Làm khoa học phải có tâm trong sáng

Bỏ chế tạo máy để học y

Phó giáo sư Bạch Khánh Hòa sinh năm 1955 tại Hà Nội. Cha là GS Bạch Quốc Tuyên, Viện trưởng đầu tiên của Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực huyết học. Khác với vẻ dịu dàng thùy mị bên ngoài, tính cách của bà rất mạnh mẽ. Năm 1973, sau khi tốt nghiệp phổ thông, bà quyết định thi vào khoa Chế tạo máy, trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Theo bà chia sẻ, vốn thích các môn tự nhiên và lười học thuộc lòng nên thi vào Bách khoa cho nhẹ nhàng. Quyết định học chế tạo máy chẳng khiến bà phải mất nhiều thời gian suy nghĩ. Lúc ấy, cha bà đang công tác ở Rumani nên không biết con gái đã thi vào trường này . Sau khi về nước và biết con gái đã học khoa Chế tạo máy được một thời gian ngắn, bác sĩ Bạch Quốc Tuyên khuyên con nên theo nghề y vì vừa nối nghiệp cha, lại vừa có thể giúp đỡ được nhiều người. Những lần tỉ tê của cha đã khơi dậy niềm đam mê với nghề y trong cô gái trẻ Bạch Khánh Hòa khi ấy đang là sinh viên khoa Chế tạo máy. Bà quyết định xin đăng ký thi bổ sung một số môn vào trường Đại học Y Hà Nội và trở thành sinh viên y khoa. Tất nhiên, để có thể thi bổ sung vào trường Y, bác sĩ Bạch Quốc Tuyên phải làm giấy cam đoan với lãnh đạo trường Đại học Y, đảm bảo sẽ kèm cặp con gái học hành một cách chu đáo.

PGS.TS Bạch Khánh Hòa chia sẻ: “Sau khi biết tôi thi và học ở trường Đại học Bách khoa, cha tôi băn khoăn và rất buồn vì không biết liệu có người con nào nối nghiệp, khi ông cao tuổi . Cũng bởi lý do đó mà tôi quyết định chuyển sang học ngành y. Vì ngày xưa bố mẹ bảo gì con cái thường nghe theo. Khi còn nhỏ tôi hay được đến viện cùng cha. Những năm Mỹ đánh phá miền Bắc, tôi cũng theo cha cùng các cô chú ở Bệnh viện Bạch Mai sơ tán ở Bãi Bằng. Do vậy tôi có dịp tiếp xúc với phòng thí nghiệm, bệnh viện ngay từ nhỏ nên không thấy có gì lạ lẫm. Việc chuyển từ Bách khoa sang học Y không có gì phải cân đong đo đếm”.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Y (1978), bác sĩ Bạch Khánh Hòa được cha trực tiếp dìu dắt, định hướng. Bà kể: “Cha tôi yêu cầu tôi làm gì tôi đều thực hiện, như việc ông yêu cầu tôi dịch tài liệu nước ngoài để nắm vấn đề mới và đó cũng là quá trình tự trau dồi kiến thức. Tôi chỉ biết học và làm theo như cách mà cha tôi đã làm. Thời điểm đó đơn giản chứ không phức tạp như bây giờ”.

PGS.TS Bạch Khánh Hòa

 Đau với nỗi đau dioxin

Tốt nghiệp đại học, bác sĩ Bạch Khánh Hòa được phân công công tác tại khoa Huyết học và Truyền máu, Bệnh viện Bạch Mai. Bà lao vào công việc một cách hăng say, hăm hở. Chỉ 2 năm sau khi ra trường, bác sĩ Bạch Khánh Hòa tham gia đề tài nghiên cứu đầu tiên là “Ảnh hưởng của hóa chất độc của quân đội Mỹ tới con người qua một số điểm điều tra ở miền Nam Việt Nam”. Bà cho biết, khi ấy nhiều cựu binh từng tham gia chiến đấu ở miền Nam đến bệnh viện, họ khóc lóc và thắc mắc rằng tại sao họ không thể sinh con hoặc sinh con ra bị dị dạng. Hiểu được nỗi đau của các cựu binh trở về sau chiến tranh nên bà rất day dứt và quyết tâm cùng đồng nghiệp thực hiện đề tài, với những chuyến khảo sát và điều tra thực địa tại khu vực bị nhiễm độc ở Đà Nẵng và một số vùng khác của miền Nam. Ngày đó, việc đi lại còn khó khăn, nhóm nghiên cứu thường đi tàu vào Đà Nẵng, mang theo những can nhựa 20 lít chứa nước sạch để dùng vào việc đánh răng, rửa mặt trên tàu. Bà nhớ lại: “Ở Đà Nẵng, chúng tôi đi ô tô từ bệnh viện huyện vào khu vực bị nhiễm độc để đón người dân ra bệnh viện lấy máu rồi lại trả họ về. Bệnh viện huyện không có điện, chúng tôi chạy tủ lạnh và tủ nuôi cấy mẫu hoàn toàn bằng dầu hỏa. Vì điều kiện đi lại khó khăn nên với nhóm nghiên cứu, những mẫu máu này rất quý giá, nhằm phục vụ cho việc phân tích, nghiên cứu ảnh hưởng của chất dioxin với vấn đề di truyền ở người”. Về Hà Nội, bác sĩ Bạch Khánh Hòa tiếp tục miệt mài trong phòng thí nghiệm. Bà kể: “Tôi lấy chất độc để thử, tiêm vào trứng, vào chuột. Tôi cứ làm mà không biết mình đang hứng độc”.

