Làm luận án thời bao cấp

Năm 1976, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) quyết định mở hệ đào tạo trên đại học ở trong nước. Trường Đại học Y Hà Nội là trường có bề dày lịch sử lâu đời nhất nước ta, đã động viên cán bộ giảng dạy đi sâu nghiên cứu, đăng ký đề tài làm luận án phó tiến sĩ (PTS). Người đầu tiên khối Y học dự phòng bảo vệ luận án thời bấy giờ là bác sĩ Đào Ngọc Phong – giảng viên bộ môn Vệ sinh dịch tễ; khối Y học cơ sở là bác sĩ Vũ Duy Thịnh – giảng viên bộ môn Y Vật lý; khối Y học Lâm sàng là tôi, khi đó tôi kiêm nhiệm giảng dạy bộ môn Nội của trường, đồng thời là Trưởng Phân khoa Khớp, Bệnh viện Bạch Mai.

Do có 10 năm (1970-1979) nghiên cứu, giảng dạy, cùng việc theo dõi hơn 200 bệnh nhân bị bệnh Viêm cột sống dính khớp ở nước ta, nên tôi quyết định chọn và thực hiện đề tài Bệnh Viêm cột sống dính khớp ở miền Bắc Việt Nam, vào năm 1979, dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Đặng Văn Chung – Chủ nhiệm bộ môn Nội trường Đại học Y Hà Nội, Chủ nhiệm khoa Nội, Bệnh viện Bạch Mai. Thời đó, chuyên ngành Thấp khớp học còn khá mới mẻ ở nước ta nên GS Đặng Văn Chung không trực tiếp giúp được về mặt chuyên môn, mà chỉ ra cho tôi phương pháp và cách thức làm luận án, điều này giúp ích rất nhiều cho tôi. Tôi nhận thấy Viêm cột sống dính khớp là một trong những bệnh hay gặp, chiếm 20% tổng số bệnh nhân về khớp ở bệnh viện, nhưng phần lớn lại được chẩn đoán muộn và không chính xác, nên dẫn đến bị di chứng, ảnh hưởng đến khả năng vận động và lao động của người bệnh.

Lúc này, đất nước đang diễn ra cuộc chiến tranh biên giới, bị bao vây cấm vận, mọi thứ đều thiếu thốn nên nhiều người không tin tôi có thể nghiên cứu và bảo vệ trong điều kiện như thế. Cả gia đình gồm hai vợ chồng và 3 đứa con sống trong căn nhà tập thể cấp 4 với 18m2. Thường là tôi phải thức khuya, hoặc phải dậy sớm để viết luận án. Khi cả nhà đã yên giấc là lúc tôi ngồi ở ngoài hiên, dưới ngọn đèn điện 18w hoặc đèn dầu khi mất điện, miệt mài viết, tra cứu tài liệu. Trời nóng và rất nhiều muỗi. Để chống cơn buồn ngủ, tôi hút một điếu thuốc lá cuộn hoặc thuốc lào và uống nước chè 3 hào (hay gọi là chè cám). Đêm nào, tôi cũng thức đến 12 giờ, có khi tới 1 giờ sáng. Để tham khảo tài liệu, tôi thường đến các thư viện trường Đại học Y ở đường Lê Thánh Tông, thư viện Quốc gia ở Tràng Thi, thư viện Khoa học ở Lý Thường Kiệt, thư viện Bệnh viện Bạch Mai… Sách chuyên đề thường chậm trên 5 năm, báo chuyên môn do Trung Quốc chụp lại cũng chậm 1-2 năm, nhiều sách, báo cần cho đề tài tôi nghiên cứu lại thiếu, hoặc không có toàn văn mà chỉ có phần Tóm tắt.

Nghiên cứu sinh Trần Ngọc Ân bảo vệ luận án phó tiến sĩ, năm 1980

Với những xét nghiệm chuyên sâu, tôi phải liên hệ với các khoa và viện khác để tiến hành nghiên cứu. Có trường hợp, đến khi bốc mộ, bác sĩ mới quan sát được tình trạng dính khớp của bệnh nhân và khẳng định rằng bệnh nhân bị dính các khớp cột sống… Luận án tôi thực hiện nghiên cứu các đặc điểm về dịch tễ, lâm sàng, kết quả xquang và xét nghệm của bệnh Viêm cột sống dính khớp ở miền Bắc Việt Nam, qua đó xây dựng một tiêu chuẩn chẩn đoán phù hợp với bệnh lý, hoàn cảnh thực tế của người bệnh. Đồng thời luận án cũng bước đầu tìm hiểu nguyên nhân để phòng bệnh và chữa bệnh.

Tôi tập trung viết xong luận án trong 3 tháng, sau đó, vào các buổi tối tôi đến nhà đồng chí Bảng là văn thư đánh máy của trường Đại học Y Hà Nội, ở phố Bạch Mai. Tôi đọc cho anh Bảng đánh máy từng chữ, từng trang, các bảng biểu, hình vẽ, tài liệu tham khảo bằng tiếng Pháp, Anh, Nga… của bản luận án. Sau gần 1 tuần, việc đánh máy bản thảo đầu tiên được hoàn tất. Tôi đọc lại, sửa chữa, có những đoạn tôi phải viết lại, rồi đính, dán bổ sung ở từng trang, có những trang bổ sung, sửa chữa chi chít như một chiếc áo rách được vá chằng vá đụp. Anh Bảng giúp tôi đánh máy bản thảo lần cuối, hoàn chỉnh gồm gần 100 trang.

Bảo vệ trước hội đồng cấp cơ sở có 9 đến 12 thành viên, như vậy tôi cần phải có 12 bản luận án. Thời đó máy photocopy rất ít, cả Hà Nội chỉ hơn 10 chiếc. Trong lúc chưa biết làm cách nào, thì tôi được biết Nhà xuất bản Y học mới nhập về một chiếc máy photocopy và một người bạn đang phụ trách sử dụng chiếc máy này. Anh bạn đồng ý giúp nhưng phải làm ngoài giờ hành chính, vì muốn làm trong giờ thì phải xin phép với khá nhiều thủ tục. Thời gian này Hà Nội thường xuyên mất điện nhất là vào giờ cao điểm buổi tối, nên chúng tôi bắt đầu làm từ 21 giờ đến 23 giờ vì cơ quan khoá cửa. Máy thường bị trục trặc, mực không đều nên chúng tôi mất vài buổi tối mới photocopy được 12 bản, có cả trang bìa khá đẹp. Hội đồng cấp cơ sở tổ chức bảo vệ ở Giảng đường C Bệnh viện Bạch Mai, do GS Đặng Văn Chung làm Chủ tịch, cùng các thành viên như bác sĩ Phạm Khuê, Đỗ Đình Địch, Đặng Kim Châu… Kết luận của hội đồng là luận án đủ điều kiện để bảo vệ cấp Nhà nước, sau khi đã bổ sung, sửa chữa một số điểm mà hội đồng góp ý. Sau gần 2 tháng chỉnh sửa, hoàn thiện luận án, cuối năm 1980, tôi bảo vệ luận án phó tiến sĩ ở Giảng đường lớn của trường Đại học Y Hà Nội. Thành viên hội đồng chấm luận án cấp Nhà nước gồm những thành viên Hội đồng cấp cơ sở, có sự tham dự của Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội – GS Nguyễn Trinh Cơ và rất đông đồng nghiệp ở các khoa Bệnh viện Bạch Mai, các bộ môn trường Đại học Y Hà Nội, về phía gia đình thì có bố tôi là ông Trần Ngọc Ban. Hôm bảo vệ, tôi mặc chiếc áo chemise bằng vải popelin màu trắng mượn của bố.

Luận án bảo vệ thành công, trong đó tôi đã đưa ra những số liệu, thể hiện được đặc điểm của bệnh Viêm Cột sống dính khớp ở Việt Nam như: Tỉ lệ mắc bệnh chiếm khoảng 0,1% dân số, 78% dân số mang yếu tố HLA B27 (yếu tố có khả năng bị bệnh Viêm Cột sống dính khớp cao), tuổi bắt đầu mắc bệnh dưới 20 chiếm 58%, bệnh nhân dưới 30 tuổi chiếm 80%… Trước đây, trong nhiều trường hợp, bệnh nhân không được chẩn đoán rõ bệnh, phải nằm điều trị ở các khoa: Nội, Ngoại, Thần kinh… Nhưng với kết quả luận án tôi thực hiện, đã góp phần giúp các bác sĩ thêm kinh nghiệm, có khả năng chẩn đoán nhanh và sớm, từ đó đưa ra phác đồ điều trị thích hợp, hiệu quả căn bệnh Viêm cột sống dính khớp.

Nguyễn Thị Phương Thúy (ghi)