Mấy suy nghĩ về cách tiếp cận, nghiên cứu lịch sử cuộc đời nhà khoa học

Qua những buổi tập huấn, hướng dẫn nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Văn Huy, những buổi thảo luận ở các nhóm nghiên cứu, tôi trình bày những nhận thức, thu hoạch của mình về phương pháp tiếp cận nghiên cứu lịch sử cuộc đời nhà khoa học.

Công việc nghiên cứu lịch sử cuộc đời của nhà khoa học xét trên bình diện thế giới không còn mới mẻ, ở Mỹ và các nước phương Tây, công việc này đã được mở ra từ những năm 1950-1960 của thế kỷ trước. Những trung tâm lưu trữ và nghiên cứu về phụ nữ, về các nhà khoa học đã không còn xa lạ, nhưng ở Việt Nam, vấn đề này còn rất mới mẻ. Điều này xuất phát từ nhiều phía: có nhiều suy nghĩ cho rằng chỉ những nhân vật có nhiều đóng góp về mặt chính trị, xã hội hay khoa học mới “đáng” để đưa vào trung tâm lưu trữ quốc gia; mặt khác trong suy nghĩ của nhiều nhà khoa học cũng chưa ý thức được giá trị của những di sản khoa học của mình nên chưa quan tâm tới việc lưu giữ hồ sơ tư liệu cá nhân,… Khách quan mà nói, chưa thật sự có một đơn vị nào chú trọng tới việc nghiên cứu lịch sử cuộc đời của các nhà khoa học nước ta, coi đó như một phần của lịch sử khoa học, lịch sử đất nước.

Không chỉ chú trọng đến nhiệm vụ lưu trữ những tài liệu về giấy, phim ảnh, Trung tâm còn đặc biệt quan tâm tới nghiên cứu sâu lịch sử cuộc đời của các nhà khoa học gắn liền với những tài liệu, hiện vật, ký ức của nhà khoa học. Trong quá trình tiếp xúc, sưu tầm tư liệu với các nhà khoa học, Trung tâm đã từng bước hoàn thiện các phương pháp nghiên cứu, cách tiếp cận của mình để đạt được hiệu quả cao nhất. Trung tâm đã và đang nghiên cứu một số các chuyên đề như: Nhóm các nhà khoa học đầu tiên được cử đi học ở Liên Xô năm 1951; Nhóm các nhà khoa học khóa I của trường Đại học Bách khoa; Nhóm các nhà khoa học của Đại học Y trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, niên khóa 1950-1957 (Y50); Nhóm các nhà khoa học Đại học Y khoa được đào tạo ngay sau khi Thủ đô Hà Nội được giải phóng, niên khóa 1954-1960;…

Thu hoạch đầu tiên của tôi khi nghiên cứu lịch sử cuộc đời một nhà khoa học là tiếp cận theo nhiều lớp lang. Trước hết là tiếp xúc từng nhà khoa học cụ thể, lấy đối tượng nghiên cứu là nhà khoa học làm trung tâm, sau đó dần dần mở rộng các nghiên cứu ra các đối tượng và các vấn đề khác có liên quan. Việc xác định đối tượng nghiên cứu tùy thuộc vào chủ đề được lựa chọn nhưng một điều quan trọng là đối tượng nghiên cứu là nhà khoa học không phải chỉ những người thật nổi tiếng, có nhiều đóng góp mà cả những con người bình thường. Triết lý là: nhân dân làm nên lịch sử; mỗi người đều là nhân chứng, là người tham gia vào tiến trình lịch sử; họ cũng như những sợi chỉ mầu đậm nhạt khác nhau nhưng cùng dệt nên một tấm thảm muôn hình muôn vẻ.  

