“Lội ruộng” nghiên cứu khoa học

Ông Phạm Văn Lang quê ở Bình Định, bố mẹ đều là nông dân, nên từ nhỏ ông thấu hiểu sự lam lũ của những người chân lấm tay bùn. Năm 1954, hòa bình lập lại ở miền Bắc, được tập kết ra Bắc, Phạm Văn Lang theo học chương trình phổ thông tại Nghệ An. Sau khi tốt nghiệp cấp III, ông thi đỗ vào trường Học viện Nông Lâm, học ngành cơ khí nông nghiệp với mong muốn đưa khoa học kỹ thuật đến với người nông dân.

Năm 1960, ông tốt nghiệp đại học và được phân về công tác tại Tổ máy kéo trong Đội nghiên cứu, thuộc Ban cơ khí,[1] Học viện Nông Lâm. Ông chính thức bước vào nghiên cứu máy nông nghiệp. Trong hoàn cảnh đất nước còn nghèo nàn, lạc hậu, thì đó là con đường đầy khó khăn. Tổ máy kéo có nhiệm vụ nghiên cứu máy nông nghiệp để đưa vào sản xuất. Bởi những chiếc máy kéo của các nước xã hội chủ nghĩa viện trợ được thiết kế phù hợp với điều kiện sản xuất trên ruộng khô của Liên Xô và Đông Âu, trong khi ở Việt Nam chủ yếu trồng lúa nước. Thời điểm đó, miền Bắc là hậu phương phục vụ cuộc kháng chiến, việc giải phóng sức lao động là rất cần thiết. Bởi vậy, cơ giới hóa lao động nông nghiệp mà cụ thể là đưa những chiếc máy kéo xuống ruộng giải quyết khâu làm đất là vấn đề ông và các đồng nghiệp luôn đau đáu. Những ngày đầu, Tổ máy kéo, nơi ông Phạm Văn Lang làm việc gặp rất nhiều khó khăn bởi nhân lực chỉ có các kỹ sư Đặng Văn Viễn, Nguyễn Điền, Trịnh Ngọc Vĩnh, Đặng Văn Lễ và đặc biệt là không có thông tin, không có tài liệu, chỉ biết sử dụng máy[2]. Để nghiên cứu không có cách nào khác là trực tiếp lội ruộng khảo sát, đo độ lún, thụt của ruộng mà máy kéo bánh bơm có thể hoạt động được. Là kỹ sư cơ khí nhưng ông làm việc như người nông dân, sáng lội ruộng đếm số vòng máy, chiều lại lội ruộng tính thời gian và hiệu suất làm việc của máy. Hình ảnh Phạm Văn Lang cần mẫn, chăm chỉ để lại ấn tượng với nhiều người. Kỹ sư Phạm Bình Nhưỡng (cán bộ Viện Khoa học Việt Nam) chia sẻ: tôi biết anh Lang khi ở Học viện Nông Lâm, hồi ấy anh gầy và đen, ngày ngày vật lộn với máy nông nghiệp[3].

Máy kéo lắp bánh phụ

Sau thời gian khảo sát, nghiên cứu, Tổ máy kéo đã thiết kế, chế tạo thành công bánh phụ lắp bên cạnh bánh bơm, nhờ vậy máy kéo có thể hoạt động trên những cánh đồng ít lầy, ruộng nền trung bình. Đó là thành công bước đầu của nhóm nghiên cứu, nhưng thời điểm đó công tác thủy lợi ở miền Bắc còn nhiều hạn chế, phần lớn các cánh đồng chiêm trũng, ngập nước đều có nền ruộng yếu, máy kéo bánh bơm dù đã lắp thêm bánh phụ vẫn không di chuyển được. Giữa thập niên 60, Tổ máy kéo tiếp tục tìm giải pháp để máy kéo có thể hoạt động trên những cánh đồng này. Đang lúc khó khăn vì không có tài liệu, thì một cán bộ nông nghiệp miền Nam ra công tác đem theo tài liệu trong đó có hình ảnh chiếc máy kéo đang phục vụ sản xuất ở trong Nam. Đây là loại máy kéo được chính quyền Việt Nam Cộng hòa nhập khẩu từ Nhật Bản, hoạt động được trên ruộng lầy nhờ bánh lồng bằng sắt. Dựa vào hình ảnh đó, Tổ máy kéo đã tính toán thiết kế bánh lồng phù hợp với đặc điểm đồng ruộng ở miền Bắc. Việc chế tạo được giao cho Nhà máy Cơ khí nông nghiệp ở Hà Đông.

Máy kéo lắp bánh lồng

Để có được các thông số tối ưu cho việc cải tiến và chế tạo bánh lồng có thể hoạt động trong các môi trường bùn lầy, nền ruộng yếu, Tổ máy kéo cần nghiên cứu từ thực tế. Ông Phạm Văn Lang được cử đến nhiều địa phương ở miền Bắc để khảo sát, khi ấy chưa có thiết bị đo nên ông phải trực tiếp lội ruộng tính toán độ thụt, đánh giá nền ruộng trước khi đưa ra các thông số cải tiến, chế tạo lắp ráp bánh lồng. Dấu chân ông in khắp các cánh đồng ở Hà Tây, Ninh Bình, Hải Phòng… Sau những chuyến khảo sát ông cùng đồng nghiệp đưa máy về địa phương thử nghiệm, ông Ngô Doãn Phi được giao nhiệm vụ lái máy kéo kéo rơmooc chở bánh lồng, những người khác đạp xe theo sau.

