Mãi mãi noi gương Bác Hồ

Nhận quà của Bác Hồ là một lọ mực 9/1946

Tôi chỉ có mấy tháng cuối năm 1946 học lớp 1 ở trường Phan Chu Trinh (nay là 40 Phố Nguyễn Thái Học). Chính là tại ngôi trường 2 tầng này, vào dịp khai giảng năm học mới (9-1946), cả trường vui mừng vì đã được Bác đến thăm. Bác đã gửi tặng mỗi cháu học sinh một lọ mực. Cũng năm 1946 lịch sử đó, gia đình tôi đã tham gia tuần lễ vàng, tổ chức ở sân Hàng Đẫy, đóng góp phần nhỏ bé vàng bạc cho cách mạng. Tại buổi lễ, người anh trai cả của tôi là Nguyễn Quang Vinh đã thay mặt cả nhà lên trao vàng cho cách mạng và được chào đón bằng một bài kèn đồng hoành tráng.

Hình ảnh Bác Hồ rất sâu đậm trong gia đình chúng tôi nên khi nhìn thấy tấm hình Bác mặc đại cán mầu xẫm, anh em chúng tôi đã được gia đình may cho mỗi người một bộ đồ như Bác vẫn mặc. Khi đi kháng chiến, dù có để lại nhiều thứ, nhưng những bộ quần áo theo kiểu Bác Hồ vẫn là trang phục ngày lễ của chúng tôi. Dù đói nghèo, dù kháng chiến vất vả, nhưng đôi chim câu kỷ vật ngày lễ cưới của bố mẹ 75 năm qua vẫn còn được tôi lưu giữ để ghi nhớ truyền thống gia đình.

Bác đến thăm trường Phổ thống cấp 3 Hà Nội năm 1956

Gia đình chúng tôi cũng như nhiều gia đình khác, đều khuyến khích mọi người tự học. Hằng tuần mẹ tôi chủ trì cuộc họp gia đình để tự kiểm thảo, rút kinh nghiệm để các con ngày một tốt hơn, từ vệ sinh, trật tự đến học hành.

Trong kháng chiến, tôi không có điều kiện học hành cẩn thận. Do tự học nên tôi mới học dở lớp 1 (1946-1947) đã vào ngay lớp 3 (năm học 1950-1951) của hệ thống giáo dục 9 năm ở Chiêm Hoá, rồi lớp 4 ở Tân Trào. Để chống lại máy bay của Pháp, các buổi sáng, chúng tôi lên rừng kiếm củi thông, chẻ nhỏ. Ban đêm dùng củi thông đốt lên để có ánh sáng chép bài: tay trái cầm củi thông đang cháy, còn tay phải ghi lại lời thầy. Vì tự học và thiếu sách giáo khoa, nên kết quả học tập của tôi không thật tốt, nhưng cũng tiến bộ dần.

Chúng tôi được đón nhiều đoàn đại biểu từ trong nội thành ra (kể cả Đoàn học sinh Thành do Chị Đỗ Hồng Phấn lãnh đạo) và đoàn chiến sĩ có công (như các chiến sỹ thi đua quân đội và các nhà văn, nhà báo nổi tiếng) đến nói chuyện. Câu chuyện về cái chăn nhỏ không thể che lấp cái chỗ hở sườn, yếu kém của kế hoạch Na-va muốn bình định Việt Nam 18 tháng đã làm chúng tôi thêm tin tưởng ở thắng lợi, nhưng cũng nâng cao cảnh giác, đồ đạc gọn gàng, sẵn sàng vào rừng khi địch lấn chiếm địa phương. Trong quá trình học ở đây, chúng tôi không thể quên được các bài nói hùng biện của GS Trần Văn Giầu về niềm tin chiến thắng.

Cứ thế chúng tôi học đến lớp 6 (theo kiểu nghỉ năm lịch, không theo lịch học thông thường) và không học tiếng Pháp. Kháng chiến ngày càng ác liệt, học sinh các lớp 8-9 đã ra tiền tuyến. Chúng tôi được phổ biến sẵn sàng, sang năm 1954 có thể sẽ huy động học sinh các lớp 6-7 ra chiến trường. Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, cũng là lúc chúng tôi vừa xây xong trường tranh lá mới. Chúng tôi còn tham gia viết khẩu hiệu ủng hộ giảm tô, cải cách ruộng đất.

