Sáng ngày 21-6-2016, nghiên cứu viên Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã có buổi gặp gỡ với PGS.TS Hán Văn Khẩn và nghe ông chia sẻ về những chuyến khai quật để chuẩn bị cho việc xuất bản cuốn sách này.
Năm 1965, sinh viên Hán Văn Khẩn được tham gia chuyến khai quật đầu tiên ở di chỉ Gò Bông[1] thuộc văn hóa Phùng Nguyên. Đến năm 1999, nhân dịp kỷ niệm 40 năm phát hiện di chỉ đầu tiên của văn hóa Phùng Nguyên ở Lâm Thao, Phú Thọ, PGS.TS Hán Văn Khẩn có ý tưởng viết một cuốn sách trình bày một cách hệ thống các kiến thức về nền văn hóa này. Từ đó, hàng năm PGS.TS Hán Văn Khẩn đều hăng say thực hiện các chuyến khai quật ở nhiều di chỉ thuộc các tỉnh: Phú Thọ, Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc… Ông cho biết: khi đi khai quật ở Phú Thọ, nhân dân sống rất tình cảm, có những gia đình ngủ dưới bếp và nhường lại nhà, chăn,chiếu cho mình ngủ. Thậm chí họ còn chăm lo cơm nước cho mình và sẵn sàng hiến đất để mình khai quật mà không đòi tiền bồi thường.
PGS.TS Hán Văn Khẩn
Năm 2005, PGS.TS Hán Văn Khẩn đã tổng hợp kết quả thu được từ những chuyến khai quật cùng với kiến thức, kinh nghiệm tích lũy trong quá trình giảng dạy viết thành cuốn sách Văn hóa Phùng Nguyên, được Nxb ĐH Quốc gia Hà Nội ấn hành. Nhiều nhà khoa học đánh giá đây là một cuốn sách tham khảo bắt buộc đối với một người nghiên cứu về văn hóa Phùng Nguyên.
Sau đó, năm 2009, PGS.TS Hán Văn Khẩn đã hoàn thành cuốn: Xóm Rền một di tích khảo cổ đặc biệt quan trọng của thời đại đồ đồng Việt Nam, Nxb ĐH Quốc gia Hà Nội – viết về di chỉ lớn nhất của văn hóa Phùng Nguyên. Như ông chia sẻ, là người con đất tổ Phú Thọ nên ông luôn muốn đóng góp cho việc nghiên cứu về văn hóa Phùng Nguyên, góp phần nghiên cứu về thời kỳ lịch sử Hùng vương.
Lê Thị Lợi
* PGS.TS Hán Văn Khẩn nguyên là Phó Chủ nhiệm khoa Lịch sử, trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội.
[1] Tại xã Thượng Nông, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.