Lần tìm lại các mốc lịch sử giáo dục Việt Nam, ngày 6 tháng 3 năm 1956 Bộ trưởng Giáo dục quốc gia Nguyễn Văn Huyên ký nghị định số 147/NĐ về việc thành lập trường Đại học Chuyên nghiệp Bách khoa, cử GS Trần Đại Nghĩa được bổ nhiệm làm Giám đốc. Chỉ sau đó vài tháng, ngày 15-10-1956, trường đã tổ chức khai giảng khóa đầu tiên (K1) cho 850 sinh viên chính quy của 14 ngành học thuộc 4 liên khoa: Cơ-Điện, Mỏ-Luyện kim, Xây dựng, Hóa-Thực phẩm.
Từ những năm tuổi trẻ…
Lớp Kỹ sư điện – Vô tuyến điện K1 trực thuộc Khoa Cơ – Điện, Đại học Bách Khoa Hà Nội có gần 100 sinh viên nhập học nhưng phần lớn là học sinh phổ thông Miền Nam tập kết ra Bắc từ năm 1954, còn lại là học sinh trong nội thành Hà Nội. GS.TSKH Trần Đình Long nhớ lại buổi đầu nhập học: “Sinh viên Miền Nam tập kết ra Bắc tuổi chỉ mười tám đôi mươi, sinh viên trong nội thành có những người đã tốt nghiệp tú tài được mấy năm nhưng chưa vào đại học như anh Nguyễn Cao Khương (về sau công tác ở Tổng Công ty Điện lực). Vì vậy trong lớp có những người hơn nhau đến 10 tuổi…”
Sinh viên có gia đình ở trong nội thành học xong thì về gia đình, còn những sinh viên miền Nam thì được ở trong kí túc xá của nhà trường, được phụ cấp ăn, học và mỗi năm được phát một chiếc chăn, màn và hai bộ quần áo.
Khu nhà ăn trường Đại học Bách Khoa Hà Nội được phân mỗi khoa một khu riêng, mỗi bữa ăn có khoảng 30 sinh viên ngồi một bàn ăn có rau thịt, ai ăn bao nhiêu thì lấy vì nhà bếp đã chia theo xuất ăn cho mỗi bàn. GS Trần Đình Long tâm sự: “ngoài xuất cơm chia cho mỗi bàn ăn còn có một chảo rau muống và nồi cháy cơm cho ai muốn ăn thêm thì ra lấy. Hồi đó bàn tôi có 27 sinh viên ăn chung, mỗi bữa cơm chỉ báo nhà bếp nấu cho 25 xuất, nhưng đến bữa ăn chúng tôi vẫn có đủ 27 người ăn, mỗi bữa cắt cơm như vậy là để dành đến hết kỳ học hay đến Tết cộng dồn lại để cả tổ liên hoan, vậy mà Tết năm nào cũng đàng hoàng”.
Ngoài ra GS Long cho biết thêm những ngày lễ tết nhà trường tổ chức một bữa ăn tươi cho sinh viên quê ở Miền Nam, còn lại ai có bà con, bạn.. ở Hà Nội thì đi chơi, không thì ở phòng đọc sách đến bữa ăn lên nhà bếp ăn cơm như ngày bình thường.
Những ngày đầu thành lập Khoa Cơ – Điện Đại học Bách Khoa Hà Nội ngoài những giảng viên như thầy Phạm Đồng Điện, Nguyễn Đức Thừa còn có những giảng viên vừa tốt nghiệp đại học từ Trung Quốc về giảng dạy như: Hà Học Trạc, Bùi Duyên, Nguyễn Bình Thành, Vũ Gia Hanh, Nguyễn Thế Hùng, Phan Văn Huân và thầy Vũ Đình Cự cùng một số thầy cô khác tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm khoa học về giảng dạy.
