“Mình đến với cây ngô như người ta lấy vợ”

Tình cờ gặp, vô tình yêu

Sau khi tốt nghiệp Học viện Nông Lâm (1961), ông Trần Hồng Uy được phân công làm Phó phòng Cây lương thực, Ty Nông nghiệp Hà Bắc, tham gia chỉ đạo sản xuất nông nghiệp. Một năm sau, ông đảm nhiệm chức vụ Hiệu phó Trường Trung cấp Nông nghiệp Hà Bắc. Năm 1968, ông được cử sang Rumani làm nghiên cứu sinh. Ban đầu, ông dự định nghiên cứu về cây lạc nhưng sang đến nơi mới biết thời điểm đó trường chưa có người hướng dẫn vấn đề này. May mắn, lúc này thầy hướng dẫn đã cho ông lời khuyên: Không nghiên cứu cây lạc thì làm cây ngô. Nghe nói Việt Nam trồng nhiều ngô lắm phải không?[1]. Vậy là từ đó, ông Trần Hồng Uy bén duyên với cây ngô.

Đầu năm 1972, ông Trần Hồng Uy bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ “Nghiên cứu khả năng kết hợp của một số dòng ngô”. Trở về Việt Nam, Ủy ban Nông nghiệp Trung ương[2] phân công ông về Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm làm việc. Con trai GS Trần Hồng Uy – ThS Trần Hồng Phong chia sẻ: Tôi được nghe bố kể chuyện: Năm 1973, một hôm ông tranh luận gay gắt với một đồng nghiệp về việc Việt Nam có thể phát triển ngô lai không. Vị đồng nghiệp kia cho rằng các chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam giúp đỡ nghiên cứu đều không thành công thì khó lòng phát triển được ngô lai. Nhưng bố tôi vẫn có niềm tin và khẳng định làm được[3].

Buổi tối hôm sau, ông Lương Định Của – Viện trưởng Viện Cây Lương thực và Cây thực phẩm gọi ông Trần Hồng Uy lên gặp riêng. Ông cứ ngỡ rằng mình sẽ bị quở trách bởi cuộc tranh luận trước đó. Tuy nhiên, trên bàn nước phòng Viện trưởng đã có sẵn chai rượu và đĩa lạc rang, ông được dịp “mở lòng” với thủ trưởng. ThS Trần Hồng Phong chia sẻ: GS Lương Định Của khuyên bố tôi: Dù chú tranh luận một ngày, một tuần, một tháng hay một năm cũng không có kết luận cuối cùng được. Chú có hai lựa chọn: Một, đến Trại Nghiên cứu ngô Sông Bôi ở Hòa Bình làm việc để chứng minh mình đúng; Hai, tiếp tục ở Hải Dương với công việc chuyên môn khác[4]. Sau bốn ngày về thăm gia đình ở Bắc Giang và suy nghĩ, dù biết điều kiện ở Hòa Bình vô cùng khó khăn, ông Trần Hồng Uy vẫn quyết định lên đó để được tiếp tục gắn bó với cây ngô.

Với hành trang là một chiếc ba lô, ông Trần Hồng Uy tự đạp xe từ Viện lên Trại Nghiên cứu ngô Sông Bôi nhận công tác. Ông từng kể với con trai: Bố cũng hình dung hoàn cảnh ở Sông Bôi sẽ rất khó khăn nhưng thực tế thì còn khó hơn cả tưởng tượng[5]. Trong một lần trả lời phỏng vấn nhà báo Quang Hoan, PTS Hồng Uy cho biết: Lần đầu tiên tới Trại Nghiên cứu ngô Sông Bôi, mưa như trút suốt đêm. Mấy gian nhà tranh vách đất không ngăn nổi cơn mưa. Mọi người ngồi bó gối trên giường, mặc cho nước mưa xối vào chăn màn, đồ đạc, quần áo. Cả đêm ấy và suốt cả tuần sau đó, trong đầu tôi chỉ một câu hỏi: Trụ hay về? Rồi tự trả lời: Trụ![6] Quả thực, ông đã không bỏ cuộc! Như lời một học trò, cộng sự thân thiết của ông – TS Mai Xuân Triệu chia sẻ: Tại một cơ sở heo hút như Sông Bôi, thầy áp dụng quan điểm lấy ngắn nuôi dài, vận động anh em trồng dưa, đậu cove… để bán. Nhờ vậy có thêm kinh phí nhằm nâng cao đời sống cho cán bộ và một phần để triển khai các đề tài khoa học về chọn tạo ngô[7].

