”Lúc đó xôn xao, nhiều người sợ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia”

Xem lại bài 1: Lực cản đeo đẳng và áp lực từ cấm vận

Việt Nam sớm tiếp cận Internet

Bối cảnh thế giới những năm 1995 một số quốc gia đã hòa mạng Internet, một số nơi trong nước cũng đã sớm tiếp cận công nghệ Internet và thử nghiệm tổ chức cung cấp dịch vụ Internet ở các mức độ khác nhau như Viện công nghệ thông tin được Đại học quốc gia Úc sang Việt Nam hỗ trợ việc cài đặt email, và thủ nghiệm cung cấp dịch vụ gửi thư điện tử email bằng giao thức truyền tin UUCP, tạo ra mạng VARENET từ năm 1993, kết nối và gửi thư điện tử với máy chủ của Đại học Quốc gia Úc.

Trong một nỗ lực khác, ông Trần Xuân Thuận với Liên hiệp khoa học sản xuất phần mềm (CSE), đã xây dựng một giao thức truyền tin riêng với tên là Tnet, sử dụng hệ điều hành SCO Unix. Mạng Tnet cũng kết nối và gửi thư điện tử với thế giới (bằng một phần mềm chuyển đổi do CSE xây dựng). Mạng Tnet là một nỗ lực rất đáng trân trọng của ông Trần Xuân Thuận và đội ngũ CSE, thể hiện khả năng làm chủ công nghệ của người Việt Nam tại thời điểm đó,  nó được úng dụng vào lĩnh vực bưu chính của VNPT năm 1995, nhưng do không sử dụng chuẩn truyền tin TCP/IP, nên không thuận tiện cho việc sử dụng các tính năng và dịch vụ của Internet, nên TNet khó phát triển rộng rãi hơn.

Tháng 1/1996, từ Nha Trang, Trung tâm tin học Teltic, thuộc Bưu điện Khánh Hòa đã thiết lập và tổ chức kinh doanh mạng VietNet, mạng thông tin đầu tiên cung cấp dịch vụ cho đại chúng ở Việt Nam sử dụng giao thức truyền tin TCP/IP của mạng Internet toàn cầu, mạng VietNet  có 3 máy chủ đặt ở Hà Nội, Nha Trang, Thành phố Hồ Chí Minh, giữa các máy chủ ở 3 thành phố được kết nối bằng việc tích hợp 3 đường điện thoại quay số, và sử dụng hệ điều hành LINUX, mạng VietNet gửi và nhận thư điện tử với thế giới qua việc kết nối với mạng VARENET.

Chớp lấy thời cơ tại Hội nghị Trung ương 2 khóa VIII năm 1996, ông Đỗ Trung Tá xin trình bày hướng mở Internet. Ảnh tư liệu

Sự thành công của mạng VietNet đã khẳng định mạng lưới viễn thông Việt Nam đạt chất lượng tốt, đạt chuẩn thế giới, và đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) đủ khả năng tiếp cận công nghệ mới, cũng như phát triển các ứng dụng trên nền Internet,  để lãnh đạo VNPT tự tin, quyết tâm thuyết phục lãnh đạo Đảng đồng ý cho Việt Nam chính thức kết nối với Internet.

Trung tâm tin học Teltic, năm 1993 tìm hiểu về việc sử dụng mạng SCO Unix và giao thức truyền tin UUCP tại Viện Công nghệ thông tin , đồng thời đầu năm 1995, tìm hiểu công nghệ, giao thức truyền tin Tnet của mạng Tnet. Rút kinh nghiệm những điểm được, chưa được của VARENET, Tnet, Trung tâm tin học Teltic đã đưa ra giải pháp sử dụng công nghệ truyền tin TCP/IP còn rất mới mẻ ở Việt Nam (nhiều chuyên gia tin học lúc ấy cho rằng ở Việt Nam chỉ có thể sử dụng UUCP, còn TCP/IP chưa thể chạy trên các đường điện thoại dialup),

Trung tâm Teltic đã mạnh dạn thử nghiệm dùng Linux, phiên bản mở của hệ điều hành Unix để xây dựng hệ thống mạng thông tin VietNet với các máy chủ đặt tại 3 thành phố: Hà Nội, Tp.HCM và Nha Trang kết nối trực tuyến suốt 24 giờ hàng ngày qua 3 đường điện thoại dialup. VietNet như một mô hình đầy đủ các tính năng của mạng Internet ra đời sớm trước 2 năm khi Việt Nam chính thức hòa mạng Internet (12/1997).

