Nhà giáo ưu tú, PGS.TS Đường Công Minh sinh ra và lớn lên tại Hà Tĩnh – vùng đất quanh năm gồng mình với nắng gắt và bão lụt. Nhưng miền quê “mưa thối đất, nắng đỏ trời” ấy cũng là một “địa linh nhân kiệt” – nơi sản sinh nhiều nhân tài của đất nước. Bản sắc quê hương, truyền thống gia đình chính là cái nôi đầu tiên nuôi dưỡng tính cách con người ông. Người có ảnh hưởng nhiều nhất và được ông coi như mẫu hình lý tưởng chính là ông cụ thân sinh: Cha tôi là giáo viên, rất hiền lành, điềm đạm. Cha thích tìm tòi, đọc nhiều sách báo để nâng cao kiến thức. Hồi tôi còn nhỏ, thỉnh thoảng, cha vẫn lấy sách cũ thời cha học chương trình “Sơ học yếu lược”, giảng giải cho tôi những hình ảnh trong các bài tiếng Pháp mà ông đã học1.
Ông Minh còn theo chú ruột học viết chữ đẹp, xem và đọc họa báo. Dưới sự kèm cặp của cha và chú, năm 1957, ông vào thẳng lớp 1 trường cấp I Thường Nga (bỏ qua lớp Vỡ lòng), thuộc xã Nga Lộc, huyện Can Lộc, cách nhà ông chưa đến 500m. Nhưng có lẽ việc “nhảy lớp” như thế lại là hạn chế của ông so với các bạn đã trải qua lớp Vỡ lòng. Những năm đầu, thành tích học tập của ông khá lẹt đẹt. Đến kì nghỉ hè năm 1958, được cha kèm cặp thêm môn tập viết và môn toán, kết quả học tập của ông tiến bộ rõ rệt khiến thầy cô và bạn bè đều ngạc nhiên. Trên đà đó, những năm học tại trường cấp II Lam Kiều (xã Song Lộc, huyện Can Lộc), ông Minh vẫn luôn nằm trong tốp học sinh có thành tích học tập tốt nhất mặc dù ít tuổi nhất lớp. Về ngoại hình, ông là người nhỏ bé gầy yếu nên thầy cô thường lưu ý gia đình chăm sóc bồi dưỡng cho ông. Những khi bà nội và bà ngoại ông bị ốm đau, thường phải chờ đến chủ nhật mới có chú họ là y sĩ ở bệnh viện huyện về khám, điều trị. Chính vì thế, ông nuôi ước mơ trở thành bác sĩ hoặc dược sĩ để có thể chăm sóc sức khỏe cho gia đình và bản thân, giống như chú họ của mình vậy.
Tốt nghiệp trường cấp III Can Lộc (1967), ông Minh và các bạn cùng trang lứa được tuyển thẳng vào các trường đại học. Mặc dù nguyện vọng của ông là theo học ngành Y – Dược nhưng Ban tuyển sinh tỉnh Hà Tĩnh lại sắp xếp ông vào khoa Nga, trường Đại học Ngoại ngữ (nay là trường Đại học Hà Nội). Ông cho rằng, họ chọn ông vào học ngoại ngữ là do kết quả học tiếng Nga của ông khá tốt. Và cơ duyên của ông với ngành ngoại ngữ – ngôn ngữ bắt đầu từ đây.
Năm 1967, ông Minh khăn gói lên đường nhập học, bấy giờ trường Đại học Ngoại ngữ đang sơ tán ở huyện Gia Lương2 (tỉnh Hà Bắc), cách Hà Nội hơn 50km. Thời điểm này cũng là lúc đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh ác liệt nhất khiến việc di chuyển vô cùng khó khăn. Ông phải đi nhờ xe tải của quân đội theo từng chặng. Những cuộc ném bom của Mỹ khiến chuyến đi của ông kéo dài hơn dự định và… ông đã nhập học muộn. Lớp tiếng Nga đã bắt đầu học gần hai tuần. May mắn, đúng lúc ông tìm được đến trường, trường đang chuẩn bị đón tiếp sinh viên mới cho các khoa Trung, Đức, Pháp. Nhà trường cảm thông, tạo điều kiện cho sinh viên từ các tỉnh miền Trung đến nhập học muộn. Phòng Tổ chức cho phép ông chọn vào một trong ba khoa trên. Nghĩ đến cha, đến những cuốn sách tiếng Pháp và văn học Pháp mà cha từng giảng giải, ông đã chọn khoa Pháp.
