Một bài tạp chí làm nên dấu ấn cuộc đời

Bài viết có tựa đề “Hệ thống cực trị điều khiển tần số của những tín hiệu tìm kiếm”, được đăng trên Tạp chí Tự động và điều khiển từ xa (số 9, 1971) của Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô. Với PGS.TS Lê Đình Anh[1] như ông tự bạch: Nhờ có bài báo, tôi hoàn thành được nhiệm vụ kép: vừa bảo vệ được luận án phó tiến sĩ, vừa tích lũy được kiến thức để vững vàng trong giảng dạy chuyên môn, đảm nhiệm mọi nhiệm vụ được giao[2].

* *
*

Năm 1962, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành phát dẫn điện tại khoa Điện, trường Đại học Bách khoa Hà Nội, chàng sinh viên trẻ Lê Đình Anh được giữ lại khoa làm cán bộ giảng dạy của bộ môn Điện khí hóa xí nghiệp công nghiệp. Đây là một bộ môn mới thành lập năm 1962, cán bộ giảng dạy chủ yếu học ở Trung Quốc về.

Bốn năm sau, Lê Đình Anh được cử sang Liên Xô thực tập 18 tháng để bổ sung kiến thức và chuẩn bị xây dựng giáo trình “Cơ sở điều khiển học công nghiệp”[3]. Tuy nhiên, sau một năm học tiếng Nga tại trường Ngoại ngữ, trong khi các bạn đồng nghiệp cùng khóa đã sang Liên Xô gần hết, Lê Đình Anh vẫn phải chờ đợi vì không có trường nào nhận thực tập sinh. Rồi Bộ Đại học và Trung học gọi ông lên và đề nghị làm đề cương nghiên cứu sinh. Điều đó khiến ông lo lắng, phần vì sợ không được đi học (một suất đi nước ngoài thời đó đâu phải dễ!), phần vì lo trong tay chưa có kiến thức chuyên ngành, giờ mới bắt đầu tìm hiểu, e rằng thực tập còn chẳng xong! Nhưng Lê Đình Anh vẫn “đánh liều” làm đề cương. Cuối cùng, khoa Điều khiển tự động và kỹ thuật tính (viết tắt là ABTF) của trường Năng lượng Mátxcơva đồng ý tiếp nhận ông làm nghiên cứu sinh.

Trường Năng lượng Mátxcơva là một trường đại học lớn, ông nghe nói các giáo sư của trường rất nghiêm khắc với nghiên cứu sinh và đã có nhiều nghiên cứu sinh phải gia hạn và về nước mà không bảo vệ được luận án. Trong thời gian mới vào trường (khoảng tháng 10-1968), Lê Đình Anh đã chứng kiến cảnh tiễn một nghiên cứu sinh người Nga cùng phòng vì 4 năm không làm xong luận án. Ông rất lo lắng và đã sẵn sàng tâm thế bị đuổi về, nhưng vẫn tự nhủ: Trước khi về nước, mình cố gắng học để tìm hiểu kỹ thuật hiện đại của họ[4].

Thách thức đầu tiên với nghiên cứu sinh Lê Đình Anh là ngoại ngữ. Ông đã tốt nghiệp chương trình bổ túc tiếng Nga một năm ở trường Ngoại ngữ với tấm bằng xuất sắc, được các giáo viên đánh giá là nghe và nói rất tốt. Tuy vậy, ngay khi chuyển từ tàu Trung Quốc sang tàu Liên Xô, nghe người Nga nói chuyện mà ông chẳng hiểu gì cả, cũng như nghe ông nói thì họ không hiểu. Phải mất gần nửa năm học thêm tiếng Nga, ông mới giao tiếp được dễ dàng với người Nga.

