Mở ra hướng nghiên cứu mới từ một đề tài khoa học

Sau khi bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ năm 1970, PTS Đỗ Công Huỳnh công tác tại bộ môn Sinh lý học, trường Đại học Quân Y (năm 1980 trường đổi tên là Học viện Quân y). Thời gian đầu, hướng nghiên cứu chủ yếu của ông là cấu trúc, chức năng của não trước qua điện thế cơ sở và cách đáp ứng của nơron đối với các kích thích khác nhau. Nhưng cuối 1985, một hướng nghiên cứu mới đã đến với PGS. TS Đỗ Công Huỳnh khi ông tham gia đề tài “Nghiên cứu chuyên đề châm tê phẫu thuật” do GS Lê Thế Trung – Giám đốc Học viện Quân y là chủ nhiệm. Hướng nghiên cứu đó là Nghiên cứu về đặc điểm cấu trúc, chức năng các huyệt thuộc hệ thống kinh lạc và cơ chế tác dụng của châm cứu. Ông chia sẻ: “Trước đây ở Việt Nam thường gây tê bằng thuốc trước khi thực hiện phẫu thuật. Nhưng sau đó, một số người học ngành y ở Trung Quốc về như GS Hoàng Bảo Châu[1], GS Nguyễn Tài Thu[2] đã áp dụng phương pháp gây tê bằng châm cứu. Để chứng minh tác dụng của phương pháp châm tê này, Bộ Quốc phòng giao cho Viện Quân y 103 và Học viện Quân y kết hợp để thực hiện đề tài “Nghiên cứu chuyên đề châm tê phẫu thuật””[3]. Ở Học viện Quân y, đề tài này có liên quan đến chuyên môn của bộ môn Sinh lý học. Bởi vậy Học viện Quân y giao cho PGS.TS Đỗ Công Huỳnh làm Chủ nhiệm đề tài nhánh (một nội dung trong đề tài của GS Lê Thế Trung) “Tìm hiểu đặc điểm ngoại vi và sự biến động của một số chỉ tiêu sinh lý dưới ảnh hưởng của châm tê một số huyệt”. Như ông cho biết: “Bước sang hướng nghiên cứu mới buộc tôi phải tự học, tự tìm hiểu rất nhiều”[4]. Ông đọc nhiều tài liệu nước ngoài và tài liệu lĩnh vực Đông y của Việt Nam… Để thực hiện đề tài này, PGS Đỗ Công Huỳnh đã hợp tác với các cán bộ ở bộ môn như Nguyễn Tất San, Cao Xuân Đường, Vũ Văn Lạp, Trần Lê, Nguyễn Mười, Nguyễn Đăng Tường, cụ thể ông phân cho mỗi người tìm hiểu một huyệt và châm cứu huyệt đó ở trên thỏ. Ông chia sẻ: “Mục đích khi thí nghiệm trên thỏ là để tìm sự biến đổi điện não trong não bộ, biến đổi về máu, hệ nội tiết, tim mạch, hệ tiêu hóa, chức năng bài tiết khi châm tê. Cụ thể kết quả khi khi châm tê ở các huyệt thì số lượng hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu trong máu có thay đổi thì điện não đồ trên động vật thực nghiệm cũng thay đổi”[5]. Sau hai năm thực hiện, PGS Đỗ Công Huỳnh cùng nhóm nghiên cứu đã viết tổng kết kết quả nghiên cứu đề tài do ông làm Chủ nhiệm và được nghiệm thu vào năm 1987.