Giải phóng Hà Nội (10-10-1954), tôi bị ngã gãy tay nên phải về Hà Nội cùng gia đình và sau đó chuyển thẳng lên lớp 7 trường Phổ thông cấp 3 Hà Nội theo kiểu “nhẩy cóc”. Ban đầu trường phải khai giảng ở trường Nguyễn Trãi (nay là trường Trưng Vương), học ở Phố Thợ Nhuộm, nơi không có sân chào cờ chung và sau đó chuyển về 47 Lý Thường Kiệt, trụ sở trường Việt Đức ngày nay. Tôi vào đội thiếu niên ngày 15-5-1955 do Anh hùng La Văn Cầu trao khăn quàng đỏ (phải mượn hội trường của trường Trưng Vương bây giờ, lúc đó là trường Nguyễn Trãi, nhìn ra Phố Hàng Bài). Lớp 7D của tôi là lớp nhỏ tuổi nhất khối 7, nhiều người hay nghịch ngợm, nhưng cũng học giỏi nhất trường. Cuối khoá, cả lớp được biểu dương phấn đấu toàn diện. Tôi được chuyển thẳng lên lớp 8 (không phải thi) và đỗ lớp 10 loại giỏi. Ngày 12-6-1959, tôi được kết nạp Đoàn Thanh niên Lao động ngày, trước khi thi đỗ vào khoa Toán, trường Đại học Tổng hợp.

Tại cơ sở 47 Lý Thường Kiệt, Bác Hồ đã đến thăm trường khi tôi vừa học xong lớp 7, chuẩn bị lên lớp 8 năm 1956. Chúng tôi tập trung ở hội trường nghe Bác nói chuyện. Tôi đứng gần và chỉ còn thấy Bác, các cảnh vật xung quanh mờ đi. Bác Hồ đã dặn dò những lời yêu thương về tinh thần học tập, về sự đoàn kết. Như một truyền thống, khi ra về, Bác bắt nhịp chúng tôi hát bài “kết đoàn” và mọi người lưu luyến tiễn đưa Bác ra xe otô. Cả trường vui vẻ mà đoàn đại biểu cũng ra về an toàn, gọn gẽ.

Đón Bác mấy lần đến thăm Đại học Quốc gia

Khác biệt với hiện nay, nhiều lần chúng tôi được đón Bác Hồ đi thăm Hà nội cùng các nhà lãnh đạo quốc tế trên xe mui trần đi từ Gia Lâm về Hà Nội qua cầu Long Biên, hay từ Phủ Chủ tịch đi xe mui trần cùng Chủ tịch Liên xô Voroxilow qua phố Tràng Tiền.

Năm 1959-1963 tôi vào Đại học Tổng hợp Hà Nội tại 23 Lê Thánh tôn, mà nhiều lần lúc mới tới, tôi ngước nhìn cao ngất. Tại đây, không ít lần, chúng tôi đã được đón Bác Hồ đến thăm cùng các Tổng Thống Xucacnô (Indonesia), Prasat (Ấn Độ)…[1] Điều rất đáng nhớ là lúc phiên dịch, mấy người giúp việc rất lúng túng khi các nhà lãnh đạo các nước nói các vấn đề triết học, chỉ sợ dịch sai. Bác Hồ, “gạt” phiên dịch chính thức và đóng vai phiên dịch trực tiếp. Cả hội trường vang lên tiếng vỗ tay, hò reo và các vị lãnh đạo các nước thật giật mình vì sự thông thái và cử chỉ giản dị của Hồ Chủ tịch. Điều mà chúng ta đáng học tập, là khi đụng vào các vấn đề “gai góc” Bác Hồ vẫn dịch rất trôi chảy và luôn có câu kết luận được cử tọa hoan hô rầm rầm. Lãnh tụ các nước cũng rất ngạc nhiên về sự kiện đó. Đó chính là câu: “Các Bác Xucacno, Prasat dạy các cháu phải đoàn kết, chăm học để sau này thành tài, xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công”. Thật tài tình và uyển chuyển trong ứng xử.

Trong quá trình học, tôi tham gia Hội Khoa học sinh viên từ năm thứ nhất (1960), được miễn thi năm thứ 2 (1961) vì được cử đi thực tế “vận trù học” giúp Sở Vận tải Hà Nội. Tôi tốt nghiệp năm thứ 3 (có bằng riêng, 1962). Sau đó 20/80 người được giữ lại học năm thứ 4 theo hình thức :”thí điểm”, có làm luận án: vừa học, vừa tham gia phụ giảng. Tôi tốt nghiệp năm thứ 4 với điểm “ưu” và là người duy nhất của khoa Toán được toàn điểm 5, dù đó là các môn chuyên môn, triết học hay khóa luận. Với kết quả “ưu” này, tôi được cử làm đại diện của Khoa lên nhận bằng tốt nghiệp “tại trận”. Trong buổi lễ bế giảng có hai vị bộ trưởng cùng đến dự. Bác ruột, Bộ trưởng Giáo dục – GS Nguyễn Văn Huyên đã trao bằng tốt nghiệp “tại trận” cho tôi (chỉ có 1 người thôi) và Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp – GS Tạ Quang Bửu đã trao bằng khen về sự phấn đấu trong học tập và rèn luyện của tôi. Cả văn bằng tốt nghiệp Đại học và bằng khen đó, tôi đều lưu giữ cẩn thận cho đến nay.

