Thầy kính yêu đã ra đi mãi mãi vào ngày 16/01/2011! Mới đó mà đã 40 ngày. Hôm nay, bà con, bạn bè, học trò, đồng chí của Thầy đã họp nhau tưởng niệm “anh hồn Thầy”.
Riêng tôi-được coi như đứa em của “anh Sáu-Thầy Giàu”, rất tiếc là hôm tiễn Thầy về thế giới Người Hiền và hôm nay nữa, đã không thể có mặt. Thật là một sự thất lễ lớn! Nhưng lòng tôi thật không bao giờ nguôi nhớ thương thầy. Thầy là một người Anh, người Thầy luôn hiển hiện trong tôi, luôn động viên, khuyến khích tôi trong cuộc sống làm người và trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học.Trước mặt tôi, giờ đây vẫn còn “hai lá thư như báu vật” của Thầy giới thiệu tôi với Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An: “Anh Đồng, …Thâu là một thanh niên có nhiều triển vọng học thuật. Được kết quả ít nhiều trong việc nghiên cứu, Thâu nhờ tự học trước hết, giống như truyền thống học trò khó Việt Nam nói chung, học trò khó Nghệ Tĩnh nói riêng. Có chí, khiêm tốn là đức tính của Thâu…”(25/1/1967).
Tôi may mắn được sống bên Thầy nhiều năm, từng được thầy bảo ban hàng ngày về tư cách đạo đức, vì hướng đi trong học tập, nghiên cứu khoa học và được trưởng thành từ đây.
Năm 1989, sau khi đạt được chút ít thành tựu trong khoa học, tôi được mời sang Tokyo (Nhật Bản) “thỉnh giảng”. Năm đó, tôi soạn xong bộ sách Phan Bội Châu Toàn tập trình lên Thầy và xin thầy viết Lời giới thiệu. Thầy viết thư trả lời: “Anh mừng chú đi Nhật thắng lợi!
Theo sức khỏe của anh Sáu hiện nay (không được tốt), thì Thâu, nếu cần hãy lấy bài viết mà Thâu đã tìm thấy ở Văn Nghệ 1967 thay Lời giới thiệu cho quyển 1 Sào Nam Toàn tập…” (13/3/1989).
Vậy là bài viết “Tưởng nhớ cụ Phan Bội Châu, nhà cách mạng dân tộc, nhà văn yêu nước, nhà tư tưởng dân chủ lớn nhất Việt Nam đầu thế kỷ XX” được Ban biên tập Nhà xuất bản dùng làm Lời giới thiệu cho Phan Bội Châu Toàn tập gồm 10 tập (ấn bản lần 1 năm 1990, lần 2 năm 2000) và tập sách Phan Bội Châu trong dòng lịch sử (xuất bản năm 2007) cũng in bài viết này của Thầy Giàu, coi như một tiểu luận nghiên cứu về Phan Bội Châu có giá trị khoa học về nhiều mặt.
Trong thư này, Thầy còn viết thêm mấy câu tiếp theo thật xúc động: “Anh Sáu có công gì đâu mà cảm ơn, chẳng qua làm nhiệm vụ của người hướng dẫn.
Hướng dẫn thì nhất là phải đúng phương hướng và đề tài thì phải cụ thể. Sai chỗ này thì phải mất hàng chục năm. Anh em mình “may” đó thôi. Chú làm được, công của chú là quyết định”…
Chỉ chừng ấy câu chữ vắn tắt, nhưng đã in sâu vào tâm khảm tôi những lời dạy sâu sắc đầy ý nghĩa của một người Anh thương yêu, một người Thầy kính mến.
Và tôi nhớ mãi mãi!
Hôm nay, nhân tưởng nhớ 49 ngày Thầy ra đi mãi mãi, tôi ghi lại đây “Lời Thầy dặn” như một nén hương vọng kính tưởng nhớ Thầy.
Chương Thâu