Sau 3 năm, mặc dù còn rất nhiều vấn đề phải tiếp tục triển khai, làm rõ nhưng những kết quả nghiên cứu bước đầu của nhóm nghiên cứu đã tập trung vào vấn đề rối loạn di truyền tế bào của người nhiễm độc và vấn đề thai dị tật. Những nghiên cứu góp phần cảnh báo người dân ở những vùng bị nhiễm độc, đồng thời là bằng chứng tố cáo tội ác của Mỹ trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Báo cáo kết quả nghiên cứu của đề tài được công bố tại hội thảo khoa học quốc tế về chất diệt cỏ dioxin, diễn ra vào tháng 1-1983, tại thành phố Hồ Chí Minh.

Trăn trở về vấn đề ảnh hưởng của dioxin đến người dân Việt Nam không chỉ dừng lại ở phạm vi một đề tài, mà còn theo đuổi bác sĩ Bạch Khánh Hòa đến mãi sau này. Năm 2001, bà tham gia đề tài “Nghiên cứu các biến đổi về di truyền, miễn dịch, sinh hóa, huyết học và tồn lưu dioxin trên các đối tượng bị phơi nhiễm có nguy cơ cao”. Kết quả của nghiên cứu này được ứng dụng kịp thời vào việc chẩn đoán, điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học. Nó cũng là minh chứng, góp phần yêu cầu Mỹ phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả dioxin tại Việt Nam. Cũng trong năm 2001, đề tài “Nghiên cứu sản xuất bộ sinh phẩm định lượng a phetoprotein giúp phát hiện sớm hiện tượng bất thường của thai” của bà được nhận giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam. Đây là sự động viên lớn để bà tiếp tục theo đuổi những đam mê trong nghiên cứu khoa học.

PGS.TS Bạch Khánh Hòa tại phòng thí nghiệm

Vượt qua mọi biến cố để làm khoa học

Phụ nữ làm khoa học lại càng khó khăn gấp bội vì đồng thời họ phải đảm đương nhiều thiên chức cao cả là làm mẹ, làm vợ… Để có những thành công trong khoa học, phụ nữ thường phải nỗ lực không ngừng, đã phải đánh đổi mồ hôi, nước mắt, thậm chí là cả hạnh phúc gia đình. Nhưng, lửa thử vàng, gian nan thử sức, Giải thưởng Kovalevskaia và Giải thưởng Hồ Chí Minh (tập thể) là sự ghi nhận xứng đáng những đóng góp không biết mệt mỏi, những thành công của PGS.TS Bạch Khánh Hòa trong nghiên cứu khoa học. Qua những lần tiếp xúc với Phó Giáo sư Bạch Khánh Hòa, chúng tôi phần nào hiểu được bà làm khoa học với cái tâm trong sáng, chỉ mong góp phần công sức của mình vào việc trị bệnh cứu người. Với bà làm nghiên cứu khoa học không phải để tích lũy giải thưởng, như bà từng chia sẻ rằng: “Tôi nghĩ rằng làm gì cũng phải có tình yêu. Nếu đặt mục tiêu nghiên cứu phải được cái gì cho bản thân thì chắc là khó. Nếu muốn làm nhà nghiên cứu phải hết sức vô tư và phải có cái tâm trong sáng. Đừng cân đong đo đếm. Nếu mình vượt khó, để tâm vào công việc một cách toàn tâm toàn ý thì mình sẽ thành công. Khó mới cần làm, không khó thì không cần làm”.

Năm 1990, bác sĩ Bạch Khánh Hòa bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ: “Góp phần tìm hiểu hệ kháng nguyên bạch cầu ở Việt Nam, kỹ thuật phát hiện và ứng dụng”. Đây cũng là đề tài tâm huyết nhất của bà. Trước khi thực hiện đề tài này, nhiều nhà khoa học khuyên bà không nên làm vì trong điều kiện Việt Nam cuối những năm 80 thì thật khó để giải quyết vấn đề hóc búa như vậy. Nhiều đêm suy nghĩ, trăn trở, bà quyết tâm thực hiện đề tài, vì có khó mới cần phải làm. Nhờ quá trình tích lũy kiến thức, lao động hăng say cũng như sự giúp đỡ của các đồng nghiệp trong và ngoài nước mà bà đã thực hiện tốt đề tài.

