1. Dấu ấn một chặng đường
Ngày 9-9-2018, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế số 11, đường Lê Hồng Phong, quận Ba Đình, Hà Nội, Trung tâm và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam long trọng Kỷ niệm 10 năm thành lập và đón nhận Bằng khen từ Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân Tp. Hà Nội và Hội Di sản Văn hóa Việt Nam.
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam vinh dự đón nhận bằng khen từ các cấp, ngày 9-9-2018
Đây là sự kiện đặc biệt trong năm 2018, ghi nhận những thành công, đóng góp của Trung tâm và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam sau 10 năm miệt mài trên con đường sưu tầm, gìn giữ và phát huy giá trị di sản của các nhà khoa học. Hơn 600 nhà khoa học cùng gia đình đến tham dự và trực tiếp trao tặng tài liệu, hiện vật.
Thành công của lễ kỷ niệm là nguồn động viên quý giá, tiếp thêm sức mạnh cho Trung tâm và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam tiếp tục vững bước thực hiện sứ mệnh bảo tồn, phát huy giá trị di sản của các nhà khoa học nói riêng, của nền khoa học Việt Nam nói chung. Nằm trong chuỗi hoạt động trong ngày kỷ niệm, Triển lãm Di sản còn mãi với đời đã ra mắt giúp người xem hiểu rõ hơn về tính cấp thiết trong công tác sưu tầm, nghiên cứu và phát huy giá trị di sản của các nhà khoa học.
2. Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam – Điểm hẹn cho tương lai
Đồng hành cùng những hoạt động hiệu quả của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, Công viên Di sản tại Cao Phong Hòa Bình cũng đã gặt hái không ít thành công trong năm 2018. Với ưu thế về cảnh quan thiên nhiên cùng việc quy hoạch, thiết kế các hạng mục công trình độc đáo, lượng khách trong và ngoài nước đến tham quan Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam ngày càng tăng.
Nhà thơ Vương Trọng trong Ngày thơ HERITIST – 2018
tổ chức tại Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam, 3-2018
Bên cạnh việc giới thiệu và phát huy giá trị di sản các nhà khoa học qua Triển lãm Thẳm sâu trong từng kỷ vật, Trung tâm cùng Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã tổ chức thành công một số chương trình như: Ngày thơ HERITIST – 2018 với chủ đề Đại thi hào Nguyễn Du và kiệt tác Truyện Kiều; Tuần Thư pháp trong chương trình Công viên Di sản – Chào Hè 2018 và Công viên Di sản đã trở thành một địa chỉ thu hút được nhiều khách tham quan, một điểm hẹn cho những hoạt động văn hóa – khoa học, kết nối cộng đồng. Trong đó, phần đông khách tham quan là nhà khoa học, gia đình nhà khoa học, học trò, đồng nghiệp và đặc biệt nhất là lớp trẻ là sinh viên và học sinh các cấp.
3. Củng cố và mở rộng địa bàn tại Tp. Hồ Chí Minh
Tháng 5-2018, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam có chuyến công tác lần thứ 6 tại Tp. Hồ Chí Minh và thu được kết quả tốt trong công tác sưu tầm tài liệu, đồng thời tiến hành nghiên cứu sưu tầm một số nhà khoa học thuộc chuyên ngành Dân tộc học.
GS.TS.NGND Nguyễn Ngọc Giao phát biểu trong lễ tiếp nhận tài liệu tại Tp. Hồ Chí Minh, 5-2018
Cũng trong chuyến công tác này, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã tổ chức thành công lễ tiếp nhận hơn 1500 tài liệu, hiện vật của GS.TS. NGND Nguyễn Ngọc Giao. Đây là lễ tiếp nhận tài liệu lần thứ hai do Trung tâm thực hiện tại thành phố mang tên Bác.
4. Định hướng Chiến lược phát triển đến 2030
Từ những thành công và những hạn chế trong chặng đường 10 năm, tháng 10-2018, dưới sự chủ trì của GS.TS Nguyễn Anh Trí, PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Trung tâm và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã tổ chức họp bàn, thông qua định hướng Chiến lược phát triển của Trung tâm và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam đến năm 2030 với giá trị cốt lõi xoay quanh “Di sản của các nhà khoa học”.
Mọi hoạt động của Trung tâm và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam
đều xoay quanh giá trị cốt lõi “Di sản của các nhà khoa học” – GS.TS Nguyễn Anh Trí khẳng định
Theo đó, song song với việc mở rộng nghiên cứu sưu tầm các nhà khoa học, Trung tâm và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam trong chặng đường 10 năm tới tập trung thực hiện mục tiêu xây dựng một tổ hợp, gồm: Bảo tàng, Trung tâm lưu trữ và Thư viện về các nhà khoa học Việt Nam.
