PGS.TS Trần Đình Trọng là tác giả của công trình nghiên cứu “Góp phần nghiên cứu biến dị hình thái cá chép ở Việt Nam” và “Kích sinh sản cho cá bằng phương pháp não thùy” được Nhà nước quan tâm, cho ứng dụng triển khai mô hình tại nhiều trại nuôi cá trong cả nước.
PGS.TS Trần Đình Trọng (phải) chia sẻ về quá trình công tác,
giảng dạy đại học của mình
Thể hiện sự tin tưởng, ủng hộ của mình đối với hoạt động của Trung tâm, PGS.TS Trần Đình Trọng đã trao tặng toàn bộ tài liệu, hiện vật của mình mà ông còn lưu giữ được trong suốt mấy chục năm công tác. Đó là những bức ảnh tư liệu, luận án Phó tiến sĩ, giấy chứng nhận đại học, chức danh Phó giáo sư, các văn bản, quyết định, giấy mời tham gia Hội đồng, các văn bản trao đổi, hợp tác quốc tế, giáo trình do ông soạn thảo, cặp da, thư từ,… Thông qua những tài liệu, hiện vật này, phần nào phản ánh quá trình học tập, công tác của ông. Trong đó, đặc biệt đáng chú ý là các văn bản trao đổi chuyên môn hợp tác quốc tế với nhiều tổ chức chuyên ngành thủy sản trên thế giới như Anh, Bỉ, Đức, Trung Quốc…Các cuộc trao đổi chuyên môn quốc tế đã góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa chuyên ngành sinh học- thủy sản Việt Nam và thế giới.
Tình cảm ấm nồng của PGS.TS Trần Đình Trọng và những người thân trong gia đình ông, một lần nữa giúp chúng tôi có thêm niềm tin, thêm trân trọng công việc mình đang thực hiện.
Ra về khi trời đã nhá nhem tối, nhưng trong lòng chúng tôi ai cũng tràn ngập niềm vui và sự cảm phục về một tấm gương bền bỉ trong nghiên cứu khoa học, công tác giảng dạy. Và những tài liệu hiện vật mà ông trao tặng Trung tâm hôm nay sẽ là những tư liệu quan trọng, góp phần làm rõ hơn về cuộc đời của PGS.TS Trần Đình Trọng.
Lê Ánh Nguyệt