PGS Đỗ Công Huỳnh thấy có thể phát triển tiếp hướng nghiên cứu này, nên cũng năm 1987 ông đăng ký đề tài cấp Bộ quốc phòng “Đặc điểm ngoại vi và tác dụng sinh lý của huyệt tam túc lý”. Được Bộ phê duyệt cấp kinh phí thực hiện, với vai trò là chủ nhiệm đề tài, PGS Đỗ Công Huỳnh đã cùng các cộng sự ở một số bộ môn trong Học viện Quân y như: bộ môn Sinh lý học, Giải phẫu học, bộ môn Hóa sinh, Sinh lý bệnh học và Phòng nghiên cứu P14, Bộ Nội vụ triển khai nghiên cứu. Sau đó một thời gian, ông tiếp tục đăng ký tiếp đề tài “ Đặc điểm và tác dụng sinh lý của các huyệt Nội Quan, Hợp Cốc”. Ông cùng các cộng sự ở một số bộ môn ở Học viện Quân y, Bệnh viện 19-8 để thực hiện đề tài. Nói về việc đăng ký hai đề tài này, ông chia sẻ: “Đáng lẽ hai đề tài này có thể gộp chung làm một đề tài, nếu vậy thì thời gian nghiên cứu sẽ kéo dài, mà điều kiện về nhân lực, phòng thí nghiệm với trang bị kỹ thuật, hóa chất cần thiết cho nghiên cứu trong nhiều năm thì rất khó, trừ các viện nghiên cứu nên tôi đăng ký thành 2 đề tài”[6].

Một hướng nghiên cứu mới được GS.TS Đỗ Công Huỳnh chia sẻ

Việc ông làm chủ nhiệm hai đề tài này đã thực sự khẳng định ông đã tiến sâu vào hướng nghiên cứu mới và như ông chia sẻ đó cũng là hai đề tài mà ông tâm đắc. Mục đích của 2 đề tài này là tìm hiểu đặc điểm của các huyệt châm cứu và cơ chế tác dụng của điện châm lên các huyệt, những biến đổi gây ra trong cơ thể động vật và người do châm cứu gây ra. Đặc điểm của các huyệt châm cứu được nghiên cứu gồm vị trí, hình dạng, kích thước, nhiệt độ, cường độ dòng điện.

Thực nghiệm nghiên cứu trên các bệnh nhân bị hội chứng đau thắt lưng hông, đau bả vai, viêm – xơ gan, viêm loét dạ dày, tá tràng ở Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội; Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên; Viện 103. Thực nghiệm nghiên cứu trên động vật là các loại chuột, thỏ được mua và nuôi, theo dõi riêng để tránh các tác động xấu ảnh hưởng lên hệ thần kinh nói riêng và cơ thể nói chung. GS Đỗ Công Huỳnh chia sẻ: “Vì là đề tài cấp bộ nên kinh phí thực hiện không nhiều, phần lớn dùng cho việc mua và nuôi thỏ, chuột làm thí nghiệm. Bên cạnh đó, kỹ thuật viên cũng rất quan trọng vì họ có nhiệm vụ nuôi thỏ và chuột, tiêm hóa chất thực nghiệm và châm cứu. Nếu không có kỹ thuật viên, không có cán bộ cộng tác thì đề tài không thể thực hiện được”[7]. Kỹ thuật viên ở bộ môn Sinh lý học tham gia hai đề tài có Đinh Thị Nỵ, Trần Thị Thúy, Nguyễn Thị Hiền. Đề tài sử dụng 4 loại máy cho thí nghiệm: máy đo cường độ dòng điện, máy đo nhiệt độ, máy đo điện trở, máy xác định ngưỡng đau và các hóa chất. Chính sự phức tạp trong nghiên cứu, sự đòi hỏi các trang thiết bị, hóa chất thí nghiệm là điều khó khăn nhất khi thực hiện đề tài. Tuy nhiên, PGS Đỗ Công Huỳnh đã nhận được sự tin tưởng về chuyên môn từ đồng nghiệp ở Học viện quân y và các cơ quan khác. Ông đã kết hợp với TS Phan Thị Phi Phi ở bộ môn Sinh lý bệnh học, Đại học Y Hà Nội, TS Phạm Hữu Hoan ở P14, Bộ Công an. Ở những nơi này có phòng thí nghiệm có thể xét nghiệm các chất nội tiết, xét nghiệm máu để nghiên cứu những biến đổi điện thế trong những cấu trúc khác nhau của não bộ khi châm cứu các huyệt. Ông cho biết: “Kết quả nghiên cứu của hai đề tài giải thích vì sao châm cứu các huyệt có thể gây tê để phẫu thuật hoặc chỉ cần tiêm ít thuốc gây mê phối hợp, có thể giảm đau. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy huyệt túc tam lý là huyệt hình thoi, còn các huyệt khác chủ yếu là hình tròn. Cường độ dòng điện qua da ở huyệt mạnh hơn so với cường độ dòng điện qua da ở vùng xung quanh huyệt. Điện trở ở trong huyệt thấp, còn xung quanh da điện trở cao hơn. Khi đó hai đề tài này mang tính thời sự vì đang được các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực, đặc biệt là sinh học và y học quan tâm. Đề tài đã làm sáng tỏ đặc điểm của các huyệt châm cứu, xác nhận sự tồn tại thực sự của các huyệt châm cứu và một phần tác dụng điện châm các huyệt trong thực tiễn lâm sàng, trong phẫu thuật và điều trị một số bệnh. Nhờ tìm hiểu được đặc điểm và tác dụng của các huyệt châm cứu đã tìm được các cặp huyệt để bấm huyệt hạ sốt”[8].

Ngày 12-4-1991, đề tài “Đặc điểm ngoại vi và tác dụng sinh lý của huyệt Tam túc lý” được nghiệm thu. Tiếp sau đó đề tài “ Đặc điểm và tác dụng sinh lý của các huyệt Nội quan, Hợp cốc”, được nghiệm thu ngày 30-7-1991, đặc biệt đề tài này được hội đồng đánh giá xuất sắc. Hai đề tài này đã được GS.TS Đỗ Công Huỳnh viết tổng kết chung trong bài “Đặc điểm và tác dụng sinh lý của các huyệt châm cứu” đăng trong Tạp chí Sinh lý học Việt Nam, số đặc biệt nhân Đại hội Hội sinh lý học Việt Nam lần thứ 4, 1994.

Hai đề tài này đã khẳng định sự thành công của GS.TS Đỗ Công Huỳnh ở hướng nghiên cứu mới. Không dừng lại ở đó, ông đã viết khoảng 7 bài báo khoa học về vấn đề này đăng trên các tạp chí chuyên ngành. Đồng thời GS Đỗ Công Huỳnh tiếp tục phát triển hướng nghiên cứu này qua các đề tài hướng dẫn cho nhiều nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên suốt từ năm 1987 đến năm 1997 khi ông nghỉ hưu. Trong đó phải kể đến một số nghiên cứu sinh do ông hướng dẫn luận án như: NCS Vũ n Lạp sau là Phó chủ nhiệm bộ môn Sinh lý học, Học viện quân y; NCS Nguyễn n Tư, sau này làm PGS.TS Nguyễn n Tư – nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Y Thái Nguyên; NCS Nguyễn Bá Quang, nay PGS.TS Nguyễn Bá Quang – Phó Giám đốc Viện Châm cứu Trung ương… Tháng 12-1997, đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên do ông hướng dẫn – “Nghiên cứu tác dụng giảm đau và chức năng vận động của ruột dưới ảnh hưởng của điện châm huyệt Tam túc lý ở bệnh nhân sau phẫu thuật dạ dày” – cũng đạt giải thưởng của Bộ Giáo dục và Đào tạo…

Với GS.TS Nguyễn Công Huỳnh, việc mở ra hướng nghiên cứu mới xuất phát từ sự may mắn khi được tham gia đề tài của GS Lê Thế Trung. Nhưng để đạt được những kết quả trong hướng nghiên cứu mới và đóng góp cho ngành, cho việc đào tạo thế hệ trẻ thì đó là cả một sự cố gắng tự tìm tòi, học hỏi và không ngại khó của ông. 

Lê Thị Hoài Thu

[1] Nguyên Viện trưởng Viện Viện Y học Cổ truyền Việt Nam.

[2] Nguyên Viện trưởng Viện Châm cứu.

[3] Phỏng vấn GS.TS Đỗ Công Huỳnh ngày 19-5-2015, tài liệu lưu giữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[4] Phỏng vấn GS.TS Đỗ Công Huỳnh ngày 19-5-2015, tài liệu đã dẫn.

[5] Phỏng vấn GS.TS Đỗ Công Huỳnh ngày 19-5-2015, tài liệu đã dẫn.

[6] Phỏng vấn GS.TS Đỗ Công Huỳnh ngày 19-5-2015, tài liệu đã dẫn.

[7] Phỏng vấn GS.TS Đỗ Công Huỳnh ngày 19-5-2015, tài liệu đã dẫn.

[8] Phỏng vấn GS.TS Đỗ Công Huỳnh ngày 19-5-2015, tài liệu đã dẫn.