Tháng 7-1951, Phạm Như Vưu cùng 20 cán bộ thuộc nhiều ngành Khoa học kĩ thuật được Trung ương Đảng và Bác Hồ cử đi Liên Xô học tập. Lúc đó, Liên Xô đang xây dựng chủ nghĩa xã hội và đạt nhiều thành tựu, trở thành thành trì vững chắc của phong trào cách mạng thế giới và các dân tộc thuộc địa. Ngay từ những năm 20, 30 thế kỉ XX, đã có nhiều thanh niên yêu nước được cử đi học ở Liên Xô để đào tạo trở thành những nhà cách mạng chuyên nghiệp như Trần Phú, Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong…, nhưng đây là đoàn cán bộ đào tạo về Khoa học kĩ thuật đầu tiên của nước ta để chuẩn bị cho việc xây dựng đất nước trong tương lai. Do đó, trước khi lên đường, đoàn được các đồng chí lãnh đạo Đảng quan tâm, dặn dò hết sức chu đáo. Đặc biệt, đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đến căn dặn và trao nhiệm vụ.
Nhớ lại kỉ niệm những ngày chuẩn bị đi học, Phạm Như Vưu viết trong nhật kí: “Ngày 18-7-1951: Có lẽ là ngày lịch sử trong đời, Bác đến bắt tay anh em và dặn dò thêm kĩ càng hơn người cha”. Cho đến bây giờ, Thiếu tướng Phạm Như Vưu vẫn nhớ như in những lời Bác dạy về cách học, mục đích học, thái độ ứng xử với bạn Liên Xô… “Một bờ suối quanh co dưới bóng cây um tùm của Tân Trào kia không ngờ đã là nơi kỉ niệm sâu sắc của 21 anh em, tiếp thụ những lời vàng ngọc của các vị lãnh tụ” [1]. Lúc đó, Phạm Như Vưu cảm thấy trách nhiệm đi học của mình thật cao cả và nặng nề. Có lẽ chính tinh thần trách nhiệm, cùng với ý thức rèn luyện tư tưởng theo kỷ luật nghiêm ngặt đã giúp các ông hoàn thành nhiệm vụ học tập đầy khó khăn.
Sang Liên Xô, Phạm Như Vưu và Hoàng Văn Lãn (là Phó phòng Chế tạo vũ khí cùng cơ quan ông) được phân công học về Bảo đảm kĩ thuật quân đội và Sản xuất vũ khí bộ binh súng cối tại trường Cao đẳng Quân khí Tula. Đến năm 1955, kết thúc khóa học tập ở Liên Xô. Phạm Như Vưu viết bản Báo cáo tổng kết quá trình học tập gửi Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô. Bản thảo Báo cáo tổng kết một cách toàn diện quá trình học tập (học tập chuyên môn; rèn luyện không ngừng theo lời Bác Hồ dặn) gồm 4 trang, được ông viết bằng bút mực xanh có gạch xóa trên giấy kẻ ngang đã ngả vàng, bên góc trái có chữ “tối mật” (bởi vì chuyến học tập này phải giữ bí mật).
Báo cáo học tập của Thiếu tướng Phạm Như Vưu
Ông viết: “Năm đầu phương pháp học tập còn kém, tư tưởng học tập thể chưa thông, không hiểu biết tiếng nói do đó sự học tập gặp nhiều khó khăn”. “Nhưng sau được chỉnh đốn tư tưởng, kinh nghiệm có nhiều thêm nên phương pháp học tập cũng dần đi vào nền nếp, thái độ học tập đúng đắn thêm” [2].
“Ngày 11-12-1951: “Hôm nay bị phê bình rất nhiều về sự cẩu thả trong sự làm bài vở, thật đáng xấu hổ vô cùng vì chính mình không còn trẻ dại gì nữa để giáo viên phải nói đến việc đó” .
“Ngày 24-10-1951: “Bắt đầu tiêm thuốc chống sốt rét và nhức đầu. Phải đi bệnh viện thấy mất thì giờ quá. Không chữa sự học không được” [3].
Ông tâm sự với chúng tôi: Ông học không phải cho bản thân ông, mà cho Đảng, cho nhân dân nên phải học, phải làm theo những lời Bác dạy. Nhờ những nỗ lực đó, kết quả học tập chuyên môn của ông: “thi mãn khóa có 5 môn học chính. Kết quả được điểm ưu cả 5 môn và được nhà trường cấp bằng “cán bộ kĩ thuật cơ khí” về sản xuất và sử dụng vũ khí” [4].
Riêng về rèn luyện tư tưởng đạo đức trong lối sống thì thế hệ trẻ như chúng tôi bây giờ có lẽ không thể nào theo kịp cha ông.
“Năm đầu tư tưởng và thái độ đối với Đảng lệch lạc nên sinh hoạt nội bộ chỉ làm chiếu lệ. Từ sau lớp chỉnh huấn ở Sứ quán thì sinh hoạt nội bộ được chỉnh đốn có nề nếp”. Thậm chí ở thời gian đầu ông có tư tưởng của “bệnh địa vị”, nghĩa là việc “lơ là với học tập thể…, ghen tị khi thấy đồng chí hơn mình, sung sướng khi thấy đồng chí kém mình; thảo luận với đồng chí hay đưa đến gay go vì chỉ sợ kém hay dốt hơn đồng chí…” [5]. Nhưng đến năm 1952, đồng chí Nguyễn Lương Bằng sang Liên Xô xây dựng Đại sứ quán Việt Nam, tổ chức gặp mặt các cán bộ trong đoàn và chỉnh huấn tư tưởng chính trị nên ông khắc phục được những nhược điểm tư tưởng này. Vì thế, vào chủ nhật hàng tuần, Phạm Như Vưu và Hoàng Văn Lãn thường họp chi bộ, dù chỉ có 2 người, mang hai bài dặn dò của Bác Hồ và đồng chí Trường Chinh ra đọc và tự kiểm điểm thái độ học tập và sinh hoạt.
