Nguyễn Quang Hồng sinh năm 1939 tại Trà Kiệu, Duy Xuyên, Quảng Nam. Ở một khía cạnh nào đó, câu “Quảng Nam hay cãi” có lẽ rất đúng với ông trên đường học tập và nghiên cứu khoa học.
Đầu năm 1955, Nguyễn Quang Hồng tập kết ra Bắc và học tiếp phổ thông ở Hà Nội. Năm 1959, tốt nghiệp trung học hạng ưu, ông có một lựa chọn hơi bất ngờ: không thi vào học các ngành khoa học danh tiếng thời bấy giờ, mà nộp đơn vào khoa Trung văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ông thành thật thổ lộ rằng thích khoa học xã hội hơn, nhưng muốn trở thành nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này, cần phải trang bị một vốn liếng ngoại ngữ kha khá. Với khoa học xã hội ở nước ta, thì trước hết phải bước qua cửa ải Hán văn. Ông chia sẻ ý tưởng này với Trần Đình Sử, và được bạn hưởng ứng, cùng nhau đi học Trung văn, trước sự ngỡ ngàng của nhiều bạn cùng lớp. Sau này cả hai đều thành danh trong các lĩnh vực nghiên cứu của mình.
GS.TSKH Nguyễn Quang Hồng
Học đại học trong nước một thời gian ngắn thì Nguyễn Quang Hồng được thông báo chuẩn bị đi học ở nước ngoài. Tháng 9-1960, Nguyễn Quang Hồng và hơn mươi sinh viên Việt Nam sang trường Đại học Bắc Kinh theo học ở khoa Trung văn (văn học và ngôn ngữ Trung Quốc). Trong suốt 5 năm học ở đất nước bạn, ngoài các giờ giảng và học theo giáo trình in roneo của thầy giáo, sinh viên Nguyễn Quang Hồng thường lên thư viện đọc thêm sách, tạp chí. Việc đọc đó, không chỉ thực hiện theo định hướng nghiên cứu do các thầy giáo vạch ra, mà còn xuất phát từ hứng thú cá nhân của ông. Ông không chấp nhận cách hiểu qua loa, lơ mơ về các khái niệm, thuật ngữ, cũng rất chú ý đến nền tảng tư tưởng, quan điểm học thuật cùa các học giả và trào lưu. Khi nghe giảng cũng như khi đọc sách, ông đều ghi chép bằng chữ Hán khá cẩn thận. Sau này khi làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô, ông mang những cuốn vở ghi chép đó theo để làm tư liệu.
Học đến cuối năm thứ 4, nhà trường yêu cầu mỗi sinh viên làm một bài nghiên cứu khoa học tập sự, gọi là niên luận. Được gợi mở từ tác phẩm của GS Vương Lực “Hán Việt ngữ nghiên cứu”, sinh viên Nguyễn Quang Hồng đăng ký một đề tài về thanh điệu của các yếu tố gốc Hán ở Việt Nam. Đề tài này may mắn được chính GS Vương Lực nhận hướng dẫn. Giáo sư Vương Lực là nhà ngôn ngữ nổi tiếng không chỉ ở Trung Quốc mà cả trên thế giới. Giáo sư Nguyễn Quang Hồng kể: “Tôi liên hệ gặp và được thầy nhận xét đề tài rất tốt nhưng nội dung hơi rộng. Trong đề cương, tôi đề cập thanh điệu của âm Hán Việt và cả thanh điệu của những âm không phải âm Hán Việt. Thầy gợi ý nên giới hạn đề tài, trước mắt chỉ nên tập trung nghiên cứu phần nói về thanh điệu các yếu tố phi Hán Việt”. Nguyễn Quang Hồng hoàn thành niên luận, nộp cho thầy giáo và được thầy phê đại ý: “Rất tốt, đây là một niên luận rất tốt, có tư liệu, có kiến giải, nhiều chỗ đã khảo cứu một cách sâu sắc. Hành văn trôi chảy. Thành tích hạng ưu” [1]. Sang năm thứ 5, khi làm khóa luận tốt nghiệp, Nguyễn Quang Hồng thực hiện đề tài Thanh điệu của các yếu tố tiếng Hán trong tiếng Việt. Trên cơ sở thu thập nhiều tư liệu mới, ông đã góp phần bổ sung cho những nghiên cứu trước đó của thầy Vương Lực. Những bổ sung đó được thể hiện ở hai khía cạnh. Thứ nhất, lần đầu tiên cung cấp một bảng đối chiếu về hệ thống tứ thanh của tiếng Hán trung đại so với hệ thống tám thanh của âm Hán-Việt. Thứ hai, đã bổ sung dẫn liệu và điều chỉnh lại vài nhận định trước đó về thanh điệu của các yếu tố gốc Hán “phi Hán Việt”.
Tháng 5-1965, sau khi tốt nghiệp đại học, Nguyễn Quang Hồng về nước và tình nguyện vào công tác ở trường Đại học Sư phạm Vinh, nơi đang hứng chịu nhiều bom đạn của giặc Mỹ. Ông được phân công làm việc ở tổ Ngôn ngữ học, khoa Văn, phụ trách dạy môn Ngữ âm. Các thầy giáo và sinh viên đều “sợ” môn ngữ âm, gọi nó là môn “ba Khờ”: khó, khổ và khô khan. Nhưng giảng viên trẻ Nguyễn Quang Hồng không sợ, tự tin bắt tay xây dựng một giáo trình với nhiều cải tiến so với những giáo trình đang được sử dụng. Giáo sư Nguyễn Quang Hồng kể: “Sinh viên hào hứng nghe giảng và họ phản ánh lên lãnh đạo rằng giờ thầy Hồng giảng rất hấp dẫn, trống báo hết giờ mà chúng em vẫn muốn nghe tiếp”[2]. Ở Đại học Sư phạm Vinh, ông còn giảng dạy một số phân môn và chuyên đề khác. Thời gian này ông tích lũy nhiều tư liệu thực tế và ôm ấp nhiều ý tưởng khoa học. Đến cuối năm 1970 ông được chọn đi làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô.
Thời gian làm nghiên cứu sinh (1970-1974) và thực tập sinh khoa học (1982-1984) ở nước ngoài, Nguyễn Quang Hồng tiếp tục thể hiện cá tính sáng tạo, khả năng tư duy phản biện và lập luận khoa học khi thực hiện các bản luận án Phó tiến sĩ và Tiến sĩ. Cùng với đọc sách, thâm nhập vào văn phong khoa học Nga, ông còn tranh thủ gặp gỡ, trò chuyện với các bạn Nga, dự một số giờ giảng của giáo sư mà ông thấy hứng thú và có liên quan, tham gia các hội thảo, các cuộc trao đổi chuyên môn của bộ môn và ghi chép rất kỹ. Tất cả những điều này đã giúp ông mở rộng kiến thức, lại có được một vốn tiếng Nga khá tốt, cả viết và nói. Ở Liên Xô, bên cạnh sách chuyên khảo do các nhà khoa học Nga viết thì họ còn dịch rất nhiều sách của các nước phương Tây. Ông kể: “Một loạt tác phẩm về ngôn ngữ của các tác giả Mỹ, Anh, Pháp thì Nga đều dịch. Nhờ đó mà nghiên cứu sinh ở trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva (MGU) mang tên Lomonosov đều có đầy đủ tư liệu để tìm hiểu, nâng cao nhận thức, có cơ sở cân nhắc lựa chọn hướng đi cho mình. Ở Trung Quốc sau này cũng làm được như vậy, nghiên cứu sinh có thể đọc trực tiếp nguyên bản hoặc qua bản dịch những tác phẩm nổi tiếng của nhiều học giả nước ngoài. Còn ở ta thì đến nay vẫn thiếu hụt quá nhiều mảng sách chuyên môn này trong đào tạo sau đại học”[3]. Trong khi đọc sách, tài liệu ngoại ngữ, các đoạn cần thiết, ông thường ghi chép lại đúng theo nguyên văn tác phẩm, có chú dẫn số trang, tên sách… Ghi nguyên văn như thế cốt để sau có thể trích dẫn đưa vào vào công trình của mình một cách rõ ràng .
Luận án của NCS Nguyễn Quang Hồng là:Vấn đề âm tiết là đơn vị ngữ âm cơ bản (trên tư liệu tiếng Việt và tiếng Hán). Ông nhận thấy rằng phần nhiều các học giả khi tiếp cận với ngữ âm các ngôn ngữ có thanh điệu ở phương Đông như tiếng Việt, tiếng Hán vẫn duy trì cách nhìn như đối với các ngôn ngữ biến hình ở châu Âu, nghĩa là vẫn xuất phát từ khái niệm “âm tố” để xác lập hệ âm vị học “âm vị nguyên âm – âm vị phụ âm”. Cái kiểu nghiên cứu “lấy châu Âu làm trung tâm” (“Âu tâm luận”) này khiến Nguyễn Quang Hồng “không chịu nổi”, và ông “muốn cãi lại”. Tiếng Việt, tiếng Hán cùng với tiếng Nga, tiếng Anh đã cung cấp cho ông đầy đủ cứ liệu để so sánh, đối chiếu và nhận ra những khác biệt cơ bản giữa hai loại hình ngôn ngữ đơn lập và biến hình, mà trước hết là về cơ cấu ngữ âm. Ông không lập dị ,cũng không cô độc, vì các học giả Nga L.V Scherba, E.D.Polivanov, A.A. Dragunov… trước đó đã đề cập đến vấn đề này, và Nguyễn Quang Hồng tiếp tục phân tích ngữ liệu, chứng minh đầy đủ hơn, rằng: Nếu như các ngôn ngữ biến hình như tiếng Nga, tiếng Anh lấy âm vị (phoneme) làm đơn vị cơ bản của hệ thống ngữ âm, thì trong các ngôn ngữ đơn lập có thanh điệu như tiếng Việt, tiếng Hán, đơn vị cơ bản của cơ cấu ngữ âm phải là âm tiết (syllabeme). Theo ông, trong lòng âm tiết Việt và Hán, bằng cách này hay cách khác, cũng có thể phân xuất ra những thành tố nhỏ hơn, nhưng không độc lập ngoài âm tiết và không đảm nhiệm hết các chức năng như âm vị trong các ngôn ngữ Nga, Anh. Những kết luận mang tinh thần “âm tiết bản vị” này nằm ngoài dự định của thầy hướng dẫn, nhưng thầy hoàn toàn tôn trọng kiến giải của học trò với những luận cứ không dễ gì bác bỏ. Luận án đã được bảo vệ thành công tại Viện Đông phương học Liên Xô, cuối năm 1974. Rời Moskva, ông trở về trường Đại học Sư phạm Vinh, đảm nhiệm vai trò Tổ trưởng bộ môn Ngôn ngữ kiêm Phó chủ nhiệm khoa Ngữ văn.
Bảy năm sau, cuối 1982, Nguyễn Quang Hồng lại được cử trở sang Moskva làm luận án Tiến sĩ (TSKH). Luận án đặt nhiệm vụ nghiên cứu hiện tượng âm tiết như là một đối tượng ngôn ngữ học mang những chức năng nhất định trong các ngôn ngữ thuộc những loại hình cơ cấu khác nhau. Trong luận án, đại lượng âm tiết xuất hiện như một “nhân vật trung tâm”, được đưa ra xem xét trong tất cả các mối quan hệ chức năng của nó đối với các đại lượng ngôn ngữ khác, trong sự so sánh, đối chiếu giữa các ngôn ngữ thuộc những loại hình khác nhau. So với luận án PTS , luận án lần này của ông chẳng những đã mở rộng diện so sánh ngữ liệu (đề cập đến hàng trăm ngôn ngữ), mà cũng được nâng cao hơn về cơ sở lý luận (thảo luận và kế thừa ý tưởng của một loạt các học giả tiền bối trong truyền thống ngôn ngữ học Nga và châu Âu, Trung Hoa và Việt Nam). Luận án xác định ba hướng tiếp cận (“từ bên trong”, “từ bên ngoài” và “từ bên trên”) để nghiên cứu và miêu tả ngôn ngữ, vốn đã hình thành từ lâu và đang song song tồn tại trong ngôn học thế giới. Luận án đưa ra một phác thảo về “âm vị học âm tiết”, theo hướng tiếp cận “từ bên trong”, áp dụng cho những ngôn ngữ đơn lập âm tiết tính như tiếng Việt, tiếng Hán; đề xuất một bảng phân chia loại hình các ngôn ngữ trên bình diện ngữ âm với 4 loại hình cơ bản (mà hai đối cực là “âm tố bản vị” và “âm tiết bản vị”), v.v.. Không rập khuôn theo hình mẫu các ngôn ngữ Âu Tây mà lấy âm tiết làm bản vị, nghiên cứu của Nguyễn Quang Hồng tỏ ra khá gần gũi với Nguyễn Tài Cẩn và Cao Xuân Hạo ở Việt