Mang giống ngô Việt đi thử nghiệm xứ người

Năm 1983, sau khi theo trường Đại học Nông nghiệp II, từ Hà Bắc (nay thuộc Bắc Giang) vào TP Huế, ông Trần Văn Minh được phân công làm giảng viên ở khoa Trồng trọt, kiêm Bí thư Đoàn trường Đại học Nông nghiệp II-Huế. Bên cạnh công tác giảng dạy, ông Trần Văn Minh còn tích cực tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học. Ông Trần Văn Minh cho biết, hầu hết cán bộ từ Hà Bắc chuyển vào TP Huế đều còn trẻ. Các giảng viên lớn tuổi, nhiều kinh nghiệm về hoạt động khoa học như thầy Trương Đích, thầy Thành đều ở lại Hà Bắc. Nhiệm vụ trong nghiên cứu đặt ra cho đội ngũ giảng viên trường Đại học Nông nghiệp II-Huế lúc đó là phải tìm cách tăng năng suất cây trồng và sản lượng để góp phần giải quyết nhu cầu lương thực cho người dân các tỉnh miền Trung.

Thực tế cho thấy, đời sống người dân ở tỉnh Bình Trị Thiên và các tỉnh miền Trung lúc đó rất khó khăn. Sản lượng lương thực thấp, nhiều địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa ở miền núi người dân thường bị thiếu đói. Theo ông Minh, ở khu vực miền Trung có nhiều loại cây trồng, nhưng hai loại cây chính đáp ứng nhu cầu lương thực cho người dân là cây lúa và cây ngô[1]Từ những năm là sinh viên, Trần Văn Minh đã thực hiện nghiên cứu về cây ngô. Với tư duy độc lập trong hoạt động khoa học, ông chú trọng nghiên cứu cây ngô theo hướng lai tạo giống[2] để cho ra đời các giống ngô mới với năng suất cao, chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu thực tiễn tại TP Huế và các tỉnh miền Trung, trước hết là nhu cầu lương thực cấp bách lúc bấy giờ.

Với tinh thần đó, ngoài thời gian giảng dạy, ông Minh thực hiện nhiều chuyến khảo sát thực địa ở TP Huế và các huyện ở tỉnh Bình Trị Thiên để tìm kiếm nguồn gen các giống ngô có chất lượng. Qua khảo sát, ông phát hiện được giống ngô nếp được trồng ở vùng Cồn Hến[3], TP Huế, rất quý, có màu vàng mỡ gà, vị dẻo và thơm[4], được người dân nơi đây trồng ở các bãi đất ven sông Hương và sử dụng làm lương thực hàng ngày. Từ nhận định trên, Ông Minh tiến hành thu thập nguồn gen của giống ngô nếp Cồn Hến. Đồng thời, ông cũng đi nhiều địa phương ở miền Trung từ Nghệ An, Hà Tĩnh vào đến Bình Trị Thiên để thực hiện điều tra, thu thập các giống ngô nếp ở miền Trung[5]. Qua đó, ông tập hợp, phân loại rồi tạo ra một “tập đoàn giống ngô” nhằm nghiên cứu, thử nghiệm để lai tạo giống ngô mới.

Giống ngô nếp Cồn Hến và các giống ngô nếp ở miền Trung

Năm 1985, ông Trần Văn Minh đề xuất với trường Đại học Nông nghiệp II – Huế nguyện vọng đi thực tập sinh ở Liên Xô. Theo quy chế, thực tập sinh Việt Nam phải làm một bản đề cương (анкета) gửi sang cơ sở đào tạo của Liên Xô trước, nếu được phía bạn chấp nhận, học viên Việt Nam mới có thể đi làm thực tập sinh. Giảng viên Trần Văn Minh gửi bản đề cương có nội dung cơ bản là đánh giá khả năng thích ứng của các giống ngô nếp trong điều kiện ở Ukraine[6],và được trường Đại học Nông nghiệp, Đại học Kharkov, Ukraine (Liên Xô) chấp nhận.

Ông Trần Văn Minh lên đường sang Liên Xô tháng 10 -1986

Tháng 10- 1986, ông Trần Văn Minh lên đường sang Liên Xô. Ông nhớ lại, từ TP Huế ông đi tàu hỏa ra Hà Nội, sau đó đi máy bay sang thủ đô Moskva, Liên Xô. Từ Moskva lại đi tàu hỏa để đến thành phố Kharkov. Theo ông, Kharkov từng là cố đố và là thành phố lớn thứ hai (sau Kiev) ở Ukraine. Ở các vùng phụ cận Kharkov, người dân Ukraine trồng lúa mì và ngô rất nhiều[7], trải dài hàng km. Năm đầu tiên thực tập (1986-1987) ở Ukraine, Trần Văn Minh vừa học tập chuyên môn vừa học tiếng Nga. Ông chia sẻ, thời sinh viên ông đã được học tiếng Nga ở trường Đại học Nông nghiệp II. Trước lúc sang Ukraine ông cũng được bồi dưỡng 1 năm ở trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, nên ông có thể nhanh chóng nắm bắt, giao tiếp và sử dụng được tiếng Nga trong học tập.

Ông Minh chia sẻ, tình hình Liên Xô lúc đó bắt đầu có biến động về chính trị, trong đó có thành phố Kharkov. Dù vậy, các hoạt động học tập và đào tạo của lưu học sinh và thực tập sinh nước ngoài đang có mặt ở Liên Xô không bị ảnh hưởng nhiều. Ông Minh cho biết, người Việt Nam ở thành phố Kharkov rất đông, bên cạnh thực tập sinh, nghiên cứu sinh còn có lượng lớn là lao động người Việt đang sinh sống và làm việc.

Ông Trần Văn Minh (bên trái) trong thời gian thực tập tại  trường Đại học Nông nghiệp Kharkov, Ukraine

Ông được sự hướng dẫn của thầy Zelenyka. Ông Minh còn nhớ thầy Zelenyka giúp ông xử lý số liệu, nguồn gen các giống ngô mang từ Việt Nam sang, rồi tiến hành tạo giống và trồng thử nghiệm ở nông trại thực tập của trường Đại học Nông nghiệp Kharkov. Ông được bố trí chỗ ở ngay tại ký túc xá của trường Đại học Nông nghiệp Kharkov. Sau mỗi buổi học, học viên ăn cơm ở nhà ăn tập thể trong trường, hầu hết mọi vật dụng học tập, nghiên cứu và nhu yếu phẩm đều được nhà nước Liên Xô trợ cấp, thực tập sinh không phải đóng khoản phí nào. Ông Trần Văn Minh đến Nông trại thực tập của trường Đại học Nông nghiệp Kharkov, cách trường gần 10 km bằng xe bus. Ông tiến hành lấy mẫu, phân tích và đánh giá khả năng thích ứng của cây ngô Việt Nam trong điều kiện khí hậu ở Ukraine.

Ông Trần Văn Minh  thực hiện nghiên cứu tại Nông trại trồng ngô, trường Đại học Nông nghiệp Kharkov, năm 1987

Ông Trần Văn Minh cho biết, quỹ gen các giống ngô ở miền Trung Việt Nam vốn thích ứng với đặc điểm khí hậu nóng, ẩm, mưa nhiều nên khi chuyển vùng địa lý từ nhiệt đới sang ôn đới thì không thể bằng được các giống ngô bản địa ở Ukraine[8]. Ngoài ra, đa số các giống ngô Việt Namgiống thuần chủng nên thân cây ngô thấp và bé hơn [9] so với các giống ngô xứ ôn đới. Dù vậy, ông Minh cho rằng giống ngô Việt Nam có lợi thế là ngô nếp, hạt thơm  và dẻo, ăn rất ngon. Đây là nguồn gen quý để tiến hành nghiên cứu, thử nghiệm và lai tạo với các giống ngô ở Ukraine.

Tháng 10-1988, ông Trần Văn Minh hoàn thành chương trình thực tập tại trường Đại học Nông Kharkov, Ukraine. Thời gian thực tập sinh chỉ có 2 năm (từ tháng 10-1986 đến tháng 10-1988), ngô từ Việt Nam mang sang chỉ được trồng thử nghiệm và đánh giá trong hai vụ nên cũng chưa thể khẳng định kết quả một cách trọn vẹn, và cũng không biết sau đó, nguồn gen quý này có được tiếp thu, ứng dụng để nghiên cứu tại Kharkov hay không. Tuy nhiên, có một điều chắc chắc rằng, sau khi đi thực tập sinh về nước, ông Minh đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý báu từ hoạt động nghiên cứu khoa học. Nguồn gen giống ngô nếp Cồn Hến và các giống ngô nếp ở miền Trung được thử nghiệm và đưa vào một “tập đoàn giống ngô”. Trên kết quả này, ông Trần Văn Minh nghiên cứu và thực hiện luận án Phó tiến sĩ, với đề tài Nghiên cứu khả năng sử dụng các giống ngô trong tập đoàn công tác ở Bình Trị Thiên. Năm 1993, giảng viên Trần Văn Minh bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ khoa học Nông nghiệp tại trường Đại học Nông nghiệp I, Hà Nội với sự hướng dẫn của Phó tiến sĩ Trương Đích và Phó tiến sĩ Phùng Quốc Tuấn.

Từ kết quả nghiên cứu trong luận án Phó tiến sĩ, ông tiến hành lai tạo hỗn hợp (khác với lai đơn, lai kép) để ra đời giống ngô HN2. Theo ông Minh, đây là giống ngô nếp, có sản lượng cao, khả năng thích ứng tốt nên nguồn gen được duy trì qua nhiều năm, không bị phân ly và thoái hóa giống. Người nông dân chỉ cần chọn lọc những bắp tốt để lấy giống sau khi thu hoạch nên giống ngô HN2 phù hợp với người nghèo ở những vùng đất khó khăn.

Nguyễn Sửu

 

 

 


[1] Tài liệu ghi âm GS.TS Trần Văn Minh, ngày 14-3-2023, lưu trữ ở Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[2] Tài liệu ghi âm GS.TS Trần Văn Minh, ngày 14-3-2023, đã dẫn.

[3] Cồn Hến là cồn đất được phù sa bồi lấp ở giữa sông Hương, thuộc phường Vĩ Dạ, thành phố Huế.

[4] Tài liệu ghi âm GS.TS Trần Văn Minh, ngày 14-3-2023, đã dẫn.

[5] Tài liệu ghi âm GS.TS Trần Văn Minh, ngày 14-3-2023, đã dẫn.

[6] Tài liệu ghi âm GS.TS Trần Văn Minh, ngày 14-3-2023, đã dẫn.

[7] Tài liệu ghi âm GS.TS Trần Văn Minh, ngày 14-3-2023, đã dẫn.

[8] Tài liệu ghi âm GS.TS Trần Văn Minh, ngày 14-3-2023, đã dẫn.

[9] Tài liệu ghi âm GS.TS Trần Văn Minh ngày 14-3-2023, đã dẫn.