Hoàng Thụy Ba học ngành Y tại Hà Nội từ năm 1920 đến năm 1925 thì sang Pháp học tiếp 2 năm. Cuối năm 1927, ông bảo vệ thành công luận án bác sỹ y khoa với đề tài: “Góp phần nghiên cứu và điều trị bênh ung thư nội mạc trực tràng – âm đạo” dưới sự hướng dẫn của GS M.J.L. Laure tại Đại học Y khoa Paris. Sau khi về nước, ông được chính quyền Pháp tiếp nhận và cử lên Yên Bái làm việc, sau đó ông chuyển công tác về Hưng Yên trước khi về Hà Nội.
PGS.TS Hoàng Văn Sơn trong buổi làm việc với Trung tâm Di sản
Khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công rồi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, bác sỹ Hoàng Thụy Ba được cử làm Giám đốc đầu tiên của Sở Y tế Khu 11 (Hà Nội). Sau đó, ông được Bộ trưởng Y tế Hoàng Tích Trí giao việc thành lập và điều hành Trường Nữ hộ sinh trung cấp Liên khu III – IV đóng tại Thanh Hóa. Năm 1952, được tin mẹ bị bệnh, liệt nửa người mà không có người chăm sóc, bác sĩ Hoàng Thụy Ba đã xin với tổ chức được về Hà Nội chăm mẹ. Chính quyền Pháp mời ông ra làm việc nhưng ông từ chối và mở phòng khám tư ở Ngõ Trạm để sinh sống. Năm 1959, bác sĩ Hoàng Thụy Ba đóng cửa phòng khám tư, hiến tặng Nhà nước mọi thiết bị y tế của phòng khám, để vào làm việc ở Bệnh viện C (nay là Bệnh viện Phụ sản Trung ương) cho đến khi về hưu. Ông mất năm 1994.
Là thế hệ bác sĩ đầu tiên được đào tạo tại Trường Y Dược khoa Đông Dương, cả cuộc đời bác sĩ Hoàng Thụy Ba chỉ chuyên tâm vào việc nghiên cứu và điều trị cho bệnh nhân. Trong hoàn cảnh nào, ông cũng luôn giữ được cái tâm trong sáng của người thầy thuốc.
Trong buổi làm việc đầu tiên với Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam ngày 5-9-2013, PGS.TS. Bác sĩ Hoàng Văn Sơn – con trai trưởng của BS Hoàng Thụy Ba chia sẻ: “Cuộc đời cha tôi là một tấm gương về lòng hiếu thảo, về sự dấn thân, tự lực vươn lên. Là con quan Tổng đốc Bắc Giang, có nhà cao cửa rộng ở Hà Nội, nhưng từ Pháp về cha tôi sẵn sàng bỏ lại cuộc sống phồn hoa ở đô thị để lên vùng miền núi Yên Bái công tác. Cha tôi cũng từ chối lời đề nghị làm Bộ trưởng của chính phủ Trần Trọng Kim để giữ khí tiết của kẻ sĩ Bắc Hà. Thế nhưng khi biết mẹ đau ốm không ai chăm sóc, cha tôi lại lặn lội xin về Hà Nội để chăm sóc mẹ và tự lo cuộc sống mà không ngại những khó khăn, nguy hiểm”.
Hiện nay, tại gia đình PGS Hoàng Văn Sơn vẫn còn giữ lại một số kỷ vật liên quan đến cuộc đời BS Hoàng Thụy Ba. Những kỷ vật này như là lời nhắc nhở ông phải gìn giữ truyền thống gia đình từ người cha đáng kính. Như ông tâm sự: “Nhân cách cao đẹp của cha là nguồn động viên, là nhân tố góp phần định hướng cho tôi và con cái gìn giữ và tiếp nối đạo đức của nghề y cao quý”. Hiện nay, PGS.TS Hoàng Văn Sơn là Ủy viên Ban chấp hành Tổng Hội Y học Việt Nam, TS Hoàng Thu Hà (con gái PGS Sơn) là Chủ nhiệm Khoa Hóa sinh, Bệnh viện Xanh Pôn. Một trong những bí quyết thành công của họ là luôn học tập và noi gương cha ông, lưu giữ di sản quý giá là truyền thống của gia đình.
Bùi Minh Hào – Lục Tiến Mạnh