Đã có nhiều bài báo viết về anh, nhiều người ca ngợi anh, ví anh là người có “đôi bàn tay vàng” làm đẹp cuộc đời và cho cuộc sống bao người. Gặp anh, tôi cảm nhận được sự nhiệt tâm, tận tụy, kiên trì, thân thiện của một người luôn gắn mình với sự nghiệp cao quí – sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Anh là GS.TS, Bác sỹ Trần Thiết Sơn – Trưởng bộ môn phẫu thuật tạo hình Đại học Y Hà Nội, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Bệnh viện Xanh Pôn.
Tự hào gia đình gắn với ngành y
Tôi gặp GS.TS.BS Trần Thiết Sơn đúng lúc anh vừa từ phòng phẫu thuật về nơi làm việc. Sau chén trà ấm, anh tâm sự: “Mình sinh trong một gia đình có truyền thống làm nghề chữa bệnh tại Hà Nội, từ ông nội rồi đến bố mẹ, em gái và vợ đều làm trong ngành y. Có lẽ vậy mà ngay từ nhỏ mình đã được bố mẹ định hướng sau này làm nghề bác sỹ chữa bệnh cứu người”.
GS.TS. Bác sỹ Trần Thiết Sơn
Trong câu chuyện thân tình, anh kể về gia đình mình, một gia đình mà tất cả mọi người vừa là thầy thuốc và cũng là thầy giáo của Trường đại học y khoa Hà Nội. Bố anh, một giáo sư sản khoa là người thầy đầu tiên dìu dắt anh ngay từ khi bắt đầu trở thành sinh viên y khoa. Sau khi tốt nghiệp bác sỹ, anh tiếp tục theo học lớp bác sỹ nội trú và trở thành giảng viên của Trường Đại học y Hà Nội. Năm 1989, một bước ngoặt đã đến với cuộc đời anh khi cố GS.VS. TSKH Nguyễn Huy Phan muốn chọn một số học trò làm nòng cốt cho Bộ môn Phẫu thuật tạo hình (PTTH) của Trường Đại học Y Hà Nội, một chuyên ngành mới còn chưa chính thức xuất hiện tại Việt Nam khi đó. Và anh là một trong số bác sỹ đã được người thầy đáng kính lựa chọn, chính thầy đã chỉ dạy tất cả những kiến thức và kinh nghiệm của mình cho những người mà mình tin tưởng. Năm 1991, Bộ môn PTTH tại Việt Nam chính thức được mở tại Đại học Y Hà Nội, anh trở thành giảng viên trẻ. Năm 1994 anh được cử sang Pháp theo học khóa đào tạo bác sỹ nội trú chuyên ngành PTTH. Ngày đó, anh là một trong những phẫu thuật viên Việt Nam đầu tiên được theo học chuyên ngành PTTH tại Tây Âu, cũng từ đây anh tiếp thu các kiến thức cơ bản nhất của Chuyên ngành PTTH hiện đại. Bác sỹ Trần Thiết Sơn trở về nước góp phần không nhỏ vào việc truyền đạt lại những tri thức quý báu đào tạo lớp bác sĩ chuyên khoa đầu tiên vào năm 1995. Trong 10 năm làm bác sỹ điều trị tại Trung tâm PTTH Hà Nội, bên cạnh công việc đào tạo các lớp bác sỹ chuyên ngành, anh còn tiến hành nhiều công trình nghiên cứu khoa học có tính thực tiễn cao. Năm 1999, anh có đề tài “Kỹ thuật giãn da trong PTTH”, một kỹ thuật tạo hình tiên tiến mà không phải cơ sở điều trị nào cũng thực hiện một cách hoàn hảo.
Người thầy thuốc toàn tâm với khoa học
Năm 2005, anh được cử về xây dựng Khoa PTTH – Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn. Sau 8 năm, xây dựng và phát triển Khoa PTTH đã đạt nhiều thành tích trong điều trị và nghiên cứu khoa học, vị thế khoa học của Khoa đã vượt ra ngoài biên giới Việt Nam. Gần 30 năm nghiên cứu và thực hành phẫu thuật tạo hình, khoa đã cứu chữa cho hàng nghìn người bệnh. Bao kiến thức, kỹ thuật tích lũy được, anh đều truyền đạt lại cho những lớp học trò của mình như: kỹ thuật giãn da, kỹ thuật phẫu thuật vú phì đại và đặc biệt là kỹ thuật vi phẫu tích – phẫu thuật dưới kính hiển vi mà hiện tại trên thế giới chỉ có ba nước Anh, Nhật Bản và Việt Nam có thể thực hiện. Anh trở thành Tiến sỹ năm 2003, là Phó giáo sư năm 2007, Giáo sư năm 2014. Giờ đây, với hai cương vị: Trưởng bộ môn PTTH – Trường Đại học Y Hà Nội và Trưởng khoa PTTH bệnh viện Xanh Pôn, dù rất bận nhưng GS.TS Trần Thiết Sơn vẫn sắp xếp công việc để sẵn sàng thực hiện mổ những ca bệnh đặc biệt và phức tạp. Một loạt kỹ thuật tạo hình được anh nghiên cứu và áp dụng thành công trên bệnh nhân Việt Nam cũng được các chuyên gia nước ngoài đặc biệt chú y như: Kỹ thuật tạo hình âm đạo bằng niêm mạc miệng; Kỹ thuật thu gọn vú phì đại dựa trên cuống mạch nuôi; Kỹ thuật làm mỏng vạt vi phẫu tích; Kỹ thuật vạt da giãn thứ cấp… đó là những kỹ thuật được thực hiện rất thành công. Giáo sư Sơn cũng không thể nhớ hết mình đã mổ cho bao nhiêu con người có ngoại hình dị thường, những nam thanh niên bị mất một phần cơ thể, hay những cô gái có cơ thể bị khiếm khuyết… Chỉ biết rằng, đem đến niềm vui, niềm hạnh phúc, nụ cười cho mọi người là anh thấy hạnh phúc lắm rồi. Mới đây, trong chương trình hợp tác chuyên môn, các phẫu thuật viên Hoa Kỳ đã chuyển giao kỹ thuật tạo hình hiện đại cho các phẫu thuật viên của Khoa, bên cạnh đó họ cũng được làm quen và trao đổi kinh trao đổi kinh nghiệm về các kỹ thuật được thực hiện tại Khoa PTTH, Bệnh viện Xanh Pon.
Vị Giáo sư nhiệt tâm với thiện nguyện
Nhiều người bệnh ở các tỉnh thành vùng sâu vùng xa như Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Lai Châu,… thầm cảm ơn tới giáo sư tiến sỹ Trần Thiết Sơn. Gần 30 năm bước vào nghề cũng là ngần đó thời gian anh tham gia những hoạt động từ thiện cùng các tổ chức quốc tế và trong nước ở mọi miền Tổ quốc với lịch hoạt động: 4 đợt/năm, mỗi đợt 1 tuần. Trong những lần đi từ thiện, anh trực tiếp mổ tạo hình cho những ca đơn giản như dị tật bẩm sinh, do bỏng gây ra,… Đặc biệt anh đã đào tạo và phát triển chuyển giao các kỹ thuật mổ cho các bác sỹ địa phương, bác sỹ chuyên khoa của các bệnh viện tỉnh thực hiện những ca đơn giản. Mặc dù công việc bận rộn là vậy, nhưng sau những giờ làm việc căng thẳng, vị giáo sư còn có thú chơi chèo thuyền Kayak rồi trở về bên mái ấm gia đình. Ở đó có người vợ đảm đang cùng nghề y, Bác sĩ Nguyễn Thị Nam Liên chuyên khoa Răng – hàm – mặt, hiện công tác tại Viện chiến lược Bộ Y tế và 2 người con luôn kề vai sát cánh, san sẻ tình cảm với người cha thân yêu nhất. Giáo sư, tiến sỹ Trần Thiết Sơn có nhiều đóng góp hữu ích cho ngành Y. Rất nhiều Bằng khen, giấy khen, danh hiệu được các cấp các ngành trao tặng, nhưng danh hiệu lớn nhất không thể so sánh được đó là tình người, tình đời dành cho anh.
Việt Hùng
Nguồn: www.trithucvaphattrien.vn