Lúc ấy, nghiên cứu sinh Lê Đình Anh gặp áp lực lớn nên phải nỗ lực cao trong việc học tiếng Nga. Một lý do quan trọng là bởi các giáo sư rất tiết kiệm thời gian. Mỗi thầy hướng dẫn khoảng từ 10 đến 20 nghiên cứu sinh, thầy giao nhiệm vụ cho nghiên cứu sinh rồi hàng tuần tất cả tập họp lại theo hẹn và thầy hỏi từng người xem có vấn đề gì cần trao đổi, nếu không trả lời nhanh thì thầy chuyển sang hỏi học viên khác. Do đó nghiên cứu sinh Lê Đình Anh tự thấy mình phải nhanh chóng cải thiện trình độ tiếng Nga để làm việc với thầy hướng dẫn và hòa nhập với các nghiên cứu sinh khác. Với mục tiêu đó, bên cạnh việc học trên lớp, ông còn xung phong làm đơn vị trưởng sinh viên Việt Nam tại trường – một công việc được coi như “vác tù và hàng tổng”. Mỗi lần chiếc điện thoại ngoài hành lang kí túc xá reo lên, ông biết ngay là phòng Đối ngoại của trường gọi mình tới vì những chuyện liên quan đến sinh viên Việt Nam. Tuy bận thêm như vậy, nhưng cũng nhờ thế mà vốn tiếng Nga giao tiếp của ông khá hẳn lên.

Sang đầu năm 1969, nghiên cứu sinh Lê Đình Anh chính thức được thầy hướng dẫn là GS Alecxandrovski giao nhiệm vụ nghiên cứu. Thầy là người gốc Do Thái, ngoài 60 tuổi và rất nghiêm khắc. Đáng lẽ nghiên cứu sinh Việt Nam được ưu tiên không phải làm trợ giảng và viết bài đăng tạp chí, nhưng thầy vẫn yêu cầu Lê Đình Anh thực hiện tất cả như nghiên cứu sinh người Nga. Cho nên, Lê Đình Anh vừa phải hướng dẫn thí nghiệm và bài tập cho sinh viên, vừa trợ giảng cho thầy, đồng thời tiếp tục cố gắng trau dồi tiếng Nga để làm việc với sinh viên thuận lợi hơn.

Thầy Alecxandrovski phụ trách một phòng thí nghiệm chuyên đề về hệ thống điều khiển tự động thích nghi của khoa. Đây là phòng thí nghiệm bảo mật, mọi người đều phải có mã số mới vào được và mã số thay đổi hàng tuần. Phòng thí nghiệm đã nghiên cứu làm ra thiết bị thông minh, có vài nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công khi làm việc tại đây nhưng về mặt lý thuyết, vẫn chưa có ai tìm ra và phân tích chất lượng của hệ thống. Do đó, thầy Alecxandrovski giao cho nghiên cứu sinh Lê Đình Anh nhiệm vụ phân tích hệ thống tối ưu tìm cực trị và tìm ra lý thuyết của hệ thống này. Đây là một vấn đề lý thuyết rất khó. Nhớ lại chuyện ấy, PGS.TS Lê Đình Anh tâm sự: Lúc đó tôi cảm giác rất sợ, vì bản thân mình không có kiến thức gì, phòng thí nghiệm như một guồng máy đang chạy, tôi cũng không dám hỏi nhiều vì sợ gây cản trở[5].

Phải nói thêm rằng, lúc bấy giờ ở Liên Xô và Mỹ đang rất phát triển hệ thống điều khiển thông minh có tác dụng điều khiển máy móc thay thế lao động trí óc. Ngay trong chiến tranh Việt Nam, Mỹ đã ứng dụng hệ thống này để chế tạo bom thông minh những năm 1965-1968. Thầy Alecxandrovski chỉ hướng dẫn tìm đọc những luận án liên quan đến vấn đề này, còn nghiên cứu sinh Lê Đình Anh phải tự tìm hiểu qua tài liệu trên thư viện, vì không có ai dạy cho ông, nghiên cứu sinh lớp trước thì sau khi bảo vệ xong luận án đều đã về nước hoặc đã ra công tác. Một điều khó khăn khác là hệ thống điều khiển thông minh không thuần túy như hệ thống điện, hệ thống mạch…, mà là một hệ thống phức hợp những thiết bị với bản chất vật lý khác nhau và làm việc một cách đồng bộ với nhau, chỉ một việc mô hình hóa để xem hoạt động của hệ thống như thế nào đã rất khó. Thêm nữa, đó lại là một hệ thống phi tuyến, được nhiều nghiên cứu sinh gọi là “bức tường đá” và khuyên ông đừng động đến.

Nghiên cứu sinh Lê Đình Anh miệt mài nghiên cứu trên máy tính ở phòng thí nghiệm trong gần 6 tháng. Nhiều đêm, ông nằm lo ngay ngáy và không ít lần giật mình thức dậy trước nhiệm vụ khó khăn mà thầy hướng dẫn đã giao. Có lần, ông làm hỏng một chiếc máy tính của bộ môn, do vặn sai nút khiến cho máy bị cháy. Ông sợ đến mất ăn mất ngủ, vì nghĩ rằng phen này chuẩn bị khăn gói về nước![6]. Không ngờ, hôm sau ông đến trình bày với thầy hướng dẫn phụ là PGS Kuzin[7] thì thầy xua tay bảo không sao, rồi gọi ngay trưởng phòng thí nghiệm lấy máy tính khác cho ông sử dụng.

Nghiên cứu sinh Lê Đình Anh (phải) làm việc bên máy tính tại trường Năng lượng Mátxcơva

Một buổi sáng khoảng giữa năm 1969, PGS Kuzin tình cờ đi ngang chỗ nghiên cứu sinh Lê Đình Anh đang ngồi làm việc với máy tính, nhìn qua màn hình rồi sau đó ra lệnh cho phòng thí nghiệm dẹp bỏ máy tính của ông. Ông giật mình chưa hiểu chuyện gì xảy ra. Thầy Kuzin vui mừng cho biết, ông đã nắm được hệ thống tối ưu tìm cực trị trên máy tính để chuyển sang phần nghiên cứu lý thuyết của hệ thống. Ông sướng rơn vì đã qua được một giai đoạn thử thách. Từ đó, ông bắt đầu vào vòng xoáy làm việc cùng các đồng nghiệp trong phòng thí nghiệm.

Thường một năm hai kỳ, các nghiên cứu sinh báo cáo trước bộ môn về kết quả nghiên cứu trong kỳ học. Trong lần họp bộ môn đầu năm 1970, sau khi nghe nghiên cứu sinh Lê Đình Anh trình bày những kết quả đã làm được, thầy Kuzin gợi ý ông sửa lại báo cáo để viết thành bài gửi đăng trên Tạp chí Tự động và điều khiển từ xa của Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, đồng thời cũng lưu ý ông muốn đăng thì cần hoàn thiện sớm, vì phải chờ đợi rất lâu. Đó là lần đầu tiên Lê Đình Anh viết bài tạp chí, khi ông chưa biết cách thức viết thế nào và vốn tiếng Nga chuyên ngành cũng chưa thành thạo lắm. Ông đến thư viện mày mò đọc để học cách viết, rồi hoàn chỉnh bài viết vào tháng 5-1970. Khi nhận bài, GS Alecxandrovski gạch bỏ ngay tên hai đồng tác giả là mình và thầy Kuzin, đề nghị chỉ để một tác giả: Lê Đình Anh – Hà Nội. Theo PGS.TS Lê Đình Anh chia sẻ, khi đó ông hơi run, vì sợ nếu không “núp bóng” thầy thì bài viết khó lọt được khâu sàng lọc. Tuy nhiên, qua nhiều khâu kiểm duyệt của các phản biện, cuối cùng ông được thông báo rằng bài đã được chấp nhận.