Trong suốt 4 năm học tập và 7 năm làm cán bộ giảng dạy tại Đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi không có nghỉ hè và dành thời gian không nghỉ hè đó để về các nông trường, xí nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp nhằm thâm nhập thực tế. Sau đó, tôi quyết “dứt áo” ra đi, chuyển sang Bộ Điện và Than, để được rèn luyện thêm khi làm việc tại các mỏ than với giai cấp công nhân đại công nghiệp. Dù còn là sinh viên hay cán bộ trẻ, hàng tuần tôi đều tham gia các xemina do các bậc khoa học lão thành chủ trì, nhưng được tham gia thảo luận rất bình đẳng. Đó là phương pháp làm việc dân chủ, sáng tạo thật khoa học, khác hẳn kiểu “cửa quyền”, độc quyền chân lý của một số nhà khoa học “lớn” ngày nay ở nước ta.

Năm 1966-1968, khi đi sơ tán ở Đại Từ (Bắc Thái), biết sự gian khổ của giáo viên (có khi đói quá, có tiền cũng không mua được thức ăn, thậm chí buổi tối phải ra ruộng rau muống hái tạm mớ rau để luộc cho khỏi đói), nên Bác Hồ rất quan tâm. Người đã giao cho bên thương nghiệp “ưu tiên” bán cho mỗi cán bộ giảng dạy một xe đạp Trung Quốc (Phượng Hoàng)[2] hoặc một đồng hồ Liên xô (Poljot) với giá rẻ để sử dụng trong giảng dạy. Tôi được mua đồng hồ Liên xô và chiếc đồng hồ này đã được sử dụng xứng đáng trong câu chuyện kể dưới đây.

Lần cuối “gặp” Bác Hồ trong niềm tiếc thương vô hạn: 40 năm trước được ở gần linh cữu Bác suốt một tuần khi tham gia tổ chức lễ viếng Bác tại Ba Đình (3 đến 9-9-1969).

Ở Hà Nội, cứ đến 2-9 là có mit tinh, tuần hành ở Ba Đình. Lúc đó, bọn trẻ chúng tôi dạy từ 2-3 giờ sáng để xếp đội ngũ. Thế nhưng năm 1969 không như vậy. Không có mit tinh. Trời không mưa bão đầu tháng 9, nhưng nóng bức. Buổi sáng 3-9-1969, ai cũng ngạc nhiên và lo lắng khi nghe thông báo về bệnh tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng rồi mọi người nghĩ rằng mọi chuyển sẽ đi qua tốt đẹp. Chúng tôi đang hướng tới kỹ niệm 80 năm sinh nhật Bác vào năm 1970.

Chiều muộn hôm đó, tại nhà riêng của mình ở 63 Phố Hàm Long, có một người đứng tuổi, ăn nói nghiêm chỉnh, đến gặp tôi. Ông ta không nói về yêu cầu giải quyết các vấn đề thực tế như tôi thường tiếp khách lúc đó. Ông ta đưa tôi xem bức thư tay của đồng chí Bí thư Đảng uỷ nhà trường đại học – ông Trịnh Thuận. Thư viết ngắn gọn: “Bộ Đại học cần nhờ một việc làm gấp. Hãy đi theo người cầm thư này”. Tôi đồng ý ngay, nhưng nói lúc này đã muộn, có lẽ cũng nên ăn cơm rồi cùng đi. Ông ấy nói không cần. Tôi lại nói để tôi chuẩn bị xe đạp, ông ấy nói đã có ôtô (mà khi ấy là chuyện rất khó). Sau một phút chuẩn bị, ông ấy hỏi lại “Ta đi ngay được chưa?” Tôi nói đã sẵn sàng.

