Lịch sử cần nhất tính trung thực

 53 năm công tác, trong đó gần 40 năm làm công tác nghiên cứu lịch sử, PGS Bùi Đình Thanh được nhiều người biết đến với những công trình nghiên cứu lịch sử Việt Nam hiện đại mà trọng tâm là cuộc Cách mạng tháng Tám và hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Với ba vấn đề lịch sử này, trước khi trở thành một vị giáo sư sử học, ông là một người lính cầm bút trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp.

Tốt nghiệp tú tài năm 1946, Bùi Đình Thanh khoác ba lô lên Việt Bắc tham gia kháng chiến. Năm 1954, sau ngày giải phóng Thủ đô, ông đã  có nguyện vọng được ra khỏi quân đội để theo đuổi niềm đam mê của mình là nghiên cứu khoa học. 5 năm sau, nguyện vọng của ông được chấp nhận và ông bắt đầu bước chân vào lĩnh vực nghiên cứu sử học với sự giúp đỡ của GS Trần Huy Liệu, Viện trưởng Viện Sử học.

     

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

“Là một anh lính mới tốt nghiệp tú tài, và cũng không được học chính quy thêm bất cứ một bằng cấp nào nữa, sự nghiệp của tôi là cả một quá trình tự học. Tự đọc sách, học hỏi những lớp dàn anh đi trước, học đồng nghiệp cả trong và ngoài nước. Tự học đã giúp tôi có những thành công” – GS Bùi Đình Thanh chia sẻ. Công trình nghiên cứu mà ông tâm huyết là về vấn đề ba giai đoạn trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Qua bài viết “Một số ý kiến về các giai đoạn của cuộc kháng chiến chống Pháp” đăng trên Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, năm 1962, ông đã thẳng thắn chỉ ra sự thật lịch sử xét trên khía cạnh lý luận và thực tiễn về cuộc kháng chiến vẫn quen được phân chia thành 3 giai đoạn. Chính vì bài nghiên cứu trung thực này mà ông đã gặp những khó khăn nhất định.

Khi được hỏi về quan điểm tiếp cận lịch sử của bản thân, PGS Bùi Đình Thanh cho rằng nghiên cứu sử học thì điều cần nhất là sự thật, tính trung thực, thiếu đi cái đó dứt khoát không thể làm được người viết sử. Trong suốt quãng đường làm khoa học của mình ông luôn giữ quan điểm đó và liên tục duy trì, phát triển quan điểm đó trên những chặng đường nghiên cứu của mình.

Ngoài các vấn đề về sử học, PGS Bùi Đình Thanh cũng rất tâm huyết với những vấn đề đánh giá về giới trí thức của nước ta. Ông trăn trở và suy nghĩ nhiều về đời sống của trí thức nước ta giai đoạn trước cũng như hiện nay. Ông đã rất xúc động kể những câu chuyện rất đời thường về những đại trí thức mà ông gọi bằng anh, bằng thầy, bằng bạn như: Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Khắc Viện,… những con người tài năng, tâm huyết song cuộc sống nhiều giai đoạn không được như mong muốn.

Mặc dù đã gần 90 tuổi nhưng PGS Bùi Đình Thanh vẫn rất tâm huyết với các vấn đề của xã hội. Ông cho biết hiện ông cũng đang soạn thảo những ý kiến đóng góp cho Đại hội Đảng lần thứ XI sắp tới với mong muốn góp phần cho sự phát triển chung của dân tộc.

Nguyễn Thanh Hóa