Mong mỏi nền giáo dục thực học, thực nghiệp

PGS Nguyễn Khắc Tích[1] sinh năm 1942 tại Bắc Giang. Trong thời gian học tập và công tác tại Học viện Nông lâm[2], ông nhận ra rằng, chương trình giáo dục đại học của Việt Nam chủ yếu đề cao lý thuyết, xem nhẹ tính thực hành và chịu ảnh hưởng từ nền giáo dục của các nước xã hội chủ nghĩa. Ông luôn tự hỏi làm thế nào để thay đổi lối tư duy đó. Năm 1982, trong khi phần lớn đồng nghiệp đi nghiên cứu sinh tại Liên Xô, Trung Quốc thì ông lại quyết định sang Pháp. Dù vấp phải định kiến chính trị nhưng ông cho rằng, Pháp là một nước tư bản, nền giáo dục của Pháp có tính ứng dụng cao. Đó chính là khoảng trống lớn cần được khỏa lấp trong tư duy giáo dục của người Việt.

 

PGS.TS Nguyễn Khắc Tích 

Thời gian học ở Pháp không chỉ giúp giảng viên Nguyễn Khắc Tích nâng cao kiến thức chuyên môn mà còn được tiếp nhận các tư tưởng mới. Sau khi bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ ở Pháp năm 1984, ông về nước và tiếp tục gắn bó với trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Trong quá trình giảng dạy, đào tạo, ông đã cố gắng vận dụng lối tư duy mới là coi trọng khoa học ứng dụng.

Hiện nay, do sức khỏe yếu nên PGS Nguyễn Khắc Tích không thể tham gia các hoạt động khoa học chuyên môn. Ông chia sẻ: “Tôi luôn trăn trở về đổi mới tư duy giáo dục bởi đó vẫn là sự nghiệp còn dang dở. Tôi mong các thế hệ sau sẽ tiếp tục đưa ra những định hướng đúng đắn để phát triển một nền giáo dục thực học, thực nghiệp”.

 

Nguyễn Thị Hợp

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam

[1] Năm 1962, ông thi đỗ vào Học viện Nông lâm. Sau khi tốt nghiệp đại học năm 1966, ông được giữ lại trường làm giảng viên dạy môn Chăn nuôi cơ bản. Ông từng là Chủ nhiệm bộ môn Chăn nuôi chuyên khoa, trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội Ông nghỉ hưu năm 2005.

[2] Tên gọi của Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong giai đoạn 1958-1962.