Tuy đã được làm quen với sách tiếng Pháp và đọc một số sách dịch từ tiếng Pháp như “Những người khốn khổ”, “Đỏ và đen”, “Ngụ ngôn La Fontaine”… nhưng ông Minh thực sự chưa biết tiếng Pháp một cách cơ bản. Thêm vào đó, giọng nói đặc trưng của người miền Trung khiến ông gặp không ít khó khăn trong việc phát âm tiếng nước ngoài. Để khắc phục tình trạng này, trên lớp, ông tập trung nghe giảng, bắt chước giọng nói của giảng viên, đặc biệt là thầy cô có “accent Parisien” – giọng “Parisien”3. Nhờ sự động viên từ xa của cha và nỗ lực của bản thân, từ năm thứ hai, sinh viên Đường Công Minh mạnh dạn thử sức bằng việc dịch cuốn sách “Thầy giáo trường làng” (Le Maitre d’école) của Pierre Gamarra. Ông tặng cha bản dịch này vì nhận thấy người thầy trong tác phẩm rất giống cha mình: Tôi tâm niệm sẽ luôn luôn noi theo tấm gương của cha, điềm đạm, nhân hậu với mọi người và cố gắng học tốt tiếng Pháp để có thể thực hiện được mơ ước mà cha và những người học tiếng Pháp thế hệ ông ấp ủ: Đặt chân đến Paris, thăm Tháp Eiffel, nói chuyện với người Pháp bằng tiếng Pháp trên đất Pháp; và hiện thực nhất là có thể dịch được sách truyện tiếng Pháp ra tiếng Việt như nhiều cuốn cha mua về cho tôi đọc4…
Ông Đường Công Minh (thứ nhất từ trái) và giáo viên hướng dẫn luận văn thạc sĩ (thứ 3 từ trái), trường Đại học Paris VII, Pháp, 1986
Sau khi tốt nghiệp, nhờ kết quả học tập xuất sắc, ông Đường Công Minh là một trong ba sinh viên khoa Pháp khóa 1967-1971 được trường Đại học Ngoại ngữ giữ lại làm giảng viên. Năm 1978, ông được điều chuyển công tác về trường Đại học Tổng hợp Hà Nội làm giảng viên, với cương vị Chủ nhiệm Bộ môn tiếng Pháp (1988-1992) rồi Chủ nhiệm Khoa tiếng Nước ngoài (1992-1996). Từ năm 1993, theo chủ trương sáp nhập các trường: Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội I thành Đại học Quốc gia Hà Nội; khoa Tiếng nước ngoài của trường Đại học Tổng hợp ngừng tuyển sinh để chuyển dần sang trường Đại học Ngoại ngữ (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội). Vì luôn dành một tình cảm đặc biệt cho nơi khởi đầu mối lương duyên với tiếng Pháp và “cội nguồn” của sự nghiệp “kỹ sư tâm hồn” của mình, ông xin được quay lại khoa Pháp – trường Đại học Ngoại ngữ vào năm 1996. Thật vui vì khi tôi trở về, bạn bè, đồng nghiệp chào đón rất nồng hậu5 – PGS.TS Đường Công Minh chia sẻ.
Trong quá trình công tác, ngoài việc giảng dạy, dịch thuật trong chương trình đào tạo cử nhân tiếng Pháp, PGS Đường Công Minh còn tham gia giảng dạy chương trình sau đại học ở các trường: Đại học Hà Nội; Đại học Ngoại ngữ và Đại học Khoa học xã hội và nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Ngoại ngữ Huế; Đại học Louvain (Vương quốc Bỉ)… “Người lái đò” cần mẫn – PGS.TS Đường Công Minh còn tích cực nghiên cứu khoa học, trong đó phải kể đến các đề tài cấp Bộ do ông làm Chủ nhiệm: Nội dung ngữ học Pháp trong chương trình đào tạo cử nhân biên phiên dịch tiếng Pháp (2001), Từ điển tường giải thuật ngữ ngôn ngữ học Pháp – Việt (2006). Hay một số công trình nghiên cứu cấp trường do ông thực hiện như: Cách dạy môn Từ vựng học tiếng Pháp trong chương trình đào tạo cử nhân tiếng Pháp định hướng biên phiên dịch (2005); Trao đổi về cách giảng dạy môn cú pháp ngoại ngữ trong chương trình đào tạo cử nhân ngoại ngữ định hương biên-phiên dịch (2008); Nội dung và bài tập dạy môn ngôn ngữ học đối chiếu Pháp Việt (2012)… Qua những công trình này, ông đã biên soạn một số giáo trình ngữ học Pháp được sử dụng tại trường Đại học Hà Nội, cũng như tại trường Đại học Ngoại ngữ quân sự6, Đại học Ngoại thương…
Ông Đường Công Minh trở lại Paris tham quan tháp Eiffel, 1995
Ước mơ đến nước Pháp của PGS.TS Đường Công Minh được thực hiện vào năm 1982, khi ông tới Besançon7học chương trình Giáo viên tiếng Pháp cho nước ngoài. Sau này, ông còn nhiều lần đặt chân tới Paris, thăm quan tháp Eiffel, học các chương trình sau đại học và nghiên cứu tại Pháp. Ông cũng phần nào thực hiện được ước mơ của cha và bản thân: Dịch nhiều cuốn sách tiếng Pháp sang tiếng Việt và ngược lại. Một số tác phẩm do ông dịch hoặc tham gia dịch như: Tập Kí ức Hà Nội (Souvenirs de Hanoi) – nhiều tác giả, NXB Thế giới, 2007; Xứ Đông dương xưa (L’Indochine d’antan) của Jean Despierres, NXB Giáo dục, 2008; Camille và Paul – niềm đam mê mang tên Claudel, (Camille et Paul – La passion Claudel) của Dominique Bona, NXB Tri thức, 2014; Phía sau vụ án Người xa lạ, (Meursault-la contre-enquête) Kamel Daoud, NXB Văn học 2015; Bí mật của mẹ (Le corps de ma mere) Fawzia Zouari, NXB Văn học 2018; Le héros qui pissait dans son froc (Người vãi linh hồn) tập truyện ngắn của Vũ Bão và nhiều tác giả, NXB l’Aube, Paris, 1996; La petite marchande de vermicelles (Thị trấn của những cây bàng cụt) tập truyện ngắn của Nguyễn Quang Thiều, NXB l’Aube, 1998…
Với PGS.TS Đường Công Minh, tiếng Pháp không chỉ là vốn kiến thức, dạy tiếng Pháp không chỉ là nghề, là nghiệp, mà còn là công cụ rèn giũa tư duy. Và đặc biệt, nó luôn gợi nhắc ông về hình ảnh người cha hiền hậu, đã nuôi dưỡng và hết lòng chăm chút trí tuệ, phẩm chất và nhân cách ông.
Nguyễn Thị Điệp
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam
______________________
* PGS.TS Đường Công Minh, chuyên ngành Ngôn ngữ học, nguyên Chủ nhiệm khoa tiếng Pháp, trường Đại học Hà Nội.
1 Theo tài liệu do PGS.TS Đường Công Minh cung cấp ngày 30-7-2018, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
2 Nay là hai huyện Gia Bình và Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh.
3 Tức giọng giống người Paris.
4 Theo tài liệu do PGS.TS Đường Công Minh cung cấp ngày 30-7-2018, đã dẫn.
5 Ghi âm ĐVĐ PGS.TS Đường Công Minh, 11-4-2018, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
6 Nay là Học viện Khoa học quân sự.
7 Besançon là tỉnh lỵ của tỉnh Doubs, thuộc vùng hành chính Franche-Comté của nước Pháp.