Đến tháng 9-1971, bài “Hệ thống cực trị điều khiển tần số của những tín hiệu tìm kiếm” được xuất bản và gửi cho nghiên cứu sinh Lê Đình Anh. Bài tạp chí này chỉ vỏn vẹn hơn 6 trang in, nhưng nội dung đã thể hiện là một điển hình cho nghiên cứu về hệ thống cực trị. Bạn bè quây quần chúc mừng tác giả, đặc biệt là từ đây ông đã vượt qua thử thách và trở thành học trò tin cẩn của thầy Alecxandrovski.

Trang đầu bài viết đăng trên tạp chí, xuất bản năm 1971

Còn hơn một năm rưỡi nữa Lê Đình Anh mới hết thời hạn nghiên cứu sinh. Biết chắc luận án đã trong tầm tay, ông yên tâm cộng tác với các đồng nghiệp trong phòng thí nghiệm và sau đó đăng thêm một số bài nữa, xoay quanh vấn đề cốt lõi trong bài đầu tiên kia. Ngẫm lại, PGS.TS Lê Đình Anh nhận thấy, có lẽ do may mắn và nhờ kiên trì làm việc trên máy tính nên ông mới tìm ra được lời giải và viết được bài tạp chí ấy. Nhưng cũng từ đây nảy ra một vấn đề khiến ông suy nghĩ: Mình là anh rỗng ruột, chưa có kiến thức gì nhiều, muốn về giảng dạy vững vàng thì phải đi học[8]..Do đó, từ năm 1971, nghiên cứu sinh Lê Đình Anh xin thầy hướng dẫn cho đi nghe giảng trên lớp để học các môn chủ yếu của ngành Điều khiển tự động. Thầy Alecxandrovski vui vẻ đồng ý. Nhờ vậy mà ông tích lũy được kiến thức về hệ thống điều khiển, lý thuyết điều khiển tự động… Tháng 2-1972, ông bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ trong niềm hân hoan của các đồng nghiệp tại phòng thí nghiệm. Sau khi về nước, ông trở thành trưởng nhóm Lý thuyết điều khiển tự động của bộ môn Điện khí hóa, khoa Điện, trường Đại học Bách khoa Hà Nội, và đến năm 1976, khi nhà trường thành lập bộ môn Điều khiển tự động, ông được phân công sang xây dựng bộ môn này.

Lê Đình Anh (ngoài cùng bên phải) cùng thầy Alecxandrovski (giữa) và các bạn nghiên cứu sinh, tháng 10-1971

Bẵng đi một thời gian khá lâu, trong chuyến đi Hà Lan trong khuôn khổ chương trình VH5[9], PGS.TS Lê Đình Anh có dịp thấy lại bài tạp chí của mình nhưng bằng tiếng Anh. Chuyện là, có chuyên gia nước bạn hỏi ông học Tiến sĩ ở đâu và thời gian nào. Tưởng như đó chỉ là câu hỏi giao tiếp đơn thuần, nhưng độ một tuần sau vị chuyên gia đưa ra bài báo của ông đã công bố ở Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô trước kia, nhưng đã được dịch ra tiếng Anh và lưu trữ ở Mỹ.

Đến nay, PGS.TS Lê Đình Anh không giữ được bản thảo của bài tạp chí, ông chỉ lưu được bản in bằng tiếng Nga. Với ông, đó là bài viết có ý nghĩa sâu sắc, tạo nên bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy của ông, dù về sau ông chưa có điều kiện phát triển hệ thống thông minh này ở nước ta. Vì thế, đây là bài tạp chí đặc biệt, như một kỷ vật của ông.

Trần Bích Hạnh

______________________

[1] Nguyên Chủ nhiệm bộ môn Điều khiển tự động, khoa Điện, trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

[2] Phỏng vấn PGS.TS Lê Đình Anh, 12-3-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[3] Đề cương thực tập do Lê Đình Anh viết, có xác nhận của trường Đại học Bách khoa, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[4] [5] [6] [8] Phỏng vấn PGS.TS Lê Đình Anh, 9-1-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[7] PGS Kuzin phụ trách chính hoạt động của phòng thí nghiệm.

[9] Viết tắt từ tên chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Hà Lan về Điều khiển tự động, những năm 1980.