Đầu năm 1960, vừa thi đỗ và học được hai tháng tại khoa Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, sinh viên Dương Phú Hiệp được cử đi học khoa Triết, trường Đại học Lômônôxốp, Liên Xô. Chưa biết Triết học là gì, nhưng nghe tin được đi học nước ngoài nên ông cảm thấy rất vui. Dương Phú Hiệp ra ngay hiệu sách bờ hồ Hoàn Kiếm tìm mua quyển "Từ điển Triết học", đọc được định nghĩa: Triết học là sự thông thái. Ông nghĩ, mình rất thích sự thông thái, thế là từ đấy ông có cảm tình và say mê với Triết học.
Năm 1964, chưa kịp bảo vệ khóa luận tốt nghiệp thì ông được gọi về nước và công tác ở Viện Triết học. Gần 16 năm gian khổ cùng các đồng nghiệp Viện Triết học, ông Dương Phú Hiệp vẫn gắn bó với chuyên ngành này. Quan điểm nghiên cứu của ông là luôn gắn lí luận với thực tiễn và có thái độ khách quan với tất cả các nền triết học. Đến năm 1979, ông sang Liên Xô làm luận án Phó Tiến sĩ với đề tài “Cái chung và cái riêng trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội” và bảo vệ thành công chỉ trong vòng hai năm.
Tuy sức khỏe giảm sút nhưng GS.TS Dương Phú Hiệp vẫn chưa để trí óc nghỉ ngơi
Về nước, ngoài công tác chuyên môn ở Viện Triết học, rồi Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, GS Dương Phú Hiệp còn tham gia ban tư vấn, giúp việc cho Tổng Bí thư Trường Chinh, soạn thảo Cương lĩnh của Đại hội VI, làm Tổng thư ký Hội đồng lí luận trung ương (1996-2001),… Năm 2004, ông nghỉ hưu nhưng vẫn tham gia nhiều hội thảo và các hoạt động của Hội đồng lí luận trung ương.
Trong buổi làm việc với nghiên cứu viên, mặc dù sức khỏe không tốt nhưng GS.TS Dương Phú Hiệp vẫn nhiệt tình giới thiệu những công trình đã xuất bản và loạt ảnh tư liệu trong quá trình học tập, công tác của ông. Thời gian tới, ông sẽ tiếp tục kể cho nghiên cứu viên Trung tâm những câu chuyên kỉ niệm trong sự nghiệp nghiên cứu và hoạt động khoa học của mình.
Ngô Văn Hiển