Thủy chung với cây ngô

Dù điều kiện vô cùng khó khăn, PTS Trần Hồng Uy vẫn kiên định rằng Việt Nam có thể phát triển ngô lai. Quá trình nghiên cứu, chọn tạo ngô lai của ông và các cộng sự có thể chia thành 3 giai đoạn. Mở đầu là cuộc họp của Chính phủ với Ủy ban Nông nghiệp Trung ương tại Phú Thượng, Hà Nội (1973), có sự tham gia của nhiều nhà khoa học tên tuổi như Lương Định Của, Bùi Huy Đáp… Thủ tướng Phạm Văn Đồng hỏi các nhà nông học: Bao giờ Việt Nam có giống ngô của mình. Ông Trần Hồng Uy trả lời: Thưa Thủ tướng, theo kinh nghiệm của các nước, từ khi bắt đầu nghiên cứu đến khi tạo ra giống phải mất ít nhất bảy năm; trong điều kiện nước ta, chúng tôi hứa cố gắng sau bốn năm sẽ có giống ngô Việt Nam[8]. Năm 1977, sau bốn năm nghiên cứu, ông và các cộng sự đã tạo ra giống ngô thụ phấn tự do TH2A, kế tiếp là TH2B rồi VM1. Lời hứa về “giống ngô Việt Nam” đã thành hiện thực. Những giống ngô này làm cơ sở nguồn gen cho chương trình ngô lai. Trước đó, năm 1975, khi được giao nhiệm vụ làm Chủ nhiệm Chương trình Nghiên cứu và Phát triển ngô Việt Nam, ông đã cùng các cộng sự tiến hành thu thập nguồn gen quý trong nước và nhập nội nhằm xây dựng quỹ gen ngô của Việt Nam.

 GS Trần Hồng Uy (đeo kính) cùng các đồng nghiệp thăm cánh đồng thử nghiệm giống ngô lai LVN-10 do ông chủ trì chọn tạo, tháng 5-1996

Giai đoạn thứ hai bắt đầu từ năm 1983, PTS Trần Hồng Uy muốn để nông dân làm quen dần với việc canh tác ngô lai, nên ông định hướng nhóm nghiên cứu cần chọn tạo giống ngô lai không quy ước[9] trước, rồi dần chuyển sang ngô lai quy ước[10]. Ngô lai không quy ước có năng suất cao hơn ngô thụ phấn tự do, mà kỹ thuật canh tác không phức tạp như ngô lai quy ước. Đây là một bước chuyển biến quan trọng.Trong khoảng 4 năm (1990-1994), nhóm đã chọn tạo thành công 5 giống ngô lai không quy ước: LS3, LS5, LS6, LS7, LS8.

Đầu những năm 90, nhóm tiến hành nghiên cứu, chọn tạo các giống ngô lai quy ước mở đầu cho giai đoạn ba. Theo thời gian, hàng loạt giống ngô lai quy ước ra đời, như LVN-4, LVN-5, LVN-10, LVN-12, LVN-23… rồi qua thực tế được công nhận là Giống ngô quốc gia và đưa vào thực tiễn sản xuất. Lúc này, giống ngô lai của Việt Nam đã có sức cạnh tranh với giống ngô lai của một số công ty nước ngoài, mỗi năm đem lại hàng trăm tỷ đồng do tăng năng suất.