Thành công của luận án là kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng ngay vào thực tiễn. Đó là vào năm 1992, PTS Bạch Khánh Hòa được phân công nhiệm vụ lựa chọn người cho và người nhận, thông qua thực hiện các công đoạn chuyên môn, khi Việt Nam thực hiện ca ghép tạng đầu tiên. Đây là khâu có vị trí quan trọng tới thành công của ca ghép tạng. Thành công của ca ghép tạng đầu tiên ở Việt Nam có đóng góp không nhỏ của PTS Bạch Khánh Hòa. Sau này, nhóm tham gia thực hiện ca ghép tạng ấy được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, nhưng không có tên bác sĩ Bạch Khánh Hòa. Bà vẫn vui vẻ và không hề thắc mắc về công trạng của mình. Có lần gặp GS.TSKH Lê Thế Trung (người chủ trì ca ghép tạng đầu tiên năm 1992), bà chỉ cười và nói vui với Giáo sư rằng: “Cháu cũng tham gia vào ca ghép tạng mà bác chẳng nhớ tới cháu!”.

Nhờ thành công của việc ứng dụng kết quả đề tài luận án Phó tiến sĩ của mình, bác sĩ Bạch Khánh Hòa đã hỗ trợ tích cực các bệnh viện Việt-Đức, Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương… trong công tác ghép thận, ghép gan, ghép tủy… mang lại niềm hi vọng cho nhiều bệnh nhân.

Bên cạnh những thành công còn là những thất bại, những nỗi đau tưởng chừng khó vượt qua. PGS.TS Bạch Khánh Hòa chia sẻ: “Thất bại thì cũng nhiều. Nhiều khi buồn, nản nhưng rồi nghĩ đó chính là những thử thách mà mình phải vượt qua. Chứng kiến cảnh sinh ly tử biệt khiến bản thân tôi đau xót, day dứt, lúc nào cũng cảm thấy mình mắc nợ nên không cho phép mình gục ngã, mệt mỏi. Tôi tự nhủ phải làm, làm nhiều hơn nữa để giành lấy mạng sống từ tay tử thần”.

Năm 1995, một nỗi đau lớn tưởng chừng không thể gượng dậy được đối với bác sĩ Bạch Khánh Hòa, đó là sự ra đi đột ngột của cậu con trai 15 tuổi. Bà nhớ lại: “Bạn bè khuyên tôi muốn làm gì thì làm, miễn sao đừng điên. Tôi lao vào nghiên cứu, đọc sách. Nhiều khi làm việc ở cơ quan đến 9-10 giờ đêm để bớt trống trải. Nhưng phải mất 5 năm tôi mới trở lại trạng thái bình thường”.

Thất bại, mất mát không làm suy sụp ý chí của bác sĩ Bạch Khánh Hòa. Có lẽ nghị lực vượt qua những biến cố đã giúp bà bước tiếp trên con đường nghiên cứu khoa học. Là một bác sĩ chuyên về huyết học, truyền máu, bà luôn trăn trở làm thế nào để có máu sạch, máu không nhiễm bệnh truyền cho bệnh nhân. Từ năm 2005-2007, bà cùng bác sĩ Nguyễn Anh Trí (Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương) đồng chủ trì đề tài “Ứng dụng kỹ thuật NAT để phát hiện sớm HIV, HBV, HCV ở người cho máu”. Nhờ sử dụng kỹ thuật này, người bệnh có thể loại trừ những mẫu máu có virus mà kỹ thuật huyết thanh không phát hiện được, do đó làm giảm nguy cơ bệnh nhân bị lây nhiễm virus do truyền máu.

Những công trình khoa học của PGS.TS Bạch Khánh Hòa đều hướng tới mục đích ứng dụng và đem lại niềm hi vọng cho người bệnh Cho đến nay, bà đã chủ trì 4 đề tài cấp Bộ, 9 đề tài cấp cơ sở, tham gia 2 đề tài cấp Nhà nước, 1 đề tài cấp thành phố và viết khoảng 70 bài báo khoa học đăng tải trên các tạp chí trong và ngoài nước.

Với PGS.TS Bạch Khánh Hòa, làm gì cũng cần có tình yêu và khi dấn thân trong nghiên cứu khoa học không phải để tích lũy giải thưởng. Theo bà, hãy cứ cống hiến, làm việc với nhiệt huyết, cái tâm trong sáng thì thành công sẽ đến.

Nguyễn Thanh Hóa