Ra cửa nhà, một ôtô đã chờ sẵn. Xe chuyển bánh và không ai nói gì. Xe chạy chậm qua trụ sở Bộ Đại học (lúc đó ở phố Hai Bà Trưng), nhưng không dừng lại. Tôi nhắc, có lẽ vào đây à. Ông khách lạ nói: “Không. Ta cứ đi nữa”. Xe chạy vào phía hông của UBND Hà Nội, và ông ấy bảo tôi ngồi chờ ở phòng họp lớn ở tầng 1. Vài người đi lại khẩn trương, im lặng. Không ai hỏi chuyện tôi. Đến tối muộn, ông khách lạ trở lại. Ông ấy nói, vẻ thăm dò. Anh có biết bác Tôn Đức Thắng từng bị ốm nặng không? Tôi nói không. Ông ấy lại nói, thế sáng nay anh có biết Bác Hồ ốm không. Tôi nói có biết. Ông ấy giải thích. Chúng tôi ở Thành uỷ và Uỷ Ban, chuyên tổ chức các sự kiện lớn. Bác Tôn nhiều tuổi hơn, chúng tôi đang chuẩn bị để làm lễ viếng bác Tôn khi bác Tôn ra đi. Nhưng nay Bác Tôn đã khoẻ. Nghỉ một giây, Ông nói: Tiếc thay… hôm nay Bác Hồ đã mất! Ông nói luôn, nhiệm vụ của chúng ta là chuẩn bị cho lễ tang Bác Hồ chu đáo nhất. Anh được gọi đến đây vì anh là nhà toán học ứng dụng, nhà vận trù học. Bác Hồ rất quan tâm đến vận trù để giảm phiền hà cho dân. Nay theo nguyện vọng đó, anh sẽ giúp tổ chức lễ viếng Bác về mặt kỹ thuật sao cho tốt nhất. Đó cũng là ý kiến của đồng chí Nguyễn Lương Bằng. Ông ấy nhắc tôi như ra chỉ thị: “Ta cứ làm như lễ viếng Lênin bên Liên xô ấy”.

Tôi thật ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng vì Bác Hồ đã mất. Ngỡ ngàng vì cấp trên quan tâm đến vận trù học, cả lúc Bác Hồ đã tạ thế. Và vừa ngỡ ngàng và cả lo lắng vì tuy đã 28 tuổi đời, là cán bộ giảng dạy Đaị học đã 5 năm, nhưng tôi chưa được đi nước ngoài lần nào đâu mà bảo làm như Liên xô năm 1924 (!).

Nhưng nhiệm vụ là nhiệm vụ. Tôi nghĩ rất nhanh và đề nghị: Cho tôi “mượn” một trung đội bộ đội bảo vệ trong nửa giờ và nếu có thể cho tôi lên “thăm” Ba Đình nơi sẽ có lễ viếng. Cả hai yêu cầu được chấp nhận ngay.

Tôi kêu anh em bộ đội từ xếp hàng 1, hàng 2, hàng 3 đi đi lại lại theo khẩu lệnh của tôi. Chính chiếc đồng hồ Liên xô Bác Hồ cho tôi mua giá rẻ đã trở thành công cụ tính thời gian, nhanh chậm, lựa chọn khỏang cách “tối ưu” giữa các người viếng. Tôi quyết định đề xuất, lễ viếng sẽ xếp hàng hai, người nọ cách người kia 80cm và có thể ghé qua vai nhau để ai cũng được “chào Bác” lần cuối. Phương án này cần được kiểm định thực tế. Các anh phụ trách cho tôi đi cùng xe lên ngay Hội trường Ba Đình để kiểm tra thực tế.

Lúc này tại khu vực lễ đài mới có hộp kính sẽ đựng lĩnh cữu Bác Hồ và các chuyên gia y tế Liên Xô đang thảo luận về các biện pháp kỹ thuật. Chúng tôi lặng lẽ cùng nhau kiểm tra cách đi lên vị trí viếng từ bên cánh gà bên trái và ra bằng cánh gà bên phải.

Trở về UBND Hà Nội, phương án do tôi đề xuất được thông qua, và tôi có trách nhiệm lên kế hoạch cụ thể về các đoàn viếng, từng ngày, từng giờ, sao cho nhiều người nhất có thể viếng Bác trong an toàn. Bản kế hoạch này tôi viết tay và in lại rônêô để sử dụng cho nhiều người. Về cơ bản trên thực tế suốt 1 tuần ở Ba Đình, giúp Ban Tổ chức đã thực hiện kế hoạch dự kiến do tôi đề xuất.

Tôi được Cục Cảnh vệ của anh Nguyễn Văn Kháng (trong nhóm “Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi” do Bác Hồ đặt tên) đã cấp cho 2 giấy đặc biệt. Một giấy là để vào khu vực bể bơi Ba Đình, nơi đặt bản doanh của Ban Tổ chức và giấy kia để có thể đi tiếp vào trong khu vực Hội trường Ba Đình, nơi đặt linh cữu Bác Hồ. Nhờ thế có thể có việc kiểm tra, điều chỉnh kế hoạch viếng Bác cho tốt. Thế là ngày nào tôi cũng được “thăm” Bác vài lần.

