Mọi điều đều đáng giá!
Tháng 9/2008, khi những thành viên của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam bắt tay vào triển khai hoạt động của mình, tất cả đều bắt đầu từ con số không. Con số không về nhận thức của xã hội và bản thân các nhà khoa học với những di sản của mình. Con số không về kinh nghiệm trong lĩnh vực “mới tinh tươm” này. Và con số không cả về nguồn nhân lực hỗ trợ cho công tác sưu tầm, bảo tồn di sản của các nhà khoa học.
Lễ tiếp nhận hiện vật của GS.TS. NGND Nguyễn Văn Chiến.
“Việc sưu tầm, bảo tồn di sản của các nhà khoa học là hoàn toàn mới, chúng tôi đã phải khai mở dần từng bước, khai mở cả quá trình nhận thức của xã hội, cũng như những phần việc của Trung tâm, từ vấn đề phương pháp, đào tạo nguồn nhân lực hỗ trợ công tác bảo tồn, sưu tầm di sản các nhà khoa học. Chính bởi vậy, chặng đường 5 năm nay, dù là một chặng đường ngắn, nhưng lại mang một ý nghĩa xã hội, đặc biệt với lịch sử ngành khoa học Việt Nam”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Trung tâm chia sẻ.
Lâu nay chúng ta nói với lịch sử chung chung, mà không có địa chỉ cụ thể, con người cụ thể. Chúng tôi khuyến khích làm bảo tàng theo hướng cá nhân kể chuyện, lịch sử có địa chỉ, lịch sử thông qua những cá nhân – PGS.TS Nguyễn Văn Huy
Quả thực con đường đã rất “dài”, bởi ở thời điểm cách đây 5 năm ấy, hoạt động bảo tồn di sản của xã hội đã có một “bề dày” nhất định, nhưng người ta chỉ chú tâm đến di sản truyền thống, lịch sử, văn hoá… còn di sản của các nhà khoa học thì ngay đến… nhận thức về vấn đề này cũng còn chưa hình thành. “Lúc đó, chưa ai thấy được tầm quan trọng của di sản các nhà khoa học, cũng không ai biết được di sản của các nhà khoa học là gì? Có người nghĩ, di sản của các nhà khoa học đơn giản là những tác phẩm, công trình của họ đã được in ra thành sách, được xuất bản”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho biết.
Chiếc máy ảnh của GS Thái Văn Trừng
Và bởi thế, như PGS.TS Nguyễn Văn Huy đã khẳng định ở trên, con đường của họ – những nhà khoa học, nghiên cứu, sưu tầm của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam là đi “từ không đến có”, “từ ít đến nhiều”, thậm chí từ hiểu sai đến hiểu đúng. Lại nói sâu hơn về cái hiểu đúng này, bởi thật ra, nếu không được đích thân PGS.TS Nguyễn Văn Huy giải thích cặn kẽ, thì cũng chưa chắc nhiều người đã hiểu đúng rằng, di sản của các nhà khoa học là gì.
“Đừng chỉ nghĩ rằng những tác phẩm được in ra của các nhà khoa học mới là di sản của họ. Tất nhiên, những tác phẩm in ra là sản phẩm khoa học, là di sản của các nhà khoa học, nhưng không phải là tất cả, mà là di sản cuối cùng. Di sản quan trọng của các nhà khoa học là những tài liệu liên quan đến hoạt động, cuộc đời của các nhà khoa học. Đó là những bản thảo của các công trình nghiên cứu, từ bản nháp đầu tiên, đến thứ hai, thứ ba, rồi đến bản in… Vì sao đó là di sản, thậm chí là di sản vô cùng quan trọng, bởi lẽ nghiên cứu những bản nháp đó sẽ phát hiện ra quá trình tìm kiếm, sự thay đổi những nhận thức của các nhà khoa học, kể cả những nhận thức mới, những nhận thức thêm…
Cũng như thấy được quá trình nhận thức của nhà khoa học thông qua những sửa chữa trên bản thảo, ví như có chữ viết xong rồi sửa, có chữ sửa xong rồi lại quyết định lấy lại… Có chỗ viết bằng bút xanh, có chỗ sửa bằng bút đỏ, bút chì… Những di sản này, bản thân các nhà khoa học lâu nay không quan tâm, mọi người cũng từng không quan tâm, nhưng chúng tôi lại thấy quan trọng, bởi qua những bản nháp này, chúng ta có thể hiểu được tại sao nhà khoa học trên bản nháp thì có quan điểm như vậy, nhưng khi tác phẩm công bố ra thì quan điểm lại khác, đó là quan điểm đã bị sửa chữa, tác động từ bên ngoài… Đó chính là di sản”, PGS.TS NguyễnVăn Huy chia sẻ.
