“Ma Tùng” rừng Chiêm Hoá

 

GS Hồ Đắc Di (phải) và GS Tôn Thất Tùng ở Việt Bắc năm 1948.
(Ảnh tư liệu)

GS Tôn Thất Tùng là một người thầy thuốc điển hình về tài năng y học cũng như về y đức. Năm 1940, khi mới 28 tuổi, ông đã được nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương bổ nhiệm làm Trưởng Khoa Ngoại Đại học Y Hà Nội. Trước Cách mạng Tháng Tám, khác với nhiều người Việt Nam lúc bấy giờ đi học chỉ nhằm tiếp thụ, tích luỹ kiến thức, Tôn Thất Tùng luôn tìm tòi, khám phá, sáng tạo cái mới. Tính đến năm 1945, ông đã công bố 63 công trình nghiên cứu trên các tạp chí y học của Pháp ở Paris và ở Viễn Đông – một con số kỷ lục. Như mọi người đều biết, ngày nay, một nghiên cứu sinh chỉ cần công bố 2 công trình như thế, là đã có thể bảo vệ thành công luận án tiến sĩ…

 

Là một tài năng xuất chúng nhưng nhà bác học ấy cũng là người có trái tim nhân hậu và tấm lòng yêu nước thiết tha. Chúng tôi muốn kể lại vài mẩu chuyện về giáo sư trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, khi ông chữa bệnh cho những người dân bình thường ở “vùng sâu, vùng xa” Chiêm Hoá, Tuyên Quang. Câu chuyện đã đi vào dĩ vãng nhưng ý nghĩa “thầy thuốc như mẹ hiền”, “trị bệnh cứu người” thì vẫn còn nguyên vẹn… 

 

Mùa thu năm 1947, GS Hồ Đắc Di và GS Tôn Thất Tùng cùng vợ con đến Chiêm Hoá, một huyện vùng xa cách thị xă Tuyên Quang khoảng 60 kilômét. Hai ông quyết định cùng một số cán bộ, nhân viên và sinh viên xây dựng lâu dài Đại học Y kháng chiến tại làng Ải bên con ngòi Quẵng trong xanh, có những bờ cát trắng nên thơ. 

 

Sau ngày Thủ đô giải phóng năm 1954, GS Hồ Đắc Di trở lại thăm vùng ngòi Quẵng ở Chiêm Hóa,
Tuyên Quang, nơi Đại học Y đóng trong những năm kháng chiến chống Pháp gian nan.
 

GS Hồ Đắc Di làm Hiệu trưởng. GS Tôn Thất Tùng giữ chức Giám đốc Bệnh viện thực hành của trường; và từ năm 1948, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử kiêm chức Thứ trưởng Bộ Y tế.

Tre nứa sẵn, được bà con địa phương bày cho cách làm nhà sàn, thầy và trò dựng lên một ngôi nhà mổ và mấy ngôi nhà chữa bệnh dưới tán lá rừng  giữa một ngọn đồi thoai thoải dốc. Có phòng thử máu, thử phân và về sau cả phòng X quang…

 

Bát phở trâu  “tặc piệt” của chú Tám người Hoa

 

Để giúp anh chị em sinh viên khỏi luyến tiếc Hà Nội và vùng đồng bằng, hai giáo sư bắt đầu chữa bệnh và mổ xẻ.

 

Chú Tám, người Hoa, dựng lên một cái quán tạm bằng nứa bên con ngòi Quẵng, để bán phở trâu cho các giáo sư, sinh viên và những người dân đồng bằng mới tản cư lên làng Ải. Mấy hôm liền chú cứ kêu đau bụng. Khám bụng cho chú, GS Tùng thấy có một chỗ cứng và đau tuy các chỗ khác đều mềm. Gõ vào chỗ đó, ông nghe có tiếng trong trong như bị căng hơi. 

 

Chú Tám kể là chú đau dạ dày từ lâu, và trước đó một tuần, đã đau dữ dội nhưng rồi lại đỡ. GS Tùng chẩn đoán: áp-xe dưới cơ hoành do dạ dày đã tự bít lại. Trong kho của bệnh viện chỉ có hai lọ pênixilin, chỉ hai lọ thôi, quý hơn vàng. Ông lấy kim chọc dò, hút ra mủ thối ra, rồi tiêm vào đấy một lọ kháng sinh. Độ vài ngày sau, chú Tám trở lại bán phở cho mọi người, và đối với Giáo sư Tùng, chú luôn dành riêng một bát “tặc piệt”…

 

 

Là nhà phẫu thuật tận tay mổ xẻ cho hàng trăm thương binh ở mật trận Điện Biên Phủ,

GS Tôn Thất Tùng tận mắt chứng kiến cảnh trên cánh đồng Mường Thanh,

quân Pháp ra hàng như nước chảy.

 

 

Em bé người Tày mắc chứng bệnh lạ kỳ?

 

Một ông bố người Tày từ làng Hét chở theo con ngòi Quẵng đến bệnh viện một em bé độ mười tuổi trên một cái mảng. Theo lời ông kể, em bé mắc phải một chứng bệnh lạ lùng, cứ như là bị ma ám: Bất kể ngày đêm, bỗng nhiên bé lên cơn la hét, lăn lóc. Gia đình đã mời thầy cúng đến nhưng chẳng ăn thua. Gia tài khánh kiệt. Đứa bé gầy xanh, nhưng lá lách không to chứng tỏ không phải ốm yếu do sốt rét. Bé luôn nằm trong một tư thế lạ đời: gót chân trái quặp, đè vào tầng sinh môn, tức là vào khoảng giữa cơ quan sinh dục và hậu môn. 

 

– Bé đi đái xong, có buốt lắm không? – GS Tùng hỏi.

 

Bé gật đầu. Đúng là có buốt bởi vì ngay lúc đó bé sợ quá vãi đái, tay phải liền nắm lấy “chim” ở chỗ quy đầu và la hét.

 

– Đây là triệu chứng có một hòn sỏi nằm trong bàng quang – GS Tùng giảng cho sinh viên. – Đi đái xong mới buốt. Cái đau như khu trú ở quy đầu, cho nên bé liền đặt tay vào vùng ấy ngay sau khi đái xong. Và cũng vì sợ đi đái, gót chân trái của bé luôn đè lên niệu đạo để khỏi phải… đi đái!

 

– Thầy không cần làm X quang sao?

 

– Không cần. Chuẩn bị để tôi mổ sớm cho bé!

 

Ngôi nhà sàn để mổ làm bằng tre nứa đã dựng xong. Cụ Thu, người y tá lâu năm, gây mê cho bé. GS Tùng cầm con dao mổ rạch bụng, mở bàng quang, lấy ra một hòn sỏi nặng phải đến một kilôgam, to bằng nắm đấm! Trong khi mổ, dân làng Ải cũng như mấy làng gần đấy kéo đến vây quanh ngôi nhà mổ từ lúc nào rồi mà giáo sư chẳng biết. 

 

Một số người còn trèo cả lên cành mấy cây to chung quanh, ngồi vắt vẻo để xem trộm cảnh “mổ bụng moi ruột” cho thật rõ. Lúc đang mổ, giáo sư nghe hình như bên ngoài có tiếng những vật gì đó nặng nặng rơi thịch thịch xuống đất? Hoá ra mấy anh chàng tò mò ngồi trên cây xem mổ, sợ quá ngã nhào! May mà chẳng ai què chân, gãy tay!

 

 

Từ trái sang phải: GS Hồ Đắc Di, GS Tôn Thất Tùng và Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch.

 

Thời kháng chiến chống Pháp, cố nhiên, chưa làm gì có chuyện thu viện phí. Người dân vùng sâu, vùng xa ngày ấy rất túng thiếu – hiện nay chắc cũng chưa khấm khá hơn được bao nhiêu – tất nhiên chẳng biết đào đâu ra để mà “bồi dưỡng” tiền triệu cho kíp mổ như một “thủ tục” mà giờ đây hầu như ai ai cũng phải làm. 

 

“Ma” là tiếng đồng bào miền núi thường dùng để chỉ những người đã mất – kể cả tổ tiên mình – cũng như thần thánh, vừa phù hộ vừa quấy nhiễu. Ở làng Ải, loại ma đáng sợ nhất là “ma gà” vì nó thần thông quảng đại, biến hoá khôn lường. Sau đó đến… “ma Tùng”! Chẳng biết từ lúc nào người dân vùng rừng Chiêm Hoá đã coi GS Tùng như một thầy phù thuỷ đầy phép lạ!

Nhờ cái uy đậm màu huyền bí ấy, dụng cụ mổ xẻ của bệnh viện dù có vô ý bỏ vương vãi đó đây, kẻ gian cũng chẳng dám đánh cắp…

 

 

GS Tôn Thất Tùng, Giám đốc Bệnh viện Phủ Doãn, hướng dẫn Chủ tịch Hồ Chí Minh

đi thăm bệnh viện sau ngày Thủ đô giải phóng năm 1954.

 

GS Tôn Thất Tùng biểu diễn phương pháp mổ gan khô do ông sáng tạo tại Pháp.

 

“Bia miệng” vẫn còn 

 

Hơn sáu thập niên đã trôi qua. Gần đây, trong một chuyến “về nguồn” thăm ATK (An toàn khu) thời chống Pháp ở Tuyên Quang, tôi vẫn còn nghe kể lại những mẩu chuyện kỳ lạ về “ma Tùng”. Và ngọn đồi thoai thoải dốc ở làng Ải, nơi trước kia đặt Bệnh viện thực hành của Trường Y, ngày nay vẫn được người dân vùng quanh gọi là “đồi Nhà thương”

 

Trăm năm bia đá cũng mòn

Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.

 

GS Hồ Đắc Di, GS Tôn Thất Tùng đã được Nhà nước ta tặng nhiều huân chương, giải thưởng cao quý. Nhưng có lẽ phần thưởng lớn nhất đối với hai bậc danh y ấy – những người đã từng “bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng” với đồng bào, đồng chí ở ATK Việt Bắc – là hình ảnh của họ còn in đậm trong lòng nhân dân, kể cả những ông ké, bà mế ở vùng cao Chiêm Hoá. Câu chuyện về họ được khắc hoạ bằng lời trên “bia miệng”, được truyền tụng hơn sáu thập niên, và chắc còn truyền tụng lâu hơn nữa…

Hàm Châu

Nguồn: www.baomoi.com/Home/SucKhoe/dvt.vn/Ma-Tungrung-Chiem-Hoa/7958150.epi