Trong thời gian viếng Bác Hồ, tại trước cửa khu vực bể bơi, tôi đã gặp cả GS Lê Văn Thiêm và GS Hoàng Tụy, hai người thầy của tôi, khi hai thầy vào viếng Bác. Các vị hỏi tôi đi đâu mà vào đây. Tôi nói, tôi là người Ban tổ chức trưng dụng, được giao nhiệm vụ làm vận trù học, tổ chức lễ viếng Bác. Thế là rõ và cũng rất vinh dự cho giới toán học và cho bản thân tôi.

Khi phát tang và viếng Bác, trong mấy ngày liên tiếp trời đổ mưa to chưa từng có. Dưới trời mưa, mọi người lặng lẽ chờ đợi để vào viếng Bác. Các em nhỏ, chỉ được ưu tiên vào sớm hơn lịch một chút. Ngoài phố, ngay cả bọn kẻ cắp, lưu manh, cảm phục tấm gương Hồ Chí Minh, cũng tự quyết định “tạm nghỉ hành nghề” vì quá xúc động. Sức mạnh cảm hoá con người của Bác Hồ thật to lớn.

Còn một điều nữa về cảnh giác cũng cần được ghi nhận. Các đoàn trước khi mang vòng hoa vào viếng, đều đã được dò mìn. Khi đoàn vừa ra khỏi nơi viếng, vòng hoa này lại được mang ra ngay và lại kiểm tra lần nữa. Lúc là đoàn Nga (Côxưghin), lúc là đoàn Cămpuchia (Hoàng thân Xihanuc)… Có lúc lại là các tổ chức cộng sản và cánh tả xin vào viếng (ngoài chương trình chính thức). Suốt 6-7 ngày tôi ở tại Ba Đình, ăn đồ khô là chính, trừ hai lần được đi ăn phở ở Phú Gia (Bờ Hồ) hôm đầu tiên và một ngày giữa kỳ viếng. Thiếu vitamin, răng miệng tôi sưng tấy, nhưng quyết không rời vị trí.

Theo kế hoạch công khai, lễ viếng sẽ chấm dứt ngày 10-9. Nhưng bất chợt, tối 8-9 có lệnh, sáng mai sẽ tổ chức lễ truy điệu chính thức. Tôi hơi lạ, sao lại rút ngắn, không để dân vào trực tiếp viếng Bác thêm nữa. Tôi được giải thích: anh phải biết, ta chuẩn bị bảo vệ thì kẻ địch cũng chuẩn bị kế hoạch phá ta. Thời gian 1 tuần là thừa để các “chuyên gia phá hoại” từ nước ngoài xâm nhập Hà Nội. Ta làm sớm một ngày là “địch” không kịp trở tay, an toàn hơn.

Lễ viếng 9-9-1969 thật trang nghiêm, cảm động, ai cũng đã rõ, với điếu văn nổi tiếng của đồng chí Lê Duẩn.

Sau lần công tác này. Anh cán bộ phụ trách Ban tổ chức của Thành phố từ đầu lại đến thăm nhà, trao cho tôi một tờ giấy ghi nhận thành tích tham gia Ban lễ tang và tặng tôi một huy hiệu Bác Hồ để kỷ niệm[3].

Bác Hồ đã ra đi được 40 năm, kỷ niệm này với tôi như mới hôm qua. Học tập và làm theo tấm gương Hồ Chí Minh, tôi nguyện suốt đời phấn đấu theo lý tưởng của Bác, truyền thống gia đình[4].

Mãi mãi noi gương Bác Hồ

Trong 44 năm làm công chức, tôi được vào tập sự năm 1963, vào công chức chính thức năm 1965. Được đề bạt Trưởng phòng Bộ Điện và Than (nay là Bộ Công Thương) năm 1973. Được đề bài Viện phó năm 1978. Sau khi Bộ trưởng Nguyễn Hữu Mai động viên, tôi đã bảo vệ PTS năm 1979 trong thời gian vài tháng, vì công trình đã có sẵn, lại được công bố cả ở nước ngoài.

