Món quà đặc biệt

Do dịch covid -19, chúng tôi không thể hẹn làm việc trực tiếp với PGS Trần Huy Hổ, nhưng trao đổi qua điện thoại, ông đã hiểu rõ mục đích và mong muốn của Trung tâm trong việc nghiên cứu, lưu trữ các loại hình di sản của các nhà khoa học. Bởi vậy, ông đã dành thời gian để viết lại những câu chuyện cuộc đời mình. Ngày 22-6, qua email, ông đã gửi những trang viết đầu tiên, kể những câu chuyện về cuộc sống, quá trình học tập khi là sinh viên đại học ở Naltrik, Liên Xô (1961-1965).

Qua những trang viết ấy, chúng tôi hiểu thêm được bối cảnh, mối quan hệ thân tình giữa Việt Nam và Liên Xô trong những năm 60 của thế kỷ trước. Một đoạn trong phần hồi ký, ông viết:
Việc có du học sinh nước ngoài hiện diện tại một thành phố nhỏ bé như Naltrik là một hiện tượng đặc biệt. Đài phát thanh thành phố có chương trình đặc biệt giới thiệu về đất nước và con người Việt Nam. Các trường phổ thông mời lưu học sinh mình đến giao lưu với giáo viên và học sinh của trường. Đặc biệt hơn cả là trường hợp của một ông già người Nga, một Đại tá quân đội nghỉ hưu. Ông tìm đến tận nơi ở của đoàn lưu học sinh ta. Ông tự giới thiệu ông là một Đại tá quân đội đã nghỉ hưu, rằng ông là một người lính đã trải qua lửa đạn nên ông hiểu thế nào là chiến tranh. Bởi vậy ông muốn làm đại sứ thiện chí giới thiệu đất nước và con người Xô Viết cho con em của những người đồng đội Việt Nam. Ông là Đại tá Mironenko. Và ông Đại tá trở thành một người bạn, người cha của anh chị em lưu học sinh Việt Nam. Ông đến với lưu học sinh ta mỗi dịp lễ tết của bạn cũng như của ta”.

Hồi ký của PGS Trần Huy Hổ, giống như các tài liệu hiện vật khác, là một nguồn tư liệu quan trọng, và đối với Trung tâm giống như những món quà quý để làm đầy thêm dữ liệu về các nhà khoa học Việt Nam.