Trước khi đi học Liên Xô, Bác Hồ còn dặn thành viên trong đoàn: với anh em bên ngoài, nhân dân nước bạn phải thành thật, thân ái, đoàn kết, khiêm tốn và không yêu sách [6]. Học tập theo những lời dặn đó, ông và anh em trong đoàn luôn tự rèn luyện và không hề đòi hỏi sự ưu ái của bạn. Phạm Như Vưu kể lại kỉ niệm: khi mới sang Liên Xô, học viên Việt Nam chưa quen những món ăn mới, các bạn Liên Xô đề nghị làm món ăn Việt Nam, nhưng anh em quyết tâm không phiền đến bạn và rèn luyện để ăn uống giống những học viên Liên Xô. Theo Phạm Như Vưu, các ông phải từ chối tất cả sự chăm sóc của bạn và hòa đồng vào cuộc sống bên ấy. Ngay cả khi xếp hàng mua sách, người dân Liên Xô thấy các ông là người Việt Nam nên ưu tiên, nhưng học viên Việt Nam từ chối, họ luôn giữ gìn trong mọi sinh hoạt của mình.
Đặc biệt, Thiếu tướng Phạm Như Vưu tiết lộ với chúng tôi: “Trước khi sang Liên Xô, Bác dặn: phụ nữ Nga rất đẹp, các chú phải cẩn thận” [7]. Do đó, anh em trong đoàn rất hạn chế giao tiếp với phụ nữ, không nói chuyện với họ và ít khi ra khỏi kí túc xá. Để tự học tiếng Nga, các ông chỉ nói chuyện bằng tiếng Nga với nhau chứ không dám ra ngoài giao tiếp. Trong báo cáo ông viết: “Đối với phụ nữ không xảy ra chuyện gì lôi thôi” [8].
Bản viết tay Báo cáo tổng kết học tập kể trên không những là báo cáo về kết quả học tập chuyên môn và tu dưỡng tư tưởng của Phạm Như Vưu mà còn là bản tự kiểm điểm thành thực của ông trong suốt thời gian học tập tại Liên Xô. Đã nửa thế kỉ trôi qua nhưng đến nay, Thiếu tướng Phạm Như Vưu vẫn lưu giữ bản Báo cáo tổng kết học tập để nhớ về đoàn cán bộ đầu tiên được Đảng cử đi đào tạo tại Liên Xô. Ông trân trọng tặng lại bản viết tay Báo cáo này cho chúng tôi với niềm hi vọng: “Trân trọng quá khứ để chuẩn bị cho tương lai".
Thiếu tướng Phạm Như Vưu sinh 1920 tại xã Đông Hoàng, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.
Trước năm 1945: làm công nhân tại nhà máy chế tạo cơ khí Hải Phòng và nhà máy đạn Cattuxeri Phú Thọ.
Từ 3-1945 đến 11-1946: Tham gia Việt Minh ở Phú Thọ
12-1946 đến 11-1947: Trưởng ban Vũ khí – Ủy ban kháng chiến tỉnh Phú Thọ
12-1947 đến 11-1949: Trưởng banVũ khí Phòng dân quân Liên khu 10
12-1949 đến 6-1951: Trưởng ban Chế tạo vũ khí, Cục quân giới
7-1951 đến 4-1956: Học Kĩ thuật vũ khí ở Liên Xô
5-1956 đến 10-1958: Chủ nhiệm Khoa Quân giới, trường Sĩ quan Hậu cần.
11-1958 đến 9-1960: Trưởng phòng huấn luyện, Cục Quân giới
10-1960 đến 7-1964: Cục phó Cục Quân giới.
8-1964 đến 1-1973: Cục trưởng Cục Quân giới.
2-1979 đến 9-1983: Phó Tư lệnh Quân khu I, Tham mưu trưởng Tổng cục Kĩ thuật.
10-1983 đến 1993: Phó Chủ nhiệm Tổng cục Kĩ thuật, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng
Từ 1993: Nghỉ hưu
Trần Bích Hạnh
___________________________
[1]. Nhật kí đi học tập ở Liên Xô của Phạm Như Vưu từ tháng 7-1951 đến tháng 2-1952.
[2]. Báo cáo tổng kết học tập của Phạm Như Vưu năm 1955.
[3]. Nhật kí đi học tập ở Liên Xô của Phạm Như Vưu từ tháng 7-1951 đến tháng 2-1952.
[4]. Báo cáo tổng kết học tập của Phạm Như Vưu năm 1955.
[5]. Báo cáo tổng kết học tập của Phạm Như Vưu năm 1955.
[6]. Bài viết “Đầu xuôi đuôi lọt” của Phạm Như Vưu đăng trên Tạp chí Xưa và nay số 96, năm 1997.
[7]. Phỏng vấn Thiếu tướng Phạm Như Vưu ngày 27-5-2011.
[8]. Báo cáo tổng kết học tập của Phạm Như Vưu năm 1955.