Lễ tiếp nhận Bộ sưu tập tư liệu hiện vật của cố GS Đặng Văn Chung

Tới tham dự buổi Lễ, về phía gia đình cố GS Đặng Văn Chung có các con trai, gái, dâu, rể của ông; Khách mời có đại diện Bộ Y tế, các Giáo sư Y khoa là đồng nghiệp và học trò của GS Đặng Văn Chung, các chuyên gia ngành Lưu trữ và Bảo tồn di sản. Về phía Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam có Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn của Trung tâm, Lãnh đạo Bệnh viện Medlatec và Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam cùng toàn thể cán bộ nhân viên Trung tâm.

Giáo sư Đặng Văn Chung sinh ngày 8-3-2013, quê gốc ở Sa Đéc, Đồng Tháp. Ông học trường Y Dược Đông Dương từ năm 1933. Tốt nghiệp Thạc sĩ Y khoa tại Paris (Pháp), về nước ông giảng dạy tại Đại học Y Hà Nội. Ông là Chủ nhiệm Bộ môn Nội, trường Đại học Y khoa Hà Nội kiêm Chủ nhiệm Khoa Nội, Bệnh viện Bạch Mai; Phó Hiệu trưởng trường Đại học Y Dược; Chủ tịch Hội Nội khoa Việt Nam. Trong hơn 60 năm gắn bó với nghề, GS Đặng Văn Chung đã có nhiều cống hiến trong việc chẩn đoán cứu người, đồng thời ông cũng là một nhà sư phạm Y học hiếm có ở nước ta.

Tin tưởng vào mục đích, tôn chỉ và những hoạt động thực tế của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, gia đình GS Đặng Văn Chung đã quyết định trao tặng khối tài liệu hiện vật cá nhân của người cha kính yêu, bao gồm hơn 8000 đầu tài liệu với hơn 2000 bản viết tay về chuyên môn, những ghi chép trong quá trình khám chữa bệnh, hơn 300 bản thảo bài giảng, ngoài ra còn có các sưu tập bệnh án, sách, báo, tạp chí tiếng Việt và tiếng Pháp… và một số vật dụng của Giáo sư lúc sinh thời. Đây là Khối tài liệu có giá trị khoa học, lịch sử đối với nền Y học nước nhà nói chung và ngành Nội khoa nói riêng. Từ những tài liệu hiện vật này chúng ta có thể hình dung phần nào về cuộc đời, sự nghiệp của GS Đặng Văn Chung.

Buổi Lễ diễn ra trọng thể, hết sức xúc động, một lần nữa khẳng định tôn chỉ, hướng đi đúng đắn của Trung tâm trong suốt thời gian qua. Xã hội ngày càng quan tâm, tin tưởng và coi trọng những hoạt động mà Trung tâm đã và đang làm. Bên cạnh đó, được sự ủng hộ nhiệt tình đầy trách nhiệm của các nhà khoa học và gia đình là một điều khích lệ vô cùng to lớn đối với Trung tâm, đồng thời cũng đặt ra không ít thách thức, như GS.TS Nguyễn Anh Trí – Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn nhấn mạnh: “Điều quan trọng nhất là phải giữ gìn, bảo quản và đặc biệt phải biết nghiên cứu nhằm phát huy nhân rộng những di sản quý báu này”.


 

Trước buổi Lễ, các đại biểu được giới thiệu về một số tư liệu, hiện vật của cố GS Đặng Văn Chung

   

Trích một số bài phát biểu tại buổi Lễ:

PGS.TS Nguyễn Văn Huy – nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học,

Giám đốc chuyên môn Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam:

Hôm nay là một ngày đặc biệt với các đồng nghiệp, bạn bè, học trò, người thân nhằm hướng về Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của GS Đặng Văn Chung (8/3/1913-8/3/2013). Và cũng là một ngày đặc biệt của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, thời điểm mà Trung tâm nhận lĩnh trách nhiệm vô cùng vinh dự và quan trọng trước gia đình, xã hội để bảo quản, lưu giữ và phát huy cao độ toàn bộ tư liệu về lịch sử cuộc đời của GS Đặng Văn Chung cho hàng trăm năm thậm chí hàng nghìn năm sau.

Ông Đặng Tấn Thủy – con trai trưởng của GS Đặng Văn Chung:

Vô cùng biết ơn Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã làm được những việc có ý nghĩa này. Lâu nay gia đình cũng đang suy nghĩ không biết làm thế nào để bảo quản những tài liệu, di vật của cha chúng tôi, đúng lúc đó Trung tâm đặt vấn đề lưu trữ. Thực sự đây là một việc làm có ích mà nhiều nước trên thế giới đã và đang làm.

