Gần 50 năm gắn bó với sự nghiệp giảng dạy và điều trị bệnh (1960-2007), GS Đặng Hanh Đệ, nguyên Phó Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại, trường Đại học Y Hà Nội, nguyên Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Tim mạch, Bệnh viện Việt – Đức luôn tâm niệm "Nghề giảng dạy phải gắn liền với biên soạn tài liệu, viết sách". Ông là tác giả và chủ biên của nhiều cuốn sách: Triệu chứng học Ngoại khoa (2000); Phẫu thuật cấp cứu Tim mạch-lồng ngực (2001); Kỹ thuật mổ (2008); Cấp cứu Ngoại khoa (2010)… và là đồng tác giả của một số cuốn sách về Ngoại khoa khác.
Từ lâu, GS Đặng Hanh Đệ luôn nung nấu việc soạn thảo một cuốn sách đề cập đến toàn bộ các bệnh về Ngoại khoa, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, ông chưa thực hiện được. Sau khi nghỉ hưu, ông dành thời gian rảnh rỗi tra cứu cập nhật các kiến thức về Ngoại khoa để theo dõi và không bị lạc hậu với sự phát triển của nền Y học thế giới, và tiếp tục niềm đam mê viết sách của mình. "Viết sách là thói quen, không những giúp cho trí óc mà còn tạo cho tôi nhiều hứng thú" – GS Đệ nói.
GS Đặng Hanh Đệ với bản thảo sách gần 1000 trang
Trong vòng một năm (2011-2012), GS Đặng Hanh Đệ đã dành thời gian, trí lực, sức lực cho cuốn sách "Chẩn đoán và điều trị các bệnh Ngoại khoa (khoảng 1000 bệnh)". Bản thảo cuốn sách gồm 41 chương, trong đó Giáo sư Đệ viết 29 chương, với gần 1000 trang viết tay. Hiện bản thảo đã được đánh máy, sắp xếp theo chương mục cùng với các chương của các tác giả khác và gửi đến Nxb Giáo dục Việt Nam để xuất bản trong thời gian tới.
"Có lẽ đây là lần đầu tiên có một quyển sách đề cập rộng rãi đến các bệnh Ngoại khoa. Cuốn sách nhằm giúp cho các bác sĩ, đặc biệt là với những người làm việc ở vùng sâu, vùng xa có thể chẩn đoán và biết hướng điều trị những hình thái bệnh tật hết sức đa dạng thường gặp hàng ngày" – GS Đặng Hanh Đệ cho biết. Ngoài bản thảo cuốn sách trên, GS Đặng Hanh Đệ còn tặng Trung tâm hơn 20 bức thư của ông và vợ ông – bà Lê Lan Phương gửi cho nhau trong thời gian bà Phương tu nghiệp về Gây mê hồi sức tại Pháp, năm 1992.
Chúng tôi xin cảm ơn sự ủng hộ, tin tưởng và những tình cảm mà ông dành cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
Hoàng Thị Liêm