Máy chữ của GS. BS Vũ Công Hòe
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, di sản của các nhà khoa học cũng có thể là những cuốn sổ tay ghi chép cá nhân của những nhà khoa học. Một nhà khoa học, trong hành trình lịch sử 40 – 50 năm hoạt động của mình, họ có rất nhiều những cuốn sổ ghi chép, ở những thời điểm khác nhau. “Những cuốn sổ tay này đôi khi riêng lẻ, thậm chí lẻ tẻ, với những ghi chép nếu đọc tách riêng thì đôi khi thấy chưa có nghĩa, nhưng khi đưa vào hệ thống, sẽ phát hiện những giá trị lịch sử, văn hoá, những vấn đề về việc các nhà khoa học đã thảo luận về sự kiện ấy, thậm chí có những sự kiện thảo luận không được công bố… Qua đó, giúp chúng ta hiểu được suy nghĩ của các nhà khoa học, cuộc đời của họ, đồng thời thấy được những sự kiện lịch sử đi qua cuộc đời của con người như thế nào, đó chính là di sản”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy phân tích. Cũng theo PGS. TS Nguyễn Văn Huy, thậm chí nếu tổng hợp ghi chép của nhiều nhà khoa học lại, thì sẽ khát quát ra được những vấn đề lớn hơn của cả ngành khoa học, ví như lịch sử của ngành khoa học đó.
Di sản của các nhà khoa học cũng có thể chính là những tấm ảnh họ đã chụp, những tấm ảnh chụp họ. Có thể, với các nhà khoa học, đó chỉ là những tấm ảnh chụp bình thường, lưu niệm, nhưng 10 – 15 năm sau nó đã là những di sản rất quý. Như ảnh chụp của các nhà khoa học trước năm 1945, ảnh chụp trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ… đó là những di sản vô giá và thậm chí đến này là hiếm và vô cùng khó tìm.
Cuối cùng, di sản là những hiện vật của các nhà khoa học, giống như những hiện vật ở bảo tàng, trung tâm sưu tầm, qua những hiện vật ấy, có thể kể câu chuyện sống động về lịch sử đất nước, lịch sử ngành khoa học…
Di sản của các nhà khoa học đơn giản là thế đấy, nhưng để hiểu ra được nó, đúng như những cán bộ của Trung tâm chia sẻ, là một quá trình thay đổi, thay đổi kể cả nhận thức của xã hội, nhận thức của các nhà khoa học. Vì sao, đơn giản vì bản thân các nhà khoa học lâu nay cũng không coi đó là di sản của mình, cũng sẵn sàng bỏ quên, bỏ rơi, để hỏng, thậm chí… bán đồng nát những di sản này, điều này, các cán bộ của Trung tâm “thấm” hơn ai hết.
“Năng nhặt, chặt bị”
“Sau hơn 5 năm chính thức đi vào hoạt động, thành công lớn nhất của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam là nhận được sự tin tưởng, đánh giá cao của xã hội và các nhà khoa học. Trung tâm đã tiếp xúc, đặt vấn đề nghiên cứu hơn 400 nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực, chuyên ngành khoa học khác nhau; sưu tầm được hơn 100.000 tư liệu, bao gồm nhiều loại hình: các bản thảo nghiên cứu, sổ ghi chép, nhật ký, hồi ký, thư từ, văn bản hành chính, ảnh tư liệu… Trung tâm cũng đã tiến hành ghi lại hàng vạn phút ghi âm những dòng hồi ức, những thước phim tư liệu, kỷ niệm, hình ảnh của chính các nhà khoa học hoặc người thân, đồng nghiệp phục vụ cho công tác lưu trữ, nghiên cứu sau này”, đại diện cán bộ Trung tâm chia sẻ.
“Chúng tôi lập hồ sơ, nghiên cứu lịch sử, cuộc đời của từng nhà khoa học, sưu tầm những gì họ có, phỏng vấn, ghi âm những câu chuyện họ để lại. Chúng tôi hiện có 3 hệ thống kho: Kho giấy, kho hiện vật vật chất và kho hiện vật phim, ảnh, băng hình.. Chúng tôi đã tích lũy tư liệu để làm đầy cho kho. Sau 5 năm, có thể tự hào là Trung tâm đã “cứu vớt” được nhiều di sản của các nhà khoa học, đưa vào lưu trữ tại trung tâm”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho biết.
Di sản cũng là ký ức của các nhà khoa học, ký ức của đồng nghiệp của họ, học trò của họ về họ. Chúng ta có nhiều thế hệ, thế hệ đầu tiên đã tới 85 – 90 tuổi, là những nhà khoa học trong những ngày trứng nước của ngành khoa học Việt Nam, nếu không được nghe những ký ức của họ, là chúng ta đã mất đi những kinh nghiệm, những dấu ấn lịch sử. Ví như giáo sư Phạm Đức Dương vừa mất, rất may là chúng tôi đã kịp tiếp cận, phỏng vấn được giáo sư vài buổi, sưu tầm được một số hiện vật, nhưng chưa đủ, còn bao nhiêu câu chuyện trong đầu giáo sư mà chúng tôi chưa kịp khai thác hết, thật sự rất đáng tiếc. Và còn rất nhiều những khoa học khác như thế nữa, phải nhanh chóng cấp cứu những di sản ký ức này – PGS.TS Nguyễn Văn Huy
Những tầng nhà của Trung tâm tại con phố Nghĩa Dũng quả thật giờ đã “đồ sộ” di sản, có những di sản bằng giấy mỏng như giấy pơ luya, được đánh máy và mực có thể bay bất cứ lúc nào, nên được lưu giữ nâng niu không kém gì những cánh bướm. Có những di sản khá thi vị như chiếc xe đạp cổ xưa mà các nhà khoa học đã từng leo đèo, lội suối trong chiến khu, những bộ áo vest họ đã mặc dự những hội nghị quan trọng, những tấm huy chương, huân chương của họ, rồi thậm chí những chiếc mâm, bát, đĩa, ấm sắc thuốc… đã gần với thời hiện đại hơn.