Ông Ngô Thiếu Hiệu – nguyên Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I:

Giáo sư Đặng Văn Chung là một trí thức lớn, một thầy thuốc tài năng đức độ. Mặc dù Giáo sư đã đi xa nhưng ông đã để lại cho hậu thế một di sản rất có giá trị về lĩnh vực y tế. Thời gian qua, những người thân trong gia đình đã giữ gìn, bảo vệ tốt những di sản này của Giáo sư Đặng Văn Chung và nay gia đình Giáo sư đã chuyển giao di sản quý giá này vào Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam… Di sản quý báu đó sẽ được Trung tâm bảo vệ, bảo quản an toàn và đặc biệt sẽ được tổ chức nghiên cứu, sử dụng, phát huy giá trị của di sản, phục vụ lại cho xã hội ngày hôm nay và mãi cho mai sau.

GS Đỗ Doãn Đại – nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai:

GS Đặng Văn Chung là người đầu đàn dạy chúng tôi ở Bệnh viện Bạch Mai, ông chỉ bảo cho chúng tôi rất kỹ, cho đến nay những kỷ niệm đó vẫn không phai mờ. Chính thầy là người gây ấn tượng sâu nặng trong tôi trong những ngày đầu chập chững bước vào nghề, mặc dù trong những ngày gian khó nhưng thầy trò quấn quýt, thầy luôn luôn là người gương mẫu đi đầu, yêu thương học trò, bệnh nhân.

GS.TS Nguyễn Khánh Trạch – nguyên Trưởng Bộ môn Nội, trường Đại học Y Hà Nội;

Trưởng Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai:

Tôi nhớ như in lời dạy của thầy Đặng Văn Chung: “Không nên giảng bài như máy quay đĩa, phải đưa vào sự say sưa nghề nghiệp, công bằng với người bệnh. Đào tạo ra 1 bác sĩ kém là không tốt, là cấp bằng cho họ để hại người, đào tạo ra một người bác sĩ kiêm thầy giáo kém thì sự thiệt hại đó tăng lên gấp bội vì người thầy đó sẽ đào tạo ra những người thầy thuốc cũng kém cỏi như vậy”. Thầy dạy cho chúng tôi phương pháp làm khoa học cũng như đạo đức làm khoa học, làm khoa học phải khách quan, trung thực không vì thành tích mà bóp méo sự thực.

GS Phạm Gia Khải – nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam:

Thầy luôn luôn nhắc chúng tôi phải giữ được đức tính quí nhất của người thày thuốc, người làm công tác khoa học là sự trung thực và con đường đó vẫn đang được những học trò của thầy noi theo. Nhưng có một lần duy nhất chúng tôi không nói sự thực, đó là khi ở bệnh viện Bạch mai. Ngày đó, thầy đang được theo dõi điều trị bệnh bạch cầu cấp, GS Vũ Văn Đính và tôi cho chỉ định truyền máu, nhưng không cho thầy biết chẩn đoán, chỉ giải thích là vì thấy thầy thiếu máu nên mệt nhiều thôi. Sau vài ngày, bệnh nặng dần, thầy đã ra đi, nhưng không bao giờ biết được chẩn đoán bệnh của mình…”.

GS Phạm Minh Hạc – nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Chủ tịch Hội đồng Cố vấn củaTrung tâm:

Đánh giá cao công việc của Trung tâm đã và đang làm, GS Phạm Minh Hạc bày tỏ  “Mong muốn các nhà khoa học hãy tiếp tục ủng hộ các công việc của Trung tâm vì theo tôi, đây là một công việc hết sức có ý nghĩa đối với sự phát triển của đất nước ta”.

Lãnh đạo Trung tâm cảm ơn gia đình đã tin tưởng giao phó khối tài liệu,

hiện vật của GS Đặng Văn Chung

GS.TS Nguyễn Anh Trí – Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu Trung ương;

Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Trung tâm:

Đây là vinh dự lớn của Trung tâm vì được tiếp nhận một khối tài liệu đồ sộ của cây đại thụ trong ngành Y Việt Nam, điều này khẳng định Trung tâm ngày càng nhận được sự ủng hộ từ các nhà khoa học và toàn xã hội. Trung tâm ý thức được sự giao phó của gia đình, xã hội, của các học trò. Sự ủng hộ của gia đình là sự tiếp sức, sự cổ vũ thiết thực cho các hoạt động của Trung tâm.

Trình Anh

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam