GS.TSKH Thái Văn Trừng là người tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu về Lâm nghiệp ở Việt Nam. Ông dành cả cuộc đời mình cho nghiên cứu khoa học và đã có một số công trình nghiên cứu lớn có ý nghĩa như “Những hệ sinh thái rừng nhiệt đới Việt Nam”; “Phát sinh quần thể và phân loại thảm thực vật rừng nhiệt đới Việt Nam”; “Phục hồi các hệ sinh thái rừng bị chiến tranh hóa học hủy diệt”. Để có được những thành công đó có lẽ một phần công lao không nhỏ là của người vợ đảm đang, rất mực yêu thương chăm sóc ông và gia đình để ôngtoàn tâm dành thời gian cho niềm đam mê nghiên cứu khoa học.
Cầm trên tay tấm thiệp mời dự lễ cưới vàng nhân kỷ niệm 50 năm ngày cưới của vợ chồng GS Thái Văn Trừng và bà Nguyễn Thị Minh Lý, chúng tôi thật sự xúc động về tình yêu sâu nặng và lãng mạn của ông bà dành cho nhau. Thiệp mời được thiết kế khá đặc biệt, trên nền màu vàng nhạt có in tấm ảnh chân dung của hai ông bà khi còn trẻ. Tấm ảnh cưới mới chụp là điểm nổi bật của tấm thiệp, nó được lồng trong hình trái tim màu hồng phía dưới có dòng chữ “Lễ cưới vàng 50 năm”. Sau 50 năm chung sống, có lẽ đây là lần đầu tiên bà mặc váy cưới cô dâu màu trắng rạng rỡ bên chú rể trong ngày kỷ niệm đám cưới Vàng. Nội dung trên tấm thiệp đủ cảm nhận được sự lãng mạn trong tình cảm của hai ông bà. Một đoạn trích trong bài thơ viết về tình yêu của thi sĩ A.de Lamartine người Pháp do hai ông bà dịch sang tiếng Việt được trình bày khá nghệ thuật trên tấm thiệp:
“… Thời gian ơi! Hãy nghỉ cánh bay,
Và khoảng khắc êm đềm hãy ngừng trôi!
Để chúng tôi tận hưởng,
Những niềm vui ngắn ngủi,
Của chuỗi ngày đẹp nhất lứa đôi!…”[1]
Bài thơ bà Minh Lý chép tặng chồng – GS.TSKH Thái Văn Trừng
Năm mươi năm về trước (tính đến 1995), đám cưới của ông bà được tổ chức vào ngày 28-10-1945 tại Huế. Ngày đó, gia đình ông từ Đà Nẵng ra Huế hỏi cưới, nhưng lúc ấy ông còn đang hoạt động tại chiến trường miền Nam vì vậy gia đình đã nhờ một người bà con của ông đóng thế vai chú rể, đám cưới diễn ra với đủ các bước theo phong tục như lễ tổ tiên, trao nhẫn, rước dâu nhưng khi rước dâu đến ngang Bưu điện của thành phố Huế thì người đóng thế cởi bỏ áo chú rể. Sau ngày cưới bà về quê chồng và cùng gia đình sơ tán vào rừng, lúc đó bà phải tập xay lúa, giã gạo, vào rừng nhặt củi, tối về chỉ biết khóc thầm vì đó là những công việc lần đầu tiên bà phải làm.
Mãi đến sau Cách mạng tháng Tám thành công, người nhà vào Cà Mau đưa thư ông mới biết gia đình đã cưới vợ cho ông, ông bèn vội vã theo ghe chở gạo trở về quê nhưng khi đó bà lại đang ở nhà anh chị ở Trung Phước, Quế Sơn, Quảng Nam để giúp chăm lo cho các cháu. Đến ngày 19-5-1946 ông bà mới được đoàn tụ: “Chiều hôm 19-5-1946 em đã đi thuyền 1 đêm 1 ngày và đã về đến nhà lúc 4 giờ chiều và hôm nay 19-5 anh và em đã “thành thân””.[2]
Ông bà gặp nhau rất tình cờ và dường như đó là “duyên số”, mùa hè năm 1939 khi cô nữ sinh trường Đồng Khánh tại Huế Nguyễn Thị Minh Lý được gia đình mời một gia sư về dạy kèm và người đó chính là GS Thái Văn Trừng. Ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên ông dành tình cảm khá “đặc biệt” cho cô “học trò” Nguyễn Thị Minh Lý, một trong những hoa khôi của trường Đồng Khánh. Tình yêu của ông bà trải qua những kỷ niệm đẹp nhưng cũng nhiều thử thách: “Thử thách mối tình đôi ta kéo dài 7 năm (1939-1946) và còn kéo thêm 7 tháng nhưng đã chấm dứt như câu thơ của truyện Kiều: Khi nên trời cũng chiều người. Nhẹ nhàng nợ trước đền bồi duyên sau”.[3]
Khi mới kết hôn cuộc sống của ông bà cũng gặp nhiều khó khăn, bà phải lao động vất vả để chăm lo cho chồng và ông luôn biết ơn bà vì điều đó: “Với đồng lương ít ỏi, đời sống chúng ta còn gặp nhiều gian khổ và anh em vẫn phải lao động để lo cơm lành canh ngọt cho anh và anh vẫn làm em phiền muội. Hãy tha thứ cho anh nhưng có một điều chắc chắn là anh vẫn yêu em như lúc mới gặp nhau và ai mà không yêu em được và anh là người có diễm phúc được em yêu và tình nguyện ăn ở với anh chăm sóc cho anh và giúp anh làm nên sự nghiệp… Mong em tươi vui khỏe mạnh và hạnh phúc và đen lại hạnh phúc cho anh và giúp anh làm tròn trách nhiệm với đời. Anh cảm ơn em”.[4]