Trong quá trình triển khai Chương trình Nghiên cứu và Phát triển ngô Việt Nam, bên cạnh việc chọn tạo các giống ngô, ông Trần Hồng Uy luôn dành sự quan tâm nhất định cho việc tuyên truyền, quảng bá rộng rãi kết quả nghiên cứu của nhóm tới người nông dân. Đúng như lời nhận xét của TS Mai Xuân Triệu: Thầy không chỉ làm giỏi mà còn nói hay. Thầy tham gia mọi khâu trong quy trình chọn tạo ngô, từ khâu chọn ngô bố mẹ đến lai, xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác… Rồi thầy còn thuyết phục người dân chấp nhận thử nghiệm giống ngô mới của mình. Nếu chỉ chọn tạo giống mà không triển khai nó trong thực tế thì vô nghĩa[11]. 

 GS Trần Hồng Uy (đeo kính) trong một chuyến đi thực tế

(Ảnh: TS Bùi Mạnh Cường, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ngô)

Nhằm mở rộng diện tích trồng ngô, PTS Trần Hồng Uy đã nghiên cứu thành công công nghệ trồng ngô lai bằng bầu trên nền đất ướt, mở ra vụ ngô đông ở vùng trung du Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Đó là câu chuyện vào cuối những năm 80. Thuở đó, lương thực thiếu hụt trầm trọng, người nông dân vẫn giữ thói quen canh tác hai vụ lúa là đông xuân và hè thu nên có một khoảng thời gian trước Tết Nguyên đán, đất ruộng bị bỏ hoang. Những người nông dân ở Hợp tác xã Hợp Thịnh (Vĩnh Phúc) đã có ý tưởng táo bạo: Sau hai vụ lúa sẽ trồng ngô đông bằng bầu trên nền đất ướt. Tuy nhiên, việc này không hề dễ dàng, bởi cây ngô sống trên đất khô, không thể sinh trưởng trong đất có bùn nước. Ông Uy và các cộng sự ở Viện Nghiên cứu Ngô biết tin đã lên Vĩnh Phúc tìm hiểu, cùng làm với người dân. Ông huy động mọi người lấy bùn dưới ao mang về nhà để gieo ngô trên sân giống như cách vẫn dùng với mạ. Trước khi gặt lúa khoảng 20 ngày thì gieo ngô trên sân. Được khoảng hơn một tháng, cây ngô con ra lá có thể mang ra trồng ở ruộng. Tuy nhiên, khi đặt bầu ngô xuống nền đất ướt được khoảng một tuần, thân cây chuyển sang mầu huyết dụ, bộ rễ bị thối. Ông tìm hiểu và phát hiện ra phân lân (P2O5) đóng vai trò quan trọng, giúp cây phục hồi màu xanh, bộ rễ phát triển bình thường trong điều kiện đất ướt. Việc canh tác, bón phân, làm cỏ cũng hoàn toàn khác với khi trồng ngô thông thường. Làm cỏ cho ngô bầu, không sử dụng cuốc rẫy cỏ để tránh đứt rễ mà bốc bùn dưới rãnh đắp trùm lên cỏ, rắc phân lân, đạm để rễ ngô hồi phục. Cứ thế, nhóm vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Sau bảy năm, ông Trần Hồng Uy cùng các cộng sự hoàn thành công nghệ trồng ngô bầu trên nền đất ướt, ngô đạt năng suất 5-7 tấn/ha. Năm 1989, diện tích ngô đông trồng bầu đã lên tới 127 nghìn ha, đem lại sản lượng 150 – 200 nghìn tấn/năm, góp phần giải quyết nạn thiếu lương thực thời kỳ giáp hạt. Công nghệ này đã được Trung tâm Cải tiến lúa mì và ngô quốc tế (CYMMYT) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) phổ biến, tập huấn cho một số nước trên thế giới như Ấn Độ, Thái Lan…  

 GS.TSKH Trần Hồng Uy (ngoài cùng bên phải) và Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn thăm mô hình ngô lai tại huyện Phúc Thọ, Hà Tây cũ,

khoảng 2000-2002 (Ảnh: Nhà báo Quang Hưng)