Việc chế tạo và thử nghiệm thành công bánh lồng cho máy kéo đã góp phần cơ giới hóa khâu làm đất, giúp mở rộng diện tích đất nông nghiệp, đồng thời tăng năng suất lao động. Nhưng vẫn còn đó những cánh đồng ngập nước, mà khả năng làm việc của máy kéo bánh lồng chưa thể chinh phục, trong khi đó công tác thủy lợi đầu thập niên 70, nhìn chung, vẫn chưa được cải thiện nhiều. Trong một lần đi khảo sát ở Thanh Oai (Hà Tây), ông Phạm Văn Lang gặp một người nông dân sử dụng máy kéo để vận chuyển lúa trên cánh đồng ngập nước. Chiếc máy kéo sử dụng bánh bơm, dưới gầm máy lắp một chiếc thuyền nhỏ có tác dụng chống lún cho máy kéo khi làm việc trên ruộng ngập nước.Trong đầu ông lóe lên ý tưởng kết hợp thuyền phao và bánh lồng lắp vào máy kéo giải quyết khâu làm đất ở ruộng lầy thụt. Ông cùng hai đồng nghiệp Bùi Thanh Hải, Nguyễn Đăng Trụ nhanh chóng nghiên cứu thực hiện. Trước tiên phải nghiên cứu đặc điểm của vùng đất để chế tạo thuyền phao cũng như lựa chọn loại máy kéo thích hợp. Theo tính toán, ông Phạm Văn Lang lựa chọn loại máy kéo có công suất từ 28-38 mã lực. Đây là loại máy kéo cỡ trung bình, tuy hoạt động trên các cánh đồng lớn thì năng suất không cao nhưng lắp thuyền phao có thể phục vụ sản xuất trên các cánh đồng ngập nước.

Từ ý tưởng đến hiện thực là quá trình lao động vất vả, hàng ngày kỹ sư Phạm Văn Lang đều có mặt ở xưởng cơ khí của Học viện Nông Lâm hướng dẫn thợ gò, hàn thuyền phao theo bản thiết kế. Công việc chế tạo thuyền phao hoàn thành, ông lại cùng đồng nghiệp đánh máy kéo vào Ninh Bình thử nghiệm. Nhờ bánh lồng kết hợp với thuyền phao, máy kéo đã hoạt động được trên ruộng lầy, thụt. Kết quả này đã khích lệ tinh thần của nhóm nghiên cứu, sau lần thử nghiệm thành công ở Gia Viễn (Ninh Bình), ông Phạm Văn Lang tiếp tục nghiên cứu, cải tiến và chế tạo thuyền phao phù hợp với đặc điểm đất nông nghiệp ở nhiều địa phương.

Ở tuổi 85, GS.TSKH Phạm Văn Lang vẫn miệt mài làm việc

Thành công của máy kéo bánh lồng kết hợp với thuyền phao đã giải quyết về cơ bản sức kéo cho các loại ruộng lầy thụt mà thời điểm đó ở Việt Nam chưa có giải pháp hữu hiệu. Được ứng dụng rộng rãi ở nhiều địa phương trong nước, năm 1976, máy liên hợp thuyền phao và bánh lồng lắp đã được chọn tham dự Triển lãm của Thanh niên các nước Xã hội chủ nghĩa tại Moskva và nhận được nhiều lời khen ngợi. Năm 1980, máy liên hợp này tiếp tục tham dự Triển lãm ngành Nông nghiệp tại Hà Nội, thu hút sự quan tâm của nhiều cơ sở chế tạo máy nông nghiệp và được tặng Huy chương vàng. Đặc biệt, kết quả này là cơ sở để ông Phạm Văn Lang và các đồng nghiệp tiếp tục nghiên cứu cơ sở khoa học ứng dụng liên hợp máy kéo làm việc ở ruộng lúa nước Việt Nam. Công trình sau đó được tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2000. Cũng từ nghiên cứu thực tiễn ở Việt Nam, năm 1979 ông Phạm Văn Lang đã bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ “Nghiên cứu tăng khả năng di động liên hợp máy làm đất ở độ ẩm cao” tại trường Đại học Kỹ thuật ở thành phố Ruxe (Bungary). Năm 1987, ông tiếp tục bảo vệ thành công luận án tiến sĩ “Nghiên cứu cơ sở khoa học chọn liên hợp máy sử dụng trong cơ giới hóa nông nghiệp ở Việt Nam” cũng tại Bungary.

GS Phạm Văn Lang tâm sự,“làm nghề này cực khổ lắm” và quả thực để có được thành công, ông và các đồng nghiệp đã lăn lộn trên đồng ruộng như người nông dân. Nhưng cũng chính từ thực tế ông đã trưởng thành và trở thành một nhà khoa học trong lĩnh vực cơ khí nông nghiệp.

 

Lê Nhật Minh

______________________________

* GS.TSKH Phạm Văn Lang, chuyên ngành cơ khí, nguyên Viện trưởng Viện Cơ điện Nông nghiệp (nay là Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch).

[1] Năm 1968, Ban Cơ khí  được tách ra thành Viện Công cụ và Cơ giới hóa, Bộ Nông nghiệp.

 [2]Tài liệu ghi âm GS.TSKH Phạm Văn Lang, 17-12-2021, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[3]https://www.facebook.com/profile/100063680404676/search/?q=ph%E1%BA%A1m%20v%C4%83n%20lang