Quê hương Thanh Chương (Nghệ An) giàu truyền thống hiếu học dưỡng nuôi tâm hồn GS Nguyễn Nghĩa Thìn từ thuở thiếu thời. Thương ba mẹ quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, cậu chẳng nề hà đi chăn trâu, đốn củi, mót lạc, mót thóc. Do trường Phổ thông cấp III Đô Lương nằm bên kia dòng sông Lam, nhiều lần không có người lái đò nên cậu và các bạn cùng thôn xóm phải tự vượt sông. Trong hoàn cảnh ấy, Nghĩa Thìn đạt học lực trung bình khá cũng là điều dễ hiểu, nhưng thầy Hoàng Ngọc Anh (chủ nhiệm lớp 10D) đánh giá cậu có khả năng về các môn khoa học tự nhiên[1].
Năm 1962, Nghĩa Thìn thi đỗ vào trường Đại học Tổng hợp Hà Nội với nguyện vọng học ngành khoa học cơ bản, song trường phân ông học ngành Sinh vật. Thấy chàng tân sinh viên có vẻ chán nản, một anh ở khóa trước động viên: Cần xem đó là lợi thế, bởi Sinh vật học của nước ta chưa phát triển và ít công trình nghiên cứu có giá trị[2]. Tâm lý được giải tỏa, Nghĩa Thìn chuyên tâm học hành, dần dần bị hấp dẫn bởi sự phong phú của các loài thực vật. Điều đó khiến ông dễ mến dễ yêu núi rừng: Bon bon trên con đường ra ga/ Những cánh rừng lao qua/ Ôi quê hương Hữu Lũng/ Mà tôi từng sống chung/ 15 ngày ấp ủ mê say/ Tôi từng mê tít đắm say/ Say từ thân tới lá/ Say cây trẻ cây già/ Lúc ra hoa kết quả/ Nỗi lòng thương nhớ đóa hoa[3].
Sự nỗ lực học tập của SV Nguyễn Nghĩa Thìn nhận được kết quả xứng đáng. Tốt nghiệp đại học năm 1966, ông trở thành giảng viên khoa Sinh vật của trường Tổng hợp. Ông vừa trau dồi kiến thức và kỹ năng sư phạm, vừa tham gia nghiên cứu hệ thực vật ở vùng đông bắc huyện Tam Đảo (Vĩnh Phú) và cây thuốc, bài thuốc của đồng bào dân tộc thiểu số ở Bắc Thái. Kỷ niệm đáng nhớ trong thời gian đầu ông công tác ở nơi sơ tán xã Ký Phú, huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái là những lần thầy trò cùng vào rừng chặt gỗ, nứa để dựng lán học; cùng làm anh nuôi thay cho các chị cấp dưỡng có ngày chủ nhật nghỉ ngơi; hay sinh viên bị say sắn không thể đến lớp, các thầy cô phải quyên góp từng thìa đường giúp học trò giải độc…. Mỗi khi hồi tưởng về miền quá khứ ấy, ông tin rằng “không ai lại thờ ơ với nó”[4].
Giảng viên Nguyễn Nghĩa Thìn (phải) tham dự khóa huấn luyện trước khi vào chiến trường miền Nam, khoảng cuối năm 1968
Cuối năm 1968, ông Nguyễn Nghĩa Thìn xung phong gia nhập quân đội theo tiếng gọi của Tổ quốc và được điều về Cục Quân nhu (Tổng cục Hậu cần), làm Phó đoàn nghiên cứu rau dại ăn được phục vụ bộ đội ở chiến trường Tây Nguyên, dù cả anh trai Nguyễn Nghĩa Mão và em trai Nguyễn Nghĩa Tư đều đang chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Lần đầu tiên ông được mặc áo lính, lên Hòa Bình tham dự khóa huấn luyện hành quân mang vác cũng như phương pháp điều tra các loại rau rừng. Ngày lên đường, các chiến sĩ được ô tô đưa qua thành phố Vinh (Nghệ An), đến nông trường Lệ Thủy (Quảng Bình), rồi bắt đầu cuộc hành quân vượt dãy Trường Sơn. Đi rừng leo núi là chuyện thường tình đối với những nhà nghiên cứu về thực vật học, nhưng chuyến đi này khiến ông Nguyễn Nghĩa Thìn thực sự thấm thía nỗi gian truân: “hai chân run bần bật, không thể nào bắt nó dừng được”, rồi “Đoàng! Đoàng! Chỉ một quả bom rơi xuống xé tan bầu trời mùa thu yên tĩnh trong rừng rậm Trường Sơn. Nó đã cướp đi trên 40 sinh mạng của một đơn vị bạn”[5]. Từ giây phút ấy, ai cũng biết rằng cái chết luôn cận kề, song cứ hiên ngang tiến về phía trước.
