóa của những nhà thơ chinh phục mà ông lại đeo đuổi nhiều nghiên cứu về thơ và nhà thơ đến vậy. Nhưng cũng lại theo ông: phải may mắn nữa mới tiếp xúc được với các nhà thơ để tìm hiểu, trò chuyện và nghiên cứu về họ. Và cái “duyên” với các nhà thơ cũng rất quan trọng, nếu không có duyên, không được tin cậy, không được tạo điều kiện thì làm sao có thể tiếp xúc và nghiên cứu được.
Có cả niềm đam mê, sự may mắn và cái duyên với các nhà thơ những tưởng đã giúp Hà Minh Đức nhìn ra ở các nhà thơ một điều tưởng như đơn giản, đương nhiên phải thế với mỗi nhà khoa học, nhưng đối với ông lại vẫn còn một điều rất quan trọng nữa:đó là sự “tử tế”. Ông bảo: “Quan trọng nhất mình phải là người tử tế. Tất nhiên các ông ấy (các nhà thơ) cũng không nhận ra ngay đâu, nhưng dần dần thì nhận ra mình là người tử tế. Tử tế là sự trung thực, đến với họ bằng lòng trung thực và tinh thần trân trọng”.
Hà Minh Đức đến với nghiên cứu thơ khi đã có một số nghiên cứu đầu tay về các tác phẩm văn học, và cũng được các tác giả biết đến. Khi đó ông khoảng 35 tuổi, cái tuổi mà ông tự cho là nó “thích hợp” đề gần gũi với các nhà thơ. Nhưng để đạt được điều ông muốn từ các nhà thơ thì một ngày, một năm hay vài chục năm không thành vấn đề, bởi vì có phải cứ gặp được các nhà thơ là nghe được họ nói điều mình cần nghe đâu. Với Xuân Diệu, ông đã phải kiên trì gặp gỡ từ năm 1969 đến khi nhà thơ qua đời (1985), ông cũng theo Huy Cận, Nguyễn Đình Thi mấy chục năm trời. Có những ngày, những buổi hẹn nhà thơ rồi nhưng khi đến họ lại chẳng có nhà, lại về, rồi hôm gặp được một tiếng, hôm gặp được hai tiếng,… Có khi lại gặp vào buổi tối, tức là gặp và trò chuyện bất cứ lúc nào các nhà thơ có hứng và có thời gian. Lúc nào trong sổ ghi chép của mình ông cũng phải có vài chục câu hỏi dành sẵn cho các nhà thơ, một phần vì công việc, một phần để trò chuyện. Thói quen ghi chép những gì nhà thơ nói là một điều khá đặc biệt ở Hà Minh Đức, ngay đến như Huy Cận cũng phải khâm phục vì không biết là Hà Minh Đức đã “chộp” được suy nghĩ và câu nói ấy của mình vào thời điểm nào.
Ở đây không chỉ là sự chăm chỉ, tâm huyết với niềm cảm hứng nghiên cứu thơ ca, mà còn là cái “tình” với các nhà thơ. Việc gặp các nhà thơ để tìm hiểu về các tác phẩm được cho là một việc làm có ý nghĩa nhưng còn chưa mấy phổ biến ở Việt Nam. Ông cho rằng những chi tiết gây nhiều tranh cãi như trong bài “Đây mùa thu tới” của Xuân Diệu, “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi thì không cần phải tự mình suy luận, nhiều khi lại phức tạp, cầu kỳ và không đúng với ý tác giả, chi bằng đến và hỏi các ông ấy thì hay hơn. Cái tình ấy không chỉ là sự chân thành mà vẫn là tính trung thực trong “sự tử tế”. Khi ông viết bài “Về một hướng đi trong thơ”, ông đã đưa ra những đánh giá, nhận xét của mình để khi gặp ông, nhà thơ Xuân Diệu đã “phê”: “Người khác (viết như vậy-BT) là không xong với mình đâu, nhưng với Hà Minh Đức thì cho qua”. Những ghi chép trung thực về những cuộc trò chuyện của ông với nhà thơ Tố Hữu làm bà Vũ Thị Thanh-phu nhân của nhà thơ phải chia sẻ: “tôi đọc những bài viết của anh về anh Tố Hữu mà cứ cảm thấy như anh Tố Hữu đang nói chuyện….”. Với Hà Minh Đức, ghi chép phải làm sao “thể hiện được giọng điệu của các nhà thơ nhưng vẫn trung thực, không được thêm thắt vào”.
Với Hà Minh Đức, làm khoa học không chỉ cần tâm huyết, cần cái “duyên”, cần thời gian, cần tình mà phải cần cả sự “tử tế” nữa. Đó cũng là một điều làm nên phong cách của nhà nghiên cứu phê bình văn học này.
Nguyễn Thanh Hóa
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam