Tết âm lịch đầu năm 1948, trường Đại học Y quyết định cho sinh viên nghỉ 2 tuần lễ, tôi và bạn cùng lớp là Vũ Phong[1] và Hoàng Kim Phụng[2] quyết định đi mảng về Tuyên Quang để đỡ được một chặng đường bộ. Chủ trương này khá mạo hiểm vì cả ba người không ai quen với sông nước, đặc biệt Phụng lại không biết bơi. Tuy nhiên lúc đó không ai nghĩ như thế vì tuổi trẻ đã quyết là làm. Ba người tập hợp lại quyết định mua một cái mảng làm từ khoảng 10 cây bương ghép lại. Tôi ngồi đầu mảng, Phong ngồi cuối còn Phụng ngồi giữa. Từ làng Quẵng ra sông Gâm, suối hẹp, có những đoạn chảy khá xiết, may mà tôi và hai bạn đi trót lọt. Ra tới sông Gâm phải luôn tay chèo vì về mùa này nước sông chảy không mạnh lắm. Sông rộng, chiếc mảng con như chơi vơi giữa dòng nước. Một sự cố bất ngờ đã xảy đến. Tới một đoạn sông có một cây gỗ nhô lên như một cây cọc cắm xuống nước. Chưa có kinh nghiệm sông nước nên tất cả chúng tôi cứ thản nhiên bơi bè, nào ngờ dòng nước chảy xô bè vào cây làm chiếc bè nhỏ như bị gắn chặt vào đó. Nước chảy xiết, bè nghiêng dần và có nguy cơ bị lật. Tôi và Phong phải nhảy xuống nước, làm đối trọng giữ cho bè khỏi lật, chỉ còn mình Phụng không biết bơi ngồi trên bè ôm mấy cái ba lô. Tình thế lúc này thật nguy kịch vì cả ba không thể chống trọi nổi với dòng nước, may sao lúc đó có một chiếc thuyền đánh cá gần đó tới trợ giúp. Chủ thuyền dùng sào đẩy mạnh mới đưa bè của ba chúng tôi thoát khỏi dòng nước xoáy quanh cây gỗ. Hôm đó không tới thị xã Tuyên Quang được, tôi và hai người bạn tạt vào một xóm chài ở cửa sông nghỉ qua đêm cũng là để lấy lại sức, hong quần áo cho khô. Sáng hôm sau nán bè, cả ba người lại đi thuyền về thị xã Tuyên Quang. Từ đây, tôi về trường Trung học kháng chiến Đào Giã rủ em Cẩn lên Ấm Thượng ăn tết với cô chú bá Tuynh. Còn Phong và Phụng đi theo các hướng khác.
Sau Tết, tôi và hai người bạn trở lại Chiêm Hóa, Tuyên Quang học tập. Năm học 1947 – 1948 kết thúc, nhà trường cho sinh viên nghỉ 3 tháng hè để về thăm gia đình và đi thực tập bệnh viện. Tôi qua Đào Giã rủ Cẩn cùng về Bắc Ninh. Lúc này ở quê cũng đã có thay đổi, anh Thuyên đã lên Đại Từ làm việc ở Bộ Thương binh; anh Tường cũng đã thoát ly đi bộ đội; em Lan tham gia dạy cấp 1 ở trường làng. Như vậy chỉ còn hai em Từ và Xuân Hoa còn phải sống dựa vào bác cả. Ở quê ít hôm, tôi lên thực tập ở Bệnh viện Phúc Yên, lúc đó sơ tán ở Thắng Trí do bác sĩ Nguyễn Đình Cát phụ trách. Cùng thực tập ở đây còn có Phong, Thìn và Toại, ba sinh viên cùng khóa với tôi. Rồi tôi lại chuyển lên Bệnh viện Vĩnh Yên ở Đạo Tú, do bác sĩ Đinh Văn Thắng phụ trách. Cuối cùng tôi kết thúc đợt thực tập hè ở Bệnh viện Quế Trạo của bác sĩ Đỗ Xuân Hợp.
GS.TS Nguyễn Duy Tuân