Tới trạm 42 trên đất Lào, sau bao ngày chỉ có cơm cháy chan nước hòa muối hoặc nước mắm mặn chát, chiến sĩ Nguyễn Nghĩa Thìn và đồng đội phấn khởi khi được ăn cơm cùng rau chuối thái nhỏ. Buổi sáng, mỗi chiến sĩ ăn hai lưng bát cơm đạm bạc, rồi khoác ba lô lần theo các tuyến giao liên, băng rừng đến các điểm đóng quân để phổ biến kiến thức về rau dại cho từng đại đội. Không ít lần ông đi công tác một mình, ngủ bên bờ suối, ăn rau trừ bữa, thậm chí phải ăn cơm rau không muối. Chao ôi, nó khó nuốt làm sao! Rất may là sau đó, các chiến sĩ được tiếp thu kinh nghiệm của đồng bào dân tộc: ngâm rau, măng vào nước vo gạo 1-2 ngày sẽ có vị chua thì mới dễ ăn. Ba năm “ngủ lán ăn rừng”, ông góp phần nhất định vào việc hoàn thành hai cuốn sách Một số rau dại ăn được ở Việt Nam (1968) và Sổ tay rau rừng (1971) nhằm bảo đảm sức khỏe cho bộ đội và nhân dân ta.
Những năm tháng tham gia kháng chiến đã mài giũa lòng quyết tâm và ý chí phấn đấu ở ông. Để rồi khi làm nghiên cứu sinh tại trường Đại học Tổng hợp Sofia (1976-1980), ông lặn lội trên khắp mọi miền đất nước Bulgari xinh đẹp, từ bãi biển Varna đến các đỉnh núi cao hùng vĩ như Rila, Rodopi, Vidin, Xtara Planina. Bằng những chuyến đi ấy, ông thu lượm bao điều bổ ích cho việc thực hiện đề tài luận án phó tiến sĩ “Nghiên cứu phân loại các đại diện chi Anthrenus ở Bulgari” và bảo vệ thành công năm 1980. Ông được trường Tổng hợp Sofia chuyển tiếp học tiến sĩ, nhưng thương vợ trẻ con thơ ở quê nhà nên đành từ chối. Thầy hướng dẫn – GS Boris Kitanov tặng ông cuốn sách tổng kết hệ thống học Thầu dầu của hai tác giả Pax và Hoffman. Đây là một trong những tài liệu tham khảo quan trọng, giúp PTS Nguyễn Nghĩa Thìn thực hiện luận án tiến sĩ “Nghiên cứu phân loại họ Thầu dầu (euphorbiaceae) ở Việt Nam”[6], đưa ông vươn tới đỉnh cao khoa học.
Trở về nước trong những ngày đông giá rét, một lần khi đang đi xe đạp qua Nhà hát lớn Hà Nội, ông tình cờ gặp lại GS Thái Văn Trừng. Giáo sư mời cậu học trò “cưng” vào miền Nam làm việc ở Bảo tàng Thực vật, nhưng sau một hồi trò chuyện, thầy bảo: “Vợ anh ở ngoại thành Hà Nội thì tôi hết hi vọng”[7]. Đối với ông, GS Thái Văn Trừng cùng GS Dương Hữu Thời và GS Boris Kitanov mãi mãi là ba người thầy đáng kính. Ông nguyện “làm hết sức mình để xứng đáng với công lao chăm sóc, dạy dỗ và lòng tin cẩn của các thầy!”[8].
Hoạt động nghiên cứu khoa học của ông Nguyễn Nghĩa Thìn thực sự khởi sắc từ những năm 90 thế kỷ trước. Đầu tiên phải kể đến công trình nghiên cứu về hệ thực vật ở các vườn quốc gia Cúc Phương, Bạch Mã, Phú Quốc… Bên cạnh đó, ông say sưa khám phá hệ thực vật ở vùng núi đá vôi tỉnh Hòa Bình, nghiên cứu cây thuốc truyền thống của đồng bào Dao ở huyện Ba Vì (Hà Tây), tâm huyết với các dự án bảo vệ môi trường… Ông cũng đặc biệt quan tâm đến hệ thực vật trên mảnh đất quê hương miền Trung, thông qua hai đề tài: “Đánh giá tính đa dạng thực vật ở Khu bảo tồn Pù Mát, Con Cuông, Nghệ An” (1999-2000) và “Điều tra đa dạng thực vật trên núi đá vôi ở Pù Mát, xác định địa bàn ưu tiên cho công tác bảo tồn có người dân tham gia” (2000-2001).
Bà Nguyễn Thị Thời (ngoài cùng bên phải) – vợ PGS.TS Nguyễn Nghĩa Thìn (thứ 3 từ trái sang) đồng hành cùng chồng trong chuyến điều tra thực vật học ở thác Đỗ Quyên (Thừa Thiên – Huế), 24-12-1996.