Lấy đối tượng nghiên cứu làm trung tâm, sau đó mở rộng ra các mối quan hệ xã hội liên quan. Ở đây, như PGS.TS Nguyễn Văn Huy thường nhấn mạnh trong những lần trao đổi với các nghiên cứu viên, nếu coi đối tượng là tâm của nhiều đường tròn đồng tâm khác, ta có thể mở rộng các mối quan hệ cho việc nghiên cứu nhân vật này: người thân, gia đình, dòng họ; trường học, cơ quan, đơn vị làm việc; bạn bè, đồng nghiệp, các mối quan hệ xóm làng, khu phố. Đó là những bối cảnh xã hội cụ thể, nhỏ bé. Mở rộng hơn nữa là xem xét hoàn cảnh xã hội ở từng giai đoạn lịch sử cụ thể cả trong và ngoài nước tác động đến đối tượng như thế nào.

Cụ thể, trường hợp đối tượng nghiên cứu còn sống, có thể thực hiện các nghiên cứu trực tiếp bằng cách đặt ra các câu hỏi phỏng vấn sâu đã có sẵn, khai thác cụ thể, chi tiết. Ở một trường hợp khác, nếu đối tượng nghiên cứu không còn sống thì cũng có thể thực hiện các tiếp cận khác thông qua một loạt các nguồn tư liệu: các cuốn nhật ký, sổ ghi chép hàng ngày, các ghi âm, các bài báo trong nhiều thời điểm khác nhau, những nhân chứng sống khác có liên quan đến nhà khoa học được nghiên cứu,…. Để có thể hiểu biết bước đầu và tiếp cận được với đối tượng nghiên cứu, người nghiên cứu phải có những thông tin cần thiết dựa vào các nguồn tài liệu liên quan (các ấn phẩm xuất bản) hoặc các nhân chứng cụ thể,… để có thể vạch ra vấn đề mà mình muốn xoáy sâu, muốn tìm hiểu.

Tiếp cận nghiên cứu một đối tượng ở các giai đoạn khác nhau, gắn với những hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Bởi lẽ, tính xã hội quy định và chi phối các hoạt động của đối tượng nghiên cứu, cần đi sâu từ bối cảnh lịch sử, bối cảnh xã hội hẹp đến bối cảnh rộng, từ các mối quan hệ trong gia đình đến các mối quan hệ rộng lớn của đối tượng nghiên cứu. Ở mỗi giai đoạn nghiên cứu cần phải đặt ra được các câu hỏi, lên được những nguồn tư liệu cần phải khai thác (cả tư liệu phỏng vấn lẫn tư liệu thư tịch),…

Trong các nghiên cứu cũng hết sức chú ý đến tính khách quan của các nguồn thông tin khai thác được. Trong trường hợp nguồn thông tin được phát ra (phỏng vấn, nhân vật kể lại) từ chính đối tượng thì phải kiểm chứng tính chân thật của nó bằng cách phỏng vấn các đối tượng liên quan khác: đồng nghiệp, bạn bè,… Người nghiên cứu phải biết lắng nghe, sau đó chắt lọc các thông tin và hoặc tìm ra được những đáp án chính xác nhất hoặc chấp nhận sự đa dạng của các thông tin từ các nguồn nguồn khác nhau.

 

            Ngoài cách tiếp cận theo sơ đồ trên đây, việc khai thác các nguồn tư liệu là các thư tịch đóng một vai trò rất quan trọng. Trong trường hợp này, những tư liệu được soạn bởi chính đối tượng nghiên cứu đưa lại nhiều thông tin quý giá. Nhiều ấn phẩm của các nhà khoa học được xuất bản nhưng ta lại không biết được quá trình lao động, những khó khăn gặp phải, những trăn trở, suy nghĩ,… thì những tư liệu như nhật ký, sổ ghi chép, các bản thảo (từ lần đầu tiên đến lần sau cùng) sẽ bổ sung và làm giàu thêm các nghiên cứu.

