Bối cảnh ra đời
Vào những năm 90 ở Việt Nam bắt đầu tiến hành đổi mới về giáo dục, trong bối cảnh đất nước bước vào đổi mới về kinh tế, với xu thế mở rộng các loại hình đào tạo nhằm tăng cường tiếp cận kiến thức tiên tiến một cách thường xuyên. Chính vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương xây dựng hệ đào tạo mở để đáp ứng nhu cầu học tập của nhiều tầng lớp nhân dân. Năm 1992, khi đang là Chủ nhiệm Khoa Kinh tế của trường Đại học Bách khoa Hà Nội, PGS Nguyễn Kim Truy được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Hồng Quân giao nhiệm vụ làm Viện trưởng Viện đào tạo mở rộng I do ông Trần Đình Tân làm Viện trưởng trước đó, GS Truy chia sẻ: Tháng 6 năm 1992 tôi nhận nhiệm vụ làm Viện trưởng Viện đào tạo mở rộng I với sự ngỡ ngàng… nhưng thời của chúng tôi khi đó, nhà nước giao cho nhiệm vụ nào thì mục tiêu đặt ra phải quyết tâm để thực hiện nhiệm vụ đó. Trước đó, để có kinh nghiệm xây dựng các trường đại học mở tại Việt Nam, từ năm 1991 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho tuyển sinh và đào tạo thí điểm theo phương thức đại học mở tại Viện đào tạo mở rộng I Hà Nội và Viện đào tạo mở rộng II ở thành phố Hồ Chí Minh. Qua thực tế, hoạt động của mô hình này có hiệu quả nên Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị thành lập Viện đại học mở Hà Nội mà tiền thân là Viện đào tạo mở rộng I (hoạt động theo cơ chế trường công lập) và Viện đại học mở thành phố Hồ Chí Minh, mà tiền thân là Viện đào tạo mở rộng II (theo cơ chế bán công). Kiến nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã được Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh phê duyệt ngày 3-11-1993. Thực chất trước những năm 90 đã có mô hình đào tạo mở rộng ở các trường đại học ở nước ta như trường Đại học Tổng hợp, Bách khoa nhưng hệ đào tạo này hoạt động không hiệu quả. Do vậy năm 1992 Bộ Đại học quyết định khép lại hệ đào tạo này trong các trường đại học và mở Viện đào tạo mở rộng.
Thực hiện giá trị nhân văn
Với vai trò Viện trưởng, GS Nguyễn Kim Truy bắt tay vào công tác tìm hiểu, nghiên cứu về mô hình đào tạo này ở các nước trên thế giới như trường đại học mở ở London, Anh, nơi có lịch sử 20 năm ra đời và phát triển, rồi trường đại học mở Sukhothai, Thái Lan. Mô hình trường đại học mở các nước này rất phát triển và được nhà nước đầu tư rất lớn, vì phải áp dụng công nghệ hiện đại để thực hiện trong đào tạo, nhất là hình thức đào tạo từ xa. Sau chuyến đi nghiên cứu thực tế đó ông nhận thấy rằng mô hình đào tạo mở có triết lý rất nhân văn là mở cơ hội học tập cho nhiều người. Đồng thời cũng rất phù hợp với chủ trương đổi mới giáo dục của nhà nước ta lúc bấy giờ là đa dạng hóa loại hình đào tạo. Bên cạnh hệ đào tạo chính quy thì sẽ có hệ vừa học vừa làm, hệ đào tạo từ xa, để tạo điều kiện cho nhiều tầng lớp nhân dân học tập phù hợp với hoàn cảnh của mình. Càng nghiên cứu về mô hình đào tạo này ông càng thấy say mê. Ông theo đuổi nó không chỉ bằng lý trí mà cả bằng tình cảm. Ông rất thấu hiểu, trước kia thế hệ của các ông tự học là chính, ông cũng đã từng sống với những anh em công nhân, với những người thanh niên xung phong rất muốn học mà không có điều kiện học cho nên lúc đó ông cùng với cán bộ của Viện quyết tâm thực hiện mô hình đào tạo này để đem đến cơ hội học tập cho những người có nhu cầu học.