Trường Đại học Bách khoa những ngày đầu thành lập
GS.TSKH Trần Đình Long nhớ lại: “Các thầy giảng dạy đều để lại một ấn tượng sâu sắc như thầy Bùi Duyên – trưởng Khoa đầu tiên, mỗi lần thầy bước vào hội trường bao giờ cũng nhìn xung quanh xem buổi họp hôm nay là gì qua các băng rôn được treo. Hay thầy Hà Học Trạc khi giảng bài về tính ổn định của hệ thống điện thì mô tả nó có hình dáng giống cái bát úp sấp xuống, thầy nói cứ nhớ tên cái hình bát úp này là tính ổn định của hệ thống điện..”
GS.TSKH Trần Đình Long cho biết thêm: “Những ngày đầu thành lập trường, về cơ sở, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học còn nhiều khó khăn. Tài liệu lúc đó do các thầy Hà Học Trạc, Bùi Duyên, Nguyễn Bình Thành, Vũ Gia Hanh, Nguyễn Thế Hùng, Phan Văn Huân mang về từ Trung Quốc và có thêm một số tài liệu tiếng Nga của các chuyên gia Liên Xô mang sang… Do đó cứ mấy hôm thầy lại gọi lớp trưởng lên gặp để lấy từng chương về học sau khi đã được các thầy dịch từ tiếng Trung ra tiếng Việt.”
Đến lúc bạc đầu.
Lớp Kỹ sư điện – Vô tuyến điện K1 (1956 – 1959) Khoa Cơ – Điện Đại học Bách Khoa Hà Nội có gần 100 sinh viên tốt nghiệp ra trường, người được giữ lại làm giảng viên còn đa số họ đi xây dựng các công trình điện lực, phát thanh trọng điểm của nước ta như: nhà máy điện Vinh (Nghệ An), nhà máy điện Lào Cai, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên… trong thời kỳ đổi mới họ lại đảm nhiệm những công trình lớn của đất nước như: GS.TSKH Trần Đình Long kiến trúc sư trưởng xây dựng đường dây 500 KV Bắc Nam nối liền lưới điện quốc gia; cố GS Nguyễn Như Kim- nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Tư liệu Viện Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, người đã được Chính phủ cử ra nước ngoài mua, thiết kế, lắp ráp trang thiết bị cho Đài Tiếng nói Việt Nam trong ngày đầu…Hay TS Nguyễn Trí Vu – nguyên Bộ Trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ… cho đến nay đã gần một nửa lớp do tuổi cao, sức yếu đã từ biệt cõi trần. Đã 20 năm nay (1990-2012) vào những ngày đầu xuân năm mới những cựu sinh viên lớp Kỹ sư điện – Vô tuyến điện K1 đang sinh sống tại Hà Nội thường tổ chức buổi gặp mặt đầu năm để hàn huyên, tâm sự chúc thọ, mừng sinh nhật lẫn nhau… không chỉ vậy họ còn kể cho nhau nghe về sự thành đạt của con cháu và tặng nhau những bài thơ mừng thọ, chúc Tết do mỗi người tự sáng tác hay sưu tầm, ngoài ra tham hỏi nhau lúc ốm, lúc đau…Điều đặc biệt có hơn 10 cựu sinh viên hiện đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh do tuổi cao, sức yếu những năm gần đây không ra được Hà Nội dự buổi gặp mặt, nhưng họ đã tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh rồi trao đổi lại với những người bạn ở ngoài Bắc về tình hình của nhóm…
GS.TSKH Trần Đình Long tâm sự: “Bây giờ nhiều người tuổi đã cao, mặc dù đã ra trường 53 năm nay, nhưng nhiều khi ngồi vẫn nhớ như in những bài giảng, hình ảnh của người thầy. Đặc biệt là những buổi cả thầy lẫn trò cùng tham gia làm thí nghiệm mà dụng cụ thực hành phải mua từ chợ trời, hay chợ đồ cũ về để lắp ghép, vì lúc đó nhà trường giai đoạn đó chưa được trang bị thiết bị thực hành…”
Trần Quang Huy
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam