Ngày 10-10-2017, tại nhà riêng trên con phố Trần Hưng Đạo, cán bộ Trung tâm có buổi trò chuyện thú vị, rất hữu ích như một bài giảng với PGS.TS Nguyễn Văn Huy xoay quanh chủ đề về nghệ thuật trưng bày bảo tàng.
Trưng bày trong bảo tàng là hồn cốt, là lõi nam châm
thu hút khách tham quan…
PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên là Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, với những cống hiến, đóng góp quan trọng cho ngành Bảo tàng Việt Nam, ông đã trở thành chuyên gia hàng đầu về Bảo tàng học. Gắn bó với nghiệp bảo tàng, dù đã nghỉ hưu nhưng PGS.TS Nguyễn Văn Huy vẫn luôn trăn trở về câu chuyện bảo tàng, sự phức tạp và đa dạng về nội dung, đặc biệt, vấn đề trưng bày làm sao để nó trở thành linh hồn, hồn cốt của mỗi bảo tàng.
Tại buổi trao đổi cùng cán bộ Trung tâm, thông qua những trưng bày đặc sắc trên thế giới mà ông đã có dịp mục sở thị, PGS Nguyễn Văn Huy đặc biệt nhấn mạnh đến “hồn cốt” của một bảo tàng, đó chính là nghệ thuật trưng bày. Ông giảng giải cặn kẽ từng khía cạnh: về Nghệ thuật kể chuyện; Nghệ thuật viết bài; Nghệ thuật sắp đặt; Nghệ thuật đồ họa; Nghệ thuật ánh sáng; Nghệ thuật tạo lộ trình hợp lý. Và chốt lại, để có một trưng bày hấp dẫn cần kết hợp nhuần nhuyễn ba yếu tố: tính khoa học, tính nghệ thuật và công nghệ. Bên cạnh đó, ông còn phân tích sự đa dạng hóa trong các hoạt động bảo tàng, những khó khăn trong công tác làm bảo tàng, sự thờ ơ khi “xã hội chưa coi bảo tàng là một nghề”, sự thiếu đồng bộ trong công tác đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên sâu về lĩnh vực này…
Từ những bài học kinh nghiệm và kho vốn liếng về trưng bày mà PGS Nguyễn Văn Huy chia sẻ, truyền thụ trong buổi làm việc đã gợi mở nhiều định hướng hoạt động của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam trong tương lai, sau gần 10 năm hình thành và phát triển.
Nguyễn Thành
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam