Lớp đại học xây dựng vừa học vừa làm

PGS.TS Lê Đình Thám

Lớp Đại học xây dựng vừa học vừa làm do thầy Lưu Quang Trí phụ trách. Đây cũng là nơi mà PGS Lê Đình Thám công tác sau khi trở về từ Bulgaria. Khi mới thành lập, lớp mới có 3 giảng viên: thầy Lưu Quang Trí dạy thi công xây dựng, thầy Lê Minh dạy về vật liệu xây dựng và thầy Nguyễn Văn Thông dạy cơ đất nền móng. Những ngày đầu, lớp Đại học xây dựng vừa học vừa làm do trường Đại học Tại chức quản lý (trụ sở ở khu nhà B, Đại học Bách khoa), đến năm 1973 thì tách ra hoạt động độc lập với các cơ sở đào tạo, thực tập ở phố Đồng Tâm, bãi Phúc Xá (Hà Nội), trại Phú Sơn (Thái Nguyên)…

Lớp chủ yếu đào tạo kỹ sư xây dựng dân dụng và công nghiệp, khóa đầu tuyển sinh 4 lớp, trung bình mỗi lớp 50 sinh viên. Từ năm 1971 – 1981, trường tuyển sinh được 9 khóa. Bốn khóa đầu đã đào tạo gần 1000 kỹ sư xây dựng, năm khóa sau chuyển giao cho trường Đại học Xây dựng khi có quyết định sáp nhập lớp Đại học xây dựng vừa học vừa làm vào trường này (11-1980).

Mô hình kết hợp lao động và học tập đã mở ra triển vọng mới trong công tác đào tạo thập niên 70, sinh viên không chỉ có thể tự xây dựng nhà ở, lớp học cho mình mà còn có thể tham gia xây dựng nhiều công trình cho xã hội. Đó là khu nhà ở dọc theo đường Đại Cồ Việt, khu Tập thể của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, trường Đại học Tổng hợp, Đại học Kinh tế kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế quốc dân), các công trình cho Bộ Tài chính ở phố Ngô Quyền… Thêm vào đó, sinh viên sau khi ra trường có thể công tác được ngay mà không phải mất thời gian làm quen với công việc thực tế.

Vì cơ chế thị trường (nền kinh tế kế hoạch hóa) trong thập niên 80 nên giảng viên và sinh viên không có thu nhập từ việc làm công trình. Sau khi sáp nhập với trường Đại học Xây dựng, dần dần công tác đào tạo theo hình thức học nửa ngày, lao động nửa ngày không còn. Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thám, nếu lớp Đại học xây dựng vừa học vừa làm thành lập muộn hơn sẽ phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường ngày nay.

Nguyễn Điệp