Tôi được lãnh đạo, mà trực tiếp nhất là Ông Võ Văn Kiệt động viên đăng ký đi Liên xô học Tiến si kinh tế[5]. Sau mấy tháng làm việc cho Ban Tổ chức Trung ương về bảo vệ Đảng, tôi được đi Liên xô ngày 8-11-1983. Sau khi hoàn thành luận án tiến sĩ kinh tế (bậc 2) trong 2 năm 6 tháng[6] , tôi được Ủy viên Bộ Chính trị Võ Văn Kiệt và ông Hoàng Quy Bộ trưởng, Phó chủ nhiệm thường trực UBKHNN tiếp thân mật và mời cơm ở khách sạn Tháng Mười (Matxcơva). Ông Bộ trưởng nhắc tôi có nguyện vọng gì thì đề đạt. Tôi nói, nếu không có việc gì đặc biệt, tôi xin trở lại UBKHNN làm công tác nghiên cứu và từ đây tiếp tục phấn đấu gia nhập Đảng. Nhờ sự quan tâm chu đáo của GS Trần Phương, lúc đó là Ủy viên Trung ương và Viện trưởng, cùng về Viện dài hạn trong cùng thời điểm 1986, tôi được coi là đối tượng kết nạp Đảng năm 1987 và được kết nạp Đảng 17-11-1988[7], với hai đảng viên giới thiệu là đồng chí Lê Vinh (Vụ trưởng) và đồng chí Hồ Quốc Vỹ (Uỷ viên UBKHNN, con trai nhà thơ Tú Mỡ) trong Chi bộ. Do số phận đưa đẩy, hiện nay tôi lại cùng sinh hoạt trong Chi bộ Hội Khoa học Kinh tế, với các đồng chí cùng Chi bộ cũ là các đồng chí Trần Phương, Lê Vinh, Nguyễn Xuân Trang và Lê Anh Sơn. Tôi được nâng lên hàm Vụ trưởng năm 1990 và sau đó là Viện Phó Viện CLPT (như tổng cục phó) năm 1993. Tôi cũng được bầu làm Ủy viên Trung ương Hội từ 1990 và làm Chủ tịch Chi hội Hội Khoa học Kinh tế của Viện từ đó. Trong một khoá, tôi được bầu vào Đảng uỷ Viện và giữ chức vụ Bí thư Đảng uỷ cơ quan. Nhân dịp này, ngay trong hoàn cảnh Liên xô sụp đổ, tôi chú trọng đưa quần chúng phấn đấu tốt vào Đảng, cùng Đảng bộ kết nạp được khoảng hơn 10 đồng chí, kể cả việc có khi cần làm các thủ tục xoá án kỷ luật với các Ban của Đảng cho một đảng viên nhất thời phạm sai lầm, nay họ đã sửa chữa và phấn đấu tốt.

Tháng 5-2001 tôi bị đột quỵ, nằm tại Bệnh Viện Việt – Nhật 10 ngày. Do đó, từ năm 2002, tôi chuyển sang làm chuyên gia kinh tế cho Bộ trưởng Võ Hồng Phúc và sau đó, được Ban Bí thư cử tham gia Tiểu Ban Kinh tế chuẩn bị Đại Hội X của Đảng. Sau Đại Hội X, tôi về hưu (4-2007) và làm việc tại Hội Khoa học Kinh tế Việt nam với tư cách Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký của Hội.

Thỉnh thoảng tôi vẫn làm chuyên gia tư vấn cho Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính Phủ, Ủy ban Kinh tế Quốc Hội, các tổ chức tài chính WB, ADB, UNDP, Nhật, Thuỵ Điển, Singapo. Tôi thỉnh thoảng vẫn hướng dẫn nghiên cứu sinh và tham gia hội đồng khoa học – đào tạo 25 thành viên của Đại học Kinh tế quốc dân từ 2009. Tôi cũng được Chủ tịch Hội cử là đại diện Hội tham gia Hội đồng phát triển bền vững quốc gia, gòm 30 thành viên khoá từ 2009 do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân làm Chủ tịch. Lúc nào trên các diễn đàn khoa học, tôi cũng cố gắng trình bày ý kiến tư vấn theo quan điểm hệ thống, lợi ích toàn cục, hướng về tương lai phát triển bền vững của đất nước Việt Nam thân yêu. Trong 44 năm làm công chức, do làm được một số việc tốt, tôi đã được được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến Hạng ba, Huân Chương Lao động hạng Nhất và nhiều huân, huy chương khác.

Tôi nguyện suốt đời học tập và làm theo tấm gương Hồ Chí Minh[8]. 

[1] Vợ tôi là Phạm Thị Thanh, nhà ở 18 Phan Đình Phùng cũng có dịp vào thăm Phủ Chủ tịch và cùng tham gia đón Tổng Thống Xucacnô các năm 1959-1961 với Bác Hồ. Theo các ghi nhận, tháng 6-1959, tại Bách Thảo thiếu nhi Hà Nội đã cắm trại và liên hoan văn nghệ chào đón Tổng thống Xucácnô. Bác và Tổng thống đã ở lại tham gia các hoạt động hơn 1 giờ. Năm 1961, Bác Hồ quyết định để 10 ngày cho thiếu nhi Hà Nội tổ chức triển lãm ở Phủ Chủ tịch. Ngày nào Bác cũng dành thời gian đẻ xem các cháu thiếu nhi biểu diễn văn nghệ . Tổng Thống Prasat Ấn Độ cũng thăm Việt Nam 1959 và đã cùng Bác Hồ đến thăm Đại học Tổng hợp, khi tôi mới theo học tại đó. Đây là chuyến thăm đáp lễ chuyến thăm của Bác Hồ cùng Cụ Phan sang Ấn Độ từ 5/2 năm 1958.

[2] Tôi lập gia đình 1-1972 và sinh con đầu lòng 17-11 năm đó. Đó cũng là ngày sau này tôi vào Đảng Cộng sản. Đi biệt phái “vừa học, vừa làm”1965-1968 ở ngành Giao thông vận tải, tôi đã được tham gia tính toán các phương án vận trù về chuyển xăng dầu, về lập phà đường sắt qua cầu Phú Lương bị địch phá, lập phương án sửa chữa đường 18… Tôi cũng đã chứng kiến tận mắt máy bay Mỹ bị bắn rơi tại chỗ trên bầu trời Hà Nội khi đã chuyển về Bộ Điện và Than từ 1970-1978. Năm 1973 tôi được đề bạt Trưởng Phòng Toán Kinh tế của Bộ thì năm 1974, tôi được cử tham gia Đoàn đi Liên xô khảo sát về Toán Kinh tế. Khi trở về, tôi dành tiền mua được một xe đạp cũ kiểu thể thao, nam giới. Tôi phải làm đơn lên Sở Công an và có nhờ quyết định chiếu cố rằng gia đình chỉ có 1 xe này, nên mới cho phép làm thủ tục sửa chữa, hạ khung thành xe nữ, cho cả hai vợ chồng có thể sử dụng chung. Đó là những kỷ nhiệm khó khăn thời bao cấp. Chiều ngày 8/9/1975 khi Ông Lê Thanh Nghị ký quyết định Lập Viện Toán Kinh tế, thì tối đó, chính Ông Việt Phương, thư ký của Thủ Tướng Phạm Văn Đồng, dưới trời mưa hỏi nhà và đã trực tiếp báo tin, nói tôi chuẩn bị triển khai công việc mới, mặc dù chưa chuyển cơ quan. Sau đó tôi được điều động sang đó làm Phó Viên trưởng Viện Toán Kinh tế, do những nỗ lực thực tế của tôi, mặc dù chưa phải là đảng viên, chưa có bằng Phó tiến sĩ và cũng chưa đi bộ đội. Đó là sự nhìn xa, nâng đỡ của lãnh đạo cấp cao đối với cá nhân tôi, mà tôi không thể quên. Tôi phải nói thật là, đến cả lúc có quyết định, tôi cũng chưa bao giờ được tiếp cận Thủ Tướng Phạm Văn Đồng hay Phó Thủ Tướng Lê Thanh Nghị. Nhưng sự ưu đãi này tôi đã ghi nhớ, có thể nói nhờ đó mà tôi có thể phấn đấu trưởng thành như ngày nay.

[3] Tiếc thay, do chuyển nhà 5 lần 7 lượt, túi đồ để riêng quý giá đó đã bị người lạ nào đó lấy đi. Chắc họ tưởng bên trong có vàng bạc. Thế là mất hiện vật, nhưng dấu ấn để lại trong lòng thì không phai mờ được.

[4] Tôi có 44 năm làm công chức (1963-2007), 20 năm tuổi Đảng (1988-2009). Được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng 3, Huân chương lao động hàng nhất và nhiều Huy chương Khoa học, công nghệ, kế hoạch, vì an ninh Tổ quốc.

[5] Ông Kiệt có nói với tôi, khi biết tôi đang phấn đấu vào Đảng: Ở Miền Nam tôi đã kết nạp cả người làm cho chế độ cũ. Nhưng có lẽ ở UBKHNN thì hơi khó. Anh nên đi học trước, rôi rèn luyện thêm sau đó. Làm Tiến sỹ (TSKH) chủ yếu do Anh nỗ lực, nhưng còn phấn đấu gia nhập Đảng, ngoài sự nỗ lực tu dưỡng của bản thân, Anh còn cần được tổ chức Đảng công nhận. Chính Ông Kiệt đã giao việc cử tôi đi học cho Ông Đậu Ngọc Xuân, bộ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBKHNN quyết định. Lúc tôi nghiên cứu ở Liên xô, Ông Đậu Ngọc Xuân và nhiều vị lãnh đạo cơ quan UBKHNN đã đến tận ký túc xá động vỉên tôi.

[6] Luận án viết bằng Nga văn với luận án 330 trang, do tôi hoàn toàn tự viết và đánh máy. Làm được như vậy, là do tôi chịu khó học Tiếng Nga từ Việt Nam và tập đánh máy chữ khá nhanh ngay từ ở Việt nam, khi phải giúp gia đình đánh máy thuê từ năm học phổ thông. Nội dung luận án cũng được tôi chuẩn bị, từ đầu năm 1983 khi tôi có dịp sang Nga 3 tháng để nghiên cứu về dự báo, vào đọc sách ở thư viện. Với ý cơ bản là vai trò của tích luỹ vốn nội địa trong chính sách đầu tư, phục vụ công nghiệp hoá. Đề cương trình bày trong tuần đầu vừa sang Liên xô đã được Hội đồng các giáo sư nhất trí thông qua, do đặt vấn đề trúng. Căn cứ vào dàn bài, các đề mục đã được duyệt, chỉ 1 năm tôi đã hoàn thành gần xong bản luận án. Năm thứ 2 là hoàn thiện luận án, nhất là phần viết về kinh nghiệm quốc tế trong chính sách đầu tư và 6 tháng cuối cùng là làm các thủ tục bảo vệ luận án. Cứ 2 tuần tôi lại trình kết quả chuẩn bị do mình tự đánh máy, và được cả các thầy cô soát lại, nhưng chỉ chữa rất ít (trừ phần kinh tế quốc tế, tôi phải làm đi làm lại đến nửa năm, do thiếu điều kiện khảo sát). Dịp này tôi cũng được tham gia các Hội thảo khoa học ở Nga và Đức để trình bày các luận điểm khoa học của mình. Tôi rất vui vì 3 tháng cuối cùng ở Liên xô, Nhà nước ta đã cho phép vợ tôi cùng sang hỗ trợ việc chuẩn bị và dự lễ bảo vệ luận án TSKH của tôi.

[7] Đúng ngày sinh nhật con trai đầu lòng của tôi là Nguyễn Quang Tùng. Tôi được làm Viện Phó Viện Toán Kinh tế năm 1978 lúc tôi 37 tuôi, 10 năm sau được kết nạp Đảng. Con trai tôi cũng được đề bạt Vụ Phó và cử làm Phó Giảm đốc Trung tâm tin học, mà Viện Toán Kinh tế có thể coi là đơn vị tiền thân, cũng ở tuôi 37. Ngay chỗ ngồi của cháu ngày nay cũng chỉ cách chỗ ngồi cũ của tôi 30 năm trước chưa tới 10m tại 2 Hoàng Văn Thụ. Chỉ khác là, lúc cháu được đề bạt thì cháu đã là Phó Bí thư Chi bộ Đảng và cũng đã từng được đi nước ngoài học Tiếng Anh. Đúng là, nhờ Đảng và Bác Hồ, con hơn cha là nhà có Phúc.

[8] Bác hồ không chỉ thâm nho, mà còn là một người rất chịu khó “Việt hoá” nhiều thuật ngữ phức tạp. Chẳng hạn, việc ra báo “Việt Nam hồn” bằng tiếng Việt. Vào khoảng cuối năm 1922 đầu năm 1923, Nguyễn Á Quốc phổ biến trong giới Việt kiều ở Pháp một tờ truyền đơn, kêu gọi họ mua báo này, do chính ông làm chủ bút. Lời kêu gọi ấy viết theo thể thức một bài vè: “Hồn Nam Việt”:

Ở trong thế giới, ống nói, tàu bay,

Việc lạ tin hay, ngày ngày thường có.

Nào ai muốn rõ phải có nhật trình,

Mình ở gia đình, mắt soi vạn lý,

Á, Âu, Úc Mỹ… rút lại một tờ.

Mong mỏi người mình, mở mày mở mặt,

Báo này sẽ đặt tên “Việt nam hồn”.

Mỗi tháng hai lần, mỗi lần trăm bản,

Xin anh em bạn, ai có muốn coi,

Cắt gửi cho tôi, cái toa mãi chi (order).

Mấy lời chứng thị, thư bât tận ngôn,

Chúc “Việt nam hồn” vạn tuế, vạn tuế?

 

GS.TSKH Nguyễn Quang Thái