Mạng VietNet ra đời và cung cấp dịch vụ thành công trên cả nước là kết quả của tinh thần tiên phong, đi thẳng vào công nghệ hiện đại, phát huy trí tuệ đội ngũ cán bộ kỹ thuật trong ngành để vươn lên làm chủ công nghệ trong khí thế những ngày “đổi mới, tăng tốc” của ngành Bưu điện, thể hiện tâm huyết, tấm lòng của lãnh đạo VNPT với tin học, công nghệ thông tin, mà tiêu biểu là bức thư của ông Đỗ Trung Tá gửi lãnh đạo và cán bộ nhân viên Bưu điện Khánh Hòa khen ngợi kết quả của Trung tâm tin học Teltic, mạng VietNet, cũng như việc ông chỉ đạo tổ chức Hội nghị khoa học kỹ thuật ngành bưu điện tại Nha Trang tháng 7/1995.

Những năm ấy, khi ông Tá là Chủ tịch VNPT, nhiều cán bộ kỹ thuật ở VNPT kể lại, khi nói chuyện về tin học, công nghệ thông tin là mắt ông Tá sáng lên. Khi có đề xuất những sáng kiến về tin học, công nghệ thông tin là ông rất dễ dàng chấp thuận và động viên, khích lệ, ông là người truyền cảm hứng cho nhiều kỹ sư tin học trẻ của ngành lúc ấy.

Ngày 1/12/1997, Việt Nam chính thức cung cấp dịch vụ Internet, thì ngày 19/12/1997, website www.vnn.vn, tiền thân của báo điện tử VietNamNet chính thức đi vào hoạt động, ông Đỗ Trung Tá là người ủng hộ mạnh mẽ để VietNamNet ra đời và có điều kiện phát triển, cùng với ông Tá, một thành viên khác của Hội đồng Quản trị VNPT, ông Hoàng Xuân Nguyên cũng rất tâm huyết và ủng hộ mạnh mẽ sự phát triển tin học, công nghệ thông tin trong ngành, đặc biệt ông luôn gần gũi và tìm những chính sách của VNPT để ủng hộ phát triển VietNamNet.

Chính tầm nhìn xa, có tâm huyết và trách nhiệm cao với sự phát triển chung của ngành, và đều là những chuyên gia giỏi về công nghệ, dám chịu trách nhiệm, quyết liệt đổi mới, thế hệ lãnh đạo ngành bưu điện giai đoạn 1986-2000 đã lãnh đạo, dẫn dắt ngành bưu điện đổi mới, đột phá, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế, đổi mới của đất nước, xứng đáng lá cờ đầu đổi mới.

Lo sợ mở Internet sớm ảnh hưởng an ninh quốc gia

Khi một số nơi trong nước cũng đã sớm tiếp cận công nghệ Internet và thử nghiệm tổ chức cung cấp dịch vụ Internet ở các mức độ khác nhau đặc biệt là kết quả của mạng VietNet, với niềm tin vào đội ngũ cán bộ kỹ thuật của ngành Bưu điện, chớp lấy thời cơ tại Hội nghị Trung ương 2 khóa VIII năm 1996, nội dung bàn về Khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo, lãnh đạo ngành Bưu chính Viễn thông đã trình bày hướng xin mở Internet, ông Đỗ Trung Tá kể lại.

Ông Đỗ Trung Tá tham gia kí Hiệp định hợp tác CNTT với Nhật Bản vào năm 2003. Ảnh tư liệu

Tại Hội nghị ấy, tôi trình bày 3 kiến nghị quan trọng nhất, ông Đỗ Trung Tá nói. Thứ nhất, đề nghị Trung ương không dùng máy thuê bao kéo dài, không dùng điện thoại kéo dài nữa vì không đảm bảo bí mật. Thứ hai, chúng ta nên thực hiện băng rộng hoá toàn quốc bằng cáp quang vừa thuận lợi cho việc sử dụng tất cả các dịch vụ tốc độ cao vừa khắc phục được sự ảnh hưởng của điện từ trường đảm bảo thông tin thông suốt, an toàn ngay cả khi có chiến tranh điện tử xảy ra. Thứ ba là quan trọng nhất, khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo không thể phát triển được nếu không có Internet.

Chúng tôi giới thiệu một sơ đồ đưa Internet vào Việt Nam thế nào cho cả Trung ương nghe. Thay vì Internet phải đi đường vòng qua Úc thì bây giờ chúng ta đưa về đặt tại Việt Nam, ta tự làm rồi quản lý đến đâu phát triển đến đó. Lúc đó mọi người xôn xao, nhiều người còn lo sợ mở Internet sớm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Tôi xin phép Trung ương dành thời gian tham quan phòng máy tính để chúng tôi trình bày Internet là gì, lợi ích ra sao và cách phòng chống bằng tường lừa thế nào.

Đó cũng là lần đầu tiên văn phòng Trung ương được mang thiết bị kĩ thuật vào. May mắn là lúc đó Tổng bí thư Đỗ Mười đã cho phép từng tổ vào tham quan máy tính kết nối Internet. Từ đó Trung ương mới đồng ý, và chính phủ cũng bắt đầu triển khai đề án, sau một năm thì Internet ra đời, ông Đỗ Trung Tá kể lại.

Bưu điện văn hóa xã: Ý tưởng nhân văn của thời Đổi Mới

Ý tưởng thành lập Bưu điện văn hóa xã được ra đời trong hoàn cảnh báo chí ở nông thôn gần như rất hiếm. Có những tờ báo cũ mình tặng cho cô quán nước gần nhà ở quê mà hàng tháng sau quay lại vẫn thấy tờ báo ấy tồn tại ở quán nước, từ đó tôi nghĩ người dân ở vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh rất cần được tiếp nhận thông tin qua việc đọc báo hàng ngày, ông Đỗ Trung Tá là người khởi xướng ra ý tưởng này hồ hởi chia sẻ.

Bưu điện văn hóa xã là một trong những ý tưởng mang tính nhân văn của ngành Bưu điện thời Đổi Mới. Từ đó ông đã làm đề án thông qua Bộ Văn hóa thông tin và trình chính phủ. Ông Nguyễn Khoa Điềm lúc đó là Bộ trưởng Bộ Văn hóa thông tin  rất ủng hộ ý tưởng này bởi theo ông cần có những thiết phải có những thiết chế văn hóa mới ở nông thôn. Ông Tá đề nghị đặt tên là điểm Bưu điện văn hóa xã. Chữ “xã” có ý nghĩa là điểm giao lưu, tụ họp và là nơi gắn kết văn hóa giữa mọi người với nhau.

Sau đó ông Tá huy động toàn ngành đọc báo, lưu lại tất cả những tờ báo cũ ấy gửi về các điểm Bưu điện văn hóa xã và có sự luân chuyển báo giữa các điểm Bưu điện văn hóa xã ấy với nhau. Từ đó hơn 10 nghìn xã mà có đến 8800 điểm.

Tôi có mong muốn Bưu điện văn hóa xã ấy còn là nơi tạo điều kiện công ăn việc làm cho các em học hết lớp 12 ở địa phương, đó là nơi sẽ giúp các em nâng cao nhận thức thông tin, hiểu biết, các kĩ năng để giúp các em sau này có cơ hội trở thành lãnh đạo các xã của mình. Đó còn là nơi để những người già hưu trí thư giãn đọc báo thảnh thơi mỗi ngày, ông Tá tâm huyết nói.

Thứ nữa đó còn là điểm mang lại lợi ích kinh tế cho người dân, đặt cột BTS để phục vụ cho việc đưa di động về nông thôn, tất cả các dịch vụ viễn thông được phép kinh doanh để phục vụ cho việc giao thương kinh tế giữa thành thị và nông thôn, tiến tới mở rộng thêm các dịch vụ bưu chính viễn thông và Internet, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.

Cuối cùng Bưu điện văn hóa xã sẽ là trung tâm chính trị văn hóa của cả xã. Các chỉ thị, nghị quyết của Đảng sẽ tập trung ở đó để người dân đến đọc và nghiên cứu. Bây giờ các xã đều thấy các trung tâm bưu điện văn hóa xã là điểm sáng của nông thôn vì Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã sử dụng rất hiệu quả mục đích của nó.

 

Lan Anh

Nguồn: vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/lo-so-mang-internet-som-anh-huong-an-ninh-quoc-gia-339788.html