“May mắn lớn nhất đời tôi là được làm việc với hai vĩ nhân”

Năm 1956, ông Nguyễn Bá Linh từ chiến trường miền Nam tập kết ra Bắc và được phân về công tác tại Phủ Chủ tịch. Ông đảm nhiệm việc viết các loại giấy khen, bằng khen và trình lên Chủ tịch Hồ Chí Minh để xin chữ ký. Sau ông còn tham gia thiết kế một số mẫu bằng khen. Ông nhớ mãi ấn tượng những buổi được xem phim cùng Bác tại phòng chiếu trong Phủ Chủ tịch. Ông kể: Bác là người rất gần gũi, tôi còn nhớ trong các buổi chiếu phim, đúng 7 giờ tối Bác đến phòng chiếu, các em nhỏ liền xúm lại ngồi quanh Bác,cháu ôm chân, cháu thì ngồi vào lòng, cháu mạnh bạo hơn thì vuốt râu Bác rất thân thiết.

Năm 1962, ông Nguyễn Bá Linh thi đỗ vào khoa Lịch sử, trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, ông theo học một lớp chuyên tu Lịch sử Đảng tại trường Đảng Nguyễn Ái Quốc Trung ương[1] và được giữ lại trường giảng dạy từ năm 1974. Năm 1993, khi là Trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh tại trường, ông được tham gia làm trợ lý cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho đến năm 2003. Khi đó, ông được giao nhiệm vụ trong nhóm soạn thảo tài liệu, một số bài viết… về tư tưởng Hồ Chí Minh, Đại tướng là người đọc duyệt cuối cùng. PGS.TS Nguyễn Bá Linh chia sẻ: May mắn lớn nhất đời tôi là được làm việc cùng với hai vĩ nhân là người lãnh đạo đất nước. Tôi đã học hỏi được nhiều điều, từ cách ứng xử hàng ngày cho đến những kiến thức chuyên môn.

 

PGS.TS Nguyễn Bá Linh (trái) đang giới thiệu

với nghiên cứu viên Trung tâm một cuốn sách do ông chủ biên

Cũng trong buổi làm việc, ông giới thiệu ảnh kỷ niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới thăm gia đình ông và một số bức ảnh ông được cùng làm việc với Đại tướng. Hiện nay, dù đã nghỉ hưu PGS Nguyễn Bá Linh vẫn tiếp tục niềm đam mê nghiên cứu và tham gia biên soạn một số sách về tư tưởng Hồ Chí Minh như cuốn “Bác Hồ với giáo dục và đào tạo và tâm nguyện của nhà giáo đối với Bác Hồ”.

 

Lê Thị Lợi

 

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam


* PGS Nguyễn Bá Linh, nguyên Trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

[1] Nay là Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.