Lê Thế Trung – Người lính quân y Hà Nội lừng danh

Cuộc đời binh nghiệp của ông gắn với biết bao phút giây cân não giành giật lại sự sống của đồng đội, của người dân từ tay tử thần.

Ông sinh năm 1927 tại Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội. Từ khi còn là học sinh trường Bưởi, ông đã tham gia đoàn Thanh niên cứu quốc. Tổng khởi nghĩa Tháng Tám bùng nổ, ông gia nhập Vệ quốc đoàn bảo vệ thủ đô, sau đó được cử đi học lớp y sĩ đầu tiên của Cách mạng do Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp khai giảng. Bắt đầu từ đó, cuộc đời ông gắn liền với sự nghiệp y tế của nước nhà.

Không phải ngẫu nhiên mà cuộc đời chiến đấu, lao động của ông đã trở thành một bài học trong Sách giáo khoa (Giáo dục công dân lớp 9-Nhà xuất bản Giáo dục). Riêng nhà văn Nguyễn Trần Thiết đã viết tới năm cuốn sách về ông. Đó là “Khát vọng vì con người”, “Trưởng thành”, “Mặt trận không tiếng súng”, “Chú bộ đội ham học”“Đến với những chân trời mới.”

Từ cương vị của một người y tá vệ quốc đoàn đến khi trở thành một vị tướng, ông luôn là tấm gương tận tụy trong công việc.

Những năm kháng chiến chống Pháp, với trọng trách Chủ nhiệm Quân y quân khu Việt Bắc, trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, ông đã hoàn thành công trình nghiên cứu khoa học đầu tiên là “Kinh nghiệm chống sốt rét và điều trị sốt rét tại Tây Bắc.” Công trình đã giúp bộ đội chống chọi với những trận sốt rét ác tính vốn đã quật ngã rất nhiều chiến sĩ, được Cục Quân y đánh giá cao và phổ biến trong toàn quân.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Cục Quân y nhận định, giặc Mỹ sẽ sử dụng nhiều loại vũ khí gây sát thương bằng nhiệt như bom napan, bom lân tinh. Vì vậy, Cục quyết định cử ông đi học tại Liên Xô, chuyên ngành điều trị bỏng. Năm 1963, ông tốt nghiệp xuất sắc tại học viện Ki-Rop.

Trong cuộc họp lần thứ hai của Ủy ban Điều tra tội ác của Mỹ tại Đông Dương năm 1971 tại Oslo (Na Uy), với danh nghĩa là chuyên viên y học và vũ khí của đoàn đại biểu Việt Nam, ông đã đứng ra tố cáo trước toàn thể nhân loại tiến bộ về những tội ác ghê rợn mà các loại vũ khí hủy diệt của đế quốc Mỹ gây ra. Đoàn do ông Phạm Văn Bạch, Chủ nhiệm Ủy ban hành chính kháng chiến Nam Bộ, lúc ấy là Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam làm trưởng đoàn.

Những vali đoàn mang theo đến hội nghị đều là những “vũ khí tối mật” đối với kẻ thù. Đó là những tài liệu, ảnh về sự hủy diệt của các loại vũ khí mà Mỹ đang sử dụng trên chiến trường, những “bằng chứng câm” về tội ác của đế quốc. Trong đoàn còn có những “bằng chứng biết nói,” đó là những mẫu bệnh phẩm của những nạn nhân chiến tranh đã được ngâm trong phoocmon. Đó là bộ óc của một bà cụ bị trúng bom bi Mỹ ném ở Hà Tây.  Viên bi xuyên vào đầu chạy vòng vèo theo hình chữ chi và nằm lại ở trong não.

Trong số các vật chứng còn có bàn chân bị bom phốt pho đốt cháy mất một nửa, lá gan, miếng da, tất cả đều bị cháy xém và phá nát do bom đạn Mỹ. Người có trách nhiệm mang các chứng tích đặc biệt này qua gần nửa vòng trái đất chính là Lê Thế Trung. Trưởng đoàn Phạm Văn Bạch nói với ông Trung: “Báo cáo chính trị của tôi là tiếng chuông mở đầu, còn có thuyết phục được đại biểu các nước khác có kết luận đế quốc Mỹ phạm tội diệt chủng hay không là do anh.”

Lê Thế Trung hiểu rõ những tên trùm CIA theo dõi sít sao hành trình đến Oslo của đoàn đại biểu Việt Nam và những vali bí mật như thế nào. Chúng có thể đánh cắp, thậm chí tìm cách ám sát để đoạt bằng được vali bằng chứng tội ác. Hoặc chúng có thể cản trở ông không kịp đến hội nghị.