Cái gì cũng đáng giá, hoá ra là như thế. Bởi, như các nhân viên Trung tâm chia sẻ, thông qua những tư liệu của các nhà khoa học, chúng ta có được sự nhìn nhận đầy đủ hơn về đóng góp và những hoạt động của một nhà khoa học. “Ví như các tư liệu của GS Tôn Thất Tùng, khi chúng tôi đến làm việc với gia đình, các tư liệu kể từ khi giáo sư mất vẫn còn giữ trong căn phòng làm việc cũ, nhưng đã vơi dần theo thời gian, dưới sự tác động của thời tiết, mối, mọt… Đọc những cuốn sổ ghi chép đi công tác ở Triều Tiên, Trung Quốc, Pháp của GS Tôn Thất Tùng, chúng tôi biết được những hoạt động của giáo sư trong nhiều công tác chuyên môn, ngoại giao, tổ chức y tế… Tất cả đều vô giá với công tác nghiên cứu lịch sử cuộc đời GS Tôn Thất Tùng nói riêng và lịch sử nền Y tế Việt Nam nói chung”, đại diện cán bộ Trung tâm chia sẻ.
Hay các tư liệu của GS Nguyễn Văn Chiển – một nhà địa chất hàng đầu của Việt Nam. Bộ sưu tập tư liệu của GS Nguyễn Văn Chiển có hàng ngàn tư liệu liên quan đến nhiều vấn đề của khoa học địa chất, của lịch sử đất nước. Là một nhà giáo lão thành tham gia giảng dạy từ khi Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, những ghi chép, tài liệu và bài giảng của GS Nguyễn Văn Chiển là các tư liệu về lịch sử giáo dục nước nhà. Cuộc đời ông gắn liền với lịch sử ngành địa chất, đặc biệt là Chương trình Tây Nguyên I và Chương trình xây dựng tập bản đồ quốc gia Việt Nam do ông làm chủ nhiệm.
Trung tâm cũng đã sưu tầm và nghiên cứu nhiều bộ sưu tập tư liệu quý của các nhà khoa học như: GS Đoàn Trọng Truyến (Kinh tế học), GS Đặng Văn Chung (Y học), GS.TS Phạm Đức Dương (Ngôn ngữ học), Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thấu (Dân tộc học), GS Văn Tạo (Sử học), GS Nguyễn Văn Nhân (Y học)…
Hiện tại, các thành quả của công tác nghiên cứu, sưu tầm cùng hoạt động lưu trữ, bảo quản được thể hiện qua Trang web: Heritist.vn/cpd.vn. Rồi bộ sách “Di sản ký ức các nhà khoa hoa học”, dự kiến gồm 3 tập, cũng đã lần lượt ra đời, hiện đã xong tập 2 và tập 3 cũng sắp xuất bản, là kết quả của những nghiên cứu, sưu tập trong 1 năm của Trung tâm với những câu chuyện đời thường của các nhà khoa học, những đóng góp của họ, những suy nghĩ, sáng tạo của họ, những câu chuyện họ học ra sao để thành nhà khoa học, thăng trầm trong cuộc đời họ.
Chưa có nhiều không gian để trưng bày, nên hoạt động trưng bày của Trung tâm vẫn chỉ là trong dự kiến và dự kiến ấy có thể là ngay sau Tết Nguyên đán này, giới thiệu về di sản của 5 nhà khoa học ngành y hàng đầu của Việt Nam. Ngoài ra, có một cái “đích cuối” đang bắt đầu hành trình đầu tiên, đó là Công viên di sản của các nhà khoa học, hiện đang được xây dựng tại Cao Phong, Hòa Bình, cách Hà Nội 80km, với diện tích 25ha, mà sau này sẽ là bảo tàng, thư viện, khu lưu trữ di sản của các nhà khoa học, đồng thời cũng là nơi nghỉ ngơi cho du khách (cách HN 80km).
Mọi bộn bề đã qua rồi, giờ đây sẽ là lúc để hoàn thiện những nỗ lực của mình. Điều ấy, các cán bộ Trung tâm hiểu hơn ai hết!
Bài:Tuyết Anh, Ảnh: Lục Tiến Mạnh
Nguồn: baotintuc.vn/khoa-hoc-cong-nghe/mo-duong-vao-di-san-cac-nha-khoa-hoc-20140128160406993.htm