Mải miết trên những cung đường ở khắp các ngõ ngách của rừng sâu núi cao, ông Nguyễn Nghĩa Thìn ít có thời gian dành cho gia đình. Thậm chí đôi lúc, bà Nguyễn Thị Thời có chút hoài nghi, nhưng bà cũng nhớ ai đó từng nói nửa đùa nửa thật: Ông Thìn có thể bỏ vợ, nhưng không bao giờ từ bỏ niềm đam mê nghiên cứu[9]. Hiểu rằng chồng mình đã “trót yêu” cỏ cây hoa lá, bà tự nguyện đồng hành cùng ông trong vài chuyến công tác. Và bà nhận ra: Ông ấy đọc vanh vách tên từng loài, từng cây; có lần đứng từ xa nhìn lên rừng mà vẫn biết được loại cây mình cần; hay vùng dậy ghi chép mỗi khi nghĩ ra ý tưởng mới, không kể sớm khuya[10].
Giáo sư Nguyễn Nghĩa Thìn có hậu phương vững chắc để toàn tâm toàn lực cho giảng dạy và nghiên cứu. Tính đến năm 2006, ông là tác giả của hơn 100 bài viết đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế, chủ trì 11 đề tài/dự án khoa học các cấp, biên soạn khoảng 40 cuốn sách tham khảo và tài liệu học tập như: Khóa xác định và hệ thống họ Thầu dầu Việt Nam (1999), Tên cây rừng Việt Nam (2000), Hệ thống học thực vật (2004)[11]… Ông vinh dự được nhận Giải thưởng về công trình phục vụ chiến đấu của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (1976), Giải thưởng công trình tiêu biểu của Đại học Quốc gia Hà Nội (2007), đặc biệt là Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ (tập thể) cho cụm công trình Động vật chí Việt Nam, Thực vật chí Việt Nam, Sách đỏ và Danh lục đỏ Việt Nam (2010)…
Sự nghiệp và tình yêu của Giáo sư Nguyễn Nghĩa Thìn dành cho hoa lá cỏ cây thật sự không thể phân biệt “Thực vật học” đã chọn ông hay ông chọn cho mình niềm đam mê đó. Chỉ biết rằng, ông rất hạnh phúc khi bước đi trên con đường ấy. Dù nhanh hay chậm, lúc nhẹ nhàng hay lững thững mệt mỏi, tôi tin ông đã rảo bước tràn đầy say mê, xứng đáng là “Người thầy đáng kính của ngành sinh học nước ta”[12].
Tôi nhớ rõ ánh mắt trìu mến, nụ cười hiền hòa của GS.TSKH Nguyễn Nghĩa Thìn trong lần đầu gặp ông vào tháng 8-2016. Nhưng rồi, tôi nhận ra dường như đã trễ khi đặt vấn đề nghiên cứu sưu tầm trong hoàn cảnh ông đang phải gồng mình đối chọi với căn bệnh suy giảm trí nhớ. Giá như tôi được gặp ông sớm hơn! Dù vậy, tôi vẫn hy vọng có thể kể về ông bằng tất cả sự chân thành và kính trọng, thông qua việc tiếp nhận thông tin từ người thân, đồng nghiệp và khai thác tư liệu của Giáo sư đang được lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Giờ đây, tôi mong mình sẽ làm được nhiều hơn thế!
Nguyễn Thị Hợp
* GS.TSKH.NGƯT Nguyễn Nghĩa Thìn, chuyên ngành Sinh học, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Thực vật học, khoa Sinh học, trường Đại học Khoa học tự nhiên, nguyên Chủ tịch Hội đồng ngành Sinh học, Đại học Quốc gia Hà Nội.
[1] Bộ Giáo dục, Nha Giáo dục phổ thông, Học bạ trường phổ thông cấp II, III của học sinh Nguyễn Nghĩa Thìn, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[2] Xem thêm “Người thầy đáng kính của ngành sinh học nước ta”, Tấm gương người làm khoa học, tập XV, Nxb. Hồng Đức, 2017, tr.432.
[3] Nguyễn Nghĩa Thìn, Sổ nhật ký 1964-1966 (bảnviết tay), ghi ngày 10-6-1964, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
[4] GS Nguyễn Nghĩa Thìn, Những mốc son cuộc đời (bài viết đã được công bố), khoảng năm 2008, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
[5] GS Nguyễn Nghĩa Thìn, Những mốc son cuộc đời, tài liệu đã dẫn.
[6] Ông Nguyễn Nghĩa Thìn bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại trường Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội năm 1996.
[7] GS Nguyễn Nghĩa Thìn, Những mốc son cuộc đời, tài liệu đã dẫn.