Trường hợp của GS Nguyễn Tài Thu (nguyên Viện trưởng Viện Châm cứu Trung ương) là một điển hình. Xã hội đều biết đến những đóng góp về châm cứu của ông, nhưng ít ai biết đến việc để đạt được những thành quả đó ông đã phải trăn trở như thế nào đối với thương bệnh binh từ thời chống Mỹ, phải lấy bản thân ra tự thí nghiệm như thế nào, rồi bị những con người nhỏ nhen ghen ghét, kèn cựa, nghi kỵ, cản trở ra sao và ông vượt lên như thế nào để trở thành một người anh hùng…? Những vấn đề này được khai thác từ chính những nguồn tài liệu trong hồ sơ cá nhân như nhật ký của ông. Hay như GS Tôn Thất Tùng, nổi tiếng trong và ngoài nước ở lĩnh vực mổ gan, nhưng cũng ít ai biết ông là người Việt Nam đầu tiên quan tâm nghiên cứu đến ảnh hưởng của chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam. Chính những cuốn sổ ghi chép hàng ngày của ông đã bật mí cho những khẳng định này…

Khi tiếp cận nghiên cứu lịch sử cuộc đời của các nhà khoa học, cần phải sử dụng nhiều phương pháp khác nhau, có tính liên ngành rộng rãi như lịch sử, nhân học, xã hội học, chính trị học…. Ví dụ, để làm rõ một số đối tượng nghiên cứu như trường hợp của GS Nguyễn Văn Huyên, GS Tôn Thất Tùng, GS Hồ Đắc Di, GS Trần Đức Thảo, GS Nguyễn Mạnh Tường,… trong thời điểm những năm 1950 của thế kỷ trước, cần phải đặt ra nhiều câu hỏi liên quan khác nhau. Họ đều là những đại trí thức, được đào tạo bởi nền giáo dục “Tây học” ở nước ngoài, hoặc ở trong nước, sau đó họ đều theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham gia kháng chiến? Vấn đề đặt ra là tại sao họ được nền giáo dục của Pháp đào tạo mà không phục vụ chính quyền Pháp mà lại chuyển sang làm Cách mạng? Tại sao một Trần Đức Thảo đang sống và nghiên cứu ở phương Tây với những điều kiện tối ưu lại có thể từ bỏ tất cả để về núi rừng Việt Bắc, ăn chẳng đủ ăn, hiểm nguy luôn thường trực? Tại sao những Nguyễn Văn Huyên, Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng lại phải trốn chạy những chiếc máy bay “bà già” dùng loa phóng thanh để kêu gọi họ về Thủ đô Hà Nội phục vụ cho người Pháp? Nhưng tất cả họ đều từ chối. Có nguyên nhân chính trị nào không? Hay ý thức dân tộc luôn tồn tại trong họ? Hay các yếu tố văn hóa truyền thống là tác nguyên nhân yếu? … Khi nghiên cứu về lịch sử cuộc đời của họ đều phải làm rõ các nguyên nhân chính trị, văn hóa chứ không đơn thuần diễn giải lại các sự kiện và đánh giá các sự kiện đó một cách chủ quan.

Trong khi nghiên cứu lịch sử cuộc đời các nhà khoa học phải luôn đặt ra những vấn đề mới, những câu hỏi mới và tìm cách giải quyết các vấn đề đó một cách có hệ thống. Điều quan trọng nhất khi nghiên cứu luôn phải tìm ra những ý tưởng mới khác biệt. Điều này thường được các nhà nghiên cứu phương tây coi trọng và đánh giá cao, còn ở nước ta thường hay sa đà vào các vấn đề cũ, làm theo các mô típ đã được vạch sẵn từ trước. Trở lại các nhà khoa học đã nói ở trên, chúng ta thường chưa quan tâm nghiên cứu, hoặc chưa nghiên cứu về cuộc đời của họ, các câu hỏi như vậy vẫn chưa được đặt ra. Hay như trường hợp của GS Tôn Thất Tùng, thông qua những cuốn sổ ghi chép năm 1950, 1951 chúng ta biết được ông đã sang thăm Triều Tiên và Trung Quốc trong những năm này. Câu hỏi đặt ra là tại sao ông lại được cử đi? Ai cử đi? Đi cùng với những ai? Tại sao lại đi cùng những người đó mà không phải những người khác? Ông đặt chân đến những nơi nào? Bối cảnh xã hội cụ thể vào thời điểm nơi ông đến ra sao? Những vấn đề gì ông quan tâm nhất khi đến những nơi này,… Hay trong cuốn sổ ghi chép khi đi Paris năm 1970, GS Tôn Thất Tùng có ghi lại cuộc trao đổi với ông Bửu Hội[1] về các vấn đề ảnh hưởng của chất độc da cam mà Mỹ dải trong chiến tranh Việt Nam. Thông qua sự kiện này cũng có thể đặt ra các câu hỏi cho nhiều thắc mắc: Tôn Thất Tùng quan tâm tới chất dioxin từ bao giờ? Xuất phát từ đâu? Ông có phải là người Việt Nam đầu tiên nghiên cứu về dioxin? Nghiên cứu như thế nào? Thu thập tài liệu, chứng cứ ra sao? Những ai trợ giúp và tham gia nghiên cứu cùng,…? Sau đó chúng ta cũng cần phải có cái nhìn so sánh theo độ dài lịch sử, những người đã nối tiếp những nghiên cứu về dioxin của Tôn Thất Tùng như thế nào? Chẳng hạn như GS Lê Cao Đài[2], ông là một học trò của GS Tôn Thất Tùng, mối quan hệ của ông với GS Tôn Thất Tùng ra sao? Những vấn đề ông đã trao đổi với GS Tôn Thất Tùng về dioxin như thế nào? Ông đã nghiên về dioxin ở miền Nam và đã đạt được những thành quả thế nào? Những kiến nghị của ông có tác động như thế nào đối với nhà cầm quyền Mỹ và Việt Nam,…? Từ đó có một cách nhìn nhận khá toàn diện và khách quan về lịch sử nghiên cứu ảnh hưởng của chất dioxin trong chiến tranh Việt Nam như thế nào? Bằng cách này, thông qua những con người cụ thể cũng có thể giới thiệu một cách sâu sắc và đầy đủ nhất lịch sử nghiên cứu một vấn đề cũng như các vấn đề về chiến tranh, chính trị, xã hội của một giai đoạn lịch sử dài.

Các nhà khoa học là một phần lịch sử của ngành mình, mỗi ngành khoa học là một phần của lịch sử khoa học, mỗi người là một phần của lịch sử dân tộc. Bằng cách tiếp cận và suy nghĩ mới mẻ như vậy sẽ có nhiều vấn đề gợi mở và làm rõ trong thời gian tới. Đó cũng là một cách tôn trọng lịch sử, trân trọng quá khứ mà Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã cố gắng hành động và phát huy.

 Nguyễn Thanh Hóa

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam

  

 Nguồn tham khảo:

1. Các biên bản tập huấn và thảo luận nhóm nghiên cứu về lịch sử cuộc đời nhà khoa học ở Trung tâm.

2. Sổ ghi chép đi Triều Tiên của GS Tôn Thất Tùng, năm 1951; Sổ ghi chép đi Trung Quốc của GS Tôn Thất Tùng, 1951 (những tư liệu này hiện lưu trữ tại Trung tâm).

3. Sổ ghi chép đi Pháp của GS Tôn Thất Tùng, năm 1970 những tư liệu này hiện lưu trữ tại Trung tâm).

4. Nhật ký của GS Nguyễn Tài Thu lưu tại Trung tâm.

5.cpd.vn/news/detail/tabid/77/newsid/519/Default.aspx

 


[1] Bửu Hội (1915-1972), là Giáo sư hóa học hữu cơ, Việt kiều ở Pháp.

[2] GS Lê Cao Đài – nguyên Viện trưởng Viện 211, chiến trường Tây Nguyên; nguyên Viện phó Viện Quân y 103.