GS.TSKH Đinh Văn Hoàng là một trong số các nhà khoa học thuộc khóa I (1956 – 1959), trường Đại học Tổng hợp mà Trung tâm Di sản đã gặp gỡ, tiếp xúc trong những ngày đầu năm 2014. Trong buổi làm việc thứ hai, ngày 3 – 1 – 2014, ông đã kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện, kỷ niệm về quê hương, gia đình, quá trình học tập của mình. Đặc biệt, với GS Đinh Văn Hoàng, quá trình học tập tại trường Sư phạm Trung cấp Trung ương (1951 – 1953) tại Trung Quốc là một bước ngoặt quan trọng.
GS.TSKH Đinh Văn Hoàng
Năm 1951, sau khi tốt nghiệp trường Nguyễn Thượng Hiền (Thanh Hóa), Đinh Văn Hoàng cùng 40 người, là con em các gia đình tham gia kháng chiến được cử đi học tại trường Sư phạm Trung cấp Trung ương, có trụ sở tại Nam Ninh, Trung Quốc. Cảm giác vui mừng khi nhận được giấy báo đi học xen lẫn cảm giác hồi hộp, lo lắng lần đầu tiên xa nhà của chàng trai 17 tuổi cho đến bây giờ ông vẫn chưa quên. Hành trình suốt hai tháng trời từ Thanh Hóa đến biên giới Trung Quốc cũng là một câu chuyện dài đối với ông. Trong hai năm học tập tại đây, với những buổi học chuyên môn, chính trị trên lớp, những buổi sinh hoạt đoàn với hình thức “tam tam chế” (hình thức sinh hoạt gộp ba đơn vị nhỏ thành một đơn vị lớn hơn) và từ những câu chuyện của các anh, chị khóa trên kể lại đã giúp Đinh Văn Hoàng nhận ra rằng, là thanh niên phải sống có mục đích, có chí hướng và không ngừng phấn đấu vươn lên. “Thời gian học tập tại trường Sư phạm Trung cấp Trung ương bên Trung Quốc là bước chuyển lớn về tư tưởng và nhận thức đối với tôi” – GS Hoàng chia sẻ.
Những kiến thức tiếp thu được từ mái trường Sư phạm này đã giúp GS.TSKH Đinh Văn Hoàng định hướng cho mình con đường đi trong suốt quá trình công tác, nghiên cứu sau này.
Bích Phương