Chính tình yêu thương chân thành đã giúp ông bà vượt qua những khó khăn để có cuộc sống hạnh phúc cùng với những người con hiếu thảo, trưởng thành. Mặc dù công việc nghiên cứu khoa học chiếm phần lớn thời gian ngay cả khi đã nghỉ hưu nhưng Giáo sư không quên dành cho bà những tình cảm yêu thương vào những dịp sinh nhật bà, trên một tấm thiệp mừng, ông viết: “Em Minh Lý yêu quý của anh! Nhân dịp kỷ niệm sinh nhật thứ 77 của em anh chúc em mạnh khỏe, vui tươi hạnh phúc bên cạnh anh, các con các cháu. Hãy nhận lấy lòng biết ơn chân thành của anh và của các con, các cháu. Anh của em".[5]
Là một người rất yêu thơ nên mỗi dịp sinh nhật ông bà Minh Lý thường chép một bài thơ về tình yêu để bày tỏ tình cảm của bà dành cho ông như bài thơ “Nghĩ về anh” với lời đề tặng: “Nhân sinh nhật lần thứ 67 của anh Trừng thân yêu Minh Lý kính chúc anh bước sang tuổi 67 sẽ thật khỏe, vứt bỏ tất cả những gì rườm rà lôi thôi của năm 84, giải phỏng tâm hồn cho thanh thản để toàn tâm thực hiện ước mơ khoa học mà anh từng say mê suốt cuộc đời mình, 17-11-1984”.[6]
Thiệp mời của vợ chồng GS.TSKH Thái Văn Trừng thể hiện bằng 2 thứ tiếng Việt – Pháp, (28/10/1945- 28/10-1995).
Rồi vào dịp sinh nhật ông lần thứ 68, bà đã mượn lời bài thơ “Trên con đường nhỏ” Nguyễn Đình Thi dành tặng cho ông những tình cảm sâu sắc, thơ mộng. Bài thơ được bà chép bằng bút mực xanh trên giấy poluya với nét chữ ngay ngắn, dễ đọc, bà còn gạch chân dưới những câu thơ bà yêu thích: “Mỗi giây phút đời anh là của em”. “Anh yêu em mỗi ngày thành dòng suối mới và đêm thành cánh đồng sao cho anh lượm đầy tay” và bà mong ước: “Niềm suy nghĩ trong bài thơ của anh Đình Thi cũng là niềm ước mơ của em. Em ao ước tình yêu của chúng ta sẽ đọng lại mãi trong lòng anh, trong lòng em ngân vang như khúc nhạc trữ tình sâu lắng. Đó là lời em muốn chúc mừng anh thân yêu trong ngày sinh lần thứ 68 của anh, anh Trừng ạ!”.[7] Cùng với bài thơ, bà tặng ông tấm thiệp phong cảnh rất đẹp với những lời đề tặng yêu thương.
Vào năm 2000, trong lần đầu tiên gặp bà tại buổi lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho công trình nghiên cứu khoa học của ông, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã có cảm nhận rất đúng về cuộc sống của hai ông bà. Ông chia sẻ: “Đúng như lời của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, Giải thưởng Hồ Chí Minh dành cho công trình nghiên cứu về Rừng Việt Nam của anh một nửa là của em vì một nhà khoa học dù tài giỏi đến đâu mà không có người vợ hiền chung thủy lo toan gia đình, nuôi dạy con cái nên người cũng không thể nào hoàn thành được một công trình khoa học có giá trị để đóng góp về mặt khoa học và công nghệ cho nhân dân, cho tổ quốc!”.[8]
Thời gian trôi qua, cho dù cả 2 ông bà đều đã đi xa nhưng dường như tình yêu của ông bà vẫn lưu lại trong ký ức của các con cháu, ông Thái Huy Chí (con trai của Giáo sư) chia sẻ: “Hai cụ rất yêu thương nhau, năm 1995 hai cụ tổ chức kỷ niệm đám cưới Vàng, kỷ niệm 50 năm tình yêu của hai người”[9]. Và tình yêu đó còn lưu mãi trong những kỷ vật mà ông bà để lại, đó chính là chất xúc tác màu nhiệm làm nên sự nghiệp khoa học của GS.TSKH Thái Văn Trừng, cũng như cuộc sống đầy hạnh phúc của hai ông bà. Những tư liệu hiện vật của Giáo sư Thái Văn Trừng đã được gia đình gìn giữ cẩn thận và đến nay tin tưởng trao tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam bảo quản và lưu giữ.
Giang Thị Nhung
_______________________
[1] Thiệp mời dự 50 năm đám cưới vàng của GS.TSKH Thái Văn Trừng, 1995.
[2];[3];[4] Hồi ký của GS.TSKH Thái Văn Trừng, năm 1996.