GS Nguyễn Kim Truy chia sẻ những kỷ niệm về những ngày đầu thành lập Viện đại học mở Hà Nội
Điểm khác biệt của Viện đại học mở Hà Nội là mở về đối tượng, mở về địa bàn hoạt động, mở về công nghệ đào tạo, phương thức đào tạo và đặc biệt chú trọng đến phương thức đào tạo từ xa với ứng dụng các công nghệ hỗ trợ như băng tiếng, băng hình, đĩa tiếng, đĩa hình phối hợp với đài phát thanh, đài truyền hình vào giảng dạy. Năm 1993 – năm đầu tiên tuyển sinh, Viện tuyển hơn 100 sinh viên hệ đào tạo trực tiếp với 4 Khoa: Kinh tế, Kế toán, Tiếng Anh và Tạo dáng công nghiệp. Sau 2 năm thành lập, ngày 8-4-1995, Viện đại học mở Hà Nội khai giảng lớp từ xa đầu tiên. Trong bối cảnh Viện mới thành lập điều kiện còn khó khăn, thiếu các trang thiết bị phục vụ cho công tác đào tạo từ xa, nên Viện đã có sáng kiến phối hợp với Đài tiếng nói Việt Nam, thông qua sóng phát thanh đưa những bài giảng lên sóng tiếng. GS Nguyễn Kim Truy cho biết: Công nghệ đào tạo được áp dụng ở đây là các ấn phẩm có sự hỗ trợ của truyền thanh, băng tiếng, băng hình… ngoài ra học viên được nghe các giảng viên hướng dẫn học trên chương trình giáo dục từ xa của Đài tiếng nói Việt Nam mỗi ngày 3 lần trên làn sóng hệ. Trên cơ sở điều tra xã hội học về nhu cầu học tập, chúng tôi lựa chọn ngành đào tạo đầu tiên thông qua sóng Đài tiếng nói Việt Nam là ngành Quản trị kinh doanh – ngành mà hiện nay xã hội có nhu cầu rất lớn. Tới lễ khai giảng, có nhà báo Phan Quang – Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Hồng Quân. GS Kim Truy còn nhớ: Tại buổi lễ có một học viên nữ đứng lên chia sẻ rất xúc động: tuổi trẻ cô tham gia thanh niên xung phong, đến khi hết chiến tranh trở về thì đã qua tuổi thanh xuân, mặc dù cô rất muốn được đi học mà chưa có cơ hội, nay có mô hình đào tạo từ xa thông qua Đài tiếng nói Việt Nam cô rất vui mừng vì có thể thực hiện được ước mơ học tập của mình. Lớp đào tạo từ xa khóa đầu tiên này đã thu hút 500 học viên, trong số đó, có một học viên khá đặc biệt là em Lê Tự Lập- một học viên khiếm thị rất ham học, GS Truy kể: Em Lê Tự Lập đã tốt nghiệp Khoa Quản trị kinh doanh khóa I của hệ đào tạo từ xa đầu tiên của Viện, và được Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển trao bằng trong lễ tốt nghiệp. Sau khi tốt nghiệp em về làm Chủ tịch hội người mù của huyện Thanh Trì và có xưởng làm thủ công…
Trong quá trình đào tạo, Viện còn chú trọng đến việc biên soạn giáo trình, GS Truy chia sẻ: Để viết giáo trình cho người tự học đòi hỏi người thầy phải là nhà sư phạm giỏi, có kinh nghiệm, trình bày cô đọng, có tính hấp dẫn và phải có tình huống để cho thầy trò như đối thoại ngầm với nhau. Đáp ứng theo các loại hình đào tạo, nhà trường còn biên soạn những chương trình qua băng, đĩa tiếng và hình, sau này khi công nghệ Internet phát triển là những chương trình đào tạo qua mạng. Mặc dù vậy, đào tạo từ xa vẫn cần phải có thầy hướng dẫn môn học, nên Viện đã liên kết với các Trung tâm Giáo dục thường xuyên ở các tỉnh và lấy đó làm các trạm đào tạo. Còn nhớ những ngày đầu thành lập Viện gặp nhiều khó khăn về nguồn kinh phí, nhưng rất may khi đó Viện đã nhận được sự giúp đỡ của một công ty Nhật Bản, rồi Đại sứ quán Australia, từ đó Viện có kinh phí để xây dựng các phòng Studio hỗ trợ việc đào tạo. Các vị lãnh đạo như Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng rất quan tâm, động viên cán bộ, giảng viên của Viện với những lời căn dặn phải đặt chất lượng giáo dục lên hàng đầu. Đồng thời, Viện đã mở rộng hợp tác quốc tế, như tham gia Hiệp hội các trường đại học mở châu Á, Đông Nam Á. Hơn 20 năm hình thành và phát triển, Viện đại học mở Hà Nội đã trở thành địa chỉ đào tạo tin cậy, nơi thực hiện ước mơ học tập của nhiều tầng lớp nhân dân.
Giang Thị Nhung