Việc nghiên cứu, phát triển ngô lai của GS Trần Hồng Uy và các cộng sự mang lại hiệu quả khá tốt. Theo đánh giá của TS Lê Hưng Quốc: Khoảng những năm 80, diện tích ngô ở Việt Nam là 400.000 ha, năng suất 1 tấn/ha, sản lượng 400.000 tấn. Sau hơn 20 năm, công trình có đóng góp to lớn: tăng diện tích trồng lên hơn 700.000 ha, năng suất đạt 2,68 tấn/ha, sản lượng gần 2 triệu tấn. Điều này góp phần đảm bảo an toàn lương thực, phát triển chăn nuôi, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo[12]. Một lần, ThS Phong từng nghe bố kể về câu chuyện vui – có một cán bộ (không nhớ ở Điện Biên hay Sơn La) đã nói đùa với ông Hồng Uy rằng: Có khi phải đưa anh ra truy tố. Bởi bà con trên này có thói quen thu hoạch ngô thì buộc túm lại và treo lên bếp để tránh mối mọt. Ngô do anh lai tạo năng suất cao quá, bắp rất nặng, khi treo lên dẫn tới sập cả nhà, có người suýt mất mạng[13].

Với những đóng góp quan trọng, hiệu quả đó, năm 2000, công trình “Nghiên cứu tạo giống ngô lai ở Việt Nam” của GS Trần Hồng Uy được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Được tôn vinh, song ông khiêm tốn bộc bạch: Tôi chỉ là người thay mặt cho tập thể các nhà khoa học, thay mặt cho hàng triệu người nông dân vô cùng sáng tạo, để được vinh dự nhận Giải thưởng lớn lao này. Tôi chỉ là hình ảnh của họ và không có quyền nhận riêng về mình[14]. Và rồi, ông vẫn tiếp tục gắn bó với cây ngô, đồng ruộng và người nông dân. Khi đã nghỉ công tác ở Viện Nghiên cứu Ngô (khoảng 2010), ông nhận lời làm cố vấn cho Công ty Cổ phần giống Trung ương. Đã ở độ tuổi trên 70,  GS Trần Hồng Uy vẫn say sưa với nghề, tiếp tục truyền cảm hứng, tình yêu với cây ngô đến đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học kế cận. Thật là một “tình yêu” hiếm có.

Lợi Lê

___________________________

* GS.TSKH Trần Hồng Uy, chuyên ngành Nông nghiệp, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ngô.

** Nhà báo Quang Hoan, bài “Chuyện “Vua Ngô””, báo Nhân dân, tháng 1-2001, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

      [1] Nhà báo Quang Hoan, bài “Chuyện “Vua Ngô””, báo Nhân dân, đã dẫn.

[2] Tên gọi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong giai đoạn 1971-1976.

[3] Tài liệu ghi âm ThS Trần Hồng Phong – con trai GS.TSKH Trần Hồng Uy, 22-4-2021, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[4] Tài liệu ghi âm ThS Trần Hồng Phong – con trai GS.TSKH Trần Hồng Uy, 22-4-2021, đã dẫn.

[5] Tài liệu ghi âm ThS Trần Hồng Phong – con trai GS.TSKH Trần Hồng Uy, 22-4-2021, đã dẫn.

[6] Nhà báo Quang Hoan, bài “Chuyện “Vua Ngô””, báo Nhân dân, đã dẫn.

[7] Tài liệu ghi âm TS Mai Xuân Triệu, 25-3-2022, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[8] Tài liệu ghi âm ThS Trần Hồng Phong – con trai GS.TSKH Trần Hồng Uy, 22-4-2021, đã dẫn.

[9] Là giống ngô lai được tạo ta bằng cách lai ngô dòng thuần và ngô lai.

[10] Là giống ngô lai được tạo ra bằng cách lai các loại ngô dòng thuần với nhau.

[11] Tài liệu ghi âm TS Mai Xuân Triệu, 25-3-2022, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[12] Trích Bản nhận xét của TS Lê Hưng Quốc về Công trình "Nghiên cứu tạo giống ngô lai ở Việt Nam" của GS.TSKH Trần Hồng Uy được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, ngày 10-3-2000, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[13] Tài liệu ghi âm ThS Trần Hồng Phong – con trai GS.TSKH Trần Hồng Uy, 22-4-2021, đã dẫn.

[14] Nhà báo Quang Hưng, bài “GS Trần Hồng Uy và lời hứa với thủ tướng Phạm Văn Đồng”, báo Bắc Giang, 12-2-2018.