Cấp trên đã vạch rõ mọi phương án cho Lê Thế Trung đối phó với kẻ thù ngay khi đặt chân đến châu Âu. Kế hoạch di chuyển bí mật của đoàn cũng được thay đổi thêm một lần. Từ Bắc Kinh, đoàn hạ cánh xuống sân bay quốc tế Mátxcơva, đánh lạc hướng bằng cách bay sang Helsinki (Phần Lan), từ đó bay sang Stockholm (Thụy Điển) rồi mới bay sang Oslo, đến sớm hơn dự kiến. Và Việt Nam đã chiến thắng trong cuộc chiến tại hội nghị.

Đúng năm đất nước giải phóng, Lê Thế Trung được cấp bằng tiến sĩ. Rời khỏi cuộc chiến, ông cùng đồng đội hăm hở bắt tay vào việc tiếp tục xây dựng trường Đại học Quân y, sau đó phát triển lên Học viện Quân y do ông trực tiếp làm hiệu trưởng. Ông đã sáng lập ra chuyên ngành bỏng và Viện bỏng quốc gia, vốn là chuyên ngành khoa học ông nguyện gắn bó suốt đời, bởi thảm họa bỏng gây ra tai nạn thương tích cho người dân chỉ đứng sau tai nạn giao thông!

Chính mắt chúng tôi đã chứng kiến ông chạy đôn chạy đáo cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân, khi cách đây mấy năm, một xe khách chở thuốc pháo đã phát nổ ở Bắc Ninh, khiến hơn 60 người bị thương và thiệt mạng. Nhà ông ở ngay gần Viện Bỏng đây thôi, hễ bệnh nhân cần là ông có mặt.

Ông là tấm gương làm việc không ngừng nghỉ, năm 2003 ông nghỉ hưu nhưng đến tháng 1/2004, ông vẫn là người chỉ huy ca ghép gan đầu tiên tại Việt Nam. Bệnh nhân trong ca ghép gan đó là cháu Nguyễn Thị Diệp ở Nam Định, bị mắc bệnh teo đường mật bẩm sinh, phải thay gan.

Tham gia ca ghép gan đó còn có người con trai cả của ông  – Phó giáo sư-tiến sĩ, Đại tá Lê Trung Hải, hiện là Viện phó ngoại khoa Viện Quân y 103, người thực hiện ca mổ là bác sỹ Nhật Bản. Ca phẫu thuật thành công đã đánh dấu một mốc son của nền y học Việt Nam.

Chúng tôi đến thăm ông khi ông đang bắt tay chấp bút viết hồi kí về cuộc đời mình. Ở tuổi 84, sau bao năm cống hiến và chỉ có thời gian để viết sách khoa học, giờ đây ông mới viết được cái gì đó cho riêng mình.

Trong trang thứ ba của bản thảo nhật ký viết tay của ông, chúng tôi bắt gặp: “Năm nay (2010) chúng ta có vinh dự tổ chức 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Hà Nội có nghìn năm lịch sử đã trở thành thủ đô của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Biết bao công ơn của tổ tiên chúng ta, công dựng nước, công giữ nước. Trong đó có công ơn lịch sử 100 năm của thế kỷ 20 và công ơn của các bậc Cách mạng tiền bối, và trong đó có cả công sức của anh em chúng ta với tổ quốc thân yêu của mình.”


Giáo sư-tiến sĩ khoa học Lê Thế Trung

Nguyên Viện trưởng Viện Quân y 103 và Viện Bỏng Quốc gia, Giám đốc Học viện Quân y. Ông đã xuất bản 35 đầu sách về nghiên cứu ngoại khoa chung và ngoại khoa dã chiến, bỏng, phẫu thuật tạo hình, Thuốc nam trong điều trị vết thương, vết bỏng, hỗ trợ điều trị ung thư, ghép thận.

Tập sách về bỏng gồm: “Bỏng chiến tranh”, “Bỏng và phẫu thuật tạo hình”, “Kinh nghiệm xử trí vết thương chiến tranh.”

Sách về ngoại khoa dã chiến: “Sốc chấn thương”; “Sổ tay bác sĩ ngoại khoa”; “Vết thương do mìn.”

Tập sách về quy trình ghép thận. Tập sách cộng đồng phòng chống thảm họa. Đã hoàn thành ba đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, bảy đề tài cấp Bộ và 65 đề tài cấp cơ sở như: Công trình chẩn đoán, bệnh lý, điều trị bỏng chiến tranh. Công trình thuốc hỗ trợ điều trị ung thư: Phylamin, Xạ đen. Công trình về ghép thận, về y học thảm họa.

Ông được Nhà nước tặng Huân chương Quân công hạng Nhì. Huân chương Chiến công hạng Nhất và hạng Ba. Hai Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Huân chương chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba. Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Thầy thuốc nhân dân…

 

Nguồn:hanoi.vietnamplus.vn/Home/Le-The-Trung–Nguoi-linh-quan-y-Ha-Noi-lung-danh/20103/818.vnplus