Nam, Triệu Nguyên Nhiệm và Vương Lực ở Trung Hoa. Luận án được mang hai ký hiệu chuyên ngành: Ngôn ngữ học đại cương và Ngôn ngữ học loại hình. Đầu năm 1985, luận án được Hội đồng chấm luận án của khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva mang tên Lomonosov đánh giá cao. Giáo sư phản biện M.K. Rumiancev nhận xét và khẳng định: “Cho đến nay, trong ngôn ngữ học phương Tây cũng như phương Đông, chưa hề có một công trình nào như công trình tác giả đệ trình ở đây. Chưa hề có một ai đã nghiên cứu kỹ lưỡng hiện tượng âm tiết trên tư liệu của nhiều ngôn ngữ khác nhau và trong các truyền thống ngôn ngữ học khác nhau như vậy. Tác giả, với khối tư liệu phong phú cả về ngữ liệu, cả về sách vở khoa học, đã làm sáng tỏ các truyền thống ngôn ngữ học đó, đã giải thích đầy thuyết phục logic nội tại của chúng, cái logic được quy định bởi ngữ liệu và bởi loại hình của ngôn ngữ”[4]. Giáo sư Ju.Ja. Plam ở Viện Đông phương học có lần nói với tác giả luận án rằng: “Với Nguyễn Quang Hồng, vấn đề không phải chỉ là như thế nào, mà quan trọng hơn là tại làm sao như vậy”. Quả thật, cho mãi về sau này, hướng tới lý giải bản chất của hiện tượng là điều mà ông luôn theo đuổi trong các công trình nghiên cứu của mình. Sau khi ông bảo vệ luận án, cố vấn khoa học của ông là GS Ju.V. Rozhdestvensky có ý muốn mời ông ở lại trường tham gia giảng dạy ở bộ môn do chính GS phụ trách, nhưng ông xin về nước ngay vì nỗi niềm nhớ quê. Chín năm sau, ông mới bắt tay vào dịch luận án này sang tiếng Việt và cho xuất bản với tiêu đề Âm tiết và Loại hình ngôn ngữ (Nxb Khoa học Xã hội, 1994; Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002; Nxb Đại học Quốc gia Tp Hồ Chí Minh, 2012).
Giữa năm 1985, Nguyễn Quang Hồng về nước, và được điều đến công tác tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, làm nghiên cứu viên cao cấp, rồi đảm nhiệm chức vụ Viện phó (1986 – 1992). Với ông, nghiên cứu Hán Nôm là một lĩnh vực mới, nhưng không xa lạ gì so với sở học của ông. Công việc trước tiên mà Nguyễn Quang Hồng hăng hái tham gia cùng các đồng nghiệp trẻ ở Viện là thâm nhập thực tế, khảo sát và sưu tầm tư liệu Hán Nôm trong các di tích văn hóa trên thực địa, từ các tỉnh quanh Hà Nội cho đến Huế, Đà Nẵng, Hội An… Mặt khác ông dành thời gian tìm hiểu những thành tựu mà các bậc học giả tiền bối (như Đào Duy Anh, Trần Văn Giáp, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Tài Cẩn, v.v.) đạt được, liên hệ với những gì ông nắm biết về văn hiến học Trung Hoa để tạo lập những tri thức làm nền cho công việc của mình. Quan trọng không kém là thành tựu của các học giả Nga trong lĩnh vực ngữ văn học cổ điển, đặc biệt là quan niệm và phương pháp mới về ngữ văn học đại cương trong công trình của thầy cố vấn khoa học – GS Ju.V. Rozhdestvensky. Nguyễn Quang Hồng đem những thu hoạch đó trình bày với đồng nghiệp ở Viện, và nhấn mạnh rằng nghiên cứu Hán Nôm thực chất là nghiên cứu ngữ văn cổ điển Việt Nam, chứ không đơn giản chỉ là phiên, biên dịch chữ nghĩa như nhiều người vẫn nghĩ. Không phải là không cần các bản dịch, mà là rất cần những bản dịch chất lượng cao để cung cấp cho bạn đọc và các nhà nghiên cứu. Trước đây ở Hà Nội có Ban Hán Nôm và ở Sài Gòn có Trung tâm Học liệu, đều nhằm đến mục đích như vậy. Song từ khi Ban Hán Nôm chuyển sang thành lập Viện Nghiên cứu Hán Nôm (1979) thuộc Trung tâm khoa học Xã hội Việt Nam, thì trong nhiều năm liền cán bộ chuyên môn vẫn chưa xác định hướng nghiên cứu cho mình, vẫn chủ yếu làm công việc chuyển dịch tác phẩm Hán Nôm sang chữ Quốc ngữ. Và họ được phiên chế vào các ban chuyên môn : Ban Hán cổ, Ban Hán cận và Ban Nôm, nghĩa là vẫn lấy tiêu chí về “ngôn ngữ nguồn” theo nội dung dịch thuật để phân ban. Dịch thuật là một nghề rất cao quý, đáng nể. Song phiên chuyển một văn bản chữ Hán chữ Nôm sang một văn bản chữ Quốc ngữ cho một tác phẩm Hán Nôm nào đó, đương nhiên không thuộc công trình nghiên cứu khoa học chính danh, càng không thể đem bản dịch đi “bảo vệ” để lấy bằng Tiến sĩ được (Còn như việc nghiên cứu đối chiếu một bản dịch hay nhiều bản dịch của một người hay nhiều người đối với một nguyên tác, thì đó được xếp như một công trình khoa học thuộc thuộc thể loại dịch thuật, và đây không còn là công việc của những “thợ dịch” thuần túy).
Theo đó, Nguyễn Quang Hồng cho rằng phiên chuyển văn bản nguyên tác Hán Nôm thành văn bản chữ Quốc ngữ là công việc của bất cứ cán bộ chuyên môn nào trong Viện, nhưng mỗi người nên có một định hướng nghiên cứu riêng, có thể theo một trong ba chuyên ngành của Ngữ văn học Hán Nôm: Văn tự học Hán Nôm (chủ yếu nghiên cứu chữ Nôm), Văn bản học Hán Nôm và Văn tịch học Hán Nôm. Chính đó là những chuyên ngành chủ yếu làm nên “tay nghề” riêng của các chuyên gia Hán Nôm. Nội dung và mối liên quan giữa ba chuyên ngành này được ông trình bày khá kỹ trong bài Di sản Hán Nôm nhìn từ góc độ của khoa học ngữ văn đăng trên Tạp chí Hán Nôm, số 2, 1987. Bản thân Nguyễn Quang Hồng không từ chối làm công việc dịch thuật (thậm chí là dịch gia phả), nhưng ông dành nhiều hứng thú cho nghiên cứu những vấn đề thuộc ba chuyên ngành kể trên, đặc biệt là nghiên cứu chữ Nôm và loại hình văn bản Hán Nôm. Chính ông là người đầu tiên của Viện nhận hướng dẫn các cán bộ trẻ trong và ngoài Viện (cả học viên người nước ngoài làm nghiên cứu sinh theo định hướng Ngữ văn học Hán Nôm. Từ đó, cán bộ trong Viện có điều kiện để bảo vệ luận án Tiến sĩ và cơ hội được phong học hàm. Sau thời gian dài tích lũy tư liệu và trau dồi lý luận, phương pháp nghiên cứu, ông Nguyễn Quang Hồng lần lượt cho ra mắt một loạt tác phẩm như: Văn khắc Hán Nôm Việt Nam – tuyển chọn và lược thuật (chủ biên, 1992), Di văn chùa Dâu (chủ biên,1996),Truyền kỳ mạn lục giải âm (phiên âm và chú giải, 2001), Tự điển chữ Nôm (chủ biên, 2006 – Giải A sách hay do Hội xuất bản Việt Nam trao), Khái luận văn tự học chữ Nôm (chuyên luận, 2008, Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ (năm 2017), Tự điển chữ Nôm dẫn giải (Hai tập, 2014)( cần cụ thể: chủ biên hay tác giả?)…
Về Khái luận văn tự học chữ Nôm (2008) là chuyên luận đầu tiên nghiên cứu toàn diện và sâu sắc về chữ Nôm ở Việt Nam. Cuốn sách đặt chữ Nôm của người Việt trong bối cảnh chung của các văn tự phái sinh từ chữ Hán, nêu bật những nét tương đồng và khác biệt giữa chúng. Công trình thảo luận khá chi tiết về nguồn gốc và sự hình thành chữ Nôm; phân tích và hệ thống hóa các cấu trúc hình thể và cấu trúc chức năng của chữ Nôm; xem xét vai trò của chữ Nôm trong đời sống văn hóa xã hội của người Việt xưa và nay, v.v.. Cuốn sách được bố cục công phu và nghiêm túc, với nguồn tài liệu phong phú mang tính hàn lâm, tạo nên một cơ sở lý luận cho việc tiếp tục nghiên cứu chữ Nôm theo hướng văn tự học. Đây cũng chính là cơ sở lý thuyết để Nguyễn Quang Hồng xử lý tư liệu khi đi vào biên soạn bộ tự điển chữ Nôm mới.
Bộ Tự điển chữ Nôm dẫn giải, gồm hai tập, 2323 trang (2014), do GS Nguyễn Quang Hồng là tác giả, với dung lượng lớn và dẫn giải kỹ càng, được độc giả trong và ngoài nước nhiệt liệt đón nhận. Bộ Tự điển này vượt trội và khác biệt hẳn với nhiều bộ tự điển có trước, kể cả Tự điển chữ Nôm (2006) do chính ông chủ biên. Một trí thức Việt kiều ở Mỹ là Phùng Liên Đoàn viết email cho tác giả: “Tôi rất quý sách của anh, soạn rất công phu, đáng chức Lưỡng Quốc Trạng Nguyên (Mỹ và Việt Nam), vì không có sinh viên tiến sĩ hay giáo sư nào ở Mỹ làm được. Tại Việt Nam cũng vậy. Tôi sẽ dùng sách này tra cứu luôn luôn để biết thêm việc dùng các chữ coi như thông thường nhưng lại rất sâu sắc khi có diễn giải cách dùng trong lịch sử và xã hội Việt Nam. Tôi và hàng vạn người khác xin cám ơn công sức của anh”. Một học giả Việt kiều khác ở Úc là Nguyễn Cung Thông cũng viết thư cho tác giả: “Về hai tập Tự điển chữ Nôm dẫn giải : Tôi thường dùng làm tài liệu tham khảo chính trong các bài viết và coi đây là một công trình quan trọng bậc nhất về chữ Nôm trong thời đại này”. Khi thực hiện soạn thảo bộ tự điển này, GS Nguyễn Quang Hồng chưa tính đến chuyện xin kinh phí và đến khi xuất bản thì kinh phí là điều đầu tiên phải đặt ra. Giáo sư John Balaban, nguyên chủ tịch Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm (Hoa Kỳ), đã chia sẻ và nhiệt tình tài trợ phần lớn kinh phí để xuất bản bộ Tự điển này. Giáo sư John Balaban cũng viết thư chúc mừng tác giả với nội dung: “Tự điển chữ Nôm dẫn giải là một công trình đồ sộ. Là một người bạn cũ và người sáng lập Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm, tôi vui mừng thấy nó đã được xuất bản. Tôi biết anh đã làm việc thật lâu dài để tạo ra cuốn từ điển này và anh đã chăm chút để chắc chắn rằng sự uyên bác của nó là toàn diện và có ảnh hưởng sâu rộng. Tôi tự hào đã có một phần nhỏ đóng góp vào việc cuối cùng tạo ra nó”[5]. Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm Việt Nam còn chủ trương thực hiện số thức hóa bộ tự điển này và đưa lên Internet để đông đảo độc giả có thể truy cập qua máy tính. Công việc này được đương kim Chủ tịch Hội là GS Lee Collins phụ trách chung và đã hoàn tất cuối năm 2017.
"Tự điển chữ Nôm dẫn giải" của GS.TSKH Nguyễn Quang Hồng
Liên quan với việc biên soạn Tự điển chữ Nôm, trong suốt một thời gian dài (1994-2006) GS Nguyễn Quang Hồng là chuyên gia chữ Nôm duy nhất được Viện giao nhiệm vụ sưu tầm các dạng thể chữ Nôm trong kho tàng văn bản Hán Nôm, lập nên các tập chữ theo những tiêu chí do tổ chức Mã hóa chữ biểu ý quốc tế (gọi tắt là IRG) quy định,và cùng với các học giả trong khu vực thẩm định, biên tập để từ đó đề nghị Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (gọi tắt là ISO) cấp mã (Unicode) cho chữ Nôm Việt. Với nhiệm vụ đó, hằng năm ông cùng với một kỹ sư tin học được cử đi dự các cuộc họp của nhóm IRG tại nhiều nước khác nhau trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Đến năm 2006, khi ông về hưu, trong bảng mã chung cho các chữ vuông của khu vực, đã có gần 10.000 chữ Nôm của Việt Nam được cấp mã Unicode. Đây chính là cơ sở dữ liệu để các kỹ sư trong lĩnh vực công nghệ thông tin lập nên các bộ phông chữ Nôm, từ đó chữ Nôm bắt đầu bước lên bàn phím máy tính. Với những đóng góp trong công việc mã hóa chữ Nôm,cùng với thành tựu biên soạn chữ Nôm, GS Nguyễn Quang Hồng là người đầu tiên (2009) được Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm (Hoa Kỳ) trao tặng Giải thưởng cho nhà nghiên cứu tiêu biểu về Hán Nôm.
Những năm gần đây, GS Nguyễn Quang Hồng cùng bạn đời là TS Phan Diễm Phương quan tâm đến một đề tài nghiên cứu mang tính liên ngành Ngữ học và Văn học. Đây là vấn đề đã được tác giả ấp ủ từ lâu, bắt đầu từ thời còn giảng dạy ở Đại học Sư phạm Vinh. Chuyên luận này được vợ chồng GS Nguyễn Quang Hồng thực hiện với tiêu đề Âm tiết tiếng Việt và Ngôn từ thi ca, do Nxb Đại học QG Hà Nội ấn hành năm 2017. Trong Lời dẫn, tác giả viết: “Trên đại thể, công trình này nghiêng về nghiên cứu những vấn đề của ngôn từ thi ca trên bình diện ngữ âm, và qua đó tìm mối liên hệ giữa âm thanh và ý nghĩa, xác định những giá trị mỹ cảm từ những biểu hiện ngữ âm trong tác phẩm thi ca tiếng Việt”.
Cùng với những công trình dài hơi như trên đã kể, GS Nguyễn Quang Hồng còn viết ngót trăm bài nghiên cứu (tiểu luận khoa học), đã công bố trên các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước (bằng tiếng Viêt, Nga, Hán, Anh). Ông cũng thường xuất hiện trong các cuộc hội thảo quốc gia và quốc tế, từng được mời thuyết trình học thuật tại Paris (Paris VII), Hong Kong (Đại học Bách khoa Hong Kong), Tokyo (Hội Hán tự học Nhật Bản), New York (Đại học New York), Boston (Đại học Havard), New Haven (Đại học Yale), Thượng Hải (Đại học Sư phạm Hoa Đông), Đài Nam (Đại học quốc lập Thành Công)… Cuốn Ngôn ngữ. Văn tự. Ngữ văn (tuyển tập tiểu luận), là sản phẩm được tác giả tập hợp từ các bài viết đã công bố, chọn lọc và biên tập lại. Cuốn sách do Nxb Khoa học Xã hội ấn hành (2018). Trong tuyển tập này, ngoài những vấn đề liên quan với các chuyên luận dài hơi, còn có nhiều bài để cập đến những vấn đề: xác định các phương thức định hình ngôn từ và văn bản; đối chiếu các ngữ tố cùng gốc và chữ vuông trùng hình giữa Việt và Hán, Ngạn, Tày, Choang; thảo luận vấn đề chuẩn hóa và giáo dục ngôn ngữ – chữ viết trong nhà trường và trong xã hội nước ta hiện thời, v.v..
Sắp bước sang tuổi 80, hơn nửa thế kỷ miệt mài học tập, nghiên cứu và giảng dạy, GS.TSKH Nguyễn Quang Hồng đã thực sự tạo nên một ấn tượng riêng biệt và đậm nét trong học giới, cũng như trong lĩnh vực khoa học Ngữ văn nước nhà.
Nguyễn Thanh Hóa