5. Hợp tác đầu tiên giữa Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam
Đại diện hai đơn vị hợp tác cắt băng khai mạc triển lãm "Cháy mãi những đam mê"
tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, 10-2018
Triển lãm Cháy mãi với đam mê, được tổ chức thành công vào tháng 10-2018 là sự hợp tác đầu tiên giữa Trung tâm Di sản và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Với thông điệp: “Khoa học chính là cuộc sống”, triển lãm đã truyền ngọn lửa đam mê, hành trình sáng tạo và những ước mơ cháy bỏng của các nhà khoa học nữ đến các thế hệ trẻ. Được trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, triển lãm đã thu hút hàng nghìn khách tham quan và để lại nhiều ấn tượng cho người xem.
6. Huế – Điểm đến mới của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam
Giám đốc điều hành, Th.S Trần Bích Hạnh trong buổi làm việc với PGS.TS Đỗ Bang
tại Thừa Thiên Huế, ngày 7-11-2018
Tiếp sau những hoạt động nghiên cứu, sưu tầm tài liệu các nhà khoa học tại Hà Nội, Tp. Hồ chí Minh đến tháng 11-2018, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã tiếp cận với một số nhà khoa học đang sinh sống tại Huế và bước đầu đặt vấn đề hợp tác với Đại học Huế, Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên – Huế… trong việc nghiên cứu lịch sử cuộc đời các nhà khoa học. Sự kiện này đã mở thêm địa bàn hoạt động mới trong công tác nghiên cứu sưu tầm của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam ở miền Trung.
7. Thương hiệu mới – MEDDOM chính thức đi vào hoạt động
Tháng 11-2018, nhằm tăng tính nhận diện thương hiệu trong hệ thống chung của MEDLATEC Group, Ban Tổng Giám đốc đã quyết định thay đổi logo và tên viết tắt của Trung tâm và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam thành MEDDOM.
Logo mới của Trung tâm và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam
Mang ý nghĩa là một địa chỉ lưu giữ những di sản ký ức, kỷ vật về văn hóa – khoa học và thông qua hoạt động phát huy giá trị di sản nhằm giáo dục, định hướng học tập, làm việc và cống hiến cho các thế hệ mai sau – cùng mô hình hoạt động đặc biệt gắn với chiến lược phát triển mới – MEDDOM – sẽ ngày càng khẳng định được vị thế và chỗ đứng của mình trong cộng đồng và xã hội.
Đây là sự kiện quan trọng trong tiến trình phát triển đi lên của MEDDOM, cũng như thể hiện rõ định hướng, khẳng định những giá trị cốt lõi mà Ban Giám đốc cùng toàn thể cán bộ MEDDOM luôn theo đuổi.
8. Triển vọng mới trong hoạt động phát huy giá trị di sản các nhà khoa học
Nhiều đề xuất, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục
kỹ năng sống cho học sinh đã được đưa ra trong hội thảo
Tháng 12-2018, Trung tâm và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam hợp tác với Học viện Quản lý Giáo dục tổ chức thành công Hội thảo “Phát huy di sản các nhà khoa học Việt Nam trong việc giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống và hoạt động trải nghiệm cho học sinh”. Hội thảo mở ra triển vọng trong hoạt động phát huy giá trị di sản các nhà khoa học, góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục thế hệ trẻ trong nhà trường.
9. Vượt mốc nhà khoa học thứ 1600
PGS.TSKH Đỗ Trung Đàm trao tặng tài liệu tại Trụ sở Trung tâm Di sản các nhà khoa học
Việt Nam, số 561 Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, Hà Nội, 12-2018
Niềm tin, sự ủng hộ của các nhà khoa học đối với Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam ngày càng được củng cố và lan tỏa. Năm 2018, nhiều nhà khoa học và gia đình đã liên hệ và trực tiếp mang tài liệu đến trao tặng cho Trung tâm. Đến tháng 12-2018, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã tiếp cận, đặt vấn đề nghiên cứu, sưu tầm và thiết lập phông lưu trữ cho hơn 1600 nhà khoa học thuộc nhiều chuyên ngành khoa học khác nhau. PGS.TS Hoàng Phó Uyên – là nhà khoa học thứ 1600 được thiết lập phông lưu trữ tại Trung tâm.
10. Trụ sở làm việc mới
Cùng với sự lớn mạnh không ngừng của MEDLATEC GROUP, tháng 12-2018, trụ sở của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam chuyển sang địa chỉ mới: 561 Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, Hà Nội, với không gian làm việc rộng lớn, thuận lợi hơn cho mọi mặt hoạt động của Trung tâm, phù hợp với bước chuyển của MEDDOM trong tương lai.
Với định hướng đúng đắn của Ban Lãnh đạo cùng sự đồng lòng, niềm đam mê và trách nhiệm trong công việc của tập thể nhân viên Trung tâm và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam, chính là nguồn cội cho thành công của MEDDOM trong chặng đường tương lai.
Ban Truyền thông
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam